RFI ĐIỂM BÁO :
Lê Phước - RFI
Thứ hai 09 Tháng Giêng 2012
Theo lịch trình, ngày hôm qua 8/1/2012, các quan sát viên của Liên Đoàn Ả Rập tại Syria chính thức đệ trình báo cáo đầu tiên về tình hình xung đột ở nước này. Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn. Phân tích tình hình Syria, nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité có bài nhận định : « Syria : đã có bóng dáng của một cuộc nội chiến ».
Tờ báo nhắc lại, mấy ngày qua ở tỉnh Deraa, nhiều vụ chạm trán dữ dội đã nổ ra giữa quân đội còn trung thành với chính phủ Assad và những quân nhân đào ngũ thuộc quân đội tự do Syria của phe nổi dậy. Hôm thứ bảy rồi, một cuộc đụng độ mang màu sắc nội chiến khác cũng đã xảy đến tại thành phố Homs, giữa một bên là quân đội chính phủ thẳng tay đàn áp người biểu tình và một bên là, các quả roquette được phe nổi dậy bắn vào một khu dân cư được cho là thân Assad.
Một ngày trước đó, tức hôm thứ sáu, « cuộc chiến » lại đến với thủ đô Damas khi xảy ra một vụ tấn công tự sát làm ít nhất 26 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương. Ngày 23/12, cũng tại Damas, hai vụ tấn công tự sát đã nổ ra làm 44 người chết và 166 người bị thương.
Trong cả hai lần tấn công tự sát, chính phủ Assad đều cho đó là hành vi của « bọn khủng bố », và cam kết sẽ đáp trả thẳng tay. Thứ bảy rồi, truyền hình quốc gia Syria còn phát hình ảnh hàng ngàn người tay cầm cờ Syria và ảnh ông Assad đến tham dự đám tang của các nạn nhân ngày thứ sáu. Tờ nhật báo chính thức As-Saoura cũng khẳng định : « Chủ nghĩa khủng bố sẽ bị tiêu diệt tận gốc ». Theo L’Humanité, tờ báo này muốn ám chỉ đến những vụ tấn công của tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo tại Syria trong những năm 1980.
Về phần mình, Hội đồng quốc gia Syria của phe nổi dậy cho rằng, chính phủ Assad đã dàn dựng kịch bản khủng bố để hạ uy tính quân nổi dậy. Hội đồng này nghi ngờ các quan sát viên của Liên Đoàn Ả Rập tại Syria ngả về phía Assad và mong muốn có sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, L’Humanité cho hay, có vẻ như muốn « hăm dọa » phe nổi dậy về ý định quốc tế hóa hồ sơ Syria, một hạm đội của Nga đã cập bến tại căn cứ hải quân Tartus (Syria). Hạm đội này gồm đủ tàu chiến, máy bay chiến đấu và cả hệ thống tên lửa phòng không.
Tóm lại, theo L’Humanité, xung đột tại Syria đã mang màu sắc nội chiến, tức những người Syria đã bắt đầu tàn sát lẫn nhau.
Miến Điện : Đảng đối lập tham gia bầu cử quốc hội
Đến với Miến Điện, L’Humanité có bài thông tin « Suu Kyi trở thành ứng cử viên tại Miến Điện ».
Bầu cử quốc hội Miến Điện, cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên kể từ khi Miến Điện bước vào chế độ dân sự hồi đầu năm 2011, sẽ được tổ chức vào đầu tháng tư tới. Hôm thứ năm rồi, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng đối lập chính thức tại Miến Điện, đã chính thức được cho phép tham gia cuộc bầu cử này. Người phát ngôn của LND xác nhận, bà Aung San Suu Kyi sẽ là ứng viên quốc hội tại đơn vị bầu cử Kawhmuu.
Sự kiện trên gây nhiều chú ý, bởi chỉ mới hồi tháng 5/2010, LND đã bị giải thể. Sau khi thành lập chính phủ dân sự, chính phủ của tổng thống Thein Sein bắt đầu « nới lỏng vòng vây » cho phe đối lập và đến hiện tại là việc đảng LND được chính thức tranh cử vào quốc hội. Theo L’Humanité, dường như chính phủ Thein Sein đã chuẩn bị từ lâu cho sự trở lại của LND. Bằng chứng là ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2010, một cuộc bầu cử mà LND đã kêu gọi người dân tẩy chay, cố vấn tổng thống đã lên tiếng cho biết, bà San Suu Kyi sẽ có thể được bổ nhiệm vào nội các.
Tờ báo nhận định, tình hình cho thấy, đất nước Miến Điện, một đất nước sống dưới chế độ quân phiệt từ năm 1962 đến năm 2011, đang trên đường thay đổi. Quyền thành lập công đoàn được thông qua hồi năm ngoái. Hồi tháng 3/2011, một chính phủ dân sự đã chính thức ra đời.
Vấn đề còn tồn tại, theo L’Humanité, đó là chính quyền dân sự mới vẫn còn bị chi phối bởi các tướng lĩnh quân sự. Tuần rồi, tổng thống Thein Sein còn cho công bố văn bản tái khẳng định vai trò của quân đội trong hệ thống chính quyền mới và kêu gọi mọi người hướng đến một « nền dân chủ có kỷ luật ». Tờ báo cũng nhắc lại, hiện tại ở Miến Điện, vẫn còn khoảng từ 500 đến 600 tù nhân chính trị.
Phương Tây chia rẽ về hồ sơ Iran
Đến với hồ sơ hạt nhân của Iran, nhật báo Le Figaro có bài chạy tựa : « Châu Âu áp đặt cấm vận dầu hỏa ».
Tờ báo cho biết, để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính răn đe nhất, đó là cấm vận nhập khẩu dầu hỏa đến từ Iran, một biện pháp được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có lẽ còn phải trải qua nhiều thử thách để có thể đạt được một lệnh cấm vận chính thức.
Tờ báo cho biết, để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính răn đe nhất, đó là cấm vận nhập khẩu dầu hỏa đến từ Iran, một biện pháp được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có lẽ còn phải trải qua nhiều thử thách để có thể đạt được một lệnh cấm vận chính thức.
Theo dự kiến, ngày 30 tháng này, bộ trưởng ngoại giao 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ chính thức bàn thảo về biện pháp cấm vận tại Bruxelles. Và ngay sau đó, một thượng đỉnh Châu Âu sẽ được tổ chức để bàn về biện pháp chính trị. Trong khi đó, tình hình có vẻ rất cấp bách. Iran đã làm giàu uranium đến hơn mức cần thiết so với điện nguyên tử dân sự, và đang tăng tốc.
Cấp bách nữa là còn vì chỉ còn hai tháng nữa, tại Iran sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội. Mục đích của phương tây, theo Le Figaro, là muốn nhân cơ hội hạ uy tín của ông Ahmadinejad trong mắt người Iran vốn đang khốn khổ do lạm phát. Thế nhưng, cánh cửa dành cho lệnh cấm vận có vẻ chật hẹp do ở hai nước đầu tàu là Mỹ và Pháp, ông Obama và ông Sarkozy còn phải bận bịu lo tranh cử trong nước.
Khó khăn kế tiếp đối với lệnh cấm vận, đó là nó có thể có tác dụng ngược. Iran có thể sẽ ra lệnh phong tỏa hành lang hàng hải đối với hạm đội 5 của Hoa Kỳ. Thị trường dầu hỏa sẽ nóng bỏng, giá dầu sẽ tăng phi mã. Các nước phương Tây, đang trong vòng xoáy khủng hoảng, khó mà trụ vững nếu giá dầu hỏa tăng cao.
Hơn nữa, để cho biện pháp cấm vận có hiệu quả, cần thiết phải có sự đồng thuận của nhiều nước. Nên nhớ rằng, Châu Âu chỉ chiếm có 20% thị phần của Iran. Như vậy, vấn đề khổng lồ cần giải quyết là phải thuyết phục cho được các đối tác thuộc hàng trọng yếu của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuối cùng, tờ báo nhấn mạnh đến sự chia rẽ trong khối EU. Ý hay Hy Lạp đều có quan hệ lợi ích rất lớn với Iran, bởi vậy hai nước này sẽ thập phần do dự trong biện pháp cấm vận Téhéran. Hơn nữa, nếu lệnh cấm vận có được thống nhất, thì việc thực thi cũng cần ít nhất là sáu tháng. Tóm lại, lệnh cấm vận dầu hỏa đối với Iran có vẻ rất khó đạt được.
Trung Quốc toan kiếm lợi từ hồ sơ hạt nhân của Iran
Như đã nói ở trên, một trong những khó khăn lớn nhất để cho biện pháp cấm vận có hiệu quả là phải thuyết phục cho được các đối tác hàng đầu của Iran, trong đó có Trung Quốc. Đi vào chi tiết vấn đề này, Le Figaro có bài : « Bắc Kinh mong tận dụng nguồn dầu hỏa giá rẻ từ Iran ».
Tờ báo nhận định, Trung Quốc khó có thể buông Iran như đã từng buông Libya. Bắc Kinh luôn khẳng định rằng, biện pháp trừng phạt không phải là một chính sách hiệu quả, phản đối chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của một nước, và sẽ chỉ tuân theo quyết định của Liên Hiệp Quốc chứ không theo một sự áp đặt đơn phương nào cả. Bộ Ngoại giao trung Quốc cũng đã khẳng định : « Trung Quốc phản đối việc đặt luật pháp quốc gia lên trên luật quốc tế để áp đặt các biện pháp trừng phạt một cách đơn phương ».
Tuy nhiên, Le Figaro cũng không quên ám chỉ rằng, Trung Quốc muốn đưa vụ việc ra Liên Hiện Quốc do có sức ảnh hưởng mạnh ở tổ chức này. Nên nhớ rằng, Trung Quốc là một trong năm nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an.
Trên bình diện kinh tế, Trung Quốc là bạn hàng dầu hỏa lớn nhất, là đối tác thương mại số một của Iran. Trong trường hợp có cấm vận dầu hỏa, Iran có thể sẽ chuyển một phần dầu hỏa xuất khẩu bị các nước phương Tây cấm vận về phía thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Vừa rồi, Bắc Kinh đã cho giảm một nửa lượng mua dầu thô của Iran và có thể sẽ tiếp tục giảm. Theo Le Figaro, chủ ý của Trung Quốc là muốn gây sức ép để cho dầu hỏa của Iran giảm giá.
Về phần mình, Washington đã gây sức ép đối với Bắc Kinh khi « hăm dọa » một vài công ty Trung Quốc. Các nghị sỹ Hoa Kỳ đã yêu cầu cho mở điều tra về tập đoàn viễn thông Hoa Kỳ, vì cho rằng tập đoàn này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc bán công nghệ có tính chất nhạy cảm cho Iran. Năm 2010, một số công ty Trung Quốc cũng đã bị cáo buộc là đã thông qua lãnh thổ Đài Loan cung cấp nhiên liệu làm giàu uranium cho Iran.
Một giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc đang đi chính sách nước đôi, vừa muốn trung thành với những nguyên tắc vừa nêu trên, vừa muốn giữ thế căn bằng giữa hai bên. Và như vậy, Trung Quốc đã làm mất lòng không chỉ phương Tây mà còn cả Iran, bởi quốc gia Hồi Giáo này cảm thấy Trung Quốc không giúp đỡ hết mình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment