Sunday, January 15, 2012

"TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ" (Tre Xanh, Danlambao)



16-1-2012

Nhân kỷ niệm 83 năm ngày sinh của mục sư Martin Luther King, Jr.

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều rất quen thuộc với bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một giấc mơ" của nhà hoạt động dân quyền, mục sư Martin Luther King, Jr..

Tôi được biết tới bài diễn văn này khi còn là một đứa trẻ học cấp 2 (theo hệ thống giáo dục VNCH là Trung Học Đệ Nhất Cấp). Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lại có một trích đoạn bài diễn văn của một người Mỹ trong sách giáo khoa tiếng Anh trong khi nhà cầm quyền mới của miền Nam Việt Nam còn đang say men “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Có lẽ ai đó có thẩm quyền kiểm duyệt cho rằng mục sư King là nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Mỹ, mà hễ đã bất đồng với chính phủ Mỹ thì nhất định đúng là “bạn ta”, là phờ-ren (friend).

Nhưng dù vì lý do gì đi nữa tôi cũng rất biết ơn đời biết ơn người đã cho tôi đọc được, dù chỉ một phần, của bài diễn văn đó - một bài diễn văn đã ghi dấu sâu đậm trong tâm trí tôi và đã nhóm lên trong tim tôi ngọn lửa hy vọng trong hoàn cảnh ngột ngạt, trong cái tàn khốc, trong đêm đen phủ vây, trong sự tuyệt vọng của cả miền Nam Việt Nam thời đó, mà tôi chỉ là một trong số nhiều triệu nạn nhân.

Cho dù khi đó còn là một đứa nhỏ, tôi cũng cảm nhận được rõ rệt sự trả thù, sự phân biệt đối xử của chính phủ mới. Tuổi thơ của chúng tôi hồn nhiên lắm. Chúng tôi không hề có cái khái niệm phân biệt người Bắc người Nam. Trường tôi học ngay gần sân bay Tân Sơn Nhất, gần bộ Tổng Tham Mưu của quân đội VNCH, mà sau này trở thành Quân Khu 7, cho nên rất nhiều bạn bè trong lớp trong trường tôi là con em của các gia đình quân nhân từ miền Bắc vào đóng quân ở đây. Chúng tôi chơi với nhau rất hồn nhiên, rất vui. Chúng tôi không hề có sự phân biệt “miền Bắc”, “miền Nam”, “gia đình cách mạng”, “gia đình ngụy”. Gặp tiết học được nghỉ, chúng tôi theo các bạn vào trong sân bay, đến nhà các bạn chơi, hái hoa, trèo cây, đá banh, chạy bộ. Chúng tôi chơi với nhau rất thân rất vui. Có bạn nghe tôi nói mẹ tôi thích mùi hoa ngọc lan, đến mùa hoa bạn leo lên những cây hoa ngọc lan rất cao, hái hàng nắm hoa gói vào trang giấy tập học trò đem vào lớp tặng tôi.

Tình bạn của những đứa trẻ chúng tôi đẹp như vậy đó. Nhưng tại sao lại có những người lớn đem gieo rắc thù hận, bất công, đau khổ cho người khác? Sau 1975, cả miền Nam Việt Nam trở thành một nhà tù lớn. Tôi lớn lên trong một thế giới không có bóng đàn ông. Bọn họ nếu không bị đưa đi “học tập cải tạo” thì cũng vượt biên gần hết rồi. Các anh họ, anh rể tôi đồng loạt trở thành những người tù không có bản án, không biết ngày nào mãn hạn. Những người anh, người cha trong xóm tôi cũng cùng hoàn cảnh. Những người vợ trở thành những cánh cò. Câu ca dao xưa đã trở thành

“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo (thăm) nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Chỉ là một đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” mà hàng ngày tôi phải nghe tiếng thở dài của mẹ, phải nhìn những giọt nước mắt của chị, phải nghe tiếng cháu thơ đang học nói bập bẹ câu “Ba đi học cập” (“Ba đi học tập”). Chỉ là một đứa trẻ mà lẽ ra phải được hồn nhiên bên bạn bè bên sách vở, tôi bỗng nhiên chia xẻ trách nhiệm chăm sóc cho một bầy cháu dại, các con của chị tôi, của các anh chị họ, và cả những đứa trẻ hàng xóm cùng số phận. Mẹ của bọn nó, những người “vợ ngụy”, bị đuổi việc mất rồi, giờ phải lăn thân nơi chốn chợ đời, bán chợ trời, bán hàng rong nuôi con dại ở nhà, nuôi chồng nơi chốn lao tù.

Chỉ là một đứa nhỏ mà tôi đã biết sợ tiếng ồn ào huyên náo, tiếng đập cửa lúc nửa đêm. Chỉ là một đứa nhỏ mà tôi đã biết rơi nước mắt khóc thương bạn mỗi khi vô trường nghe được tin gia đình bạn này vừa bị “đánh tư sản”, ba của bạn kia bị bịt mắt bắt đi đâu đêm qua không rõ, bạn nọ không đi học trường mình nữa vì gia đình bạn bị bắt đi “kinh tế mới” rồi.

Chỉ là một đứa nhỏ mà tôi đã biết nhắc nhở bạn bè giữ trật tự lớp trong lúc cô giáo chúng tôi lên lớp trễ. Tôi sợ ban giám hiệu thấy lớp ồn ào biết cô thường xuyên trễ sẽ đuổi việc cô. Chồng cô đi học tập, vì ngành giáo dục thiếu người nên cô còn giữ được công việc này kiếm mỗi tháng 9 ký gạo đem về nuôi các con. Đồng lương nhà giáo ít oi, làm sao đủ sống nên đêm đêm cô tôi phải thức dậy tờ 2-3 giờ sáng đạp chiếc xe mini cọc cạch ra các bến xe liên tỉnh, chờ chực mua được bao gạo, bao bột, dăm bẩy ký đậu của những người buôn lậu đường dài hay nông dân từ các tỉnh thoát lưới kiểm soát của nhóm “kinh tế thị trường” đem về được. Mua được hàng, cô lại còng lưng chở về bỏ mối trong mấy chợ nhỏ rồi hối hả đạp xe tới trường. Có nhiều lúc tôi lén nhìn thấy cô vừa hối hả đi men theo hành lang vào lớp để tránh gặp mặt ban giám hiệu vừa phủi vội dấu bụi bột, bụi cám bám trên vạt áo dài. Những dấu vết cần lao đó của cô, tôi suốt đời không quên.

Chỉ là một đứa nhỏ mà tôi đã biết háo hức cùng mẹ canh giờ chờ nghe đi nghe lại những bản tin của đài VOA, đài BBC. Đó chính là cánh cửa sổ nhỏ duy nhất mở ra thế giới bên ngoài của tôi trong nhiều năm dài.

Chỉ là một đứa nhỏ mà tôi đã biết học cúi đầu an phận sống, mong sự bình an cho gia đình mình. Người ta bắt đi sinh hoạt thiếu nhi, ừ thì tôi đi. Người ta bắt tôi đi lao động, ừ thì tôi lao động. Người ta bắt tôi học những bài hát ngợi ca đảng, ngợi ca chế độ, ừ thì tôi học. “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng. Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi.” Ước vọng gì đây, ánh sáng nào đây hỡi đảng?

Có nhiều khi thấy tôi đi sinh hoạt đội về nhà tức tưởi khóc vì ấm ức, mẹ tôi an ủi, “Thôi con ơi, thời buổi bây giờ người ta ai sao thì mình vậy cho yên thân.”

Nhưng “yên thân” làm sao được khi tôi luôn luôn được những “người lớn” có quyền lực nhắc nhở mình là “đồ ngụy” là “thứ phản động”. Thời đó mỗi địa phương như là một sứ quân. Mạnh ai nấy đặt ra luật lệ quy định riêng của mình để biểu tỏ quyền uy. Tôi không biết với các bạn cùng trang lứa với tôi thì như thế nào. Nhưng địa phương tôi có quy định là trong 3 tháng hè, học sinh được đưa về cho địa phương “quản lý”. Chúng tôi phải tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Tới hết hè, chúng tôi phải làm đơn xin chữ ký của các anh chị phụ trách rồi sau đó đưa ra phường xin chứng nhận là đã “sinh hoạt tốt” trong thời gian hè. Nếu như không có chứng nhận của địa phương thì chúng tôi không được trở lại trường.

Tôi không thể hiểu được tại sao trong một đất nước mà “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” luôn được trang trọng viết hoa trong tất cả các đơn từ văn bản mà những đứa trẻ ranh như chúng tôi lại cần phải được quản lý tại địa phương, tới hết hè thì trách nhiệm quản lý được giao lại cho nhà trường. Làm mất lòng một trong hai chỗ thì chúng tôi ... phải chịu đứng đường, thất học.

Suốt đời tôi không thể nào quên lần mà cán bộ phường xé tan tờ đơn xin chứng nhận, ném vô mặt tôi, gằn giọng nói “Cái thứ phản động như mày mà cũng bày đặt đòi học với hành làm gì? Có học cách mấy đời mày cũng không khá nổi đâu.”

Trong một hoàn cảnh như vậy, tôi đã được đọc trích đoạn bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ”.

“Nay là lúc để thực hiện lời hứa dân chủ. Nay là lúc để trỗi dậy từ thung lũng hoang tàn và tối tăm của lòng kỳ thị mà tiến tới con đường chói chang ánh mặt trời của công bằng ...

Tôi muốn nói với các bạn, bằng hữu của tôi. Chớ đắm mình trong thung lũng tuyệt vọng. Và ngay cả khi phải đối đầu với vô vàn khó khăn hôm nay và ngày mai, tôi vẫn ấp ủ một giấc mơ. Ấy là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ Mỹ Quốc.
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng".
...
Nguyện tiếng chuông tự do vang lên. Khi chúng vang lên, và khi chúng ta để chúng vang lên – khi chúng ta để chúng vang lên từ mọi ngôi làng, từ mọi thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta có thể làm ngày ấy đến nhanh ...”

Ôi, ông diễn thuyết về sự kỳ thị chủng tộc mà tôi cảm thấy như ông đang nói lên giùm tôi lòng khao khát cho nhân ái, cho bình đẳng, và cho công lý. Ông nói về chuyện xảy ra bên nước Mỹ mấy chục năm về trước mà tôi cảm thấy như ông đang kể chuyện của chúng tôi, những người dân Việt Nam bên này bờ đại dương, chuyện đang xảy ra trong xã hội mà chúng tôi đang sống.

Trong tim tôi khi đó tràn đầy cảm xúc. Trong lòng tôi bắt đầu le lói ngọn lửa hy vọng. Và bản thân tôi, một đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng đã bắt đầu cảm nhận được “Tôi có một giấc mơ”.

Tôi không thể nào tưởng tượng được nhiều năm sau đó, số phận đã đưa tôi cùng gia đình sang định cư chính tại thành phố nơi sinh ra và lớn lên của mục sư King. Tôi đã được viếng thăm nhà tưởng niệm vị mục sư danh tiếng này. Tôi đã được cúi mình tỏ lòng tôn trọng trước mộ ông, rất đơn giản trong sắc đá cẩm thạch có nhiều tại địa phương (Geogia marble), nằm giữa một hồ nước quanh năm tĩnh lặng. Tôi đã được viếng “Ngọn lửa vĩnh cửu” (Eternal flame), biểu trưng của giấc mơ bất diệt cho một thế giới của công lý, hòa bình, và bình đẳng.

Trong sân trước khu trưng bày di vật, trang trọng đặt bức tượng bằng đồng của một nhà tranh đấu bất bạo động vĩ đại khác, người mà mục sư King rất tôn trọng, rất kính phục, và xem như bậc thầy: Thánh Gandhi. Bức tượng được điêu khắc thật sống động, diễn tả được hết vẻ từ bi, kiên nhẫn, ôn hòa của người.

Ngày mai là ngày kỷ niệm sinh nhật của mục sư King, đọc lại bài diễn văn năm xưa vẫn nghe lòng mình bồi hồi xúc động. Nhớ lại một thời đã qua và cũng liên tưởng tới hiện tình đất nước. Mấy thập niên đã qua kể từ ngày tôi được biết tới bài diễn văn lần đầu tiên, nhưng ngày nay không chỉ có miền Nam là một nhà tù lớn mà cả đất nước đã trở thành một nhà tù vĩ đại. Mỗi người dân lương thiện đều là một tù nhân dự bị. “Bọn phản động” đã không còn là những người có liên hệ dù ít hay nhiều với chế độ cũ, mà ngày nay tất cả những ai nặng lòng vì đất nước vì dân tộc, tất cả những ai can đảm cất lên tiếng nói từ lương tâm của mình, tất cả những ai “dám” ước mơ một ngày mai tươi sáng cho quê hương, tự do dân chủ cho đất nước, bình đẳng và công lý cho người dân đều bị quy kết là “bọn phản động” hết.

Ngày mai là ngày kỷ niệm sinh nhật của mục sư King, trong cuộc sống yên ổn hiện tại của bản thân, tôi vẫn có một giấc mơ.

Tôi có một giấc mơ, là người Việt từ trong nước cũng như đang lưu lạc trên năm châu bốn bể luôn yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau trong tình nghĩa đồng bào, không phân biệt chính kiến, giai tầng xã hội hay tuổi tác.

Tôi có một giấc mơ, là sẽ không còn nhà tù, trại cải tạo trên đất nước Việt Nam.

Tôi có một giấc mơ, là sẽ không còn tồn tại bất cứ một “tù nhân lương tâm” hay “dân oan” nào nữa trên đất nước Việt Nam, để những danh từ này sẽ không được ghi vào tự điển thế giới như danh từ “thuyền nhân” năm nào, dấu vết ô nhục của chế độ cộng sản trong trí nhớ của người dân các nước trên thế giới.

Tôi có một giấc mơ, là công bình, chân lý, hạnh phúc sẽ đến với tất cả mọi người dân Việt Nam.

Tôi có một giấc mơ, là nhân quyền, dân chủ, tự do sẽ được trả về cho quê hương chúng ta.

Tôi có một giấc mơ, là đồng bào của tôi, các bạn của tôi, đặc biệt là các bạn trẻ, đừng từ bỏ ước mơ của mình. Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các bạn cũng nên vững lòng tin. Ước mơ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các bạn, sẽ là ngọn đuốc soi đường cho các bạn, sẽ là niềm an ủi trong những lúc các bạn tưởng chừng như tuyệt vọng.

Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ một người Việt nam nào phải mơ ước mình được là người dân Nam Hàn, dân Singapore, dân Mỹ, dân Úc, dân Đức, ....

Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó không xa tất cả mỗi người trong chúng ta đều hãnh diện mình là người VIỆT NAM.

“Nguyện tiếng chuông tự do vang lên. Khi chúng vang lên, và khi chúng ta để chúng vang lên – khi chúng ta để chúng vang lên từ mọi ngôi làng, từ mọi thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta có thể làm ngày ấy đến nhanh ...”

Video : Tôi có một giấc mơ (I Have a Dream) - Bài diễn văn nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, Jr., một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử


.
.
.

No comments: