Sunday, January 15, 2012

"ĐẢNG CỤ" MANG TÊN CÔNG AN (Trịnh Bảo Lộc, Danlambao)



Trịnh Bảo Lộc
16-1-2012

Nghề công an? 

Trong những quốc gia dân chủ, văn minh vai trò của Công an được được tôn trọng trong xã hội bởi nhiệm vụ của ngành này gắn liền với sự đảm bảo ổn định cho xã hội, và các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, trong xã hội bị “bao cấp” tư tưởng theo hướng một chiều, những người trong ngành này đã bị nhồi sọ và mất hết phán đoán. Lương tâm, đạo đức nhường chỗ cho nhu cầu bảo vệ quyền và tiền bằng mọi giá. Công an đã trở thành công cụ của những người nắm quyền hành. Chính xác hơn: công an là công cụ của đảng hay: "đảng cụ".

Chính điều này mà người ta đã tìm ra một định nghĩa mới tại Việt Nam là “công an được dựng lên để trung thành và bảo vệ quyền lực của đảng”. Định nghĩa này đã được bảo kê bằng khẩu hiệu có tính "trademark" do chính công an treo khắp phố phường: “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” Xin lưu ý từ "CHỈ" để hiểu được chính xác bản chất "công cụ tự quyết" của ngành này trong xã hội chúng ta hiện nay. 

Tiêu chí cao nhất để được vào ngành không là đạo đức, là trách nhiệm xã hội, mà là “trung thành với đảng và sẵn sàng hy sinh bảo vệ chế độ”. Công an trở thành một công cụ trấn áp đắc lực. Họ có quyền bắt bớ và đánh đập bất cứ một ai họ nghi ngờ miễn sao nạn nhân đó đừng có dây mơ rễ má gì đến những quan chức nhà nước. Điều này dẫn đến sự tha hóa trong nghiệp vụ, lạm dụng bạo lực trong điều tra ”không thì đánh thành có, mà có thì đánh cho què, què đánh cho chết”. 

Hệ lụy xã hội 

Rất nhiều công an đã gây nên những cảnh tang thương đau lòng như trường hợp gần đây nhất của anh Nguyễn Công Nhựt bị công an huyện Bến Cát, Bình Dương đánh đập, ép nhận tội cho đến chết. Đến nay vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử. 

Cũng chết tại đồn công an là anh Nguyễn Quốc Bảo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông Phục (bố của Bảo) bàng hoàng kể lại khi nhìn thấy xác con "Trên người Bảo có nhiều vết tím bầm. Hai cổ chân và cổ tay thâm tím với chiều dài khoảng 8 cm, có những vết xây sát dài. Hai bên khóe miệng Bảo còn có những vết tím song song". Gia đình đã nhiều lần tìm đến Công an quận Hai Bà Trưng hỏi vì sao lại mời Bảo lên làm việc? Bảo đã chết ở đâu? Tại sao trên người Bảo có nhiều vết thâm tím, xây xước? Song gia đình ông chỉ nhận được câu trả lời chung chung rằng: "Sự việc đang được điều tra"

Và trường hợp nạn nhân Trần Văn Dữ bị công an huyện Ngã Năm, Sóc Trăng tra tấn cho đến chết. Sự việc đáng chú ý trong vụ án này là tình tiết vô nhân tính là khi ông Dữ bị lâm nguy , phó trưởng công an lại ra lệnh cho thuộc cấp mang ra bỏ ngoài khuôn viên đơn vị cho đến chết. Từ lúc truy tố cho đến nay vẫn chưa thấy báo nào đăng kết quả? 

Việc xét xử những công an vi phạm pháp luật và bản án bỏ túi: 

Ngày 27/9, TAND thành phố Hà Nội mở phiên xử Vũ Đình Nghĩa (31 tuổi, nguyên phó công an xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) cùng 5 đồng phạm về hành vi giết người. Nạn nhân là Nguyễn Phú Trung (42 tuổi, ở xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ). 

Điều báo động về đạo đức người công an qua sự việc này là hành động bỏ mặc nạn nhân kêu la đau đớn, nhóm công an đã để nạn nhân chết bên lề đường quốc lộ 6A, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ rồi bỏ đi. 

Mức án cao nhất mà HĐXX tuyên phạt trong vụ này là 8 năm. 

Kế đến là nghi án trộm tiền tại Nha Trang, nạn nhân là bà Trần Thị Lan (41 tuổi, người giúp việc). Sau khi bị đưa về trụ sở công an Nha Trang từ trưa 28 đến chiều 29-11-2011, nhóm công an gồm Tuấn, Quyết và 3 người khác (mặc thường phục, chưa xác định được danh tính) nhiều lần thay nhau đánh đập, tra khảo bằng dùi cui, roi điện, ép bà Lan nhận có lấy cắp tiền và buộc khai nơi cất giấu. 

Quá đau, bà Lan lúc khai giấu chỗ này, lúc khai gửi người kia. Rốt cuộc, không tìm thấy tiền (!) 

Chiều 9-1, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Trần Bá Tuấn và Nguyễn Đình Quyết (nguyên điều tra viên của Cơ quan CSĐT TP Nha Trang) 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “dùng nhục hình”, thời hạn thử thách 18 tháng. Ngoài ra, 2 bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại Trần Thị Lan (41 tuổi) 3 triệu đồng. 

Cuối cùng, là vụ án được quan tâm nhất cả trong và ngoài nước, xảy ra vào ngày 28/2 tại Hà Nội “Trung tá Nguyễn Văn Ninh giết ông Trịnh Xuân Tùng”. 

Sau gần một năm điều tra, ngày 13/1/2012 vừa qua tòa đã đưa ra xét xử với tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ" với mức tuyên phạt là 4 năm tù. Mức án mà theo gia đình nạn nhân là rất bất công đối với một mạng người. Mức án thể hiện sự bao che, chà đạp trên công lý và đạo đức xã hội. 

Niềm tin người dân vào chế độ, vào nền pháp quyền ở VN thêm một lần nữa thất vọng. Sự tiêu cực, bại hoại đằng sau bản án chắc hẳn ai cũng hiểu, nhưng có một sự thật còn đáng ghê sợ hơn là thái độ của kẻ giết người Nguyễn Văn Ninh trước tòa. Sau hai lần thẩm phán mớm ý để nói lời chia sẽ với gia đình nạn nhân, Nguyễn Văn Ninh vẫn nói với thái độ dửng dưng “Không hề hối lỗi. Đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp". 


Đó là một phát biểu của trung tá công an có thâm niên 36 năm công tác trong ngành, nhưng nó đại diện cho cho bản chất của phần đông những công khác. Chuyện thiếu văn hóa trong việc xin lỗi khi sai phạm là lẽ thường trong cán bộ nhà nước. Điều đáng sợ ở đây là việc giết chết người được họ xem như một “tai nạn nghề nghiệp”, một khái niệm không khác gì đối với giới giang hồ đâm thuê chém mướn. Chỉ khác một điểm là công an có một nền rừng luật… rừng để bảo vệ họ! 

Vậy thì rất nguy! Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta khó tránh những mâu thuẫn, hiểu lầm dẩn đến việc tiếp xúc với công an. Rồi đây nạn nhân kế tiếp của “tai nạn” này sẽ là ai? Là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta – những người dân thấp cổ bé họng đang sống trong xã hội này. 

Tâm lý chung của đa số chúng ta hôm nay là sợ công an vì họ không còn đứng về phía người dân mà bảo vệ. Điều đó làm giảm sức đề kháng của mỗi người, và theo tự nhiên chúng ta sẽ co người lại để tự bảo vệ mình. Những người thân của nạn nhân hôm nay, ngày trước cũng từng có suy nghĩ vị thân và xem những “tai nạn” trước đó là việc bình thường, nên họ chỉ dừng lại ở việc dàn xếp và… im lặng. 

Có những điều chúng ta không chờ đợi nó cũng sẽ đến, đó là cái chết. Và có những điều chúng ta không muốn nó cũng sẽ đến, đó là sự bất công. Chúng ta không thể phản kháng trước cái chết nhưng chúng ta có thể đứng lên chống lại sự bất công.

.
.
.

No comments: