Friday, January 20, 2012

SỢ BẤT BẠO ĐỘNG, LÒI RA BẠO ĐỘNG (VietTuSaigon's Blog)




Nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay thường xem các hành vi bất bạo động thuộc quyền cơ bản của công dân (theo Hiến pháp) là “diễn tiến/ biến hòa bình”. Họ ra sức đàn áp các hành vi vốn ôn hòa này, để một ngày, lòi ra các hành vi bạo động và bạo lực - đơn cử như vụ nổ súng ở Tiên Lãng vừa rồi.

Trong mấy năm qua, một vài nước bị lật đổ chính quyền bằng bất bạo động và bạo động, nghĩa là hai phương cách này vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Thế nhưng, nếu các phương cách thuộc về bất bạo động thường ôn hòa và đẹp mắt, người dân khó thành công, thì phương cách bạo động thường tang thương và đau đớn, nhưng người dân dễ thành công hơn.

Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy rằng, dân Việt Nam có thể yếu hèn và nhút nhát trong rất nhiều phương cách đấu tranh, nhưng bạo động và bạo lực thì không. Từ sâu trong máu, vì ở gần một nước lân bang lúc nào cũng chào chực xâm lấn, người Việt là một trong những dân tộc nuôi thù và kiên quyết trả thù, dù hi sinh rất nhiều về xương máu, sinh mệnh.

Điều dễ nhận thấy nhất trong cuộc sống của người Việt hiện nay là họ đang mất niềm tin vào bộ máy lãnh đạo. Có thể chưa đến lúc để họ lên tiếng phản đối, nhưng mỗi người dân đều có trải nghiệm về các o ép và bóp chặt từ bộ máy cầm quyền. Chỉ cần bạn bước đến bất kì cơ quan công quyền nào thì đều thấy ở đó sự nhũng nhiễu, vòi tiền và nhận về sự khó chịu, bực tức. Nhà cầm quyền xem việc sách nhiễu và vòi tiền của dân là năng lực làm việc của mình, cái giỏi của họ được đồng nghĩa với một trong những tiêu chí then chốt: tham ô càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó, người dân còn bị o ép vào các quyền tự do căn bản của họ. Dần dà, người dân chỉ còn là những sinh vật nô lệ, khi họ phải còng lưng làm ăn để đóng thuế, nộp tô và bỏ phong bì hối lộ, chẳng còn thời gian đâu mà tự hỏi về tự do của mình.

Tất cả điều này đã diễn ra rất lâu, thế nhưng càng về sau, mâu thuẫn của nó càng lớn, mà nói như các nhà kinh tế là gậy ông đập lưng ông. Bởi lúc trước, khi nhà cầm quyền Việt Nam chưa bị sa lầy vào sự khủng hoảng kinh tế, đồng tiền chưa bị mất giá triệt để như bây giờ, thì việc bóc lột diễn ra có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nay, nhu cầu phong bì của họ vẫn như vậy, thậm chí tăng cao, trong khi năng lực tài chính hay sức kiếm tiền của người dân thì sa sút, mâu thuẫn mới lộ ra rõ hơn. Đơn cử như các năm làm ăn được, một công an khu vực chỉ cần dạo qua các cơ sở kinh doanh dịp cuối năm, phong bì thu về có thể sống cả năm, bây giờ thì thu về ít hơn, bởi người dân quá bấp bênh hoặc chực phá sản. Nên đôi bên trở nên mâu thuẫn và dòm ngó nhau nhiều hơn.

Quay lại chuyện nổ súng ở Tiên Lãng, tuy tính chất vụ việc và ý nghĩa khác nhau, nhưng nó khá giống với “tiếng bom Sa Diện” của Phạm Hồng Thái (1896-1924). Bởi tiếng nổ này đã cho thấy hai điểm then chốt: Thứ nhất, đến từ nhà cầm quyền, họ đã đi sai tôn chỉ và mục đích lãnh đạo khi đẩy người dân đến chỗ bạo động và bạo lực. Khi người dân đã bạo lực, thì kiểu gì cũng cho thấy phía cầm quyền đã đánh mất tính hợp lý và thuận lòng dân của mình. Thứ hai, đến từ người dân, vốn đông đảo và luôn trong thế bao vây nhà cầm quyền, khi họ đã chọn bạo lực là vạn bất đắc dĩ. Khi bạo lực nổ ra, các mối thù bùng phát, thì khó dừng lại.

Câu hỏi đặt ra ở đây là người dân có sợ bạo lực không?

Thông thường thì họ rất sợ bạo lực, bởi trải qua các cuộc chiến tranh và biến cố, thiệt hại và thiệt thòi nhất vẫn là thân bằng quyến thuộc của gia đình họ. Thế nhưng, khi cần thiết, họ sẵn sàng xả thân không thương tiếc, bởi suy cho cùng, ngoài xương máu ra, họ chẳng còn gì để mất.

Theo thống kê của Cục Người có công - Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam có hơn 1,1 triệu liệt sĩ thời cộng sản. Hiện có 318.953 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang còn khuyết danh, hoặc thiếu thông tin, 237.297 liệt sĩ còn chưa tìm được hài cốt. Con số này gần bằng 1/3 số đảng viên cộng sản hiện nay, nó chứng tỏ người dân sẵn sàng hi sinh như thế nào, nếu họ bị buộc phải làm thế. Cũng nên nhớ rằng, khi yên bình, nếu nhà cầm quyền tỏ ra o ép và đàn áp người dân, thì khi binh biến, người dân sẽ luôn muốn trả mối thù này. Tất cả các tay ác ôn trong mọi thời đại đều bị giết hoặc gia đình của hắn trả thù… bởi sự căm phẫn của người dân.

Nếu tự đánh giá về năng lực cầm quyền trong mấy thập niên qua, cái sai lầm nhất của giới lãnh đạo Việt Nam là ngày càng đưa mình vào thế đối đầu với người dân. Ai cũng nghĩ mình có quyền và có sức mạnh nên sẵn sàng xé luật hoặc bôi nhọ hiến pháp để làm càng. Sự xé rào này có thể không bị trừng trị bởi luật - vì độc tài và độc quyền, nhưng nó sẽ trở thành ký ức lịch sử và được người dân nuôi thù. Rồi trả thù, khi có dịp, bởi người dân không bao giờ quên.

Kinh tế quốc doanh cần rất nhiều cái kế hoạch 5 năm để tránh thua lổ, mà đến nay xem như phá sản hoàn toàn, khi phần lớn doanh nghiệp thu không bù nổi chi. Vậy thì anh nông dân ở Tiên Lãng có tài cán gì mà trả được nợ khi thời hạn cho thuê biển quá ngắn ngủi, mà đầu tư của anh lại quá lớn? Cái chiêu của họ rất rõ ràng, sau đợt cho thuê lần thứ nhất, người nông dân chưa có lãi thì họ cho thuê tiếp, xong đợt thứ hai, khi bắt đầu có lãi thì họ thu hồi để chuyển sang kinh tế gia đình (có thể trá hình) của giới lãnh đạo. Rõ ràng, người dân luôn trở thành con chuột bạch để nhà cầm quyền thí nghiệm, được hay mất, thua thiệt vẫn thuộc người dân. Đến nay, sau một thời gian dài chịu đựng, người dân hết chịu nổi, nên bắt đầu nổ súng, bạo lực bắt đầu.


.
.
.

No comments: