Thursday, January 19, 2012

PHỎNG VẤN TS LÊ DUY CẤN về HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HỘI NGƯỜI VIỆT CANADA (Hoài Hương, VOA)



Hoài Hương - VOA
Thứ Ba, 17 tháng 1 2012

Mới đây, Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Ủy viên Ngoại vụ của Liên hội Người Việt Canada đã ghé thăm đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Nói chuyện với Ban Việt ngữ đài VOA, Tiến sĩ Lê Duy Cấn điểm qua một số hoạt động của Liên hội Người Việt Canada trong năm qua. Dịp này, ông nhắc tới sự thành công vượt bực của nhóm người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng từ Philippines sang Canada định cư. Chỉ vỏn vẹn 2, 3 năm sau khi đặt chân tới đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận họ trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, những người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng đã được chính phủ Canada ca ngợi như một cộng đồng gương mẫu để các nhóm di dân khác noi theo.

Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây do Hoài Hương thực hiện trong khuôn khổ loạt bài nhiều kỳ về sinh hoạt các cộng đồng người Việt trên thế giới, trong thời gian dẫn tới Tết Nhâm Thìn 2012.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Ủy viên Ngoại vụ của Liên hội Người Việt Canada

Cộng đồng Người Việt tại Canada có trên dưới 200,000 người, tập trung đông đảo nhất tại các thành phố lớn kể cả Toronto, Montreal và Vancouver. Riêng tại thủ đô Ottawa, cộng đồng người Việt tương đối nhỏ, chỉ có 7,500 người. Người Việt tại Canada là một trong những cộng đồng người Việt năng động nhất, đã đạt được một số thành tích ngoạn mục, như tiếp tay vận động cho nhóm người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng ở Philippines, bị thế giới ruồng bỏ trong suốt hơn thập niên qua, được sang định cư ở Canada. Một trong các tổ chức có những đóng góp trực tiếp vào nỗ lực đó, là Liên hội Người Việt Canada.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Liên hội Người Việt Canada là một tổ chức đại diện cho 12 hội thành viên tức là những hội cộng đồng ở các tỉnh lớn bên Canada. Nói một cách tóm tắt thì Liên hội Người Việt Canada hoạt động từ hơn 30 năm nay rồi. Chúng tôi có một chủ tịch đoàn, tức là đại diện của tất cả các hội thành viên, dưới đó thì có Ban Chấp hành. Chúng tôi là Tổng thư ký đầu tiên của Liên hội Người Việt Canada trong nhiệm kỳ 1980-1982. Hiện giờ thì chúng tôi là Ủy Viên Ngoại vụ của Liên hội Người Việt Canada.”

Cũng như tại Hoa Kỳ, người Việt tại Canada có rất nhiều tổ chức xã hội, chính trị, tôn giáo...và do đó cũng có những sinh hoạt hết sức đa dạng, Tiến sĩ Lê Duy Cấn phân loại các hoạt động đó như sau:

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Thứ nhất là về phương diện xã hội thì Liên hội Người Việt Canada là một thành viên của Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu, tức CAMSA, liên minh này là do Ủy ban Cứu Người Vượt biển ở Hoa Kỳ thành lập năm 2008. Liên hội Người Việt Canada là một trong những thành viên của liên minh đó.”

Tiến sĩ Lê Duy Cấn giải thích về những hoạt động cụ thể của CAMSA.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Hồi mùa Xuân vừa rồi, chúng tôi có đi sang Đông Nam Á, thứ nhất là để thăm các chị em lấy chồng ngoại quốc ở Đài Loan và Mã Lai, thứ hai là các anh em xuất khẩu lao động ở Đài loan cũg như ở Mã Lai, và thứ ba, là các đồng bào tỵ nạn ở Thái Lan và Phi Luật Tân. Sau khi chúng tôi đi Đông Nam Á, khi chúng tôi về lại Canada, chúng tôi có tổ chức một chuyến đi cho Tiến sĩ Nguyễn đình Thắng, chị Ngọc Thanh, là phối trí viên của chương trình CAMSA ở Đài loan, và chúng tôi, là 3 anh em đi 5 thành phố ở Canada, kể cả Ottawa, Montreal, Toronto, Calgary, và Vancouver để nói về chương trình CAMSA. Loạt bài nói chuyện như vậy mang lại những kết quả tương đối khả quan, vì sau đó thì bà con có đóng góp được 15,000 đôla để giúp trang trải những chi phí cho các văn phòng. Hiện giờ CAMSA có 3 văn phòng ở ngoại quốc, một văn phòng ở Đài Loan, một văn phòng ở Mã Lai, và một văn phòng ở Thái Lan.”

Ngoài các hoạt động xã hội, Liên hội Người Việt Canada còn có một số chương trình phát triển cộng đồng nhằm hỗ trợ giới trẻ Canada gốc Việt, trong đó có việc thành lập một tổ chức mang tên Mạng Lưới Hướng dẫn Thanh niên Canada gốc Việt, tiếng Anh là Vietnamese Canadian Youth Mentorship Network.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn giải thích: “Mạng lưới này có 2 phần khác nhau, thứ nhất là để giúp cho các bạn trẻ cùng lứa tuổi, mình gọi là Peer to Peer Mentorship. Cấp bậc thứ hai là Mạng lưới giữa các Thế hệ, thì gọi là Intergenerational Mentorship. Mục đích của mạng lưới này là để cho các em có dịp làm quen với nhau. Tôi nói ví dụ như là một em học Luật ở Trường McGill ở Montreal, thì có thể làm quen, tiếp xúc với một em cũng học Luật ở Toronto, để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Cấp bậc thứ hai là giữa các thế hệ, ví dụ một người đang học Y khoa ở Trường McGill ở Montreal thì chúng tôi giúp em liên lạc với một bác sĩ đang hành nghề ở một địa phương khác, Calgary hay là Vancouver, đó là những ví dụ mà chúng tôi đưa ra để trình bày cho quý vị thính giả biết là chúng tôi muốn giúp các thanh niên Việt Nam bên Canada như vậy có phương tiện làm quen lẫn nhau, và làm quen với những người đi trước để trao đổi kinh nghiệm cũng như để học hỏi thêm. Một khi các em ra trường thì đã sẵn có những liên hệ đó rồi, thì vấn đề tìm việc cũng dễ dàng hơn.”

Những hoạt động thiết thực đó đã thu hút một số thanh niên tham gia, đóng góp tài sức vào công tác phát triển cộng đồng. Để đẩy mạnh các nỗ lực đó, Liên hội Người Việt Canada đã lập một ủy ban mang tên “Ủy Ban Thanh niên Hành động”, tiếng Anh là Vietnamese Youth Action Committee, với một chủ ý rõ rệt, là dần dần trao trách nhiệm lại cho các thế hệ đi sau.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Dạ vâng, đúng là trong tinh thần trao đuốc. Năm 2007, Liên hội Người Việt Canada có tổ chức một buổi hội thảo có chủ đề “Trao đuốc”. Đó là những bước đầu tiên mà chúng tôi đặt nền tảng để thanh niên tham dự các sinh hoạt cộng đồng để một mai, dần dần sẽ thay thế những thế hệ đi trước mà giúp cộng đồng trong khung cảnh cuộc sống ở ngoại quốc hầu hội nhập và thăng tiến cũng như đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, điều mà tất cả mọi người đều mong đợi."

Nhưng có lẽ thành tích nổi bật của Liên hội Người Việt Canada trong những năm qua, là phối hợp chặt chẽ với Luật sư Trịnh Hội và Ủy ban Cứu Người Vượt Biển ở Hoa Kỳ, tiếp tay đưa những người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng tại Philippine sang Canada định cư, bắt đầu từ năm 2008. Từ tình trạng hầu như vô vọng, nhóm người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng đã được trao cơ hội để làm lại cuộc đời tại một đất nước nhân ái, nhờ sức phấn đấu bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn của nhiều cá nhân và tổ chức người Việt hải ngoại, phần lớn đã thoát thân phận tỵ nạn cách đó một vài thập niên. Thế nhóm người tỵ nạn cuối cùng xoay sở ra sao, sau vài năm sinh sống ở Canada?

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Chúng tôi có thành lập được 41 nhóm bảo trợ. Họ lo vấn đề ăn ở, tìm việc làm rồi ghi tên học cho các trẻ em trong thời gian đầu. Trong vòng một tháng rưỡi, tối đa là 2 tháng, ít trường hợp nào tới 2 tháng, họ tự lập được hết, hoàn toàn tự lập. Trong chuyến đi của chúng tôi đến các tỉnh của Canada để nói chuyện về chương trình CAMSA, chúng tôi có gặp lại một số anh em đó, thì phần lớn họ có xe, nhiều người có nhà rồi. Họ làm ăn rất là khá, họ chịu khó lắm. Chính phủ Canada thấy sự thành công của chương trình này, họ có nói với chúng tôi, đây là một chương trình kiểu mẫu của một cộng đồng bên Canada, và họ lấy cái chương trình đó như một tấm gương cho các cộng đồng khác noi theo, bởi vì hầu hết những người sang như vậy đều tự lập, chứ không phải họ sang Canada để ăn trợ cấp xã hội.”

Thưa quý vị, như những đợt tỵ nạn đến trước, nhóm người Việt Nam cuối cùng từ Philippines sang Canada đã nhanh chóng nắm bắt những cơ hội đến với họ tại quê hương thứ hai, để hội nhập nhanh chóng vào xã hội mới. Họ đã góp phần viết thêm một trang mới trong câu chuyện về cuộc di cư của hàng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi từ sau năm 1975. Liên hội Người Việt Canada đang xúc tiến dự án xây cất một viện bảo tàng để lưu trữ những chứng tích về cuộc di cư vĩ đại ấy.

Mong quý vị đón theo dõi chi tiết của dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam trong một “Câu Chuyện Việt Nam” khác, sẽ đến với quý vị trên làn sóng thường lệ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, trên trang nhà của đài VOA www.voatiengviet.com, hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý vị và xin hẹn gặp lại trong chương trình tuần tới.

.
.
.

No comments: