Sunday, January 8, 2012

NGƯỜI VIỆT TRẺ PHẪN NỘ TRƯỚC VỤ VIỆT NAM THÊM SAO VÀO CỜ TRUNG QUỐC (Trà Mi, VOA)



Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Sáu, 30 tháng 12 2011

Ít nhất đã 3 lần chính quyền Việt Nam công khai trưng cờ Trung Quốc dư một ngôi sao trong các sự kiện thu hút sự chú ý của công luận. Sự kiện gần đây nhất là tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 21/12, khi đội dàn chào thiếu nhi vẫy những lá cờ Trung Quốc 6 sao trong buổi lễ đón tiếp chính thức Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, gây xôn xao dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đây là ‘sai sót mang tính kỹ thuật’. Ý kiến người trẻ về việc này thế nào?
Tạp chí Thanh Niên ghi nhận qua cuộc trao đổi với 3 bạn trẻ trong nước, những người hoặc đã tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc bị trấn dẹp hoặc có quan tâm đến các chính sách của nhà nước về vấn đề chủ quyền biển đảo và mối quan hệ Việt-Trung.

Phan: Mình là Phan, sống ở Sài Gòn.
Việt: Tôi là Việt, ở TPHCM.
Trần: Mình là Quốc Trần, ở Nghệ An.

Trà Mi: Ấn tượng đầu tiên của các bạn khi nhìn thấy cờ Trung Quốc 6 sao xuất hiện ở Việt Nam như thế nào?
Việt: Lá cờ này đã xuất hiện một lần tại Đại hội Ẩm thực Thế giới 2010 ở Vũng Tàu. Mới tháng 10 vừa qua, trên bản tin thời sự của đài VTV đưa tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc cũng đã xuất hiện lá cờ 6 sao này. Và lần này nó lại xuất hiện nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam.Theo tôi, việc làm này không phải là một sơ sót. Nhà nước Việt Nam có hẳn một Cục Lễ tân chuyên trách đón tiếp các phái đoàn nước ngoài, thì tại sao lại có những sai lầm ngớ ngẩn, nghiêm trọng như thế? Việc nhầm lẫn này là có hệ thống, có tính toán rõ ràng.
Trần: Đây không phải là lỗi kỹ thuật như báo chí trong nước đưa tin nhằm che mắt nhân dân. Theo mình, đây là một sự sắp đặt. Có thể nói đầu não trung ương của Việt Nam đang bị thâu tóm bởi Trung Quốc và họ giống như tay sai của Trung Quốc khi cầm cờ của Trung Quốc ra chào đón Trung Quốc. Đây giống như một cử chỉ nói rằng đất nước của chúng ta luôn thuộc về Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là việc làm cố ý.

Trà Mi: Các bạn không cho rằng đây là một sai sót vô tình, mà là một sự cố ý để lấy lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể nào lấy lòng nước láng giềng chăng khi mình sửa đổi quốc kỳ, hình tượng quốc gia, của họ? Việc sửa đổi đó đã là một việc làm xúc phạm rồi thì làm sao có thể coi đây là một hành động lấy lòng?
Việt: Vì Trung Quốc hàng ngàn năm nay lúc nào cũng lăm le xâm chiếm bờ cõi Việt Nam.
Phan: Họ không hề cảm thấy bị xúc phạm. Họ cho là Việt Nam đang muốn gia nhập vào Trung Quốc cùng với 4 sắc tộc kia là Mãn, Hồi, Tạng, và Mông.

Trà Mi: Lịch sử cả ngàn năm qua giữa Việt Nam với Trung Quốc cho thấy Trung Quốc luôn lăm le muốn thâu tóm Việt Nam. Qúa trình lịch sử này khiến người Việt có ngay suy nghĩ là ngôi sao lạ xuất hiện đó chính là một sự sát nhập khiến Trung Quốc hài lòng?
Phan: Đúng rồi.

Trà Mi: Theo các bạn lý luận và diễn giải nãy giờ, nếu như có sự cố ý nào đó từ một người nào đó trong phía những người hữu trách, suy nghĩ của các bạn như thế nào nếu như đây là một sự cố ý?
Việt: Lâu nay nhà nước cấm, và đặt hai chữ ‘Hoàng Sa-Trường Sa’ vào phạm trù nhạy cảm mà người dân không được quyền nói và bày tỏ quan điểm của mình. Sau sự việc này, sau khi Việt Nam có ý định muốn sát nhập vào Trung Quốc, có thể những người như mình sẽ được thoải mái bày tỏ tình yêu của mình đối với quê hương-đất nước, đối với Hoàng Sa-Trường Sa.

Trà Mi: Các bạn có đồng ý với ý kiến của Việt không?
Trần: Mình phản bác. Sự cố ý của Việt Nam là sự cố ý muốn dâng đất nước cho Trung Quốc. Một đất nước lớn như một con cọp dữ, khi dâng miếng mồi lên cho nó, không bao giờ nó lại để cho miếng mồi đó được tươi sống, được bảo quản trong sự bình an cả. Ngay khi dâng lên, nó sẽ vồ lấy và quản chế miếng mồi đó. Vì vậy, khi chính quyền Việt Nam muốn sát nhập vô Trung Quốc thì chúng ta không những mất Trường Sa-Hoàng Sa, mà còn mất luôn cả dân tộc Việt. Là một thanh niên muốn cống hiến cho đất nước, muốn bảo vệ bờ cõi biên cương của đất nước, mình phản đối ý tưởng này, phản đối sự sát nhập này.
Việt: Sau những cuộc viếng thăm cấp cao qua lại giữa Việt Nam với Trung Quốc, những mãnh đất của Việt Nam cứ từ từ thu hẹp dần đi.

Trà Mi: Bây giờ xin mời Phan.
Phan: Việt Nam so với Trung Quốc quá bé. Tiềm lực quân sự của mình, nếu có chiến tranh xảy ra, không thể đánh nhau lại Trung Quốc. Chỉ có một cách đó là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để thế giới can thiệp vào. Lá cờ 6 sao này cũng là cơ hội để chúng ta gây chú ý dư luận quốc tế.
Trần: Chào mừng một quan lớn của một nước khác tới, tại sao chúng ta không vẫy cờ của đất nước mình? Qua nhiều vấn đề, mình nhận thấy rằng hầu như các nhà chức trách của Việt Nam muốn kiềm hãm lòng yêu nước của giới trẻ. Không phải là nước mạnh thì có thể thắng được tất cả. Nếu thế thì Pháp và Mỹ đã nắm gọn chúng ta rồi. Chính vì vậy, mình muốn nhà chức trách phải kêu gọi lòng nhiệt huyết, lòng yêu nước của mọi người dân trên đất nước Việt Nam hơn là phải đi phục tùng, lấy lòng các vị quan khách như vậy. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước Việt Nam, làm cho đất nước Việt mang một nỗi quốc nhục trong vấn đề này.

Trà Mi: Trần cho rằng đây là hành động làm ảnh hưởng tới thể diện quốc gia mà bạn mô tả là ‘quốc nhục’. Phan và Việt có đồng ý không? Nếu có người lập luận rằng trong lĩnh vực ngoại giao, các nước đều muốn làm đẹp lòng nhau để giữ mối bang giao hữu hảo. Với một nước láng giềng gần, lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần, và cũng có ảnh hưởng đối với mình sâu sắc, làm đẹp lòng hoặc có được tình cảm hữu hảo với họ chẳng mang lại lợi ích gì cho mình hay sao? Ý kiến các bạn thế nào?
Phan: Lấy lòng cũng có nhiều cách, nhưng cách sử dụng cờ 6 sao làm mất đi tinh thần tự trọng của dân tộc.

Trà Mi: Việt có ý kiến nào khác hơn không?
Việt: Mình hoàn toàn phản đối ý định dâng đất, dâng đảo cho Trung Quốc thể hiện bằng việc thêm một ngôi sao vào cờ 5 sao của Trung Quốc. Mình kêu gọi lương tâm của những người lãnh đạo hãy thức tỉnh để nghĩ về đất nước và con cháu của chúng ta sau này.

Trà Mi: Trước sự việc diễn ra, theo người trẻ, biện pháp xử lý thích đáng đối với hành động này phải như thế nào mới hợp lòng dân?
Việt: Đây là sai lầm rất nghiêm trọng. Theo mình, phải sa thải ngay lập tức người có liên quan và công khai danh tính cho toàn dân được biết.

Trà Mi: Từ sự kiện lá cờ 6 sao của Trung Quốc tại Việt Nam, mình suy rộng ra nói về chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Người trẻ các bạn có những cảm nhận thế nào muốn chia sẻ?
Phan: Khi mình đi biểu tình chống Trung Quốc, mình bị công an bắt. Họ nói việc này có đảng và nhà nước lo, rằng Việt Nam là nước nhỏ cần có chính sách mềm mỏng và khéo léo, nên những người trẻ như mình không được đi biểu tình. Vì theo họ, việc này sẽ làm ảnh hưởng đến hai quốc gia. Tuy nhiên, mình nghĩ mềm mỏng, khéo léo cũng có mức giới hạn nhất định. Như Philippines chẳng hạn, khi Trung Quốc đưa tàu qua, lập tức họ đáp trả bằng tàu chiến, bằng máy bay. Trung Quốc có dám làm gì được nữa hay không?

Trà Mi: Bạn so sánh tình hình giữa Việt Nam với Philippines thì cũng có cách biệt. Vì Philippines họ có nội lực hùng hậu hơn. Họ có sự yểm trợ của quốc tế khá hơn Việt Nam. Nếu Việt Nam cứng rắn như vậy, liệu rủi hay may?
Phan: Để có được sự ủng hộ của quốc tế, nhất thiết phải cho người dân được biểu tình. Bởi Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam mà dân Việt Nam không cảm thấy nhục, không cảm thấy biển đảo của mình bị mất, không dám lên tiếng. Thử hỏi thế giới còn ai sẽ ủng hộ Việt Nam nữa?

Trà Mi: Mời ý kiến của Việt và Trần.
Việt: Từ ngàn đời xưa nay, không có đời nào mà không thể chấp nhận được như bây giờ. Các chính sách của Việt Nam bây giờ đưa ra hoàn toàn khiến cho những người trẻ, những người có nhiệt huyết với đất nước cảm thấy rất đau lòng, cảm thấy Việt Nam lúc nào cũng bị Trung Quốc đe nạt, ‘lấy thịt đè người’, và Việt Nam có thể bị mất bất cứ lúc nào vào tay Trung Quốc.

Trà Mi: Bạn có thể đơn cử vài ví dụ cho thấy chính sách của chính quyền Việt Nam bây giờ khiến người dân bất an, bất bình, không hài lòng mà bạn cho rằng từ nào tới giờ chưa từng có trước nay?
Việt: Trung Quốc đưa tàu hải giám vào sâu lãnh hải Việt Nam cắt cáp tàu Việt Nam và sẵn sàng nã súng bắn giết ngư dân Việt Nam. Những người Việt Nam yêu nước đứng lên biểu tình thì nhà nước lại đàn áp, bắt bớ. Chính sách này hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Trà Mi: Những việc làm của chính phủ Việt Nam được giải thích là nhằm thể hiện phương châm ‘láng giềng hữu nghị’ để ‘ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’…
Việt: Tại sao mình phải mềm mỏng với nó trong khi nó không mềm mỏng với mình?

Trà Mi: Nếu mình không mềm mỏng thì có cách nào hơn thế không?
Việt: Mình tranh thủ sự đồng thuận của những người con Việt Nam và dư luận quốc tế, lên tiếng mạnh mẽ phản đối, chứ không phải chỉ là Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối là xong.

Trà Mi: Bạn cho rằng Việt Nam có thể tận dụng những thế mạnh khác từ nội lực, từ lòng dân, từ quốc tế để đối phó với Trung Quốc, không nhất thiết cứ phải mềm mỏng và lùi bước mãi.
Việt: Mình nghĩ như vậy.

Trà Mi: Trong việc vừa giữ tình bang giao, vừa giữ chủ quyền đất nước, người trẻ có đề nghị thế nào đóng góp?
Trần: Bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc có những vấn đề bí ẩn khiến cho người trẻ như mình luôn đặt dấu hỏi. Việc làm và những chính sách mà Trung Quốc đưa ra đối với các nước hàm chứa những âm mưu cực kỳ thủ đoạn. Nhiều bạn trẻ cũng nhận thấy âm mưu của Trung Quốc thâm độc như vậy. Tại sao những người lãnh đạo của đất nước Việt Nam là những người tài ba, yêu nước hơn chúng tôi, mà lại không nhận ra được những điều thâm độc đó? Chúng ta biết rõ âm mưu thâm độc của họ tại sao chúng ta lại phải mềm mỏng trong khi từ trước tới giờ chúng ta đã mềm mỏng biết bao nhiêu lần rồi? Mình là một người ở miền quê, vùng biển. Những năm gần đây, mình thường xuyên thấy ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc kéo về bên đó. Nhưng đã bao giờ Việt Nam lên tiếng để người dân có quyền lợi và có được sự bảo vệ? Chúng ta mềm mỏng và khôn khéo ở chỗ phải có được lòng dân và góp sức mạnh từ lòng dân. Đất nước này của nhân dân chứ không phải của những ông làm ở trung ương. Vì vậy, họ muốn dùng chính sách mềm mỏng kiểu nào đi chăng nữa cũng phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Mình chỉ mong ước một điều là lãnh đạo của Việt Nam hãy sống cùng lòng với nhân dân, hợp lực với nhân dân để chúng ta có thể có những chính sách tốt hơn trong mối bang giao giữa hai đất nước.

Trà Mi: Các bạn có nguyện vọng là chính sách của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc nên kiên quyết hơn và công khai hơn. Theo các bạn, người trẻ có thể làm gì để những điều mong ước đó mau trở thành hiện thực?
Việt: Trong mùa hè vừa qua, người trẻ đã xuống đường kêu gọi chính phủ Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam kiên quyết hơn với Trung Quốc, chứ không thể nào cứ mãi luồn cúi và thụt lùi như vậy.

Trà Mi: Nhưng biện pháp bạn vừa nói dường như không hữu hiệu vì các cuộc biểu tình đã bị dập tắt ngay. Có biện pháp nào hữu hiệu hơn nữa khi mà phương cách thể hiện tình cảm của mình cũng không mấy được hoan nghênh ở Việt Nam?
Phan: Những cách như chúng ta mặc áo NO-U đi ngoài đường cũng là cách chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước của mình.
Việt: Những người trẻ tiếp xúc với mạng internet và thông tin nên làm thế nào để càng nhiều người được biết về vấn đề Trung Quốc và Hoàng Sa-Trường Sa thì sự thúc đẩy nhà nước kiên quyết hơn đối với Trung Quốc sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình này.

Tạp chí Thanh Niên mong nhận được ý kiến trao đổi và phản hồi của quý thính giả khắp nơi về đề tài này trên trang web www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải 3 khung hình ở giữa trang.
Trà Mi rất mong được đón tiếp tất cả quý vị và các bạn trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên của đài VOA vào giờ này, tuần sau.
.
.
.

No comments: