04/01/2012 - 13:37
Với những phát minh nổi tiếng phục vụ cộng đồng, GS.TS Nguyễn Hùng đã trở thành gương mặt đại diện của bang New South Wales tranh cử danh hiệu “Người Australia của năm 2012”. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày Quốc khánh Australia (26/1/2012).
Nhóm nghiên cứu xe lăn thông minh của GS.TS Nguyễn Hùng. (Khôi Nguyên)
GS. TS. Nguyễn Hùng hiện tại là trưởng khoa Cơ khí và Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông và các cộng sự đã có những nghiên cứu trong lĩnh vực thiết bị y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh và điều trị cho những người mắc bệnh hiểm nghèo. Nhân dịp giáo sư Hùng được đề cử tranh danh hiệu “Người Australia của năm 2012”, Bay vút đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề này.
Bay vút: Xin chúc mừng Giáo sư được đề cử tranh danh hiệu “Người Australia của năm 2012”. Xin Giáo sư cho biết cảm nhận của mình khi được đề cử tranh danh hiệu cao quí này?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Khi tôi được thông báo, tôi thực sự bất ngờ. Thêm vào đó, tôi thực sự tự hào khi trở thành một trong những người chiến thắng cho danh hiệu Người Australia năm 2012 của bang New South Wales”.
Bay vút: Danh hiệu này nhằm vinh danh những đóng góp của Giáo sư trong nghiên cứu những thiết bị phục vụ cộng đồng. Được biết, giáo sư và các cộng sự đã có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học nói chung và y tế nói riêng, xin Giáo sư cho biết một vài thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, đặc biệt là chiếc xe lăn “thông minh” đã được rất nhiều người biết đến?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Dựa trên điều khiển của bộ não, tôi và các cộng sự đã phát minh ra chiếc xe lăn thông minh để hỗ trợ nhu cầu của 2,5 triệu người tàn tật bị chấn thương tủy sống (SCI) trên thế giới, mà một nửa trong số họ bị liệt cả chân tay. Công nghệ này (Aviator) nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống của người tàn tật, giúp họ độc lập hơn và di chuyển dễ dàng hơn”.
Bay vút: Một số người gọi Giáo sư là bậc thầy của những phát minh, Giáo sư nghĩ sao về nhận định này? Nhiều người nói xe lăn thông minh là một trong những phát minh hàng đầu của giáo sư. Theo giáo sư, phát minh nào được xem là phát minh quan trọng nhất trong cuộc đời mình?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Có vẻ mọi người hơi ưu ái tôi khi xem tôi là bậc thầy của những phát minh. Thật ra, tôi chỉ làm những điều tốt nhất để tạo nên sự khác biệt cho mọi người, đặc biệt cho những người bệnh. Tôi đã phát minh ra rất nhiều thiết bị y tế và tất cả các thiết bị đó đều rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Hai trong số những phát minh mà tôi nghĩ quan trọng hơn cả là HypoMon và Aviator vì chúng được rất nhiều người biết đến, tuy nhiên những nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh Parkinson cũng rất quan trọng. HypoMon là thiết bị dựa trên công nghệ phát hiện lượng đường trong máu giảm ở bệnh nhân đái tháo đường một cách liên tục mà không cần lấy máu. Aviator thì dựa trên công nghệ mới giúp người khuyết tật nặng có thể điều khiển xe lăn thông qua việc điều khiển suy nghĩ của mình”.
Bay vút: Xuất phát từ đâu mà giáo sư có ý tưởng thiết kế chiếc xe lăn thông minh cho người khuyết tật?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Ban đầu, tôi làm việc với rất nhiều loại dạng rôbốt thông minh khác nhau mà chúng có thể học chơi Connect-4 và chơi cờ. Thêm vào đó, tôi cũng từng làm việc với nhiều nhà nghiên cứu đã phát minh ra những công nghệ điều khiển đơn giản để bật hoặc tắt các thiết bị gia dụng trong gia đình. Tôi cũng rất thích thú với những vấn đề về động lực học trong việc điều khiển xe lăn thông qua suy nghĩ của con người vì điều này dường như khá phức tạp. Thêm vào đó là mong muốn hỗ trợ người khuyết tật nặng có thể di chuyển dễ dàng hơn, từ đó tôi đã thành lập nhóm nghiên cứu để sáng tạo ra Aviator”.
Bay vút: Chiếc xe lăn giáo sư và các cộng sự đã nghiên cứu hơn 10 năm rồi, xin giáo sư có thể cho biết hiện tại nó đã có mặt trên thị trường chưa? Nếu chưa, khi nào chiếc xe lăn thông minh này sẽ có mặt trên thị trường và ứng dụng thực sự của những chiếc xe lăn này trong tương lai?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Hiện tại, những chiếc xe lăn này vẫn chưa có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi đang sáng tạo ra một thiết bị cho phép bộ điều khiển của bất kỳ xe lăn nào đều có thể sử dụng công nghệ điều khiển việc di chuyển bằng đầu hoặc công nghệ điều khiển suy nghĩ. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư để thương mại hóa công nghệ và nhanh chóng đưa chúng ra thị trường. Nếu chúng tôi có nguồn vốn đối ứng, những chiếc xe lăn này sẽ có mặt trên thị trường trong vòng hai hoặc ba năm nữa. Nếu không thì có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tôi nghĩ những chiếc xe lăn này sẽ thực sự hữu ích cho những người khuyết tật nặng trong việc di chuyển”.
Bay vút: Với những công nghệ cao và tiên tiến được sử dụng trên chiếc xe lăn thông minh trong giao đoạn này, liệu chiếc xe lăn này có đến được tay những người khuyết tật nghèo?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Chúng tôi không chế tạo ra xe lăn, chúng tôi chỉ thiết kế những thiết bị đi kèm với nó mà thôi. Một chiếc xe lăn điện, bản thân nó đã rất đắt và các thiết bị điện tử Aviator gắn thêm sẽ làm giá của chiếc xe lăn này tăng lên (có thể là tăng thêm dưới 20% tổng giá thành của chiếc xe). Tôi mong rằng sẽ có nhiều cách để tạo nên những hỗ trợ từ cộng đồng để đem đến cơ hội cho người nghèo sử dụng công nghệ mới và tôi rất sẵn lòng là người đứng sau những hoạt động như thế này”.
Bay vút: Ngoài công việc nghiên cứu, mọi người còn biết đến giáo sư với tư cách là trưởng khoa Cơ khí và Công nghệ thông tin của trường UTS. Với vai trò này, Giáo sư đã hướng dẫn và dìu dắt rất nhiều thế hệ sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu. Giáo sư cũng đã trở thành cầu nối giữa sinh viên Việt Nam và trường UTS. Xin Giáo sư cho độc giả của Bay vút biết thêm về công việc này?
GS.TS. Nguyễn Hùng: “Tôi đã hướng dẫn và làm việc với rất nhiều sinh viên Australia cũng như sinh viên quốc tế, trong số đó cũng có rất nhiều sinh viên Việt Nam. Họ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới nghiên cứu mà chúng tôi đã xây dựng nên tại UTS để tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng. Cầu nối tôi xây dựng giữa sinh viên Việt Nam và UTS đã hơn 10 năm nay và tôi có thể khẳng định rằng chiếc cầu nối này đã trở nên hết sức vững chắc. Chất lượng của sinh viên Việt Nam tại UTS thực sự rất tốt và tôi rất tự hào về chiếc cầu nối này”.
Bay vút: Xin cảm ơn giáo sư về buổi nói chuyện thú vị này. Chúng ta sẽ chờ đợi kết quả cuối cùng cho danh hiệu “Người Australia của năm 2012” vào dịp quốc khánh tới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment