Friday, January 6, 2012

NĂM THÌN DỰ DOÁN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA TRUNG QUỐC (AsiaOne/Chinsa Daily)



AsiaOne/China Daily 15-12-11

Nguyễn Huy dịch
02/01/2012 05:00 GMT+7

Các phóng viên Nhật báo Trung Quốc trong nước và ở nước ngoài đã phỏng vấn những chuyên gia cao cấp nghiên cứu về kinh tế, chính trị và quốc tế, nói về những thách thức mà nước này đối mặt trong lĩnh vực ngoại giao và các giải pháp trong năm 2012.
Năm 2011 là một năm không dễ dàng trong các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc. Nước này đã trải qua cuộc sơ tán công dân lớn nhất từ trước tới nay khỏi một quốc gia nước ngoài, Libya, khi chiến tranh xảy ra. Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự trở lại chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hay chuyện tranh chấp hàng hải với các láng giềng châu Á. Trong khi đó, phương Tây tuy tình hình kinh tế ảm đạm nhưng lại gia tăng vị thế ngoại giao, quân sự khiến Bắc Kinh cần có phản ứng thích hợp.
Bất ổn tiếp tục kéo dài ở Trung Đông có thể làm giá dầu tăng cao cũng như đặt ra những thách thức chiến lược; những gương mặt chính trị mới nổi sau các cuộc bầu cử tại một số quốc gia lớn; và nền kinh tế thế giới ảm đạm có thể dẫn tới những hậu quả chính trị-kinh tế tiêu cực... đặt ra những áp lực thậm chí lớn hơn với ngoại giao Trung Quốc trong năm con rồng sắp tới.

Những mối quan hệ
Mặc dù Mỹ đã phủ nhận quan điểm phổ biến cho rằng, họ đang tìm cách đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy trong khu vực bằng cách "tái khởi động" chính sách châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thế giới giờ đây đang tập trung xem xét hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hợp tác thế nào vì lợi ích của họ trong khu vực, diu trì tăng trưởng kinh tế thế giới và đảm bảo cân bằng chiến lược.
Donald Nuechterlein, nhà khoa học chính trị tại Mỹ và chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ đã bình luận về chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đăng trên trang web Daily Progress: Trung Quốc có lẽ là lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ ngày nay và Tổng thống Mỹ, cũng như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng đang "xây dựng một liên minh gồm những nước châu Á" để ngăn chặn Trung Quốc "mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Bắc và Đông Nam Á". Ông nói rằng, chiến lược ấy bao gồm việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton có chuyến công du sau cả nửa thế kỷ tới Myanmar và thoả thuận gần đây giữa Australia với Mỹ về việc triển khai lính thuỷ đánh bộ Mỹ tới căn cứ ở bờ biển phía bắc nước Úc.
Theo Peng Guang-qian, một nhà chiến lược tại Bắc Kinh, phép thử ngoại giao lớn nhất cho Trung Quốc năm tới bắt nguồn từ cảnh quan thay đổi địa chính trị khu vực mà khởi đầu là sự trở lại chiến lược của Mỹ ở vành đai châu Á-Thái Bình Dương. "Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới của Mỹ là thách thức rất lớn với trật tự thế giới hiện nay, và nó hoàn toàn sẽ cơ cấu lại bối cảnh chiến lược toàn cầu, đặt ra áp lực chưa từng có trong tiền lệ với an ninh quốc gia của Trung Quốc", Peng nói.
Ông này khẳng định, sứ mệnh ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2012 là "xoay xở" thế nào để sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị của mình đối phó với cái gọi là chính sách ngăn chặn từ Mỹ.
Bài viết đăng trên Nhật báo Trung Quốc cho rằng, chính sách châu Á - Thái Bình Dương mới của Mỹ cũng là một phần lý do đằng sau áp lực của một số nước khu vực với Trung Quốc về tranh chấp hàng hải, biến khu vực trở thành một điểm nóng ngoại giao. (Biển Đông là nơi tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á. Và trong đó, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển).
Báo này viện dẫn tờ Lianhe Zaobao của Singapore trong bài bình luận đăng tháng 10 nói rằng "Mỹ đang thiết lập một liên minh trong khu vực và chơi trò ngoại giao ý thức hệ để cô lập Trung Quốc". Bình luận này khuyến cáo Trung Quốc cố gắng tránh đối đầu trực tiếp trong khi hiểu rõ bản chất chiến lược chính sách ngăn chặn từ Mỹ. Nó cũng thúc giục Trung Quốc tận dụng tối đa sức mạnh kinh tế và tăng cường quan hệ với những người chơi khác trên thế giới để đối trọng với Mỹ, tự gỡ rối những tranh chấp hiện nay.
Vương Dĩ Châu, phó hiệu trường trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói rằng, Trung Quốc nên khai thác một cách sáng tạo và tối đa hoá tài nguyên của mình để tham gia cuộc chơi tích cực hơn. Vương nhấn mạnh, sáng kiến như vậy có thể được áp dụng trong giải quyết vấn đề Biển Đông, trong sự trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và trong thay đổi lãnh đạo Trung Đông.

Kinh tế phục hồi
Mỹ đang vật lộn để thúc đẩy một nền kinh tế tụt hậu, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng kể từ khi khủng hoảng tài chính tác động tới những nền kinh tế lớn trong năm 2008. Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đưa ra thông báo hồi tháng 10 rằng, tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ ở mức 2,6 - 3,3% và tỉ lệ thất nghiệp là 8,3-9%. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tình trạng thâm hụt cao, thất nghiệp lớn và tăng trưởng thấp.
Duncan Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Brussels nói rằng, ngoại giao kinh tế sẽ đặt ra những thách thức lớn với Trung Quốc trong năm 2012. "Khủng hoảng tiếp tục ở EU và Mỹ sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới toàn cầu. Sẽ có yêu cầu Trung Quốc giải cứu châu Âu và vì thế cũng có thể va chạm với Mỹ. Và khi cuộc khủng hoảng ở Âu, Mỹ gia tăng, thì những yêu cầu cũng tăng theo", ông nói.
"Các vấn đề kinh tế và hậu quả khủng hoảng sẽ tiếp tục là trung tâm hoạt động chính trị toàn cầu, và Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức để đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các giải pháp sắp tới", Duncan nhấn mạnh.
Theo Vương Dĩ Châu, các nền kinh tế ảm đạm EU và Mỹ sẽ tác động tới chính sách nội địa của họ, khiến hoạt động ngoại giao hướng về phía Trung Quốc trở nên bảo thủ và bảo hộ hơn. Bởi Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn là nước nắm giữ dự trữ ngoại tệ lớn.
Lí Đạo Khôi, cố vấn cho ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cảnh báo rằng, sự sụt giảm kinh tế của EU và Mỹ là lý do căn bản đằng sau những thay đổi phức tạp trong bối cảnh toàn cầu. "Kiểm soát kinh tế suy yếu của các nước phát triển đồng nghĩa với sự suy giảm kiểm soát của họ với hệ thống toàn cầu", ông Lí nói tại diễn đàn do Viện quan hệ quốc tế hiện đại thuộc Đại học Thanh Hoa tổ chức ở Bắc Kinh ngày 4/12. "Rắn thì thường không cắn, nhưng sẽ làm vậy nếu cảm thấy bị đe doạ", vị cố vấn này ví von như vậy.

Điểm nóng toàn cầu
Tình hình kinh tế và chính trị thế giới dễ bị tổn thương trong năm 2012, cùng với những cuộc bầu cử ở một số nước lớn, sẽ làm cho những vấn đề nóng trong khu vực và toàn cầu tiếp tục duy trì sự thu húttrong năm tới. Những điểm nóng khu vực có thể ảnh hưởng tới các lợi ích chiến lược của Trung Quốc - một quốc gia mà giờ đây có sự hiện diện cũng như các lợi ích chính trị, kinh tế ở khắp thế giới.
Năm 2012 có thể chứng kiến bất ổn, bạo lực gia tăng và cả những cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông, Bắc Phi, nơi khủng hoảng chính trị kích động một cuộc chiến quốc tế và bạo lực trong nước, như tại Libya, Tunisia, Ai Cập và Syria trong năm 2011. Trong lúc đó, các cuộc xung đột kéo dài từ lâu nay liên quan đến bán đảo Triều Tiên, vùng Vịnh cũng có thể bùng nổ nếu các cuộc đàm phán chệch hướng.
Trung Quốc cần phải chuẩn bị đầy đủ cho các hiệu ứng có thể "lan tràn" ví dụ như bất ổn kéo dài ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng cao và đặt ra các thách thức chiến lược, Vương Dĩ Châu nói. Mark Frazier tại Đại học Oklahoma cho hay, hai trong số các thách thức ngoại giao lớn mà Trung Quốc đối mặt năm 2012 sẽ là áp lực phương Tây về vấn đề Iran và bạo lực leo thang cũng như khả năng xung đột vũ trang ở Syria.
Cuối cùng, Dennis Pamlin, giám đốc Sáng kiến Carbon thấp LHQ dự đoán, 2012 sẽ gia tăng áp lực với Trung Quốc khi nước này ở cương vị dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Pamlin nói: "Vai trò lãnh đạo kêu gọi là cách để các nước khác chuyển hướng tập trung từ trách nhiệm của họ". Mẫn Thanh, giáo sư quan hệ EU - Trung Quốc tại Trường châu Âu ở Bỉ nhấn mạnh, một vấn đề đặt ra với Trung Quốc là cân bằng phát triển trong nước và các trách nhiệm của họ ở bên ngoài. "Là một cường quốc trỗi dậy, Trung Quốc đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ những nước khác về việc gia tăng trách nhiệm quốc tế. Nhưng trách nhiệm ấy lớn thế nào và trong lĩnh vực gì là điều mà Bắc Kinh phải rất chú ý", giáo sư Mẫn nói.
Theo Nghiêm Hiếu Đồng, phụ trách Viện Quan hệ quốc tế hiện đại tại Đại học Thanh Hoa thì, Trung Quốc - trong vai trò là một cường quốc thế giới - không nên chấp thuận sự trung lập hay không đưa ra một chính sách rõ ràng. "Trung Quốc sẽ không phản đối nước dẫn đầu trong các lĩnh vực mà họ có thế mạnh, nhưng cùng lúc ấy, Trung Quốc nên san sẻ nhiều hơn trách nhiệm toàn cầu ở những phương diện họ tiến bộ", ông nói.
.
.
.

No comments: