Friday, January 13, 2012

MÙA XUÂN Ả RẬP : TỐT CHO AI & XẤU CHO AI ? (Deborah Amos)




Nguyễn Khoa Thái Anh dịch
13/01/2012

Theo dự đoán của một số quan sát viên thế giới thì thế kỷ 21 này là kỷ nguyên mới của Trung Hoa, khi quyền lực mềm và cứng của họ đưa Trung Quốc lên hàng đầu, soán ngôi vị độc tôn của Hoa Kỳ. Việt Nam nằm trong bước tiến và quỹ đạo của vương triều phía Bắc sẽ có phản ứng gì với mộng bá chủ này? Có lẽ không quá đáng khi người ta cho rằng phản ứng và sự đối trọng của Việt Nam đối với sự sự trỗi dậy của Trung Quốc này sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến chuyện đi đến đích của Trung Quốc.

Theo nhận định của bài dưới đây, cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đối với Hoa Kỳ có thể lợi bất cập hại – ít ra trong khoảng thời gian sắp tới. Trong khi đó điều tốt nhất và sáng sủa nhất cho Việt-Nam là một cuộc cải tổ phù hợp với ước vọng và quyền lợi của nhân dân và lợi ích của đất nước từ bên trong nội bộ đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì tất nhiên Việt Nam sẽ hưởng lợi và là một điều tốt đối với Hoa Kỳ – nếu phe thân Mỹ và người dân đừng để cho Trung Hoa khống chế và lũng đoạn. Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ là hai đối tác và đồng minh quan trọng về kinh tế, xã hội (và quân sự) cộng với mọi thành phần dân dã và trí thức hiểu biết, nhân bản, không cực đoan sẽ giúp mang lại sự phát triển cho một Việt Nam mới, cùng với ổn định hòa bình trong vùng và quốc tế.

Tiên đoán về sự suy yếu của Hoa Kỳ đã quá sớm, họa chăng, nếu có nó chỉ tạm thời giới hạn trong một thời gian không lâu. Bởi vì khi một nước biết phục hồi đạo đức và công bình dân chủ như những giá trị thượng tôn mà Hoa Kỳ đeo đuổi lâu nay, thì chuyện họ gánh vác trách nhiệm lãnh đạo thế giới sẽ là lẽ tất yếu, trong khi đó sự tham tàn và vô luân của những mộng bá quyền đầy ác ý sẽ không bao giờ được đa số các quốc gia trên toàn cầu thần phục hay chấp nhận, do đó mưu đồ bá chủ sẽ không bao giờ vững bền.

Nguyễn Khoa Thái Anh

-------------------------------------------

Hoa Kỳ vẫn đang cố gắng phác họa những chính sách mới nhằm đối phó với thời cuộc đang đổi thay nhanh chóng ở Trung Đông. Hình này cho thấy Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chụp chung với các chiến sĩ Libya – những người đã lật đổ Moammar Gadhafi – trong một chuyến viếng thăm thủ đô Tripoli ngày 18 tháng 10.


Ngày 9 tháng 1, 2012
Những cuộc nổi dậy Ả Rập đã lật đổ hoặc làm suy yếu một số lãnh tụ đồng minh của Mỹ. Các cuộc bầu cử ở Tunisia và Ai Cập đã cho thấy sức mạnh của các đảng Hồi giáo. Và sau một cuộc chiến lâu dài và khó khăn ở Iraq, dường như Hoa Kỳ không còn bụng dạ nào để khởi sự một cuộc mạo hiểm phức tạp trong vùng. Trong đoạn cuối cùng của loạt bài sáu phần của chúng tôi về những biến động thay đổi Trung Đông, cô Deborah Amos của Chương trình Phát thanh Toàn quốc (NPR/National Public Radio) hướng về tương lai xem điều này có ý nghĩa gì cho nước Mỹ.
Mùa xuân Ả Rập đã bị đặt sai tên ngay từ đầu. Nó giống như một trận động đất chính trị hơn một mùa khởi nghĩa và mặt đất vẫn còn rung chuyển. Trong số 22 quốc gia Ả Rập, chỉ có ba nhà độc tài bị lật đổ hoàn toàn, và các cuộc nổi dậy vẫn chưa đến thời kỳ kết cuộc của chúng.
Khi hỏi những thay đổi đang diễn ra có triển vọng tốt hay xấu đối với Mỹ, thì bạn thường nhận được một câu hỏi khác ngược lại.
“À, tôi nghĩ cũng giống như khi mình nói “Thiên tai tốt hay xấu cho nước Mỹ?”. Chuyện tai ương tự nhiên xảy ra. Ý tôi muốn nói, nhiều chuyện … ta chẳng làm gì hơn được,” ông Greg Gause, một chuyên gia chính trị Trung Đông tại Đại học Vermont phát biểu. “Và vì vậy câu hỏi không phải là chuyện đó tốt hoặc không tốt cho chúng ta, câu hỏi là “Chúng ta phản ứng thế nào với nó? ”
Phản ứng ban đầu là lạc quan. Tổng thống Obama nói rằng cuộc nổi dậy trên quảng trường Tahrir ở Cairo đã cho ta một cơ hội lịch sử. Tuy nhiên, những ngày đen tối sau đó ở Ai Cập, Libya và Syria đã tôi luyện phản ứng của Mỹ.
Một cuộc thăm dò trong tháng Mười một cho thấy hầu hết các cử tri Mỹ không nhìn thấy những thay đổi chính trị ở các nước như Ai Cập là tốt cho Mỹ. Thậm chí ít người trong họ mong đợi các nhà lãnh đạo mới sẽ trở thành đồng minh, nhất là hiện nay một số đồng minh lâu đời của Mỹ đã ra đi.
“Cuộc cách mạng, ngay từ đầu, đã khiến Mỹ không kịp chuẩn bị, và đây là cuộc cách mạng chống lại các nhà độc tài được Mỹ ủng hộ”, ông Khaled Fahmy, giám đốc Phân khoa Lịch sử tại Đại học Mỹ ở Cairo nó.
Ông mô tả khoảng thời gian này như một sự thay đổi lịch sử có thể sánh với các cuộc nổi dậy của Ả Rập vào thế kỷ trước – thời điểm của Lawrence of Arabia, ông gọi như vậy. Sau đó, nó là một cuộc nổi dậy chống lại Đế chế Ottoman. Lần này, mục tiêu là một hệ thống các liên minh phụ thuộc vào các nhà độc tài hợp tác với Mỹ. Lần này, cách mạng cũng thuộc một thế hệ trẻ muốn có một tiếng nói.
“Bây giờ, bỗng nhiên, chúng ta có một diễn viên mới”, ông nói. “Đúng ra, cũng không phải là Hồi giáo, mà là dân. Tôi nghĩ rằng đó là thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ… Người chơi mới trên sân mà họ đã chưa thực sự biết tới hoặc thậm chí tiên liệu trước.”

Hồi giáo thắng ở các thùng phiếu
Ở một số vùng tại Tunisia, lần đầu tiên có đến 90% cử tri đi bầu. Nhưng ngay cả trong các nước thế tục nghiêng về phương Tây nhất, người Hồi giáo xuất hiện như là lực lượng chính trị có tổ chức nhất, đưa đến câu hỏi: Dân chủ đến mức nào ở Trung Đông thì tốt cho Hoa Kỳ?
Mọi người thực sự muốn được tự do, và về lâu về dài, dân chủ và s tự do rộng lớn hơn sẽ xảy ra ở Trung Đông. Trong lúc này, có thể sẽ có một chuỗi ngày khó khăn.
Thomas Henriksen thuộc Đại học Stanford (California)
“Nói chung, tôi cho là tốt. Nhân dân thực sự muốn được tự do, và về lâu dài, dân chủ và một sự tự do rộng lớn hơn sẽ xảy ra ở Trung Đông.. Và từ giờ đến đó, có thể sẽ có một số ngày khó khăn,” ông Thomas Henriksen nói, người hay viết về quyền uy của Mỹ.
Trong văn phòng của Henriksen tại Đại học Stanford, một bức tượng bán thân của Ronald Reagan nm giữa những bộ sách của ông. Đối với Henriksen, tự do là giá trị cao nhất của Mỹ, và những nhu cầu về quyền lợi của Mỹ sẽ phải thích ứng.
“Bao giờ cũng có một chút căng thẳng khi phải đối phó với nhà độc tài duy nhất,” ông nói. “Đặt chính sách đối ngoại của mình chỉ vì một người luôn luôn là một đề xuất quá eo hẹp.”
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, các lãnh tụ độc tài đã mang lại một khu vực tương đối ổn định và dễ lường. Ưu tiên của chính sách đối ngoại Mỹ ưa chuộng một nguồn dầu chảy đáng tin cậy, một Israel tương đối an toàn, các nhóm cực đoan và những chế độ quá khích ít nhiều được kiểm soát. Chúng ta có được những gì chúng ta cần, Steven Cook phát biểu như vậy tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
“Vâng, tất cả chúng ta có thể cảm thấy ấm êm về dân chủ trong khu vực, nhưng chúng ta cũng phải nhận thực rằng mọi chuyện sẽ không thông xuôi tốt đẹp cho chúng ta”, ông nói. “Đối với Hoa Kỳ sẽ có những thách thức mới và khác nhau trong tương lai khi với dân chủ Trung Đông rộng mở.”

Ai Cập xét lại
Thách thức lớn nhất cho đến nay vẫn là Ai Cập, nơi mà Mỹ vẫn gửi khoảng 1,3 tỷ USD viện trợ mỗi năm.
Trong các cuộc bầu cử ở nghị viện, dân Ai Cập đã đem lại một chiến thắng lớn lao cho nhóm Huynh đệ Hồi giáo, một tổ chức Hồi giáo cam kết sẽ xây dựng một nền dân chủ hiện đại. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của họ sẽ không có triển vọng thích hợp với ý của Mỹ bằng chế độ Hosni Mubarak cũ.
Trong một sự thay đổi lớn, chính quyền Obama đã mở cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên với người Hồi giáo của Ai Cập. Đó là một sự phản ảnh của thực tế chính trị mới trong khu vực, ông Shadi Hamid thuộc Trung tâm Brookings tại Doha, Qatar cho biết.

Thời khóa biểu: Các sự kiện chính của mùa xuân Ả Rập
Nhìn vào sự phát triển quan trọng nhất trong thế giới Ả Rập trong năm qua.
“Tôi nghĩ rằng có một nhận thức ngày càng tăng trong thế giới Ả Rập rằng Hoa Kỳ là một quyền lực suy giảm và rằng nó không có nhiều ảnh hưởng và thế lực như trước đây,” ông nói. “Và vì lý do đó, họ không cần phải nghe Mỹ, họ có thể thách thức Mỹ.”
Đó là bởi vì thế giới Ả Rập lại một lần nữa đang viết sử riêng của mình. Chương đầu tiên là về chính trị nội bộ, được thúc đẩy bởi một nhu cầu phổ cập của dân chúng đòi hỏi Chính phủ phải có trọng trách với dân hơn. Ý kiến công chúng sẽ được chú trọng, ông Greg Gause nói, tại một thời điểm khi tình cảm chống Mỹ cao.
“Bây giờ, nếu bạn hỏi tôi, mùa xuân Ả Rập tốt hay xấu cho nước Mỹ, tôi sẽ phải nói rằng trước mắt, nó không tốt cho nước Mỹ,” ông Gause nói.
Lời tư vấn của ông – và tựa đề cho bài bình luận gần đây nhất của ông về chính sách đối ngoại của Mỹ – đến từ một câu nói của Thỏ Trắng, trong cuốn Alice ở xứ sở thần tiên: “Đừng làm gì cả; cứ đứng đó.”
“Lời khuyên của tôi là đừng phản ứng thái quá, đừng cố định hướng cho họ theo một chiều hướng nào đó,” ông nói. “Bởi vì tôi không nghĩ rằng chúng ta có đủ quyền lực, tôi không nghĩ rằng chúng ta có các đồng minh ở địa phương, và cho đến khi bụi lắng xuống, và cho đến khi họ có chính phủ ổn định rồi và sau đó sẽ tham gia vào các chính sách đối ngoại của riêng họ, có lẽ là điều tốt nhất chúng ta có thể làm là để cho điều đó xảy ra.”

Sức mạnh của công nghệ Mỹ là động lực giúp đẩy các cuộc nổi dậy – Google, Facebook và Twitter – và các giá trị Mỹ đã trở thành nhu cầu mà những người biểu tình chia sẻ. Bây giờ, câu hỏi về quyền lợi của Mỹ sẽ được xác định, một phần, bởi một Trung Đông mới, có thể sẽ trở nên dân chủ hơn, Hồi giáo hơn và có lẽ dễ khuấy động hơn bao giờ hết.

D. A.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: