Thursday, January 19, 2012

MƠ VỀ MÙA XUÂN CỦA PHÁP LUẬT (Nguyễn Bính Châu, gửi cho BBC)



Nguyễn Bính Châu (Đoàn Luật sư TP. HCM)
Gửi cho BBC từ TP. HCM
Cập nhật: 08:49 GMT - thứ tư, 18 tháng 1, 2012

Thế là Mùa Xuân lại đến, và người dân tạm lắng quên những bộn bề lo toan và muộn phiền trong cuộc sống để đón xuân với muôn niềm hy vọng thật dễ thương.

Ông bà mình có câu “méo mó nghề nghiệp”, “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng”. Là một luật sư tôi chỉ mơ ước sao cho việc hợp thức hóa nhà đất cho người dân được dễ dàng. Có nơi tuyên bố chỉ mất hơn ba tuần là xong, mà tôi lại “làm” hơn hai năm chưa thấy gì. Nội cái bản vẽ phải mất một hai tháng kể từ khi đăng ký. Rồi thì do đo vẽ bằng tay nên bỗng dưng lại phát hiện ra cái bản vẽ cũ sai lệch với cái mới hơn một hai mét, có khi thửa đất lại chồng lấn qua thửa đất của nhà kế bên. Quận bảo mình phải làm đơn xin ông hàng xóm xác nhận là ông ấy không tranh chấp. Thế là ông ấy nhất quyết không thèm ký.

Còn việc xét xử thì “án dân sự xử sao cũng được”. Việc xin giám đốc thẩm bản án, hoặc khiếu nại một bản án oan sai thì thôi cứ như là “mò kim đáy bể”, giới luật sư trong nghề đã đặt cho việc xin giám đốc thẩm một cái tên nghe hết sức thơ mộng và ngậm ngùi bi đát “Đường đi không tới”.

Trong khi thiên hạ quan tâm đến việc giành giựt chiếc ghế của Liên đoàn bóng đá hạng B hoặc tò mò xem coi việc ông trưởng phòng “tự nguyện” đi thi giùm cho ông thứ trưởng được xử lý ra sao? Thì tôi chỉ quan tâm đến nạn đinh tặc hoành hành bành trướng trên các nẻo đường gây tổn hại và tai nạn đau lòng cho bao người dân nghèo khổ, việc xây dựng nhà ở cho dân nghèo đã đi được tới đâu? Tôi cũng không cần quan tâm tỷ lệ hủy án oan sai là bao nhiêu? Nhưng tôi chỉ cảm thấy nhức nhối xót xa, trước hình ảnh các cụ già nghèo khổ mòn mỏi trông chờ vô vọng đơn xin hủy án oan sai vẫn biệt vô âm tín, không một lời an ủi hỏi thăm hay thành thật xin lỗi.

Xã hội hóa việc xét xử
Một luật gia Pháp đã có câu “Trong các hoạt động của con người, hoạt động xét xử là hoạt động cao quý nhất”. Vì vị thẩm phán xét xử phải rất mực sáng suốt và liêm chính, tấm lòng trong sáng như mặt trời mặt trăng, xử theo lẻ phải, bảo đảm công bằng, thực thi công lý. Hiện nay, tình trạng Công lý chập chờn khi xét xử, chủ yếu do khâu giám đốc án quá tải, không làm xuể. Phần thiệt thòi dĩ nhiên thuộc về phía dân nghèo cô thế.

Làm thế nào để án xử không bị oan sai, để người dân có thể an lòng trước Công lý? Theo kinh nghiệm của chúng tôi, cái chúng ta cần không phải là phấn đấu việc “nâng cao chất lượng tranh tụng” tại tòa án. Cái chúng ta cần không phải chỉ là lời “gõ cửa trái tim” kêu gọi suông vào “lương tâm đạo đức”. Cái chúng ta cần là phải xây dựng một cơ chế mới (bồi thẩm đoàn là thành viên Hội Luật gia) để bảo đảm việc xét xử phải công bằng và chuẩn xác, nhân danh Công lý thì không thể có án oan sai.

Ngoài ra, ta còn phải áp dụng biện pháp đi kèm là “trấn áp và ngăn chặn triệt để” (đánh dập đầu rắn), phát hiện và hủy ngay bản án oan sai, không thể để nó sống mà hại dân hại nước. Chánh án tòa án khu vực và viện kiểm sát cùng cấp phải trả lời và có trách nhiệm xác minh các đơn thư của luật sư khiếu nại bản án oan sai. Bộ trưởng bộ Tư pháp, chánh án Tòa án Tối cao, chánh án tòa khu vực phải có trách nhiệm về bản án oan sai trước Quốc hội và Chính phủ. Liên đoàn Luật sư, Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia và các báo Pháp luật từ trung ương đến địa phương phải mạnh dạn đứng về Nhân dân và Công lý, giúp luật sư làm tròn thiên chức người phụ tá của Công lý cho nhân dân, giúp ngành tòa án phát hiện và tiêu diệt kịp thời các bản án oan sai đau khổ, đem lại ánh sáng Công lý và niềm tin vào Chính nghĩa cho nhân dân.

Tôn giáo và dân tộc
Những năm gần đây, ai ai cũng đã ghi nhận được rất nhiều biến đổi trên bộ mặt tôn gíao tín ngưỡng cả nước. Các chùa chiền, thiền viện, nhà thờ nhà nguyện được trùng tu xây dựng thật “hoành tráng, huy nga và tráng lệ. Tuy nhiên, vẫn có những biến thái của nó cần kịp thời chấn chỉnh.

Thí dụ, việc nhà nước đôi co với giáo dân về việc trưng thu quy họach nhà đất cũ của tôn giáo. Nội vụ căng thẳng đi đến xô xát, kẻ tù người tội, làm đau lòng những người thánh thiện tu hành, và nhức đầu cực nhọc cho nhà cầm quyền phải cố gắng ổn định an ninh trật tự, giữ nghiêm phép nước.

Theo tôi, nếu Tôn giáo cần có đất đai cơ sở để phục vụ cho xã hội một cách thiện nguyện công ích như: cơ sở tu hành, cơ sở giáo dục, cơ sở phước thiện chữa bệnh dạy nghề, thì chính phủ cũng nên tổ chức đối thoại lắng nghe nguyện vọng của các cơ sở tôn giáo và cân nhắc xem xét giải quyết thỏa đáng, có tình có lý. Chính quyền cần có cái nhìn xa trông rộng, rộng lượng và cởi mở, thay “đối đầu” thành “đối thoại”, thay “trừng trị” bằng “thuyết phục”, đôi bên tương kính và cân nhắc sao cho “thấu tình đạt lý”, vì lợi ích chung.

Dân chủ và pháp luật
Dân chủ là niềm mơ ước ngàn đời của nhân dân trên toàn thế giới, một tiêu chí hết sức cốt lõi, hết sức cần thiết cho một chính quyền phục vụ cho Nhân dân. Pháp luật mà không có dân chủ, không phục vụ nhân dân, không phù hợp với lòng dân thì nó sẽ tự đánh mất Chính nghĩa và Công lý, mà trơ trụi lại, nó chỉ còn là cây đèn thần “khủng bố”, “công cụ áp bức” của giai cấp cầm quyền.

Vào thời kỳ bình minh của lịch sử loài người, lịch sử pháp luật lúc sơ khai cũng mang đầy dấu ấn của sự man rợ, ngang tàn và bạo ngược của nó, theo ý nghĩa Luật Rừng Xanh (cá lớn nuốt cá bé). Nó được những kẻ mạnh đặt ra nhằm trấn áp trừng phạt và cai trị kẻ yếu thế thua trận. Bên thắng thế dùng nó để cưỡng bức lao động, chiếm đoạt đất đai tài sản của bên thua, cưỡng đọat trẻ em phụ nữ bên thua trận như là chiến lợi phẩm, ngang nhiên bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục và tha hồ tặng cho trao đổi bán mua. Dần dần do tính cưỡng chế của nó, và qua quá trình phát triển văn minh nhân loại, pháp luật đã thực sự trở thành một công cụ vô giá, hữu hiệu thần kỳ, trong việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội, thực thi công bằng xã hội và nền công lý quốc gia.

Ngày nay, quốc gia nào cũng thi nhau kêu gọi sự thượng tôn pháp luật, yêu cầu mọi công dân phải tôn trọng pháp luật, vì những lợi ích hết sức to lớn của nó, đặc biệt là tại các quốc gia lạc hậu - độc tài - mất dân chủ. Do vậy, điều kiện cần và có của Pháp luật là Pháp luật phải “gắn liền với Dân chủ” và “phù hợp với lòng dân”, thì mới có được giá trị cao quý của nó.

Nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng tôi kính đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải mở rộng và phát huy dân chủ hơn nữa, phải hợp thức hóa quyền biểu tình, quyền tự do lập hội, quyền tự do phát biểu chính kiến cho nhân dân, tự do báo chí cho tư nhân, quyền tự do ứng cử cho các thân hào nhân sĩ (ngoài Đảng và Chính quyền) được tham gia việc nước.

Mở rộng tự do báo chí
Thời Pháp thuộc, ta bị người Pháp cai trị hoàn toàn, thế nhưng người Pháp lại cho mở rộng quyền tự do báo chí cho tư nhân, nhờ đó chúng ta mới xuất hiện một nền văn học thật rực rỡ, với những nhà nghiên cứu phê bình kiệt xuất (Hoài Thanh- Hoài Chân, GS Dương Quảng Hàm), các nhà văn nhà thơ có những tác phẩm “để đời” và “không thể thay thế” của văn học (Thạch Lam, Nhất Linh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu ..), các nhạc sĩ rất mực tài hoa làm say đắm lòng người (Văn Cao, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Lê Thương, Lê Trọng Nguyễn..)

Chúng ta hô hào “chống tham nhũng thì không có vùng cấm”, nhưng tham nhũng thì trăm mắt ngàn tay, thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, cấu kết chặt chẽ, gắn bó với thế lực ô dù. Làm sao ta có thể chống tham nhũng nếu Nhà nước không mở rộng quyền tự do kinh doanh (nghề báo) và tự do báo chí (cho tư nhân)!
Khi đó, báo chí sẽ trở thành công cụ trăm tay ngàn mắt của nhân dân, tiếp tay với các cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời các vướng mắc sai trái bất cập trong cuộc sống, phát hiện tham những và vi phạm pháp luật mọi lúc mọi nơi cho Nhà nước dễ bề trừng trị.

Tuy nhiên, để tránh việc “nhà báo nói láo ăn tiền”, “bẻ cong ngòi bút”, tránh nạn báo chí lạm quyền hoặc tống tiền các giám đốc doanh nghiệp, cần phải xây dựng Luật Báo chí cho chu đáo và chặt chẽ. Ai vi phạm pháp luật, tung tin thất thiệt, vu khống cán bộ thì ta cứ bắt bỏ tù sất, miễn là có luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị can, đồng ý ký tên vào biên bản. Thế quý vị chính quyền và quý vị thiết tha yêu nước, có yên tâm không?

Hội nghị Diên Hồng
Hiện nay, nạn suy thoái đạo đức, tham nhũng đất đai, độc quyền vơ vét, chạy chức chạy quyền chạy án, tai nạn giao thông, ăn tiền mãi lộ, nhũng nhiểu nhân dân, lãnh cảm - vô trách nhiệm của cán bộ quan chức, là những vấn đề bức xúc đau khổ trong nhân dân và nhức nhối trong trái tim những người có tâm huyết với đất nước.

Tại Hà Nội (trái tim của cả nước), chúng ta đang dự định cho thử nghiệm mô hình chủ tịch và bí thư là một, (bãi bỏ chế độ Đảng lãnh đạo hình thức) và thí điểm việc thu hồi đất làm đường xá giao thông thì không cần hỏi ý kiến dân. Tôi đồng tình ý kiến xây dựng một chính quyền gương mẫu tập trung mạnh mẽ đó, nhưng ta cần phải có một cơ chế pháp lý để làm sao bảo đảm sẽ không có lạm quyền và mất dân chủ. Đó là nên từng bước nhanh chóng bãi bỏ chế độ “kiêm nhiệm chức vụ” vừa là đại diện chính quyền (Ủy ban, Chính phủ) vừa là đại diện nhân dân (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân), gây lãng phí thời gian tài lực, nhân lực và trì trệ đất nước.

Hãy mở một Hội nghị Diên Hồng, bằng cách khuyến khích và tăng cường quyền tự do ứng cử của nhân dân, tạo điều kiện mời gọi các thân hào nhân sĩ, trí thức yêu nước, các vị lãnh đạo tôn giáo có trình độ và uy tín tại địa phương vào nghị trường (Hội đồng Nhân dân và Quốc hội) để đóng góp ý kiến tâm huyết vào việc xây dựng chính quyền các cấp, vì chỉ có như thế thì mới phát huy được hết nội lực của đất nước, thực sự trao quyền yêu nước và xây dựng đất nước cho toàn dân.

Cải sửa sâu rộng Hiến pháp lần này, ta cần mạnh dạn sử dụng giải pháp có tính chất đột phá để nhanh chóng bắt tay vào việc chấn hưng đạo đức và canh tân phát triển đất nước. Đó là mở rộng:
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí cho tư nhân, Quyền tự do ứng cử cho người dân tham gia trực tiếp góp ý cho chính quyền một cách chính xác kịp thời và nhanh chóng, để xây dựng một chính quyền nhân dân vững mạnh tận gốc rễ.

Làm thế nào để đất nước chúng ta có thể nhanh chóng tiến lên, kịp thời phát hiện cải sửa mọi sai lầm vướng mắc, trong quá trình cầm quyền và xây dựng quốc gia, phục vụ cho Nhân dân?
Câu trả lời thật quá đơn giản. Đó là hãy trao quyền dân chủ cho nhân dân thông qua tự do báo chí và tự do ứng cử. Chắc chắn đất nước chúng ta sẽ có cơ hội phát triển vượt bực trên tầm cao mới, vì huy động được toàn bộ sức mạnh trí tuệ và nguyện vọng khao khát của Nhân dân cả nước.
Đó cũng là ước mơ ngàn đời của nhân dân lao động và đó mới đích thực là Mùa xuân của Pháp luật.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang làm luật sư tại TP. HCM.

.
.
.

No comments: