Wednesday, January 11, 2012

HUMAN RIGHTS WATCH YÊU CẦU LIÊN HIỆP ÂU CHÂU THÚC ĐẨY NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM (RFA, RFI)



Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
2012-01-11

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch vừa có bản khuyến nghị yêu cầu Liên minh Châu Âu thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.

Bản khuyến nghị đề ngày 10 tháng 1, tức hai ngày trước khi cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và chính phủ Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.

Trả lời đài RFA, ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch (HRW) cho biết, đây là một cơ hội để tổ chức này thông qua Liên Minh Châu Âu thúc giục cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Robertson nói:
“Chúng tôi hy vọng là Liên minh Châu Âu sẽ có một lập trường vững chắc và gây sức ép đối với chính phủ Việt Nam về các vấn đề mà chúng tôi nêu ra trong bản khuyến nghị. Phải chấm dứt việc bắt bớ, bỏ tù những nhà hoạt động ôn hoà – là những người chỉ sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do lập hội và quyền biểu tình để bảo vệ quyền lợi của họ”.

Khuyến nghị của HRW

Bản khuyến nghị dài 13 trang, có ba phần chính, bao gồm việc nêu ra những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; đưa ra những đề nghị của HRW và cuối cùng là đưa ra một danh sách bị tạm giam trong năm 2011. Trong đó, HRW đề nghị rằng trong cuộc đối thoại nhân quyền ngày mai, Liên minh Châu Âu nên tập trung vào vấn đề tù nhân chính trị, những người bị tạm giam cũng như xem xét 4 vấn đề chủ chốt: sự đàn áp tự do ngôn luận và lập hội, đàn áp tự do tín ngưỡng; sự tàn bạo và lạm quyền của cảnh sát; và cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện.

Cụ thể hơn, trong phần những đề nghị của HRW nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, bản khuyến nghị chỉ ra rằng muốn những người bất đồng chính kiến không bị bắt oan uổng, Việt Nam cần bỏ điều 79, 87, 88, 91, 92 và 258 BLHS VN. Thêm vào đó, ngoài việc đề nghị Liên minh Châu Ân yêu cầu phóng thích ngay lập tức các tù nhân chính trị, bản khuyến nghị nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của những công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Ông Phil Robertson nói thêm:
 “Rõ ràng đó là những vấn đề là Liên minh Châu Âu nên trao đổi trới chính quyền Việt Nam. Ngoài ra, EU cũng nên yêu cầu phía Việt Nam tuân theo những công ước của EU chẳng hạn như Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết và thông qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao luôn phát biểu là Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền. Nhưng điều quan trọng là những gì Việt Nam làm chưa tuân theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là vấn đề cốt lõi”.

Bản khuyến nghị cũng nêu ra khá đầy đủ những trường hợp bị bắt bớ và cầm tù mà theo tổ chức này là vì lý do chính trị, trong đó có những người đang gặp vấn đề sức khỏe. HRW cũng nêu lên quan ngại về những trường hợp tù nhân chết trong trại giam. Cụ thể, năm 2011, HRW ghi nhận 21 trường hợp.

Theo bản khuyến nghị, chỉ trong năm ngoái, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 33 nhà hoạt động ôn hoà với tổng cộng 185 năm tù giam và 75 năm quản chế. Và trong năm 2011, HRW ghi nhận có 27 trường hợp bị tạm giam vì lý do chính trị và tín ngưỡng.

Trong danh sách những người cần được phóng thích cấp bách nhất, HRW liệt kê ông LM Nguyễn Văn Lý, blogger Điếu Cày, ông Nguyễn Hữu Cầu, tính đồ Hoà Hảo Mai Thị Dung, tính đồ Hoà Hảo Nguyễn Văn Lía và người hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh. Phần cuối của bản kiến nghị là danh sách 27 trường hợp bị bắt năm ngoái chưa được xét xử, trong đó có 21 thanh niên Công giáo.

Ông Phil Robertson cho biết lý do đưa ra danh sách những người bị bắt bớ và cầm tù:
“Chúng tôi nêu ra những trường hợp này vì chúng tôi đã quan sát và tìm hiểu kỹ càng và thấy là những trường hợp này bị cầm tù vì thực hiện quyền con người của mình. Không phải HRW lên tiếng cho những trường hợp này vì họ nổi tiếng mà là vì họ bị vi phạm nhân quyền.
Chúng tôi có thể đưa những thông tin mà chúng tôi thu thập được ra công luận hoặc cung cấp cho chính phủ Việt Nam để chứng minh là chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra danh sách ấy”.

Xin được nhắc lại, sau khi ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác mới vào năm 2010, EU và Việt Nam đồng ý tiến hành đối thoại về nhân quyền mỗi năm một lần, tổ chức luân phiên ở Brussels và Hà Nội. Ngày 12 tháng 1 năm 2012 là vòng đàm phán đầu tiên.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------------

Đức Tâm   -   RFI
Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012

Ngày mai, 12/01/2012, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiến hành vòng đối thoại đầu tiên, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác, được ký kết năm 2010. Nhân dịp này, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây sức ép để Việt Nam cải thiện về mặt nhân quyền.

Tổ chức Human Rights vWatch, có trụ sở tại New York, đã công bố một bản khuyến nghị dài 15 trang, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây sức ép để Việt Nam thả toàn bộ tù chính trị, đề ra các biện pháp cải thiện về tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do tôn giáo.

Trong thông cáo báo chí được phát hành hôm nay, 11/01/2012, HRW cho biết trong năm 2011, « có ít nhất 33 blogger và nhà vận động nhân quyền bị kết án hình sự vì đã bày tỏ chính kiến và niềm tin tôn giáo của mình ». Bên cạnh đó, còn « có ít nhất 27 nhà vận động khác cũng bị chính quyền Việt Nam bắt giữ đang chờ điều tra, xét xử ».

HRW chú ý đến trường hợp của các ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày và Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasg, bị giam giữ từ năm 2010 mà chưa xét xử và trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, bị giam giữ trong một cơ sở giáo dục hai năm, không qua xét xử, vì đã tham gia các cuộc biểu tình trong năm 2011, phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổ chức theo dõi về nhân quyền còn liệt kê danh sách nhiều tù chính trị hiện đang có vấn đề sức khỏe, có người bị giam giữ từ lâu, từ ông Nguyễn Hữu Cầu, 65 tuổi, hiện bị mù lòa và điếc, nhà hoạt động Phật giáo Hòa hảo Mai Thị Dung, 42 tuổi, bị ốm nặng, hai chân liệt, mắc bệnh tim, sỏi mật, hoặc trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý…

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức HRW, nhấn mạnh : « Giới chức Liên Hiệp Châu Âu cần sử dụng vòng đối thoại để yêu cầu chính quyền Việt Nam cũng tôn trọng những cam kết về nhân quyền theo công pháp quốc tế, tương ứng với các điều khoản về viện trợ và thương mại quốc tế họ mong nhận được ».

Thông cáo báo chí của HRW còn tố cáo Việt Nam cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện, sản xuất một số mặt hàng để xuất khẩu. Do vậy, tổ chức theo dõi về nhân quyền của Mỹ khuyến cáo Liên Hiệp Châu Âu « nên vận động Việt Nam áp dụng một mô hình khác, nhân đạo… và bảo đảm rằng không một mặt hàng nào mang tì vết cưỡng bức lao động được nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu ».
.
.
.

No comments: