Nguyễn Vĩnh
Đăng ngày: 14:08 16-01-2012
Hai bài viết dưới đây trình bày bởi một tác giả ở trong nước và một từ giới truyền thông nước ngoài.
Không đi vào khía cạnh chỗ đứng, về quan điểm thái độ này kia trước sự việc (như bài thứ hai chẳng hạn) mà chỉ đối chiếu sự phản ánh “Hà Nội có ăn chơi xa hoa hay không”với một thực tế cuộc sống thực của Hà Nội - mà các tác giả này thể hiện - thì ai cũng phải công nhận các cây bút này đều đã rất trung thành phản ánh sự thực – một sự thực đang diễn ra lâu nay là có một giới người, một lớp người “giàu có mới” của Việt Nam, của Hà Nội đã quá xa hoa, đã quá đáng phung phí tiền của trong khi đất nước và đa phần nhân dân xung quanh họ còn bao gian khó nghèo nàn...
Người bạn tôi thời đi làm có cương vị chính thức kha khá trong xã hội bảo tôi cứ đưa lên blog để những kẻ xa hoa kia “xấu hổ” vì những hành động mà anh cho là lố lăng dớ dẩn trong một đất nước còn nghèo như Việt Nam.
Bằng kinh nghiệm tôi nói ngay rằng, bạn ơi rất đáng tiếc là bọn giàu xổi dửng mỡ, kiếm tiền như cướp được kia lại chẳng bao giờ đọc blog đọc báo vào những bài-mục như thế này đâu; hoặc giả đọc phải thì cũng vờ như không thấy không biết, thậm chí còn cho rằng chúng ta là lũ hấp, khốt-ta-bít, chẳng hiểu thời thế là gì sất; ờ người ta có người ta tiêu xài, người ta ăn uống đấy, chứ nào có động đến ai; thật toàn cái đồ ghen tị, lạc hậu không biết kiếm tiền… - đại thể đó là mấy lời tôi nói với ông bạn già của mình khi nhìn nhận về bọn người tiêu bạc triệu bạc tỉ dễ dàng như chúng ta tiêu dăm bạc chục ngàn đồng hàng ngày vậy!
Tôi nói vậy không có nghĩa là “đánh đồng” tất cả mọi người có tiền như nhau. Trong một xã hội đã công nhận nền kinh tế thị trường (dù lãnh đạo đất nước không bao giờ quên kèm cái đuôi định hướng…) thì việc có người giàu xuất hiện, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng xa cách, việc người có tiền kiếm được chính đáng chi tiêu thoải mái mạnh bạo không có gì đáng phê phán nặng nề cả. Điều đáng nói đáng bàn là bọn làm giàu bất chính.
Cuối cùng vấn đề thực chất là sự tiêu tiền như thế thì Hà Nội là giàu có thật sao? Đáng tiếc câu trả lời là “Không”. Việt Nam hiện không phải là đất nước giàu có. Và Hà Nội cũng chưa phải là thành phố giàu sang thực chất.
Hai bài viết dưới đây phần nào nói lên thực trạng hiện nay nhưng đã ở mức độ rất đáng báo động.
Vệ Nhig-th
-------
Hà thành ăn ngủ xa hoa
TTCT - Ăn sáng bằng một tô phở 650.000 đồng, ăn tối trong một căn phòng vàng và đêm đến thì ngủ ở một khách sạn với giá 6.200 USD/đêm...? Hà Nội là nơi có thể thỏa mãn bất cứ ai có tiền bằng những dịch vụ đắt tiền như thế.
Trên những con phố Hà Nội chật chội, ngột ngạt vì kẹt xe, vỉa hè ngập tràn những quán vịt om sấu hay bún ốc, ít ai ngờ rằng thủ đô có những chốn “xứng danh kim tiền” đến vậy.
Dát vàng khắp nơi
Ấn tượng đầu tiên về khách sạn Grand Plaza Hà Nội khánh thành mới đây trên đường Trần Duy Hưng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia, là từ sảnh lớn cho tới nhà vệ sinh đều dát kim loại màu vàng. Khách sạn có 618 phòng khách cao cấp và phòng hạng sang cùng nhiều nhà hàng mang nhiều phong cách ẩm thực, phòng tiệc, hội nghị...
Có hai phòng tổng thống với giá cao ngất: phòng 325m2 giá 3.900 USD/đêm, còn phòng 410m2 giá 6.200 USD/đêm, tức hơn 125 triệu đồng. Kim loại màu vàng dát đầy trên các chi tiết trang trí trong phòng, theo như lời kể của ban quản lý khách sạn. Bước vào căn phòng này, sờ tay vào cái giường ngủ của “tổng thống”, ta có cảm giác như mình đang bước vào một bảo tàng kim hoàn.
Nếu đã ở phòng “tổng thống” thì sao không đi ăn tối theo kiểu “hoàng đế”, với một phòng ăn được gọi là phòng vàng tại nhà hàng Long Đình trên phố Quán Sứ? Nhà hàng này nhìn bên ngoài cũng khá bình thường, nhưng có thêm những phòng ăn đặc biệt gọi là phòng vàng, phòng bạc. Những ly tách muỗng nĩa trên bàn lấp lánh màu của kim tiền. Thực đơn của quán toàn những món với tên gọi hào nhoáng và tiền thì tất nhiên cũng... xả láng. Cô Phạm Thị Vân Anh, phụ trách PR của công ty sở hữu nhà hàng này, cho biết một bát xúp vi cá giá 72 USD, một bữa tiệc có giá ít nhất cũng 800 USD.
Anh Việt, một doanh nhân Hà Nội từng mời bạn hàng Trung Quốc đến nhà hàng Long Đình, kể: “Người ta đến đây để hưởng cảm giác yến tiệc hơn là để ăn. Hôm đó năm người, tôi phải thanh toán hết gần 2.000 đô...” - anh cười. Cung cách phục vụ như thế nào là tùy theo ý muốn của khách, nhưng theo giới thiệu của nhà hàng thì khi ngồi ở phòng vàng, thực khách được phục vụ như “hoàng đế”.
Bát phở giá bằng cả tạ thóc
Bát phở giá bằng cả tạ thóc
Bát phở bò này có giá 650.000 đồng, bằng giá một tạ thóc nếu tính giá cao 6.500 đồng/kg. Nhưng “có người sáng nào cũng ăn, có người kéo cả gia đình ba bốn thế hệ đến thưởng thức, thanh toán tiền ăn sáng hết vài triệu đồng là chuyện bình thường” - ông Tô Lâm, tổng giám đốc khách sạn Vườn Thủ Đô kiêm ông chủ nhà hàng trong khuôn viên khách sạn, nơi duy nhất ở Hà Nội bán loại phở bò đắt khủng khiếp này, kể về khách hàng của mình. Bãi đỗ xe nhà hàng chật ních những loại xe sang trọng, đắt tiền như Porche, Lexus...
Có gì khác biệt giữa hai loại phở? Phở Sagagyu 650.000 đồng được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn bát phở bò Mỹ 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Cũng khác biệt so với phở thường nữa là ở chỗ nhân viên chỉ mang bát phở có nước dùng ra, phần thịt bò được thái mỏng bằng máy và bọc trong một đĩa riêng để khách hàng tự tay nhúng. Khi cho vào bát phở chỉ sau chốc lát thịt bò đã chuyển từ màu đỏ sang màu sẫm. Cho vào miệng nhai có cảm giác miếng thịt tan rất nhanh, mềm, đậm đà và thơm. Ngoài ra còn có loại phở Kobe giá 500.000 đồng chế biến từ thịt bò Kobe, hoặc “mềm” hơn là phở Wagyu với thịt bò Úc có giá 220.000 đồng.
Có gì khác biệt giữa hai loại phở? Phở Sagagyu 650.000 đồng được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn bát phở bò Mỹ 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Cũng khác biệt so với phở thường nữa là ở chỗ nhân viên chỉ mang bát phở có nước dùng ra, phần thịt bò được thái mỏng bằng máy và bọc trong một đĩa riêng để khách hàng tự tay nhúng. Khi cho vào bát phở chỉ sau chốc lát thịt bò đã chuyển từ màu đỏ sang màu sẫm. Cho vào miệng nhai có cảm giác miếng thịt tan rất nhanh, mềm, đậm đà và thơm. Ngoài ra còn có loại phở Kobe giá 500.000 đồng chế biến từ thịt bò Kobe, hoặc “mềm” hơn là phở Wagyu với thịt bò Úc có giá 220.000 đồng.
Làm khách sạn hơn 20 năm, bán phở đã năm năm nhưng chỉ hơn một năm trở lại đây ông Lâm mới bán phở bò Kobe. Ban đầu ông chỉ có mong muốn đơn giản là mang đến cho khách hàng những món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Bắc. Nhận thấy thị hiếu khách hàng đất Hà thành ngày càng cao, ông quyết làm một bước đột phá: bán loại phở bò thượng hạng. Không ngờ món phở bò “quý tộc” này lại thu hút nhiều khách hàng đến vậy.
Ông Tô Lâm cho biết mặc dù đắt đỏ là vậy, nhưng nhiều hôm cả ba nhà hàng của khách sạn phục vụ 150 suất ăn một lúc vẫn bị quá tải. Lượng khách thưởng thức món phở này khá phong phú nhưng theo lời ông Lâm, hầu hết là giới doanh nhân tiếp đối tác, bàn chuyện làm ăn. Khách cuối tuần thường là gia đình giàu có.
Đứng dậy cầm hóa đơn thanh toán, dù biết trước giá cả nhưng chúng tôi không khỏi “xót ruột” khi trả hơn 800.000 đồng cho hai bát phở bữa sáng. Chợt nghĩ tới hóa đơn thanh toán của những người kéo cả gia đình đến ăn sáng bằng phở bò Kobe. Giá tiền trả cho một bát phở Sagagyu có thể đủ cho một bữa tiệc 5-6 người với vịt om sấu và rượu vodka - món ăn thuộc loại thịnh hành nhất trên vỉa hè Hà Nội hiện nay.
Hà Nội còn rất nhiều thứ xa hoa khác đang phô diễn trên những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, từ những chiếc xe siêu sang cho đến những cửa hiệu thời trang dành cho người có thu nhập rất cao. Những thương hiệu thời trang danh tiếng nhất trên thế giới khi vào Việt Nam vẫn chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên. Chẳng hạn như nhãn hiệu Hermes tại Việt Nam hiện chỉ có ở Hà thành, trong một khách sạn nổi tiếng nhất tại trung tâm thành phố. Và bây giờ là khách sạn 6.200 USD/đêm, là bữa tiệc vàng...
Còn bò Kobe hay Sagagyu? Vấn đề khiến người ta ngỡ ngàng không phải ở chỗ nó là món thịt đắt nhất vì chúng vẫn được bán nhiều trong các nhà hàng khác ở Việt Nam đấy thôi, mà là chuyện nó nằm trong một tô phở - món ăn vẫn bán đầy vỉa hè ngoài kia. Chẳng đâu xa, chỉ cần bước ra khỏi Vườn Thủ Đô mấy trăm mét, ta gặp ngay một cái bàn ven đường dưới tấm vải bạt, nơi những sinh viên, công nhân đang xì xụp những tô phở 15.000-20.000 đồng nghi ngút khói.
VŨ THANH BÌNH - LÂM HOÀI
Đây là một thói quen xài sang của một tầng lớp - tạm gọi là tầng lớp “người Việt mới”. Kinh tế thị trường ở bất kỳ nước nào trên thế giới đều gây ra hệ lụy là khoảng cách giàu nghèo, và khoảng cách đó chỉ ngày càng cách xa nhau chứ khó có thể xích lại gần nhau. Như cụ Đào Duy Anh từng viết, đại ý: việc xã hội tĩnh tại chuyển sang xã hội chuyển động sẽ làm phát sinh nhiều điều cần phải giải quyết dài dài. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người bỏ ra gần 1 triệu đồng để ăn một bát phở, vì đơn giản người ta thấy hài lòng với việc mình làm, nghĩ mình xứng đáng được ăn bát phở với giá trị - mà thực tế chỉ bằng một phần rất nhỏ, bé gấp nhiều lần so với thu nhập của người đó. Ở góc độ xã hội, tôi cho rằng phải chấp nhận với thực tế của hiện tượng trên, nhưng rõ ràng có nhiều điều phải suy ngẫm, bởi nước ta tỉ lệ người nghèo còn quá cao. Hơn nữa, phải nhìn nhận ngoài những người giàu từ làm ăn chính đáng, kết quả từ việc đầu tư công sức, tiền của, chất xám, không loại trừ có không ít cá nhân làm giàu từ đồng tiền bất chính. Những cá nhân này không bao giờ tiếc và không ngại phung phí đồng tiền của họ. Tuy nhiên, nhìn nhận công bằng hơn, không thể “bình quân chủ nghĩa”. Người kiếm được nhiều tiền thì tiêu nhiều, kiếm ít phải chấp nhận tiêu ít, không có lý do để buộc người có nhiều tiền phải tiêu ít đi. Nhìn nhận lạc quan hơn thì xuất hiện thói quen xài sang của một bộ phận người Việt cũng là tín hiệu đáng mừng về thu nhập đang tăng lên, sâu xa hơn là tín hiệu về một đất nước đang giàu lên, nền kinh tế đang ngày càng phát triển. PGS-TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI (Chủ nhiệm bộ môn văn hóa - truyền thông ĐH KHXH&NV Hà Nội) |
--------
Cách nhìn ở bài viết dưới đây (trích lược) là của truyền thông nước ngoài chắc chắn có những điểm khác biệt với trong nước. Cần đọc tham khảo để càng thấy rằng, hoang phí (trong khi nước còn nghèo) không chỉ đơn thuần là hoang phí mà nó còn dẫn tới những liên hệ và suy diễn hết sức nguy hại cho đất nước.
Việt Kiều dành dụm mang tiền về nước làm từ thiện cho nhà giầu Hà Nội ăn chơi xa hoa
Vi Anh
Phóng viên Alastair Leithead từ Hà Nội gửi tin về bản đài nói về dân nhà giàu ăn chơi. Tựa đề phóng sự là “Ăn Phở 35 Đô Ở Nước Việt Nam Cộng Sản”.
Còn chuyện chơi xe máy Harley Davidson mà một thành viên người ngoại quốc của Câu lạc bộ nhận xét với phóng viên rằng "ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đâu". Chơi xe hơi giá thật mắc (đắt tiền nhất), mới và lạ không thể tưởng tượng được ở VN. XePorsche hai cầu dù Alastair Leithead là nhà báo đi nhiều nhưng chưa biết có loại xe đó; còn xe Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý người đặt hàng mua cũng đã xuất hiện nhiều tại VN.
Tin RFA, thống kê của Bộ Công thương tại Hà Nội công bố trong năm 2010, ViệtNam CS đã “nhập khẩu“ những mặt hàng xa xỉ lên đến 10 tỷ đô la Mỹ. Ô tô và xe máy chiếm khoảng 1 tỷ đô la, trong khi “hàng hiệu” được xem là xa xỉ phẩm như điện thoại di động loại mới, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức, đá quý và quần áo loại sang chiếm đến 9 tỷ đô la. Thật khủng!
Số triệu, tỷ phú đô la nổi ở trong nước mỗi năm đều tăng lên. Có người chẳng những mua xe sang mà mua luôn máy bay để đi lại nữa. Số triệu, tỷ phú chìm ắt còn nhiều hơn nữa nhưng họ dĩ nhiên là muốn giấu kín sự giầu có... Đó là những cán bộ đảng viên có quyền khi tham nhũng trở thành quốc nạn. Tài sản họ thu gom được, thực chất như là “cướp được” của nhân dân và đất nước họ cũng nhiều vô số kể.
Trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, một số trong hơn 3,6 cán bộ đảng viên CS đã lợi dụng chỗ đứng để bòn rút, hối mại từ quyền thế, tham ô nhũng lạm, dĩ công vi tư .. Đám này giàu có, thừa mứa, mỗi năm xài cả tỷ Mỹ kim cho hàng hóa “nhập” xa xỉ trên kia.
Người Việt hải ngoại đâu có giàu như họ được dù phải làm việc một tuần 40 giờ, với hàng chục thứ hoá đơn phải trả, đóng thuế cao, đâu có được hưởng quyền lợi ưu đãi gì như ở VN? Tại sao khi có thiên tai thì những kiều bào này lại bị kêu gọi góp tiền đem về cứu trợ.
Hỏi có người Việt Hải ngoại nào ăn tô phở bò 35 Đô mắc như vàng như ở VN? Ai mà dám đi xe máy dầu nhãn mác Harley Davidson hạng sang, các loại xe hơi Porsche hai cầu, Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý của người chủ mua? Và liệu có mấy người mua Iphone 4 mới ra với giá tương đương 900 Đô?...
.
.
.
No comments:
Post a Comment