Monday, January 23, 2012

CHUYỆN Ở NƯỚC ĐỨC (Lê Thanh Nhàn)




Thời gian qua, một loạt chính trị gia của Đức phải rời bỏ chính trường chỉ vì cái gọi là Plagiataffäre (Plagiarism, nạn đạo văn). Các vị này đã sao chép nguyên văn bài viết, công trình của các tác giả khác và sử dụng cho luận án tiến sĩ của mình mà không ghi chú nguồn trích dẫn – một dạng ăn cắp bản quyền. Trong số đó có Karl-Theodor zu Guttenberg – Bộ trưởng Quốc phòng liên bang, Silvana Koch-Mehrin và Jorgo Chatzimarkakis – đảng viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP, một đảng nhỏ, đang cùng nắm chính quyền chung với liên minh CDU & CSU) và thành viên Nghị viện châu Âu (Europe Parlament), ngoài ra còn Veronica Saß – luật sư và là con gái của Edmund Stoiber nguyên Thủ tướng tiểu bang Bayern. Còn một số trường hợp khác đang trong vòng xem xét và đánh giá mức độ nghiêm trọng.

Gần đây lại xảy ra sự việc Tổng thống của Đức, ông Christian Wulf (CW) dính dáng tới một vụ áp phe vay tiền mua nhà riêng, đi nghỉ phép miễn phí (do bạn bè trong lĩnh vực kinh tế chi). Mặc dù ông đã giải thích nhưng dư luận đã tỏ thái độ thất vọng. Các đảng phái đối lập cũng như đảng FDP và một số đại biểu trong cùng đảng đang yêu cầu CW từ chức… Trong khi chờ đợi ông trả lời công khai, ông lại phạm sai lầm trong việc gọi điện cho báo chí với nội dung mà tòa soạn cho là có tính chất đe dọa. Báo chí muốn công khai nội dung cuộc điện đàm này nhưng ông không đồng ý.

Trong khi sự việc chưa ngã ngũ thì ngày 15.01.2012 lại lòi thêm một chuyện khác. Năm 2008, CW và phu nhân được nhà làm phim David Groenewold mời đến dự Oktoberfest (lễ hội bia lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm ở Munich), lúc đó ông còn là Thủ tướng của tiểu bang Niedersachen. Theo báo Spiegel, Groenewold đã chi một phần tiền khách sạn, nhưng vì CW còn bất ngờ dẫn theo cả con đến, nên gia đình ông đã được thu xếp lưu trú tại một cái Suite rộng (căn hộ nhiều phòng) trong khách sạn. Tại Munich, một người làm việc cho cơ quan nhà nước, nếu nhận lời mời và được trả chi phí chỗ ăn ngủ thì sẽ mất việc như chơi.

Từ 01.07.2007 chính quyền tại Munich đã ra qui định nghiêm cấm nhân viên nhà nước nhận quà cáp giá trị trên 15 Euro – dưới mọi hình thức, dù cho đó là kẹo bánh, bút hay rượu …. Nếu món quà giá trị hơn qui định thì người được tặng phải trả lại và cũng không ai được phép nhận thường xuyên những món quà dù có giá trị thấp như quy định. Dưới đây là link cho bài báo tiếng Đức. (Nếu quan tâm, quí vị có thể đọc tiếp phần 2, trong đó có nhiều qui định đặc biệt và cụ thể hơn)

Hiện nay, theo thăm dò dự luận thì có khỏang 48% người dân thấy ông CW nên từ chức và 50% cho rằng việc từ chức là không cần thiết. Không biết sự việc sẽ đi đến đâu, nhưng đó là chuyện ở Đức.

Gần đây qua Facebook tôi đọc được một chuyện xảy ra ở Singapore: bà Saw Phaik Hwa, Giám đốc Điều hành Tập đoàn SMRT, đơn vị quản lý tàu điện ngầm đã phải từ chức chỉ vì “sự cố mất điện trong lúc tàu điện ngầm đang hoạt động hôm 15-12-2011“. Qua bài báo quí vị có thể thấy thêm vài vụ việc điển hình ở các quốc gia khác nữa.
Đó là chuyện tôi muốn kể cho quí vị nghe. Nhiều người ở nước ngoài hay theo dõi chính trị có thể còn biết nhiều chuyện tương tự. Nhưng chắc chắn là có một số bạn của tôi trên Facebook và rất nhiều người Việt khác không biết về những chuyện này. Không biết quí vị có suy nghĩ gì, phần tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ của mình như sau:

1 – Tham nhũng (Corrupt, Korruption) ở đâu cũng có, cho dù đó là một xã hội lạc hậu hay tiến bộ, cộng sản hay tự do dân chủ. Khác nhau chỉ ở mức độ và sự tinh vi mà thôi.
Không cần kể lể nhiều thì ai cũng biết tình trạng tham nhũng ở VN. Câu châm ngôn “làm nghề nào ăn nghề nấy“ đã nói lên điều đó. Một người làm giáo viên thì không chỉ sống chủ yếu bằng tiền lương, mà còn bằng quà cáp, bằng tiền dạy thêm. Gia đình nào cũng phải gửi con đi học thêm, họ sợ con sẽ bị điểm thấp. Một người thích đi làm công an thì không phải để giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân, mà họ nhìn thấy cái lợi khác lớn hơn nhiều. Bệnh nhân đến bệnh viện cũng phải đủ thứ quà cáp, tiền này nọ v.v… Ai trong quí vị tranh luận với tôi những cái đó không phải là tham nhũng? Còn cấp lãnh đạo thì sao? Tôi nghĩ không cần phải nêu vài thí dụ vì quí vị còn biết nhiều hơn tôi.


2 – Chống tham nhũng phải triệt để. Mọi hình thức gián tiếp, trực tiếp, mọi mức độ lớn, nhỏ, đều là tham nhũng, là ăn cắp.
Nếu đã nói chống tham nhũng thì không thể dung tha cho những chuyện nhỏ. Nhỏ hay to đều là tham nhũng, đều là chuyện phải dẹp, nhiều cái nhỏ sẽ đẻ ra cái to. Thí dụ: giáo viên, bác sĩ, y tá… không được nhận quà của phụ huynh học sinh, bệnh nhân…

Tôi có dịp đọc một truyện ngắn trên Facebook của ông Thái Bá Tân. Truyện kể về một người thẳng thắn tên X. Ông X có người nhà bị bệnh, ông đưa vào bệnh viện. Ngoài lệ phí này nọ ông còn phải mua thuốc ở quầy thuốc qui định của bệnh viện với giá cao hơn bên ngoài. Ông phản đối và kiện cáo … Trong phần bình luận bên dưới có nhiều người cho rằng, cách làm của bệnh viện là hợp lý, vì lương của bác sĩ, y tá không đủ để sống; có người cho rằng câu chuyện của tác giả bị “sượng“. (Rất tiếc là Thái Bá Tân đã “chuyển nhà“, tôi không tìm lại được câu chuyện đó).
Ta sẽ tự suy ra được nhiều câu chuyện tương tự với giáo viên, công an, cán bộ chính quyền.

Nếu quan niệm như vậy thì tự mỗi người trong xã hội VN vô tình đã ký tên vô bản thỏa ước, trong đó qui định một điều: mạnh ai nấy sống, ai có thể móc được thì móc, cứa cổ người khác thì cứ cứa cổ, “ăn“ (ăn cắp, ăn cướp?) được thì cứ “ăn“. Ai không làm thì dại, ráng chịu. Còn cái đại đa số, những người lao động nghèo, không vị trí trong xã hội, không có điều kiện để “ăn“ thì phải làm gì? Sẽ phải cắn răng chịu hay phải đi ăn cắp thật sự để sống?

Quí vị nghĩ gì về những qui định “ngặt nghèo“ của thành phố Munich? “Không được nhận quà cáp có giá trị trên 15 Euro, dưới bất kỳ hình thức nào và nếu quà hợp quy định cũng không được thường xuyên nhận“. Cũng cần nói thêm, đây là qui định dành cho tất cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, từ giáo viên cho tới nhân viên hành chánh và cán bộ có chức quyền.

3 – Cơ chế chính trị sẽ quyết định một xã hội trong sạch hay không.
Tôi có một người quen tên H. đang ở Mỹ. Trong một dịp nói chuyện qua điện thoại H. khuyên can tôi trong việc đưa quan điểm chính trị lên Facebook. H. nói: “chẳng có chế độ nào, chính quyền nào tốt cả, nó chỉ phục vụ cho một thành phần nhất định trong xã hội; Chính quyền nào cũng là mafia (bọn cướp)… Lên tiếng làm gì cho mệt xác… Chống tham nhũng à? Ở Mỹ cũng tham nhũng đầy chỉ có điều nó tinh vi hơn thôi, … Vậy chứ tại sao lại có phong trào chiếm đóng wallstreet, tại sao giờ châu Âu phải quị lụy Trung Quốc, v.v…?„
Không phải trường hợp của H. là hiếm hoi, đó là những người nhìn đời (thế giới quan) qua cặp kính râm, họ quan niệm không có gì tốt hết. Đó là chưa kể những người thiên tả cực đoan (nói cách khác là những người cộng sản mù quáng), họ lý luận một cách đơn giản: tư bản giãy chết, đang bị khủng hỏang, bị vỡ nợ, đủ thứ bất công, đầy rẫy kẻ nghèo đói v.v… Chắc hẳn câu chuyện ở Đức của tôi cũng là thêm một minh chứng cho họ – “tư bản tham nhũng, từ tổng thống trở xuống, cũng lừa đảo bằng cấp“.

Nếu nhìn một cách phiến diện thì những người đó cũng có lý! Nhưng họ không thấy hoặc không chịu thấy cái mặt tích cực nổi bật lên của câu chuyện.

Con người luôn phải đối phó với cám dỗ, luôn chiến đấu với “nội công, ngoại kích”. “Nội công” đến từ cái bản ngã “tham, sân, si” trong mỗi con người, nếu có điều kiện thì chúng sẽ phát triển mạnh. Người làm việc tài chính sử dụng tiền công, kẻ có quyền thì lạm dụng quyền cho lợi riêng, người thiếu thốn dễ đút túi những vật hớ hênh… “Ngoại kích” thì là những cám dỗ do thế giới bên ngoài mang tới có chủ tâm dưới mọi hình thức. Hình ảnh xã hội đen tìm cách liên kết với chính quyền và câu chuyện môn đồ Juda kề cận chúa Jesus lại bị các thầy tế lễ của thế lực tôn giáo thời đó mua chuộc làm nổi bật sức mạnh của “ngoại kích”. Các tôn giáo thì cho rằng lực lượng của kẻ xấu (thế giới ma quỷ), luôn luôn tìm đủ mọi cách để lôi kéo người tốt; Chúng tìm đủ mọi kẻ hở, tận dụng từng giây từng phút; Những người có vai trò càng quan trọng thì càng dễ bị chúng tấn công. Đó là lý do mà tôi không tin vào một xã hội tuyệt đối trong sạch, hoàn toàn bình đẳng. Nhưng nếu được lựa chọn, thì quê hương tôi phải là nơi – dù chưa bình đẳng đúng nghĩa, vẫn còn bao nhiêu chuyện tiêu cực – một ông tổng thống như CW của Đức hay Chirac của Pháp cũng phải chịu trách nhiệm về việc mình làm, phải ra tòa, phải có luật sư, và phải mất chức nếu không giải thích được việc mình làm cho thỏa đáng.

Nhưng ta thử tưởng tượng, nếu Đức có một chế độ chính trị như VN thì sao?

Nếu Đức không có chế độ đa đảng, không có bầu cử tự do, chỉ một đảng CDU cầm quyền muôn đời thì bản thân đảng CDU cũng sẽ châm chước những “chuyện nhỏ” cho đồng chí của mình, và sẽ không có những nhân vật từ phía đối lập luôn “rình mò” (nói một cách tích cực hơn thì là “kiểm tra”) để lật tẩy những hành vi sai trái của những người trong đảng cầm quyền.

Nếu Đức không có tự do ngôn luận thì cũng chẳng báo nào dám đăng tin, chẳng người dân nào dám lên tiếng đòi hỏi ông CW phải giải thích, và cũng không ai có cơ hội bầu cho một cá nhân hay một đảng phái khác để làm đại diện cho mình.

Ở đâu cũng có tiêu cực, nhưng trong một xã hội nó được đưa ra ánh sáng, chỗ khác lại không. Đó chính là khác biệt giữa xã hội dân chủ và xã hội toàn trị. Một Cơ chế tốt có thể so sánh như một guồng máy sản xuất tự động được tối ưu hóa, nó cứ chạy, sản phẩm không đạt chất lượng bị gạt sang một bên, tự thông báo lỗi kỹ thuật … Ngược lại, Cơ chế tồi cũng giống như một guống máy bán tự động, không có công đoạn tự động kiểm tra chất lượng sản phẩm, guồng máy không biết tự thông báo lỗi kỹ thuật, con người cứ phải kiểm tra cỗ máy này, bộ phận nọ, thay cái này đổi cái kia (đổi mới, cải cách, thanh lọc), cuối cùng thì phải tự ca ngợi cái sản phẩm của mình là tốt dù không bán được cho ai.

Nếu chỉ có ý muốn tốt thì chưa đủ, có qui định triệt để cũng chưa đủ, con người (đặc biệt là người có quyền) cần có một chế độ phù hợp cho phép kiểm tra hành động của mình.

4 – Phần kết
Có một thời tôi lập trình vi tính. Ban đầu tôi viết một chương trình, khi cho chạy thì thấy cũng giải quyết được công việc cần, nhưng thỉnh thỏang lại có lỗi (error), lúc đó mất rất nhiều thời gian để tìm ra lý do và đôi khi cũng phải đầu hàng. Tôi bán được 1 phiên bản của phần mềm này, sau đó phải ngưng không dám bán nữa. Sau này khi trình độ lên cao, muốn viết lại một phần mềm tương tự và thêm một số chức năng đặc biệt. Tiếc cái công mình đã làm, nên tôi mang cái chương trình cũ ra, bỏ một thời gian để sửa đổi nó. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng cái nền tảng tôi viết hồi xưa không có giá trị gì, mất rất nhiều thời gian và nó chỉ làm loạn cái phần mềm mới mà thôi. Thế là tôi quyết định vứt rác và làm lại từ đầu. Kết quả là phần mềm mới chạy đâu ra đó, thời gian đầu thỉnh thỏang cũng có lỗi, nhưng nó tự gửi bản thông báo lỗi (error report) trực tiếp vào hộp thư email của tôi… Đến giờ, hơn 5 năm rồi, không thấy mảy may một vấn đề gì nữa. Quí vị nào trong lĩnh vực phần mềm có thể “làm chứng” cho câu chuyện của tôi.

Hôm trước đọc được bài dịch “Tại sao các quốc gia suy vong?” của Phạm Vũ Lửa Hạ, trong đó có câu:
Our take is that the political constraints here are central. And development is all about breaking those political constraints, rather than just thinking within existing political constraints and looking at the optimal tax design or the optimal unemployment insurance design and so on, within those constraints.”
Tạm dịch:
“Ở đây những kìm hãm (do) chính trị là vấn đề trọng tâm. Và việc phát triển chung quy là phá vỡ những kìm hãm chính trị đó, chứ không phải chỉ tư duy trong khuôn khổ những kìm hãm chính trị hiện có và tìm kiếm một hệ thống thuế tối ưu hay thiết kế một dạng bảo hiểm thất nghiệp tối ưu, v.v…, trong khuôn khổ những kìm hãm đó.”

Ta thử hình dung một cái nhà không chắc chắn, rường cột đã bị mối mọt. Giờ chủ nhà muốn thêm vài tầng lầu trên cái nền tảng đó, sơn phết bên ngòai cho nó đẹp hơn, mua sắm đồ đạc đắt tiền để trang điểm nội thất. Tôi cho rằng ai trong chúng ta cũng đều có thể nghĩ ra một phương án khác tốt hơn: “phá bỏ cái nhà cũ, xây nhà mới chắc chắn hơn, trước khi làm những công việc khác”. Chắc chắn là trước mắt, phương án thứ hai mất nhiều thời gian và kinh phí hơn, nhưng nhìn lâu dài thì cách giải quyết mang tính cách đối phó sẽ mang đến tổn thất cao hơn nhiều, trong đó có cả mất mát xương máu!

Tôi bắt đầu viết bài này cách đây 2 tuần. Hôm nay, 20.01.2012, trên kênh TV “ntv” đưa ra tổng kết cuộc thăm dò dư luận: cho đến ngày hôm nay có 77% người dân cho là ông CW không đủ uy tín để tiếp tục vai trò Tổng thống. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho ông, được vay tiền với lãi suất thấp (chứ không phải được tặng) để mua nhà, một chuyến đi nghỉ mát do bạn bè làm kinh tế bao thầu, một dịp được chiêu đãi khách sạn, so ra thì quả là không đáng gì với những vụ tham nhũng cấp quốc gia, quốc tế, những vụ chiếm đoạt đất đai của dân.

Xin cảm ơn những người đã đọc trọn vẹn bài này. Thật ra ý tưởng cũng không có gì mới đối với những người quan tâm đến chính trị và tôi cũng không phải người viết hay. Nhưng hy vọng là bài viết này cũng mang đến chút ích lợi cho cộng đống người Việt chúng ta.

Nguồn: Facebook Lê Thanh Nhàn

.
.
.

No comments: