Tuesday, January 3, 2012

BIỆT LY ẢI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC THÂN YÊU (Huỳnh Tâm) (Bài 2)



Huỳnh Tâm
Thứ ba, 03 Tháng 1 2012 16:32

Mấy ngày qua tôi đã viết khá nhiều điều tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Nếu tôi không nói,e rằng tôi mắc kẹt cổ họng, tuy nhiên còn những chuyện liên quan khác chưa thấu cùng. Tôi tranh thủ, trong khi chờ đợi bạn bè từ khắp nơi tụ hội về Dòng nhà làng.

Tôi và anh Minh đi lên biên giới hướng Tây Vân Nam, đối diện Lai Châu. Cuộc hành trình gian nan, cả thân người khắc khoải cũng phải đi đến "Tây Hành làng", nơi ở của gia đình anh chị Cao Dũng - Chỉ Hồng.

Chúng tôi không ngờ đường xa vời vợi di chuyển bằng nhiều phương tiện nào là xe ngựa thồ, chuyển qua xe vận tải, đến tàu hoả cuối cùng là xe đạp. Tôi đã mất một ngày một đêm ăn ngủ không yên. Hôm nay ngày thứ hai mới dừng chân trên đỉnh đầu núi, chiêm ngưỡng ải đầu Tổ-quốc, thấy một ranh giới trên 10km chiều ngang, còn chiều dài thì vô tận. Nếu tính tại biên giớiải đầu Lai Châu Việt Nam đối diện với biên giới phía Tây Vân Nam Trung Quốc, mới thấy Việt Nam bị mất 30.670 Km2, một giải đất chiến lược rộng lớn mà Trung Quốc chiếm lấy của Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Đến ngày 19/2/1979 toàn quân binh Trung Quốc đồng tiến quân vàocác tỉnh biên giớiLai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Như giới truyền thông Phương Tây loan tải: – "Chiến tranh Đông Duơng lần thứ 3, Việt Nam rộng rãi tặng không cho Trung Quốc một biên giới bốn bề bát ngát, hứa hẹn tương lai kinh tế Đông Dương".

Có năm người dân thiểu số đi ngược chiều, anh Minh hỏi bằng tiếng Hoa:

─ Quý anh chị có thể cho chúng tôi biết, nơi này là đâu?

Họ trả lời bằng tiếng Việt:

─ Các ông nói cái gì.

Anh Minh mừng quá đáp:

─ Quý anh chị có thể cho chúng tôi biết nơi này là đâu và còn bao nhiêu km nữa đến Tây Hành làng?

─ Đây là đỉnh núi Pu Si Lung, còn 3km nữa đến làng.

─ Cảm ơn quý anh chị nhiều, quý anh chị có phải là người làng không?

Họ chỉ gật đầu thay cho lời nói (đúng rồi) chúng tôi cảm ơn một lần nữa và chào nhau chia tay.

Chúng tôi đứng trên đỉnh dãy núi Pu Si Lung độ cao 3.770m, nhìn về quê hương đất nước thân yêu, từ hàng rào bãi mìn bình địacho đến tận xa mờ là huyện Mường Tè nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lai Châu, nằm trên biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc, phía Tây và phía Nam huyện Mường Tè giáp huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên VN, phía Đông Mường Tè là huyện Sìn Hồ cách thị xã Lai Châu 60km về hướng Tây... nhìn xuống thung lũng thấy các sông Đà, sông Nậm Ma, sông Nậm Cúm, sông Nậm Nhé, thuộc hai hệ thống sông Hồng và sông Mê Kông như những tấm vải lụa trắng vĩ đại chưa bao giờ thấy trong đời. Vung trời ở đây nhiều sương mù và lành lạnh càng thôi thúc lòng ray rức không yên cho Tổ-quốc, có đi xa mới biết quê hưng xứ sở mình đẹp. Thật vậy, dù thế giới mênh mông giàu và đẹp nhưng không nơi đâu đẹp bằng quê hương của mình có lũy tre, những giòng sông, ruộng nương hương thơm của lúa và đất chung một đặt thù riêng của nó. Ngặt bí lối sống, quá khắc nghiệt độc trị của chế độ đảng Cộng Sản Việt Nam, người dân không ở được phải đi tìm tự do, bỏ sinh xứ để tìm sinh cư quê người. Mai này con của chúng tôi nếu có suy tư về quê hương cũng không khác nào một nhạc phẩm "Viễn Khúc Việt Nam" của Nhạc sĩ Hàn Lệ Nhân:

Tuy đi cùng anh Minh nhưng cảm tưởng của tôi không khác kẻ bị lạc đường, đứng nơi này đơn độc, lòng bâng quơ tự hỏi mai sau lịch sử Việt Nam có nhớ địa giới lãnh thổ đã diễn biến chiến tranh cái ngày 17 tháng 2 năm 1979 này không? Hy vọng thế hệ mai sau sẽ phán xét phân minh đối với thời đảng Cộng Sản Việt Nam, về tội thông đồng bán ải đầu Tổ-quốc bằng cách lập ra thương lượng chiến tranh, qua giá cả đã đồng thuận trước của hai đảng Cộng Sản Việt Nam-Trung Quốc.

Một cuộc chiến long trời chuyển đất, thế mà toàn dân Việt Nam nào hay biết, càng không có một thông tin nào từ đảng CSVN đích thân loan truyền, chỉ thoáng qua lờ mờ tin đồn của người dân: "Có cuộc chiến tranh giữa Việt Nam-Trung Quốc vào năm 1979", chỉ thế thôi ngoài ra không có tin gì khác ! Càng không hình dung được biên giới đã mất còn là bao nhiêu hay Bắc tiến đánh Trung Quốc chạy dài bỏ thành Vân Nam và thành Quảng Tây. Mãi cho đến nay, toàn dân chưa hề nghe nhà nước CSVN chính thức công bố lãnh thổ biên giới! Cũng có thể đảng CSVN hoàn toàn thờ ơ sự ra đi vĩnh viễn một phần ải đầu Tổ quốc Việt Nam, hay lý do khác vì sự sống còn của đảng CSVN.

Tuy nhiên, hồn thiên sông núi của Tổ quốc Việt Nam không bỏ qua sự kiện nào có liên quan đến lãnh thổ biên giới như năm 1979. Dân tộc nào cũng có linh hồn sống luôn khằng sâu vào ký ức lịch sử, như nhà Mạc, nhà Hồ đã trải qua vạn đại, thiên thu thế mà vẫn lưu truyền nhiều thế hệ luôn phê phán chế độ ấy từng ngày.

Tôi đứng trên núi Pu Si Lung mà hồn phi lạc phách, đến khi anh Minh đưa tay vịn vào vai tôi, lay mạnh nói:

─ Chúng ta đi sớm về sớm, Tâm đứng ở đây đã hơn giờ rồi.

Tôi trở lại với con người thực, âm thầm ngồi lên yên sau xe đạp, một tay ôm hông của anh Mình, xe đổ xuống đèo, rồi rẽ theo hướng "Tây Hành làng".

Chúng tôi tìm được nhà anh Cao Dũng, lúc này anh Dũng đang bị rét rừng, còn chị Nguyễn Chỉ Hồng cùng mấy cháu đi lao động chiều mới về, anh Dũng không chần chờ bảo :
─ Các bạn hãy theo tôi đi trình giấy tờ, vì ở nơi này mất an ninh, dân quân biên phòng cứ vài ngày đến làng kiểm tra hộ khẩu một lần, đôi khi kiểm tra đột xuất.

Chúng tôi chào ông chủ làng, rồi tự động trình giấy tờ, anh Minh trình giấy trước, do sở di trú Vân Nam cấp, chứng nhận người Việt tị nạn tại "Dòng nhà làng", đặc biệt ông ta nhìn thẻ ID của tôi, tay bóp cong vòng thẻ rồi thả ra kêu một tiếng tạch, mắt nhìn châm chú một hồi lâu và nhìn mặt nhận diện tôi, có ý vạch lông tìm vết trong thẻ ID, ông ta đã ngờ vực nhưng không thể quả quyết ID giả, tôi điềm tỉnh thưa:

─ Thưa ông chủ làng, thẻ ID của tôi rất mới vì ra làng ba tháng truớc, cách đây vài ngày sở di trú mới cấp thẻ, trên tay cằm thẻ ID tôi liền đi thăm anh Minh, rồi nhờ anh Minh hướng dẫn đi thăm anh Dũng chị Hồng.À thưa ông, hình như tôi còn một photocopy giấy tị nạn cũ, tôi đưa ông để tiện kiểm minh.

Ông chủ làng cười nói:

─ Thôi được.

Ông ta cằm viết ghi tên anh Minh và tên tôi vào sổ tạm trú, ông hỏi tiếp:

─ Thế thì hai anh ở đây bao lâu để tôi báo cho an ninh biết.

─ Thưa, chỉ một đêmnay thôi.

Ông ta đưa lại giấy tờ và thẻ ID nói tiếp:

─ Chúng ta là người Việt Nam cả, tôi không phải làm khó quý anh, ngặt dân quân biên phòng, bọn chúng người Trung Quốc hay chú ý an ninh làng này, xin hai anh cảm thông.
Tôi lấy lại bình tĩnh thưa:

─ Dạ thưa ông, chúng tôi chỉ ở một đêm thôi ạ, sáng mai phải trở về, không ở lâu được vì bận chuyện nhà, tôi nhớ anh chị Dũng đã tám năm không gặp, nay có dịp đi thăm. Thưa ông chủ làng, nhân tiện mời ông một đêm chung vui với anh em chúng tôi. Hy vọng ông chấp nhận đề nghị chân thành này, chúng ta là người Việt Nam không nên từ chối.

Ông chủ làng dù có khó tính đến mấy, khi nghe hai tiếng Việt Nam cũng mềm lòng cảm động, ông còn chần chờ, tôi hỏi tiếp:

─ Thưa ông chủ làng chấp nhân nhé, chúng ta là người Việt Nam sống ở xứ người xem tình lớn hơn mọi thứ, dù mới sơ giao xem như thân, chúng ta nhận nhau tình người vì nó là một thứ tình thiêng liêng nó biết gắn bó và hy sinh cho nhau.

Ông chủ làng gật đầu liên hồi nói:

─ Tôi đồng ý, nhưng mấy giờ tôi đến?

Anh Dũng đáp:

─ Anh Tùng đến lúc nào cũng được.

Ông chủ làng tên Tùng, thấy thân thể của ông ta quá cằn cõi, có thể hơn tôi một con giáp, liền nói:

─ Xin lỗi cho tôi gọi bằng chú Tùng, thưa chú, chúng ta cùng nhau về nhà anh Dũng ngay bây giờ không thể để mất thời gian vì sáng mai tám giờ tôi phải đi về, tôi thấy anh chị Dũng và các cháu bình yên là toại nguyện lắm rồi.

Ông Tùng đồng ý đi theo chúng tôi về nhà anh Dũng, cũng may chị Hồng và mấy cháu đã về nhà, sớm hơn mọi khi, chị Hồng vừa thấy tôi là oà ra khóc và hối cháu lớn đi mua năm lít rượu về đãi khách, còn chị Hồng vội vã làm một lúc hai con gà. Tôi để ý thấy chị Hồng làm thịt hai con gà, tiếng khóc thút thít của chị từ bếp vọng lên, âm thanh như oán trách cuộc đời.

Tôi giới thiệu anh Minh để anh Dũng quen biết và ngược lại:

─ Thưa, anh Dũng nguyên là Giáo sư trường Trí Đức tọa lạc đường Cao Thắng trước chùa Tam Tông Miếu, quận hai Sài Gòn còn chị Hồng là một trong những hoa khôi của trường Gia Long, sau hè năm ấy chị chuẩn thi vào trường Y thì bị ông Dũng đáp đến gắp chị Hồng ra khỏi gia đình, tình duyên của anh chị Dũng-Hồng do chị Phương của tôi làm bà mai, trong đó tôi cũng có một ít phần mai mối, vì tôi làm nhân viên Bưu điện cho mấy người lớn, hồi đó tôi ngu lắm, phải chi mình xem thư của họ để biết họ nói những gì, lúc đầu gia đình chị Hồng không chấp nhận, anh Dũng đòi chết trước nhà, bố mẹ chị Hồng sợ quá gả cho, thế là ngày tân hôn hai họ linh đình, bởi thế chị Hồng xem tôi như em ruột.

Đương nhiên trong thâm tâm anh Dũng chị Hồng và anh Minh thừa biết hiện nay tôi không thuộc diện thê thảm, ông Tùng thấy chúng tôi tình trước sau chân thực, ông cũng thổ lộ riêng tư đời mình:

─ Thì ra các bạn đều là người Sài Thành cùng quê tôi, nhà tôi ở đường Nguyễn Công Trứ, học trường Bồ Đề hết trung học vào Văn Khoa, đến năm thứ hai theo tiếng gọi ra bưng tham gia MTGPMN, sau khi kết nạp vào đảng, tôi nhận công tác Ban Hoa Kiều, quân hàm cuối cùng của tôi là Thiếu tá, người Hoa Chợ Lớn thường gọi tôi là Thiếu tá Tùng, tên thực Trương Hoán Tùng, cuối năm 1977 đảng điều tôi phụ trách chuyển một cánh Hoa Kiều Chợ Lớn đi Trung Quốc theo hướng Lai Châu. Hài hước nhất khi qua biên giới Trung Quốc họ xem tôi là người Việt Nam không có liên hệ gì với đất nước Trung Quốc, từ đó tôi trở thành người Việt tị nạn trên đất Trung Quốc như mọi người khác, tôi tự hiểu đảng CSVN đã có quyết định từ chối thành tích của tôi và cho tôi là người Hoa không trọng dụng nữa, họ chọn phương thức bí mật sa thải, giao công tác đi Trung Quốc.

Đại thể người Việt gốc Hoa có những nổi khổ riêng biệt, nhưng nào ai biết thân phận của tôi còn khổ hơn họ ngàn lần về gốc tịch, đến nay cũng chưa có ID chứ đừng nói đến giấy cư trú tạm thời, còn thẻ chứng minh thư nhân dân thì xa vời, đời người của tôi phải trả một giá quá đắt đỏ.

Xưa nay chữ Kiều dưới mắt thiên hạ xem thường, khi ấy Kiều rất trong sạch nào ai biết. Hoa Kiều, Việt Kiều, Cầu (Kiều) kể cả Kiều cụ Nguyễn Du lắm gian truân, từ đó tôi thề không đội trời chung với hai đảng CSVN và TQ. Đến nay cũng chưa dung tha tôi, họ tiếp tục ép làm chủ làng và làm nhân viên "hỗ trợ". Tuy tôi có làm việc cho họ nhưng chưa bao giờ hại ai, cũng chưa tống tiền của ai ở trong làng này. Thực tế hơn, nếu tôi muốn có nhiều tiền chỉ cần đếm từng cột mộ bia trong nghĩa trang của làng, tôi độc thân thì không cần tiền, có nó để làm gì chứ, hồi chiều chỉ cần nói lên một tiếng thẻ ID của chú em là giả, thế là kiếm được một bao thư nhẹ rồi, nhưng nếu biết là giả tôi vẫn bỏ qua, tôi chỉ muốn hú tim để chú em tứa trong quần thôi, thực ra một chuyên viên thẩm định chuyên môn như tôi muốn nói giả hay thực cũng không khó lắm đâu.

Câu chuyện của ông Tùng đang ngon trớn, thì dĩa lòng gà bưng lên, rất nóng hổi, hương vị thơm, thế là cắt đứt đoạn film hay, mà tôi muốn gôm hết bỏ vào lòng. Chúng tôi mời nhau, nâng cao ly rượu, chúc sức khỏe, gặp nhau là duyên hay nợ, cũng hết lòng nhớ nhau.

"Tây Hành làng" trên dãy núi Pu Si Lung
Ảnh: La Minh

Rượu vào lời ra, ông Tùng nói tiếp:

─ Trương Hoán Tùng tôi, muốn kết nghĩa với mấy chú, từ nay xem nhau là Huynh-đệ, xin hỏi mấy chú có tiếp nhận đề nghị đại ca này không?

Anh Dũng thay mặt chúng tôi đồng ý so tuổi tác và xưng hô vai vế, có thế mới biết anh Tùng lớn hơn anh Dũng ba tuổi, hơn anh Minh và tôi tám tuổi.

Tôi nói đùa:

─ Thưa, Tùng đại huynh, huynh đệ chúng ta có cần hương khói như kết nghĩa của huynh đệ Vườn Đào không?

Anh Tùng cao hứng nói:

─ Ở đây là núi rừng, còn linh thiên hơn Vườn Đào, nhớ rằng núi rừng của Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải núi rừng của bọn bành trướng Bắc Kinh.

Anh Minh hỏi:

─ Thưa huynh, dân số trong làng có bao nhiêu người và có người thiểu số không?

─ Dân số trong làng hiện nay 2.378 người, gồm cả dân tộc thiểu số như nhóm Tạng, nhóm Tày Thái, nhóm Mông Đảo, nhóm Kađai, nhóm Hán... cách đây 3 năm có trên 10.500 người thiểu số trong làng.

Rượu châm ly đầy, tiếng nói mỗi lúc cao hứng, lòng chân thực hiện ra và oan cừu tận cõi lòng trào theo men rượu. Anh Tùng thở ra một hơi dài rồi nói:

─ Quý đệ có biết không, đảng Cộng Sản Trung Quốc ồn ào lắm ra báo cáo tường rằng: "Việt Nam chư hầu tốt, đảng CSVN phải biết thế nào là phân chia biên giới đất liền, kể từ núi cũ "Tashan" trong hiệp ước Thiên Tân không còn giá trị, nên trả lại cho Trung Quốc, hôm nay nhà nước ta sử lý biên giới đất liền trên bộ và ngày mai biển Đông, nhất địch VN chưa hầu phải trao cho ta, chiếu theo khâm định của Hồ Chí Minh trao đổi với Mao chủ tịch tại Vân Nam".

Anh Tùng hớp liền hai ngụm rượu nói tiếp:

─ Quý đệ có biết không, ngu huynh có gặp một quân nhân biên phòng bành trướng, nó cho biết "Đỉnh núi Cũ đã bị quân Trung Quốc chiếm lĩnh, nay đã nằm sâu trong nội địa Trung Quốc", huynh rất là hận, bởi huynh đã đi qua nơi này, thấy cảnh thực vật nguyên vẹn vẫn còn rợp âm, hoa rừng tỏa hương ngát khắp nơi, ánh sáng mặt trời rót nghiêng đếm được từng gốc cây cổ thụ, thế mà núi này vô cớ đạn pháo cạo trọc đầu, nay thuộc vào tay Trung Quốc, nói một cách khác đảng CSVN táng tận lương tâm bỏ rơi núi cao một chiến lược quan trọng của biên giới Bắc cao nguyên.

Tin tức ở biên giới ngu huynh biết khá nhiều và chính xác. Có một cựu dân quân ở gần núi Cũ, trước kia sống trong làng, cho biết: "Núi Cũ bị mất thì đảng CSVN phải chịu trách nhiệm, người dân ở địa phương núi Cũ có ý chí bảo vệ lãnh thổ cho đất nước, nhưng dân quân rơi vào trường hợp thế cô, có tinh thần chống giặc mà không có sức thì làm thế nào để cố thủ núi Cũ, trong khi ấy tin đồn đãi núi Cũ này đã ký bán cho Trung Quốc hơn hai mươi năm trước. Bởi thế núi Cũ có nhiều hiện tượng lạ, người dân ở đây tự nhiên có kẻ đến thăm và tiện cấp quốc tịch Trung Quốc, thực sự tôi khó hiểu đảng CSVN".

Chị Hồng bưng lên một mâm lớn, nào là cơm gà, thịt gà luộc, cháo gà và bổ túc thêm lòng gà, thơm phức cả nhà, lúc này chị Hồng và các cháu cùng ngồi trệt dưới phên tre với chúng tôi, tạm gọi là bàn cơm, cả nhà hạnh phúc. Riêng tôi và anh Minh cả ngày chưa bỏ vào bụng một thứ gì cả, chỉ uống nước trừ với khoai củ, thế mà vẫn thích nghe anh Tùng nói chuyện hơn là ăn.

Chị Hồng tuy ở núi vẫn cho ra ngón nghề chị táo Sài Gòn năm xưa, trong thực đơn gà tuyệt vời này, gồm mùi vị gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau, chị lấy muối pha với đường màu làm ra nước mắm rất hợp khẩu vị, đúng là người phụ nữ Việt Nam đem theo hượng vị quê hương, tôi ăn ngon miệng gợi chuyện:

─ Thưa chị Hồng, hồi nãy em thấy chị làm thịt hai con gà, và nghe tiếng khóc của chị, có phải chị làm lễ phóng sinh cho hai con gà, phải không?

Chị cười và nói:

─ Cậu mầy lúc nào cũng đùa được, khóc vì thấy cậu nhớ nhà chứ ai nào khóc tiếc hai con gà đâu, thân chị theo anh chẳng tiếc, gặp em chỉ làm thịt hai con gà có xá chi nào.

Tôi nói khuyên chị Hồng:

─ Thưa chị, chị đã đem theo cái nhà Dũng và mấy cháu, hạnh phúc hơn cái nhà trên mãnh đất chào đời, mãnh đất sinh cư chị tìm tương lai cho mấy cháu. Chị tạm lờ nó đi, sẽ có ngày đất nước trở mình toàn dân có quyền sống làm người vì dân chủ, đa nguyên lúc ấy tha hồ chị nhớ.

Anh Dũng xoay mặt qua hướng anh Tùng hỏi:

─ Thưa, anh Tùng hồi chiều anh nói, anh ở đường Nguyễn Công Trứ quận 2 Sài Gòn, thế thì em xin mô tả để anh nghe cho vui.

Anh Tùng hỏi lại:

─ Huynh đã sống và lớn lên trên đường Nguyễn Công Trứ đương nhiên đệ không biết bằng huynh.

Anh Dũng liền kể:

─ Đường NCTrứ không dài, đầu đường đối diện với đường Hàm Nghi,cuối đường đối diện chợ Nguyễn Thái Học và đường nối dài Cô Giang. Trên đường Nguyễn Công Trứ có những đường khác vắt ngang qua như đường Tôn Thất Đạm, Pasteur, Công Lý, Phó Đức Chính, Calmette, Ký Con và Yersin. Người ta nói đường Nguyễn Công Trứ là Chợ Lớn nhỏ, người dân sinh hoạt tấp nập đêm cũng như ngày, nhờ hai chợ cung cấp sỉ cho tất cả chợ khác ở Sài Gòn và chợ lân cận, như chợ Nguyễn Thái Học cung cấp thực phẩm, chợ Cầu Muối cung cấp thủy sản nước mặn, nuớc ngọt.

Trên đường Nguyễn Công Trứ có hai chợ khác như khu Dân Sinh mua bán vải và khu phố cầm đồ của Công ty Hui Bon Hoa (Chú Hoả), ngoài ra còn có khu nhà kho Chú Hỏa, đặc biệt trên đường này có 1.752 căn nhà phố của Công ty Hui Bon Hoa. Vậy nếu anh Tùng là người hoa thì ở trong khu phố cầm đồ, còn nạc mỡ thì ở hẻm gần nhà Họa sĩ Tú Duyên, còn người Việt thì ở nhà hẻm sau lưng các khu phố và nhà sàn mé sông đường Bến Chương Dương. Một đặc biệt khác người dân ở đây khoái ăn khuya, những cửa hàng bán khuya không thiếu một thực đơn nào, còn một đặc thù khác, mỗi năm sau lưng khu Dân Sinh tổ chức hát Hồ Quản ba lần vào dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ hội chùa Ông, chùa Bà và ngày lễ Thanh Minh.

Trường Bồ Đề bên hông đường Nguyễn Công Trứ, em có dạy học ở trường này hai năm, bởi thế em rất thú vị khi nói đến đường NCTrứ.

Quả nhiên anh Dũng kéo anh Tùng vào tình cảm, anh Tùng có vẻ thán phục trí nhớ và vốn sống trên đường NCTrứ v.v...

Tôi đi đường xa quá thân người khắc khoải, gặp anh chị Dũng thân thương, cơm bưng rượu rót no đầy, cũng đến lúc đôi màng mắt khép lại, dù muốn mở ra cũng không còn sức, đành bỏ mặt mọi người nói chuyên đời xưa nay, anh Dũng dìu tôi đến vạt giường tre nằm xuống đi luôn đến bảy giờ sáng.

Vừa mở mắt ra thấy cả nhà và anh Minh đang chuẩn bị ăn sáng, một lúc sau anh Tùng cũng có mặt, đúng tám giờ chúng tôi hồi loan, trước khi tạm biệt tôi trao cho cháu lớn một bao thư bảo:

─ Đây là mảnh bằng cậu trao cho cháu, cậu hy vọng tương lai ở nơi cháu.

─ Chúng cháu nhớ ơn cậu.

Chị Hồng vui mừng nói:

─ Nhờ cậu mà anh Dũng hết bệnh cảm ơn ông thầy lang bâm.

─ Khi nào anh Dũng bệnh thì chị cho ăn gà là hết liền, chính chị mới là bà thầy của anh đó ạ.

Cả nhà và khách đồng cười, chúng tôi chào nhau tạm biệt, chị Hồng lại khóc, đôi mắt đỏ hoe nói:

─ Cậu phải hứa một hay hai năm trở lại đây thì chị hết khóc.

─ Dạ em hứa, chào hẹn gặp lại...

Anh Dũng và anh Tùng đưa chúng tôi đi một khoản đường dài, đến lưng dãy núi Pu Si Lung chúng tôi dừng xe đạp lại để nghỉ chân,anh Tùng đưa tay lên chỉ về phía trước nói:

─ Quý đệ có biết không, bên kia là mồ lạng tập thể trên 730 người dân Việt mình đó, còn nữa phía trái là mồ lạng trên 823 quân nhân Việt Nam, chính chúng anh an táng cho họ, những ngày chiến tranh ở đây bi thương vô cùng. Anh còn nhớ tối hôm đó chưa có đạn pháo, cả đoàn người của anh còn danh nghĩa Hoa Kiều, sáng hôm sau chúng anh được danh nghĩa Việt kiều tị nạn trên đất Trung Quốc, đó là giờ phút huynh chán chường nhất, vì đảng CSVN bán đứng chúng anh cho Trung Quốc!

Quân đội Trung Quốc dẫn cả đoàn người chúng anh đến một con sông nhỏ, thông qua núi Cũ. Họ lập danh sách và truyên bố: "Kể từ lúc này các người tạm trú trên phần đất biên giới của Trung Quốc, sẽ được chăm sóc tử tế và cấp giấy tị nạn".

Tiếp theo mọi diễn biến hung trong cuộc chiến tranh tại biên giới rất khủng khiếp, đảng CS Trung Quốc chiếm một phần biên giới lãnh thổ rộng lớn của Việt Nam và báo chí Trung Quốc loan tin đổi trắng thay đen, khoáy động hận thù dân tộc Trung Quốc, cho rằng Việt Nam khởi động chiến tranh trước, sau đó Trung Quốc mới tự vệ, cùng lúc đảng CS Trung Quốc sung công trên bốn trăm ngàn người Việt ti nạn (Hoa Kiều) đào giao thông hào, buộc phải hoàn thành trước hai tháng.

Quân đội Vân Nam Trung Quốc sử dụng giao thông hào nối liền từ Tây qua Đông của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đối diện với 6 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và thị trấn Lộc Bình Quảng Ninh, thành giao thông hào vòng một, để họ chuyển quân sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

Giao thông hào vòng một.
Phụ bản: Trương Hoán Tùng cung cấp

Giao thông hào vòng hai và vòng ba tiến sau không giới hạn từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Bản đồ toàn diện chiến tranh Đông Dương lần thứ 3
(Phụ bản. Trương Hoán Tùng cung cấp)

Đạn pháo đầu tiên tại giao thông hào vòng một mà người dân biên giới nghe được vào ngày 19 tháng 2 Năm 1979. Súng cối xạ như mưa vào Bản làng, Xã thôn, thị trấn Việt Nam, dân quân Việt Nam chết không kịp đem đi chôn, đến ba ngày sau quân đội CSVN mới phản pháo, thì toàn diện biên giới đã định chiến thắng nghiêng về Trung Quốc. Tuy nhiên quân đội Trung Quốc tử trận không phải là ít vì lối chiến tranh cổ điển dùng biển người cướp đất, một sự kiện khác Trung Quốc quá đông dân, chết như thế có thấm vào đâu còn được lợi là khác, giảm miệng ăn vì Trung Quốc đang thiếu lương thực.

Mặt trời lên cao, sương mù vẫn theo dưới chân chúng tôi, đành phải tạm biệt anh Tùng, anh Dũng và biệt ly ải đầu tổ quốc thân yêu.

Huỳnh Tâm
Paris 02/01/2012

* Tiếp theo bài viết trước (Làng tị nạn Việt Nam tại biên giới Việt-Trung). Chúng tôi sẽ loan tải toàn bộ phóng sự biên giới Vân Nam, Quảng Tây và người Việt tị nạn tại Quảng Châu.


.
.
.

No comments: