12/10/2011 - 12:46
Chính phủ dân sự mới của Myanmar tuyên bố sẽ ân xá hơn 6.359 tù nhân. Động thái này được hy vọng có thể cải thiện hồ sơ nhân quyền của Myanmar và giúp quốc gia này bình thường hóa quan hệ với Phương Tây.
Lệnh ân xá nhân đạo của Tổng thống Myanmar Thein Sein được thông báo trên truyền thanh và truyền hình vào ngày 11/10 cho biết 6.359 tù nhân già yếu, bệnh tật hoặc những người biết "ăn năn hối cải" sẽ được trả tự do bắt đầu từ hôm nay, 12/10.
Mặc dù lệnh ân xá lần này không đề cập đến tù nhân chính trị nhưng một số quan chức chính phủ giấu tên cho biết sẽ có một số đối tượng thuộc nhóm này được trả tự do.
Người ta tin là có đến 2.200 tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Myanmar nhưng chính phủ nước này gần đây nói rằng con số đó chỉ khoảng 500 người.
Ông Nyan Win, người phát ngôn của lãnh đạo phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi, bày tỏ sự vui mừng trước thông báo ân xá.
Tuy nhiên, hiện ông chưa được biết thông tin về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị và chính thân nhân của họ cũng không biết rõ điều đó dù họ rất phấn khởi trước lệnh ân xá.
Bà Ma Nyein, em dâu của nhà hoạt động kiêm diễn viên hài nổi tiếng Zarganar hiện đang thụ án 35 năm tại nhà tù Myitkyina ở bang Kachin nói: "Chúng tôi đang chờ đợi tin vui nhưng vẫn chưa được chính quyền liên hệ".
Ông Zarganar bị bắt giữ năm 2008 sau khi có các cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài chỉ trích phản ứng chậm trễ của chính phủ quân sự trong cơn bão Nargis, khiến cho gần 140.000 người chết hoặc mất tích. Ông bị kết tội gây rối loạn dư luận và cung cấp thông tin trái pháp luật cho báo chí nước ngoài.
Hầu hết các tù nhân chính trị nổi tiếng, trong đó có nhiều người có liên hệ với các nhóm dân tộc thiểu số, đều bị giam giữ tại các cơ sở cách xa thành phố Yangon nhằm hạn chế họ trong việc giao tiếp với luật sư và gặp gỡ thân nhân tới thăm.
Trước đó, vào tháng 5/2011, ngay sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Thein Sein cũng ban hành lệnh ân xá 14.000 tù nhân, bao gồm 47 tù nhân chính trị.
Việc phóng thích tù nhân chính trị được xem như một phần của các giải pháp tự do hóa ở Myanmar kể từ khi quyền lực được bàn giao cho chính phủ dân sự do giới quân sự hậu thuẫn vào tháng 3/2011.
Những dấu hiệu dân chủ
Kể từ sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lĩnh quân đội, đã bắt đầu đối thoại với phong trào dân chủ và hứa hẹn đưa ra những cải cách có thể thay đổi những chính sách hà khắc của chế độ quân sự cầm quyền trong nhiều thập kỷ ở Myanmar.
Ông Thein Sein cũng là người thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Myanmar vào tháng 9/2011và chính ủy ban này đã gửi một thư ngỏ cho tổng thống, kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị vốn không “đe dọa sự ổn định của nhà nước và an ninh xã hội".
"Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Myanmar kính đề nghị ngài Tổng thống ân xá và trao trả tự do cho những tù nhân này", lá thư viết.
Bức thư ngỏ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể tại Myanmar, nơi chính quyền lâu nay vẫn từ chối công nhận sự tồn tại của các tù nhân chính trị.
Bên cạnh đó cũng có những dấu hiệu thay đổi khác kể từ khi giới quân sự trao quyền lực cho giới dân sự sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2010. Theo đó, chính phủ mới đã kêu gọi tiến hành hòa đàm với các nhóm du kích dân tộc thiểu số, nhẹ tay hơn trước các chỉ trích và tiếp xúc nhiều hơn với lãnh tụ phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi, người được trả tự do vào năm 2010 sau 15 năm bị quản thúc tại gia.
"Vấn đề là liệu chính phủ hiện thời có tiếp tục tiến tới việc nới lỏng kiểm soát dân chúng cũng như chính trường ở Myanmar một cách nghiêm túc hay không", ông Milton Osbourne, chuyên gia phân tích về Đông Nam Á tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy của Australia, nói.
Tuần trước, Myanmar đã bác bỏ một dự án xây đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ đô-la Mỹ do Trung Quốc đầu tư vì sức ép của dư luận trong nước. Đây là một dấu hiệu cho thấy Myanmar sẵn sàng xoa dịu thái độ bất bình của người dân về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở quốc gia này.
Những động thái trên đã làm dấy lên hy vọng rằng quốc hội mới sẽ dần mở cửa đất nước 50 triệu dân mà chỉ nửa thế kỷ trước vẫn là quốc gia giàu nhất Đông Nam Á với vai trò xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đồng thời đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng.
Chiến lược mới với những mục tiêu mới
Việc phóng thích các tù nhân chính trị là mối quan tâm và điều kiện chính của Hoa Kỳ, Châu Âu và Australia trong việc xem xét gỡ bỏ các lệnh trừng phạt về chính trị và kinh tế đối với Myanmar vì nước này có hồ sơ nhân quyền và dân chủ không tốt.
Tháng 11/2009, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đề xuất với Myanmar về triển vọng quan hệ tốt đẹp hơn với Washington nếu Myanmar tiến hành cải cách dân chủ và trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có thủ lĩnh đối lập Suu Kyi.
Hoa Kỳ cũng đòi hỏi Myanmar minh bạch hơn nữa quan hệ với Triều Tiên và chấm dứt vi phạm nhân quyền đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở các vùng xa xôi giáp biên giới Thái Lan và Trung Quốc.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland hôm qua, 11/10, cho biết Hoa Kỳ muốn thấy tất cả các tù nhân chính trị được phóng thích và đang chờ xem những ai sẽ được trả tự do trong đợt ân xá sắp tới.
"Chúng tôi đã nói rõ mong muốn được thấy những tiến bộ hơn nữa liên quan đến các vấn đề như trả tự do cho tù nhân và các vấn đề khác”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt M. Campbell phát biểu vào hôm thứ Hai, 10/10, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Theo ông Campbell, mặc dù Myanmar rõ ràng đã có những thay đổi nhưng mới chỉ ở những giai đoạn đầu và Mỹ đang theo dõi xem liệu điều này có được tiếp tục duy trì hay không.
Nếu Myanmar thực sự thay đổi thì Hoa Kỳ có thể nới lỏng những hạn chế trong giao dịch tài chính và đi lại đối với các quan chức của Myanmar, gỡ bỏ lệnh phong tỏa hàng viện trợ từ một số tổ chức đa quốc gia và phục hồi trợ giúp Myanmar.
Một nhà ngoại giao Châu Âu ở Bangkok cũng cho biết nhiều nước Châu Âu đã thúc giục Liên minh Châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt nếu các tù nhân ở Myanmar được phóng thích.
Tại Tokyo, một quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng Nhật Bản đã khôi phục một số viện trợ cho Myanmar trong tháng 6/2011 sau khi bà Suu Kyi được tự do và Nhật Bản sẽ tiếp tục viện trợ nếu có thêm nhiều tù nhân chính trị ở Myanmar được trả tự do.
Dường như Myanmar hiện đang cố gắng thuyết phục ASEAN để trở thành chủ tịch luân phiên của hiệp hội này vào năm 2014, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo tại quốc gia này.
Cương vị chủ tịch ASEAN sẽ đem lại cho Myanmar sự công nhân của quốc tế và giúp thuyết phục Ngân hàng Thế giới và các thể chế quốc tế khác quay lại với quốc gia này.
---------------------------------
Huỳnh Ngọc Chênh
Thứ năm, ngày 13 tháng mười năm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment