Trọng Thành - RFI
Thứ sáu 14 Tháng Mười 2011
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111014-niem-hy-vong-dang-len-ve-mot-%C2%AB-mua-xuan-mien-dien-%C2%BB
Bài xã luận trên trang nhất Le Monde chạy hàng tựa « Niềm hy vọng đang lên về một ‘‘mùa xuân Miến Điện’’ ». Bài viết nhận định : Một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới đang mở ra. Nền độc tài hung ác tồn tại từ năm 1962 dường như đang bắt đầu chuyển đổi. Bốn năm sau « cuộc nổi dậy của các tăng ni », bị tập đoàn quân sự đàn áp trong máu, trong hiện tại nhiều người rất hy vọng việc Miến Điện sẽ dân chủ hóa.
Ngày 12/10 vừa qua, chính quyền Miến Điện đã tuyên bố trả tự do cho 120 tù chính trị. Chính quyền cũng thành lập một ủy ban nhân quyền. Cách đây vài tuần, Ủy ban này thừa nhận ở Miến Điện có các « tù nhân lương tâm ». Đây là chuyện xảy ra lần đầu tiên tại quốc gia độc tài này.
Điểm lại quá trình chuyển hóa gần đây của Miến Điện, với việc một tổng thống được bầu lên vào tháng 11 năm ngoái, trong một cuộc bầu cử mang tính dàn xếp, để đứng đầu một ê kíp gồm các lãnh đạo dân sự và quân sự, Le Monde nhận xét : Hơn nửa thế kỷ sau cú đảo chính đưa các tướng lĩnh hung hăng, ngu dốt và tham nhũng lên nắm quyền, tân tổng thống Miến Điện hiện nay đứng trước sứ mệnh phải thực hiện một cuộc chuyển đổi đầy khó khăn, hướng đến một chế độ dân sự và dân chủ.
Tổng thống Miến Điện là người chủ trương lệnh ân xá mới đây, liên quan đến 6.000 tù nhân. Biện pháp này, cùng với một loạt các sáng kiến khác, nhìn trong tổng thể, đã mang lại niềm hy vọng rằng, tại vùng Đông Nam Á, sẽ có một « mùa xuân Miến Điện ». Dường như tổng thống mới của Miến Điện đã quyết định đưa ra một tín hiệu cho thấy sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, ngược hẳn lại với các diễn văn đầy tính hoang tưởng của những người tiền nhiệm.
Le Monde nhấn mạnh, cần phải ca ngợi sự dũng cảm và thông minh của nhà lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, được trả tự do sau 13 năm quản chế, đã chấp nhận đối thoại với chế độ. Bà đã tới thủ đô gặp tổng thống và liên tục đối thoại với đại diện của chính phủ. Trong hiện tại, Aung San Suu Kyi là hiện thân cho một đối lập bị chia rẽ và suy yếu, sau các đàn áp. Sứ mệnh của bà là hết sức khó khăn. Quá trình dân chủ hóa đang diễn ra do chính quyền chủ trì, vẫn bị nhiều người nghi ngờ là không thành thực. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, còn tới hơn 2.000 tù nhân chính trị bị giam giữ.
Le Monde ghi nhận hành động triệt để nhất mới đây của chính quyền Miến Điện, là hoãn dự án đập thủy điện Myitsone, do một tập đoàn Trung Quốc đảm trách, có khả năng gây ra các thảm họa môi trường nghiêm trọng. Hành động này cho thấy Miến Điện muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.
Le Monde cho rằng, trong khi Hoa Kỳ hoan nghênh các chuyển biến đang diễn ra tại Miến Điện, Châu Âu cũng cần noi theo một cách thận trọng, và phản ứng một cách tích cực trước mỗi dấu hiệu tích cực từ Miến Điện.
------------------------
Huỳnh Ngọc Chênh
Thứ năm, ngày 13 tháng mười năm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment