Thursday, October 13, 2011

NỀN DÂN CHỦ ĐANG LÓ DẠNG Ở MIẾN ĐIỆN ? (Khánh An, RFA)



Khánh An, phóng viên RFA
2011-10-13

Ngày 11/10, chính phủ Miến Điện thông báo sẽ ân xá cho 6.359 tù nhân bắt đầu từ ngày 12/10 và nhóm tù nhân được trả tự do đầu tiên nằm trong số khoảng 2000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.
Sau khi Tổng thống Miến quyết định dừng xây đập thủy điện Myitsone khiến cho Trung Quốc nổi giận 2 tuần trước đây, sự kiện bất ngờ lần này khiến cho không chỉ người dân Miến mà dư luận quốc tế phải đặt ra câu hỏi: Liệu chính phủ quân nhân Miến có đang thực sự thay đổi? Phải chăng nền dân chủ đang bắt đầu ló dạng ở đất nước Miến?

Động thái cải thiện bất ngờ

Có hàng trăm tù nhân chính trị được trả tự do trong ngày thứ Tư, trong đó có nhiều nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng như diễn viên hài Zarganar, một số ký giả, nhóm sinh viên và tu sĩ tham gia biểu tình năm 2007, các lãnh đạo và thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.

Đây không phải là lần ân xá đầu tiên ở Miến. Năm 2009, Miến Điện đã từng có đợt ân xá cho khoảng 10.000 tù nhân, tuy nhiên rất ít trong số đó là tù nhân chính trị. Chính vì vậy, sự kiện một số lượng khá lớn những tù nhân chính trị được trả tự do lần này đã đem lại bất ngờ cho người dân Miến và dư luận quốc tế.

Thêm vào đó, những tuần lễ gần đây, chính quyền Miến Điện không chỉ có những động thái cải thiện bất ngờ về mặt nhân quyền, mà còn có vẻ đang tự tách mình khỏi ảnh hưởng của quốc gia đối tác lớn nhất, đồng thời cũng là người đỡ đầu trong suốt thời gian dài qua là Trung Quốc. Chỉ khoảng hai tuần trước, tổng thống Miến đột ngột đưa ra quyết định dừng việc xây đập Myitsone mà Trung Quốc đã đầu tư ở Miến Điện hơn 2 năm qua. Sự việc này đã làm cho Trung Quốc giận dữ đến nỗi Bộ trưởng ngoại giao Miến Wunna Maung Lwin đã phải thân hành đến Bắc Kinh vào ngày 10/10 để xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.

Thông tin từ Miến Điện cũng cho biết những websites vốn bị chặn trong một thời gian dài như BBC, Youtube… thì tháng rồi đã ngưng bị chặn, mặc dù những quy định về báo chí vẫn còn duy trì khá khắt khe.

Tất cả những động thái trên của chính quyền Miến khiến cho cả thế giới đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân của những thay đổi trên? Phải chăng chính quyền Miến thực sự muốn xây dựng một đất nước dân chủ?

Diễn viên hài nổi tiếng Zarganar, người bị bắt vào năm 2008 vì đã chỉ trích chính quyền không nỗ lực, cũng như không để cho quốc tế cứu trợ các nạn nhân của trận bão Nargis. Ông bị kết án 34 năm tù giam. Chính ông Zarganar khi vừa bước ra khỏi nhà tù Myitkiyna trong đợt ân xá này, cũng trả lời với báo giới rằng chỉ có Tổng thống Thein Sein mới biết được tại sao các tù nhân chính trị được trả tự do. Ngay cả ông cũng không biết được nguyên nhân.

Khi được hỏi nghĩ gì về chính phủ mới, Zarganar trả lời rằng lúc đầu ông hoàn toàn hài lòng. Nhưng với những điều kiện liên quan đến việc được ân xá, thì ông lại không hài lòng vì cách chính quyền trả tự do cho tù nhân chính trị khiến cho ông có cảm giác như cướp biển Somali đang thả con tin!

Tuy nhiên, theo lời của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell, tất cả những thay đổi đột ngột của Miến Điện, trong đó có việc trả tự do cho hơn 6.000 tù nhân, dĩ nhiên được hoan nghênh. Lãnh đạo các nước phương Tây lần lượt lên tiếng cổ vũ, bày tỏ vui mừng trước sự kiện trên.

Vì sao thay đổi quá nhiều?

Dù cả thế giới có vỗ tay tán thưởng những thay đổi đáng kể trên đến đâu đi nữa, công luận tại Miến vẫn tỏ ra nghi ngờ và không mấy hy vọng vào tiến trình dân chủ tại đây. Với kinh nghiệm riêng, diễn viên hài Zarganar nói rằng ông không nghĩ những thay đổi trên là thay đổi lớn và thực sự. Ông nói:
“Tôi vẫn nghĩ là có gì đó thay đổi cho đến sáng nay thì tôi nghi ngờ điều đó, bởi tôi thấy chỉ có một số tù nhân chính trị được thả. Tôi không chắc là chính quyền có thực sự muốn hòa giải hay không. Tôi rất muốn hỏi tổng thống là tại sao ông ấy thay đổi quá nhiều như thế?”

Để giải thích những thay đổi đột ngột của chính quyền tổng thống Thein Sein, một học giả của Miến Điện cho rằng có thể có hai lý do chính.

Thứ nhất, nhà cầm quyền thấy đã đến lúc cần phải chỉnh đốn lại để có những lợi ích về địa chính trị. Việc dựa vào Trung Quốc và để Trung Quốc can thiệp quá sâu trong vai trò người bảo trợ đối với quốc tế không phải là một lựa chọn dễ chịu. Với sự lớn mạnh và ngày càng hung hăng của Trung Quốc mà không có sự đỡ lưng từ phương Tây thì Miến Điện sẽ chẳng khác nào một chiến binh bị cột mất một tay. Việc cải thiện vấn đề nhân quyền, chính trị và sự phát triển là một trong những cái giá mà nhà cầm quyền Miến phải trả để đổi lấy sự cân bằng khỏi những ảnh hưởng ngày càng mạnh của Bắc Kinh.

Thứ hai, các tướng lãnh và cựu tướng lãnh Miến đều có chung một nhu cầu là chứng minh cho người dân Miến và thế giới thấy họ không thất bại trong việc xây dựng đất nước giống như đại đa số người dân Miến nghĩ. Quân đội đã có gần nửa thế kỷ cai trị đất nước Miến, mang lại hòa bình cho người dân Miến, nhưng họ lại biến đất nước Miến từ một vựa lúa trở thành một cái lồng chụp. Các dịch vụ y tế chỉ có trên giấy tờ. Chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp trầm trọng. Đất nước Miến hiện phải đối diện với những mối đe dọa sống còn vì những vấn đề về môi trường v.v…

Về phía chính quyền, ông Sit Aye, Trưởng ban Cố vấn luật pháp của Tổng thống Miến, giải thích về lý do chỉ ân xá một số mà không phải là toàn bộ tù nhân chính trị như sau:
“Chính phủ thực hiện lệnh ân xá vì nhu cầu hòa giải quốc gia và theo lời kêu gọi của đại sứ Quintana của Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Lý do vẫn còn nhiều tù nhân chính trị đang ở trong tù bởi vì chính phủ cũng cần phải nghĩ đến sự ổn định của quốc gia. Thật ra, việc ân xá chỉ dành cho những người hội đủ một số điều kiện để được trả tự do. Dĩ nhiên, chúng tôi muốn trả tự do cho tất cả mọi người, nhưng về phía chính phủ, có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét. Đây là lần ân xá thứ hai của chính phủ mới. Hy vọng lần tới thì tất cả mọi tù nhân chính trị sẽ được trả tự do.”

Nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới rất dè dặt khi nhận định về khả năng thay đổi thực sự của chính quyền Miến. Một số ý kiến cho rằng những sự kiện bất ngờ liên tiếp gần đây chỉ là khúc nhạc êm dịu nhằm vỗ về dư luận thế giới mà thôi. Có thể đây cũng chỉ là một trong những chiến lược mà chính quyền tổng thống Thein Sein thực hiện để Miến Điện được nhanh chóng tháo gỡ lệnh cấm vận.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trước đây, các tổ chức nhân quyền cảnh báo quốc tế rằng: “Có thể dỡ bỏ một số lệnh cấm vận nếu muốn khuyến khích những nỗ lực của Miến, nhưng đừng tháo gỡ quá nhiều và quá sớm”.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: