Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-10-14
Tuần qua tờ báo chuyên đề có uy tín về ngoại giao của Hoa Kỳ là "Foreign Policy" đã có một bài quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ là bà Hillary Clinton dưới tiêu đề mà chúng tôi xin tạm dịch là "Thế kỷ Á châu của Hoa Kỳ".
Bài viết đã gây chú ý cho dư luận Á châu nên đài Á châu Tự do có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về quan điểm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Đường lối của Hoa Kỳ
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa và cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn chớp nhoáng này, không với tư cách một nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do, mà là chuyên gia đã từng theo dõi tình hình Trung Quốc từ nhiều thập niên. Đề mục là bài xã luận của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Trước khi nói về nội dung bài viết mà ông đã có đọc thì ông nghĩ sao về bối cảnh?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ là cường quốc rất trẻ, có quá khứ là Âu châu mà tương lai lại gắn liền với châu Á. Hai trăm năm sau thời lập quốc, chính xác là vào năm 1983, luồng giao dịch qua Thái bình dương với Á châu đã lần đầu tiên vượt qua lượng hàng hoá trao đổi qua Đại Tây dương với Âu châu. Nhưng khi đó, dư luận Mỹ nói chung chưa mấy chú ý đến sự chuyển dịch này. Thoáng qua hoặc như có thấy thì chỉ nghĩ đến Nhật Bản, là một đồng minh và cường quốc kinh tế chủ nợ và chủ đầu tư có ảnh hưởng đến nước Mỹ. Khi ấy, chúng ta nhớ rằng Trung Quốc mới chỉ thực sự cải cách kinh tế được có vài năm.
Ba chục năm sau, là ngày nay đây, tình hình đã đổi khác với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Lồng trong đó có 10 năm mà Hoa Kỳ mắc bận với cuộc chiến chống xu hướng Hồi giáo cực đoan và hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan. Khi tình hình trên hai chiến trường đó đã tạm lắng đọng, Hoa Kỳ tất nhiên phải nhìn vào Á châu như Ngoại trưởng Clinton đã thông báo tại Hà Nội vào năm ngoái và nhắc lại trong bài quan điểm này.
Tháng tới, Tổng thống Barack Obama lại là lãnh đạo đầu tiên của Mỹ tham dự Thượng đỉnh Đông Á và đọc bài diễn văn quan trọng trước diễn đàn này tại Indonesia. Tôi thiển nghĩ rằng bài tiểu luận của Ngoại trưởng Clinton muốn chuẩn bị cho việc đó và nói thẳng với lãnh đạo Á châu về mục tiêu, chủ trương và đường lối của Hoa Kỳ trong khu vực.
Vũ Hoàng: Thưa ông, về nội dung thì ông thấy có những điểm nào là đáng chú ý nhất?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Rất ôn tồn mà dứt khoát khẳng định vai trò lãnh đạo Á châu của Mỹ!
Ngoại trưởng Hoa Kỳ trình bày các yếu tố từ kinh tế đến chiến lược khiến quyền lợi của nước Mỹ trong thời khoảng 60 năm tới trực tiếp gắn bó với Á châu Thái bình dương, nơi sinh sống của phân nửa dân số địa cầu.
Thứ hai, như chính Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương đã có lần trình bày tại thủ đô Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ quan niệm rằng khu vực Á châu Thái bình dương không chỉ có miền Tây biển Thái bình mà còn bao trùm lên cả Ấn Độ dương. Tức là tiểu lục địa Nam Á hay Ấn Độ cũng thuộc phạm vi quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong khu vực đó, Hoa Kỳ không có tham vọng chiếm đoạt lãnh thổ mà đã có truyền thống trợ giúp các nước qua những đồng minh chiến lược, như Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, Philippines hay Thái Lan. Trong thời gian tới Hoa Kỳ muốn mở rộng hợp tác để bảo đảm sự thịnh vượng của các nước và quyền tự do của người dân.
Ngôn ngữ ngoại giao nhưng dứt khoát
Vũ Hoàng: Dư luận Á châu đặc biệt chú ý đến quan điểm của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ với Trung Quốc, ông nhận xét ra sao về quan điểm này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong một bài tiểu luận hơn 5.600 chữ, bà Clinton dành hơn 900 chữ, là hơn 16% nội dung, về Trung Quốc, xuyên qua kinh nghiệm của bà trong kế hoạch đối thoại giữa hai nước về kinh tế và chiến lược. Tôi chú ý nhất đến ngôn ngữ ôn tồn mà mãnh liệt của Hoa Kỳ với thế lực đang lên của Trung Quốc theo đó Hoa Kỳ không có ác cảm tỵ hiềm hay e sợ mà muốn thắt chặt quan hệ đôi bên cho lợi ích của cả hai nước và cả thế giới.
Muốn như vậy, lãnh đạo Bắc Kinh phải biết tin cậy và thảo luận công khai về một số vấn đề song phương và quốc tế. Đây là một quan điểm cố hữu của nước Mỹ là tăng cường hợp tác để Trung Quốc thành một quốc gia đối tác khả tín và có trách nhiệm hầu cùng giải quyết các vấn đề của thế giới. Nhưng ngược lại....
Vũ Hoàng: Nhưng ngược lại thưa ông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói ra lập trường dứt khoát của mình?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Rất dứt khoát nhưng với ngôn ngữ ngoại giao về những gì bà Clinton đã nói công khai hoặc kín đáo với lãnh đạo Bắc Kinh. Thứ nhất, về yêu cầu tôn trọng nhân quyền, chấp hành luật pháp quốc tế và giải tỏa hệ thống chính trị cho cởi mở hơn vì mục tiêu ổn định và tăng trưởng bền vững bên trong Trung Quốc.
Chúng ta không quên là mấy tháng trước đây, nhân cuộc phỏng vấn của tờ Atlantic Monthly, bà Clinton đã phát biểu rằng mô hình phát triển của Trung Quốc không có tương lai! Chuyện thứ hai và một cách gián tiếp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh đến nỗ lực hợp tác với một chuỗi quốc gia ngẫu nhiên sao lại là bán đảo hay hải đảo trong khu vực, với các tổ chức đa phương như Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, thậm chí với bốn nước tại hạ nguồn sông Mekong. Nhìn vào tấm bản đồ thì ta có thể mường tượng ra vòng đai của thịnh vương và an ninh để Bắc Kinh chọn lựa. Chi tiết quân sự mà ta có thể suy đoán ra, là Hoa Kỳ không cần loại căn cứ hải quân lớn lao như trong quá khứ, nhưng sẽ tăng cường hợp tác quân sự rất đa diện với nhiều nước, như Singapore, Indonesia hay Australia.
Thuần về kinh tế, tôi còn chú ý đến sáng kiến mở rộng Đối tác Liên Thái bình dương gọi là Trans-Pacific Partnership giữa chín nước từ Trung Nam Mỹ qua Đông Nam Á. Lần này, và sau Hiệp định Thương mại tuần qua với Nam Hàn, Hoa Kỳ có thể mời thêm Nhật vào vòng thương thuyết, mà trong 11 nước đó không có Trung Quốc. Có Việt Nam mà không có Trung Quốc!
Vũ Hoàng: Kết luận của ông trong 30 giây?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Bà Clinton muốn các nước châu Á biết để mà chọn lựa cách xử thế: Trong lịch sử, nước Mỹ có những lúc thoái lui nhưng đều đã vượt qua rất nhanh. Bây giờ, trong khu vực Á châu Thái bình dương, Hoa Kỳ chuẩn bị đối phó với những thách đố hiện tại như là tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, khống chế quyền tự do giao lưu ngoài biển. Với mô hình dân chủ chính trị và tự do kinh tế nước Mỹ thừa khả năng về quân sự, năng suất, và giáo dục để bảo đảm và duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ này như trong thế kỷ 20. Nếu muốn hợp tác thì mọi người đều có lợi. Nếu không.... các nước nên nghĩ lại, vì Hoa Kỳ đang trở lại châu Á!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved
--------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment