Wednesday, October 19, 2011

CHUYẾN ĐI "TRIỀU KIẾN THIÊN TRIỀU" (Thanh Quang, RFA)



Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-10-19
Trong mấy ngày qua, trong khi người dân Việt yêu nước – nói theo lời blogger Nguyễn Xuân Diện, “Không đi thì nhớ Bờ Hồ, Không đi, nhớ đến phát rồ lại đi”
Lời nói thể hiện “bức xúc về chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc vẫn cứ bị lũ kia xâm phạm trắng trợn”, thì quê hương VN xem chừng như đang trong một chuyển biến quan trọng với chuyến du Ấn cuả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến Hoa du cuả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến viếng thăm VN cuả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trung Quốc khống chế
Nếu chuyến viếng thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trương Tấn Sang được một số bloggers coi như “chọc giận” Trung Quốc vì Việt-Ấn đi đến thoả thuận cho công ty ONGC Videsh cuả Ấn khai thác dầu khí trong lãnh hải VN ngược lại mong muốn cuả Bắc Kinh. Đó là chưa kể - nói theo lời blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Ấn Độ là “quốc gia kỳ vỹ theo nhiều nghĩa mà Việt Nam rất cần phải chơi thân. Không phải chỉ vì lúc này ta đang gặp khó với bọn bành trướng phương Bắc mà ta cần đến sự giúp sức của Ấn để quân bình cán cân quyền lực ở Biển Đông. Hơn ai hết, Ấn Độ là quốc gia xứng đáng về lâu về dài ta nên kết bạn để học hỏi”; Chuyến đi VN cuả Thủ tướng Đức Quốc Merkel hẳn không làm hài lòng phương Bắc khi bản tuyên bố chung tại Hà Nội cho biết VN và Đức là đối tác chiến lược trong tương lai, thì chuyến Hoa du cuả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị công luận nói chung và giới bloggers nói riêng chiếu cố nhiều hơn cả.

Nhiều mạng nhật ký phổ biến bài tưạ đề “Cung đàn lỗi nhịp” cuả bác sĩ Nguyễn Đan Quế trong nước mô tả rằng:
Vừa tới nơi, thấm mệt, được Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đón tiếp với bộ mặt nghiêm nghị, không cười, và ký ngay văn kiện chính trong chuyến viếng thăm này là ‘ Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.’…Chữ ký chưa khô mực, hải quân Trung Quốc loan báo vừa thiết lập một trạm xá quân y tại một đảo thuộc Trường Sa, gần nơi hải chiến 1988.

Theo tác giả Đại Nghiã qua bài “Trung Quốc khống chế lãnh đạo VN” thì trong chuyến đi “triều kiến Thiên triều” cuả lãnh tụ đảng VN chỉ nhận được 6 “lệnh chung chung” toàn là sáo ngữ như thường khi nhằm dặn dò phiá VN luôn theo giải pháp ôn hoà khi có tranh chấp, cũng như kiên trì bám trụ phương châm “16 chữ vàng và 4 tốt”. Và “ông Trọng vui vẻ” nghe theo. Tác giả nhận xét:
Điểm danh qua các vị lãnh đạo đảng CSVN từ khi có đảng đến nay thì không có vị nào là không bị Trung cộng khống chế cả. Tất cả đều răm rắp làm theo sự chỉ đạo của ngoại bang thì làm sao mà lãnh đạo đất nước một cách tốt đẹp được...Ngày xưa khi quân giặc sang xâm chiếm bờ cỏi thì nhà vua huy động sự quyết tâm chống giặc của toàn dân qua Hội Nghị Diên Hồng, còn ngày nay vua quan không có lòng chống giặc thì làm sao có được. Dân mới biểu tỏ quyết tâm chống giặc qua các cuộc biểu tình ôn hòa thì đã bị đảng CSVN thẳng cẳng đạp vào mặt, khiêng đi rồi còn gì mà chống. Họ đã ngang nhiên chà đạp lên tình yêu nước của dân tộc. Không có gì đau lòng hơn nhìn mấy thanh niên mặc áo màu vàng NO.U phía sau lưng cởi xe chạy
trong mưa nói lên lòng yêu nước chống quân xâm lược mà phải có hành động trốn chạy như kẻ chống đảng CSVN không bằng.

Theo blogger Phạm Viết Đào, chuyến Hoa du cuả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự hé lộ thực trạng sang trang cuả quan hệ Việt-Trung, không còn có thể “xuề xòa, chú chú anh anh như mọi lần” nữa, thể hiện qua bộ mặt “nặng như chì”, “lạnh tanh” cuả Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Blogger Phạm Viết Đào nhận xét:
Vậy cuộc chiến ngoại giao Việt-Trung qua chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng bộc lộ những bước tiến, bước lùi của nền ngoại giao Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc như thế nào? Từ trước đến nay mối quan hệ này vẫn bị mang tiếng là “khôn nhà dại chợ “ do bởi cái màn sương mờ hữu nghị đáng hoài nghi cùng với những bức hoành phi vàng mã…Trước chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng, có nhiều ý kiến phản đối, riêng tôi, tôi ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc bởi các lý do sau đây. Cha ông ta xưa có câu: Có khôn ngoan ra cửa quan mới biết… Qua chuyến đi này chắc chắn TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ ngộ ra được: Trung Quốc là thế nào; chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc sẽ sản sinh ra loại người ra sao, đôi khi còn đáng sợ hơn đế quốc sài lang.

Tuyên bố chung
Blogger Người Buôn Gió sau khi đọc bản tuyên bố chung giưã hai đảng cộng sản VN-TQ nhận thấy tất cả những cam kết xem chừng như đều đáp ứng mong muốn của Trung Quốc khiến Việt Nam phải “gắn chặt với Trung Quốc hơn nữa về mọi mặt từ đường lối chính trị cấp cao đến tư tưởng của những người dân thường”, trong khi vấn đề chủ quyền biển đảo được cam kết trên những quan điểm tạm thời, không dứt khoát của Việt Nam. Blogger Người Buôn Gió phân tích:
Trong tuyên bố chung này việc Trung Quốc xâm chiếm trái phép biển đảo của Việt Nam không được diễn giải đúng tính chất, mà thay vào đó là những ngôn ngữ khiến người khác hình dung như hai nước đang có tranh chấp về vùng biển đảo đó, giờ tạm thời giữ nguyên hiện trạng, không chiếm, không la lối, không phân bua gì về những thứ mà bên kia đang chiếm. Còn những phần định chiếm thêm thì hai bên bàn bạc trên tinh thần hữu nghị. Nếu vậy thì cứ mỗi đời Tổng bí thư đảng CS Việt Nam, Trung Quốc cứ chiếm thực tế 7 phần, khẳng định 10 phần. Để lại 3 làm mồi tranh cãi. Chả mấy chốc Việt Nam không còn gì để đời sau tranh luận, mở hội thảo, chứng minh khẳng định chủ quyền gì nữa.

Qua bài “Tuyên bố chung mang tên nô lệ”, blog Dân Làm Báo mở đầu rằng “Một tuyên bố chung dài 3208 chữ có thể được tóm lại bằng một câu 41 chữ: ‘Khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt - Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau’. Ngắn gọn hơn chỉ cần: Nô lệ”. Blog Dân Làm Báo lưu ý về “cách vưà ăn ké vưà ăn trùm” cuả đảng khi quan hệ 2 nước “là tài sản quý báu cuả 2 đảng, 2 nước và nhân dân” trong đó đảng đứng trước.

Theo blogger này thì thực chất cuả “tài sản chung” ấy là bản ký kết “đời đời thần phục thiên triều cho đến mãi các thế hệ mai sau, và ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là người lãnh đạo 1 đảng nên không có quyền gì để “mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lãnh vực giữa 2 nước”, để cho bản tuyên bố chung này “không bỏ xót một lãnh vực nào”, “không một góc xó nào mà không có sự hiện diện cuả Trung Quốc’ tại quê hương Việt Nam. Blog Dân Làm Báo cảnh báo về 2 hiểm họa ảnh hưởng tức khắc đến chủ quyền đất nước:
Thứ nhất là ông Tổng bí thư đảng CSVN đã đồng ý để quân đội Trung Quốc chính thức có mặt dọc vùng biên giới Việt Nam qua cái gọi là "tuần tra chung biên giới đất liền" mà ông mập mờ gọi thêm là "thí điểm" và "vào thời điểm thích hợp". Thế nào là "biên giới đất liền"? Nếu nó là những vùng dọc biên giới bên phía của Việt Nam thì tại sao lại phải có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong cái gọi là "tuần tra chung"…
Thứ hai, ông Nguyễn Phú Trọng qua tuyên bố chung đã "khéo léo" đồng ý cho sự có mặt của hải quân Trung Quốc trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc qua cái điều "tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ".

Về điểm thứ nhất liên quan việc “tuần tra chung biên giới đất liền”, blog Dân Làm Báo nêu lên câu hỏi rằng tình trạng Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, thiết lập nhiều công trường khai thác với đông đảo “binh lính Trung Quốc đóng vai công nhân, lao động” cộng thêm quân đội Trung Quốc hiện diện dọc theo vùng biên giới Việt-Trung chưa đủ sao mà bây giờ, qua tuyên bố chung này, “ông Trọng đã đóng dấu cho sự có mặt chính thức cuả quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới VN” ?
Về điểm thứ hai “tiếp tục tổ chức tuần tra chung giưã hải quân 2 nước trong vịnh Bắc Bộ”, theo blog Dân Làm Báo, thì chuyện “tuần tra chung” này thực chất là thuộc trong âm mưu cuả Bắc Kinh “ từng bước bình thường hóa sự có mặt của hải quân Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, rồi Trung Quốc phù phép thành vùng đang tranh chấp để sau cùng biến thành vùng thuộc chủ quyền không thể tranh cải của Hoa lục. Blog Dân Làm Báo nhận định:
Tất cả những điều trên không phải ông Nguyễn Phú Trọng và tùy tùng của ông gồm 15 Ủy viên Trung ương Đảng đi cùng ông không biết. Bản tuyên bố chung này đã được soạn thảo và chờ sẵn ông tại Bắc Kinh từ trước khi ông rời Hà Nội. Nó đã được lãnh đạo hai đảng thảo luận và đồng tình như một cuộc buôn bán và đổi chác… Và bản tuyên bố chung là kết quả sau cùng của một cuộc đi buôn mua lấy sự sống còn của đảng CSVN.

Khi phổ biến trên nhiều trang blog về “Một số nhận xét sau bản Tuyên bố chung VN-TQ”, tác giả Nguyễn Nghiã có “thu hoạch tổng quát” rằng “ hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc quyết tâm làm mọi cách để kỷ nguyên Bắc thuộc mới đối với Việt Nam bắt đầu vững chắc và toàn diện”. Sau khi lưu ý rằng “thật khó tìm ra lãnh vực nào mà bản Tuyên bố không đề cập đến. Thật là toàn diện triệt để”, thì tác giả cảm thấy lo sợ khi các tỉnh biên giới Việt-Trung lại được chiếu cố cặn kẽ trong bản Tuyên bố chung, nhất là sau khi các bản Tuyên bố chung trước đó nhắc đến bô-xít Tây Nguyên khiến việc khai thác bô xít Tây Nguyên trở thành “chính sách lớn cuả đảng và nhà nước”, trở thành “quyết tâm sắt đá cuả Bộ Chính trị và chính phủ” và hậu quả ra sao thì, theo tác giả Nguyễn Nghiã, “Mọi người đều rõ”. Tác giả báo động:
Hôm nay Tuyên bố 15/10/2011 lại mang mối lo lắng khôn cùng tới người dân Việt Nam, khi nhắc đến các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu. Các tỉnh biên giới này, nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, tạo thành tường đá, lũy đá tự nhiên bất khả xâm phạm của nhà nước phong kiến Việt Nam. Đường núi gập nghềnh, hiểm hóc, chênh vênh, chật chội... làm cho việc hành quân xuống phía nam trở thành nguy hiểm… Phong kiến TQ đã 8 lần xâm lược VN, và 8 lần thảm bại cũng do đóng góp của địa hiểm này.
Hôm nay Thông báo chung Việt Nam-Trung Quốc đã để ý tới các tỉnh này.

Như vậy, câu hỏi được nêu lên là liệu các tỉnh biên giới ấy có thoát khỏi số phận như Tây Nguyên không ?
Vẫn theo tác giả Nguyễn Nghiã, bản Tuyên bố chung Việt-Trung không thấy nói gì tới “đường lưỡi bò”, “Hoàng Sa, Trường Sa”, không nhắc tới Hội nghị San Francisco 1951 khi tuyệt đại đa số quốc gia tham dự bác bỏ yêu cầu cuả TQ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là cuả Bắc Kinh, giưã lúc thoả thuận Việt-Trung trong chuyến Hoa du này cuả ông Nguyễn Phú Trọng bị Philippines than phiền rằng “VN đang trở thành 1 thành viên ASEAN không tốt, không chung thủy, 1 thành viên đầu hàng TQ”. Và tác giả kết luận rằng “ Ký Tuyên bố này, ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn đã quên đi lời dạy của vua Trần Nhân Tông dặn dò di chúc: Cái họa lâu đời của ta là họa Trung hoa. Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không để lọt vào tay kẻ khác. Ta để lời nhắn nhủ này như là một lời di chúc cho muôn đời con cháu về sau”.

Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang kính chúc quý thính giả một ngày mới thật nhiều ý nghĩa.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

---------------------------

VIỆT - TRUNG KÝ THỎA THUẬN VỀ BIỂN ĐẢO


.
.
.

No comments: