Thursday, October 13, 2011

NHỮNG HIỂM HỌA CHE GIẤU TỪ "NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN VIỆT-TRUNG" (Vũ Đông Hà, danlambao)




Posted on

Những văn bản chính trị được phổ biến đến quần chúng đòi hỏi có sự cân nhắc, tính toán với nhiều... nghệ thuật. Nghệ thuật che giấu những gì cần phải che giấu, hoặc nghệ thuật phơi bày những gì cần phơi bày, hay nghệ thuật mơ mơ màng màng tạo ấn tượng. Bài viết của TTXVN - Những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc sử dụng cùng lúc cả 3 nghệ thuật này.

Mở đầu bài viết mà nhiều tờ báo của đảng và nhà nước đồng loạt đăng giống nhau chúng ta sẽ thấy có một điểm đáng lưu tâm. Đoạn giới thiệu viết:

"Ngày 11/10, ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Trong các văn kiện trên, có văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Gom lại những hàng chữ in đậm của phần giới thiệu này lại sẽ là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã CHỨNG KIẾN Lễ ký Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

Điều này có nghĩa là: Bản văn không xác nhận hai ông Tổng Bí thư của hai đảng cộng sản đặt bút ký kết vấn đề lớn của hai dân tộc mà chỉ "chứng kiến".

Vậy ai là người ký? Tại sao không dám chính thức nhận trách nhiệm? Vì là bài báo được đăng từ truyền thông Việt Nam, câu hỏi chính xác hơn là tại sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không dám nhận trách nhiệm một cách chính thức bằng câu viết như: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã ký vào bản Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển"?

2 từ "CHỨNG KIẾN" trong đoạn văn giới thiệu này là món bài chính của nghệ thuật mờ mờ ảo ảo, thật giả lẫn lộn được đem ra sử dụng.

Muốn hiểu rõ hơn tại sao có chuyện mờ ảo như là không dám nhận trách nhiệm, chúng ta cần phân tích tiếp phần nội dung của bài báo về các "Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển".

*

Trước khi đi vào phần phân tích nội dung, có một điều cần được nêu ra:

Chắc hẳn BÀI BÁO về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển không phải là VĂN KIỆN chính thức của Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Nó chỉ là bản tóm tắt, có thể được gạn lọc và lại càng có thể là đã được sử dụng nghệ thuật xào nấu của ngôn ngữ ngoại giao nhằm tạo ấn tượng từ người đọc theo mục tiêu muốn có của người viết.

Câu hỏi được đặt ra: Văn kiện chính thức, nguyên bản, có chữ ký này có được công bố đến Nhân dân Việt Nam tham khảo và được Quốc Hội phê chuẩn hay không?

(Nếu trong một nước mà khẩu hiệu "nhân dân làm chủ" không phải là một khẩu hiệu tuyên truyền, mị dân thì câu hỏi trên đúng ra là một yêu cầu mà chính phủ phải đáp ứng.)

Trong khi chưa có văn kiện chính thức với chữ ký của "ai đó" trong tay (và xác xuất cao là chẳng bao giờ có) thì chúng ta đành phải dựa vào bài báo đã được đăng tải để tìm ra một chút ánh sáng sau đám mây mù văn chương và ý tứ ngoại giao.

*

Vào nội dung phần "Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển"

Đoạn 1 (mở đầu cho phần nội dung nói về nguyên tắc biển Đông): Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bảnnguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Đoạn này muốn tạo cảm giác "phấn khởi", "tích cực" trong lòng nguời đọc với những cụm từ "thỏa đáng, phù hợp, lợi ích, nguyện vọng, hòa bình, ổn định, phát triển". Tuy nhiên, nó chỉ là đoạn văn sáo rỗng nếu chúng ta đặt câu hỏi:

* Thế nào là thỏa đáng vấn đề trên Biển Đông đối với quyền lợi của dân tộc Việt Nam?

* Lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam là gì? nó có giống lợi ích và nguyện vọng của người cầm bút ký và tổ chức mà ông ta đại diện không?

Với 2 câu hỏi này thì rõ ràng đoạn văn trên là một màn "đánh lừa" và "nhập nhằng" mục tiêu lẫn đối tượng.

Xin lưu ý trong đoạn này cụm từ "biển Việt Nam-Trung Quốc" xuất hiện.


Đoạn 2: Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây...

Đoạn này dùng cái gọi là "trên cơ sở thỏa thuận... năm 1993". Dân chúng ít ai chịu khó tìm xem có văn bản chính thức đóđâu không, có được công bố chưa và dễ có ấn tượng chắc đây phải là một thỏa thuận tốt lắm mới được đưa ra làm cơ sở. Đây là một cách lèo lái ấn tượng. Nếu cái gọi là cơ sở "thỏa thuận nguyên tắc cơ bản" nó đã tốt thì cần gì phải lập ra thêm 6 nguyên tắc để "TUÂN THEO"?

Sau đây là những nguyên tắc - là phần cốt lõi của văn bản - sau khi được dọn bãi bởi 2 đoạn mở đầu mang tính "đánh lừa", "nhập nhằng" "tạo ấn tượng".

Nguyên tắc 1: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nguyên tắc đầu tiên này vô hình chung đã giải thích hết những gì đã xảy ra trong quá khứ, hiện tại, lý do ông Nguyễn Phú Trọng không dám xác nhận là người ký kết, và cho thấy viễn ảnh đen tối hơn cho Việt Nam trong tương lai.

Tất cả gói gọn trong nguyên tắc chỉ đạo 9 chữ: "Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng".

Trước hết, trở lại với câu giáo đầu từ phần nhập đề của ban tuyên giáo: "...phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân" để từ đó chúng ta đặt lại câu hỏi: Lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam là gì?

Nhân dân Việt Nam lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng hay lấy việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và quyền lợi dân tộc làm trọng?

Lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam là lấy quan hệ Việt Trung làm trọng hay được nhìn thấy một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tự cường là ưu tiên và nghĩa vụ hàng đầu?

Nguyên tắc "Lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng" xem như chính thức công nhận chính sách và giải thích rõ ràng những hành động của đảng và nhà nước Việt Nam trong thời gian qua đối với những hành động tàu TQ cướp bắt ngư dân, cắt tàu cáp, xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa, biến vùng chủ quyền của Việt Nam thành vùng "đang tranh chấp" và chính sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Nó đã xác định quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam: quan hệ của hai nước (hay hai đảng) là trên hết.

Bổ xung cho nguyên tắc "Lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng" là những phương châm, khẩu hiệu quen thuộc được nối tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nữa ý đồ chính trị và âm mưu đen tối của tập đoàn đẻ ra nguyên tắc cam kết này, hãy dùng một tình huống thực tế đđối chiếu thành một đoạn văn "minh họa" như sau:

Ngày xx.xx.xxxx tàu đánh cá và 2 tuần ngư của Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam tại lô xyz thuộc chủ quyền Việt Nam. Để giải quyết việc này, chính phủ Việt Nam nhất trí lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng, lấy phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai / láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt làm kim chỉ nam, lấy thái độ kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị để xử lý và giải quyết thỏa đáng sự cố này để làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Xin lưu ý, kim chỉ nam cho hành động duy nhất trong nguyên tắc này là thông qua hiệp thương hữu nghị.

Nguyên tắc 2: Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

Đây là tinh thần, thái độ hơn là nguyên tắc. Chúng mang tính phổ quát, đương nhiên - không thể nói khác trong một văn bản ngoại giao như chứng cứ pháp lý, yếu tố lịch sử, thái độ xây dựng, thu hẹp bất đồng hay dựa vào công ước LHQ... Đúng ra đây là những ứng xử tối thiểu phải có trong quan hệ ngoại giao mà không cần phải nói ra. Sự có mặt của "nguyên tắc số 2" này chỉ tạo thêm vẻ "văn minh" cho bài viết và tạo ấn tượng cho người đọc.


Nguyên tắc 3: Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

Đây là giao kèo giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào. Vậy thì hai bên là ai? là ông Trọng với ông Đào hay Việt Nam với Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao là ai? ông Tổng Bí thư của một đảng do các đảng viên của ông bầu hay Quốc Hội Việt Nam do nhân dân cả nước bầu? Thế thì ai phải nghiêm chỉnh tuân thủ cái nguyên tắc số 1 - "Lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng" xuất phát từ nhận thức chung của một thiểu số người không do dân bầu ra?

Phải chăng lại một lần nữa Tổng Bí thư "ký đại và ký ẩu" để cả nước "lãnh đủ", phải thi hành và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần mà ông đã bút sa gà chết!?

Đoạn 2 của nguyên tắc 3 trói tay Việt Nam trong việc thực hiện đàm phán đa phương. Qua đó, ông Nguyễn Phú Trọng coi như đã cam kết với Bắc Kinh rằng "chỉ khi nào có liên hệ đến nước khác thì mới kéo nước đó vào thương thảo". Hay nói ngược lại: "Khi Trung Quốc xâm chiếm những gì thuộc chủ quyền của Việt Nam, không của nước nào khác, thì Việt Nam phải giải quyết tranh chấp song phương với Trung Quốc".


Nguyên tắc 4: Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

Nguyên tắc này đưa ra để bao biện cho những tình huống đã và sẽ xảy ra trong tương lai mà thủ phạm là Trung Quốc. Nó được gói gọn trong cụm từ "những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời". Cụm từ này vốn tối nghĩa, không thể tự dưng "rớt" vào bản văn một cách vô tội vạ. Ngược lại nó có mục đích "chiến lược".

Thế nào là quá độ?. Những hành vi của TQ trong thời gian qua ở Biển Đông như đuổi bắt ngư dân, cắt cáp tàu dầu trên vùng biển của Việt Nam phải chăng là quá độ? Và rồi, nếu chúng có quá độ thì cũng chỉ là tạm thời và nguyên tắc định ra là: dù vậy vẫn phải tìm kiếm những "giải pháp cơ bản" không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên. Đây là âm mưu từng bước thống trị, mỗi hành động quá độ, tạm thời có ra sao đi nữa cũng không nên ảnh hưởng đến "lợi ích lâu dài" hoặc đi ngược với nguyên tắc chỉ đạo "Lấy đại cục QUAN HỆ hai nước làm trọng". Âm mưu này lộ rõ hơn với nguyên tắc 5.


Nguyên tắc 5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

Thứ nhất, khi nói về "các vấn đề", nguyên tắc này không xác định vấn đ"cũ, đang tồn đọng" hay vấn đ"mới". Vì thế nó giúp mở đường cho chính sách từng bước xâm lược của Trung Quốc bằng những vấn đ"mới" do Trung Quốc tự tạo ra tương tự như sự cố Bình Minh 2 và Viking II.

Nếu nguyên tắc 4 được đưa ra để "bảo vệ" cho những hành động "quá độ" thì nguyên tắc số 5 này tiếp nối bằng một ràng buộc nguy hiểm qua cái gọi là tinh thần "tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau".

Một lần nữa, cụm từ có vẻ tối nghĩa "tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau" rớt vào đây thực sự mang một hàm ý chiến lược đầy tính toán.

Nguyên tắc 4 kèm với 5 ép Việt Nam phải giải quyết những vấn đề "nhỏ" và "dễ" do Trung Quốc tạo ra trước khi "được" giải quyết những vấn đề lớn hơn như Trường Sa, Hoàng Sa hay Đường Lưỡi Bò. Tinh thần "tuần tự tiệm tiến" này, cộng thêm nguyên tắc "đại cục quan hệ là trọng" sẽ làm cho Việt Nam bị trói tay hoặc phải loay hoay giải quyết những chuyện "nhỏ" trước mắt. Mọi chuyện lớn sẽ bị đình hoãn theo tinh thần tuần tự tiệm tiến dễ trước khó sau đã được ký kết.

Trong khi đó với sách lược tầm ăn dâu, Trung Quốc mua thời gian để từng bước xâm lược âm thầm, có tính toán và biến biển Đông thành tình trạng "ván đã đóng thuyền", "mọi sự đã xong", mọi thứ đã thuộc về chủ quyền "không thể chối cãi được" của Trung Quốc.

Để gia tăng việc đánh lạc hướng, đâu là vấn đề nghiêm trọng lâu dài, nguyên tắc số 5 đã kéo theo những "củ cà rốt" tô vẽ và làm hồng bằng những điều "Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai... Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn". Tất cả chỉ mang một hàm ý là hãy "tin" nhau và cùng nhau hợp tác những chuyện nhỏ trước đã, chuyện lớn tính sau.


Nguyên tắc 6: Hai bên tiến hành cuộc gặp định k Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.

Đây không phải là một nguyên tắc. Nó chỉ là sự đồng ý về phương thức thông tin, trao đổi, và làm việc giữa hai chính phủ.


Kết Luận

Bài viết cho đến giờ đã gần 5 trang giấy chỉ để làm một việc có thể nói là thừa: chứng minh một số điều mà thực tế hầu như ai cũng rõ. Từ cái ngày ông Tổng bí thư đảng CSVN- Nguyễn Văn Linh lén lút nhân dân đi gặp Đặng Tiểu Bình tại Thành Đô để mua lấy sự sống còn cho đảng cho đến bây giờ đã hơn 20 năm. Những gì xảy ra cho đất nước Việt Nam và bàn tay khuynh loát, thống trị của Trung Quốc ra sao trong suốt thời gian đó nhiều người đã quá rõ.

Văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ là thêm một bằng chứng có chữ ký cho những ai còn tin vào những lời yêu nước, thương nòi mà ai đó viết dùm cho ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng mỗi khi hai ông đăng đàn đọc diễn văn.


----------------------------

Nguyên văn bài viết của TTXVN

Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung

Ngày 11/10, ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Trong các văn kiện trên, có văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo đó, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:

1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định k Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)


.
.
.

No comments: