Sunday, March 27, 2011

"LỖ HUYỆT TO DƯỜNG ẤY" : "ĐƯỜNG KIẾN" và CHÍNH TRỊ CỦA NGHỆ THUẬT (Nguyễn Hương)


27.03.20

Truyện ngắn Đường Kiến của nhà văn Kinh Dương Vương đăng lần đầu tại Sài Gòn năm 1969.[1] Truyện mở đầu bằng một cái chết của người lính Việt Nam Cộng Hoà, dẫn dắt người đọc theo đường kiến bò đến với một cái chết du kích quân, và kết thúc bằng một cái chết của nhân vật chính tan xác vì cố chôn xác anh lính du kích quân. Cuối cùng, tất cả những người chết đều im lặng, và người đọc biết đến cái chết của nhân vật chính qua một mẩu tin ngắn trên báo Sài Gòn tường thuật lầm đây là xác ‘hai Cộng quân.’ Nhưng người kể truyện thì biết rất rõ căn cước của nhân vật chính:

Nhưng có điều người viết tin vô tâm nào đó đã không ghi nhận một chi tiết đáng chú ý, đó là cái lỗ huyệt đất còn mới nguyên chưa lấp. Lỗ huyệt to dường ấy mà không gợi được sự chú ý của anh thì trách sao anh không thấy trên một cành cây gần đó có mắc một bàn tay đeo tấm lắc bạc. Trên đó ghi: Lê Văn Lâm - Số quân... Loại máu... Đó là bàn tay và tấm lắc của chàng, sau vụ nổ đã văng lên mắc lại.

Tác giả Kinh Dương Vương ở năm 1969 đã thấy nhu cầu cho người đọc biết tên họ nhân vật đã tắt giọng, sau cái chết. Nhưng hơn bốn mươi năm sau, hình như tác giả truyện không chấp nhất đạo diễn phim Đường Kiến Thiều Hà Quang Nghĩa là ‘vô tâm’ khi thay thế nhân vật lính Cộng Hoà bằng lính đế quốc Mỹ mang phù hiệu US Army trên áo trận trong phim Đường Kiến vừa đoạt giải Cánh Diều Bạc của Việt Nam năm nay mặc dù đã không xin phép tác giả khi chuyển thể thành phim.

Tôi không muốn nói đến chuyện tác quyền, vì đạo diễn đã viết thư cho tác giả xưng bác cháu xin bỏ qua, và nhà văn Kinh Dương Vương đã giải quyết điều đó trong cách cư xử mà báo chí trong nước gọi là ‘bao dung’ bằng ‘ly bia nóng.’[2] Tôi không hiểu và cũng sẽ không nói đến thái độ chú bác con cháu một nhà giữa tương quan bình đẳng trong không gian công cộng. Tôi cũng không hiểu sao đạo diễn phim lại tự cho mình “còn rất trẻ”[3] khi đã là một nghệ sĩ mà bài tập đầu đã phải là bài tập chịu trách nhiệm cho tác phẩm của mình—chịu trách nhiệm từ chuyện tác quyền cho đến nội dung văn hoá chính trị xã hội. Một độc giả phản hồi còn khuyên giải: “Tác giả là người xa quê lâu năm nhưng vẫn thể hiện là người nhân hậu vui vẻ vậy tại sao chúng ta cũng là người VN lại không nhân hậu trong việc này??!”[4]

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh chính trị của tác phẩm nghệ thuật khi nó sử dụng một tác phẩm nghệ thuật khác viết bởi một người khác (kẻ thù thất trận), trong bối cảnh chung là cuộc chiến. Thứ nhất, lòng nhân hậu của tác giả, tính cách nhân văn của tác phẩm, lý tưởng nhân bản của đạo diễn, liệu có giá trị gì không và cho ai nếu không được đặt vào bối cảnh cụ thể, của xã hội Việt Nam Cộng Hoà ở năm 1969, hay Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở năm 2011? Thứ hai, hành vi đánh tráo nhân vật trong một câu chuyện có vẻ nhân văn phổ quát có tác động chính trị gì?

Giá Trị Nhân Văn Phổ Quát và Chính Trị Đặc Thù

Trong bài báo VNExpress giới thiệu phim Đường Kiến đoạt giải Cánh Diều Bạc, khía cạnh ‘phản chiến’ được ghi nhận và được đề cao như một loại giá trị phổ quát.[5] Cũng trong bài báo này, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa cho biết: “Khi làm bộ phim tôi không định kể câu chuyện về ‘ta’ hay ‘địch’, tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh. Bộ phim có ý nghĩa phản chiến, nói lên tội ác của chiến tranh. . . . Bố tôi cũng là một người lính trong chiến tranh, bản thân tôi hiểu sự mất mát đó. Chiến tranh đã qua đi rất lâu rồi, nhờ có một độ lùi về thời gian, những người trẻ thời hiện đại sẽ nhìn cuộc chiến từ những góc độ mới. Họ sẽ thấy chiến tranh gây nên mất mát cho cả hai phía.”
Bài báo này bình luận: “Đó là lý do đạo diễn đưa vào phim hình ảnh người lính Mỹ nhớ về gia đình ở bên kia bờ đại dương qua những bức ảnh anh mang theo, tạo nên một trường đoạn xúc động. Hình ảnh cuối cùng của phim là anh lính này nằm theo hình dấu chấm hỏi, như đặt câu hỏi “Tại sao cuộc chiến phi nghĩa này lại xảy ra?”

Thật ra thì thái độ phản chiến có thật sự mang giá trị nhân văn phổ quát như nhau ở mọi thời điểm, trong mọi bối cảnh, không phân biệt ‘ta hay địch’ hay không?

Ở năm 1969, trong lúc chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đang vận động toàn xã hội trong cuộc chiến đánh lại chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thì thái độ phản chiến của Kinh Dương Vương trong truyện “Đường Kiến” mang tính phê phán nhà nước của ông, thực hiện đúng chức năng của một trí thức, của một nhà văn trong tương quan cảnh giác đối với quyền lực. Chắc chắn ai cũng biết, phê phán nhà nước nào cũng là một hành vi có thể mang đến nguy hiểm cho bản thân người phê phán. Phê phán nhà nước Mỹ về cuộc chiến Iraq cũng mang đến nguy hiểm cho người nói. Kinh Dương Vương đã chấp nhận một cái giá nào đó, nhỏ hay lớn, cho thái độ của ông trong tác phẩm của mình.

Còn thái độ phản chiến của Thiều Hà Quang Nghĩa trong tác phẩm “mượn” cốt truyện của Kinh Dương Vương ở năm 2011 thì sao? Phản chiến sau khi nhà nước mình đã tuyên chiến, đã đánh một trận chiến khốc liệt, đã “toàn thắng” cuộc chiến đó, thì cái giá phải trả cho lương tâm nhân bản là gì? Có phải chăng chẳng những không có cái giá nào Thiều Hà Quang Nghĩa phải trả cho giá trị nhân bản phản chiến, mà ông còn nhận được sự khen thưởng từ những thế lực xã hội theo sát chính sách của nhà nước? Mà ai là nhân vật phải nhìn ra sự ‘phi nghĩa’ của cuộc chiến? Trong phim, nhân vật này không phải là một người lính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, vì theo lời nhà nước thì anh ta chiến đấu để bảo vệ quê hương trước chiến tranh xâm lược của đế quốc trong chủ nghĩa thực dân mới. Và chắc chắn, nhân vật này cũng không thể là người lính Việt Nam Cộng Hoà vì họ là Ngụy trong cái nhìn của nhà nước đương thời. Vậy phim của Thiều Hà Quang Nghĩa can đảm nói lên điều phổ quát gì, trước chính trị đặc thù của nhà nước ông?

Cuộc Đánh Tráo Nhân Vật và Chính Trị Hoà Giải

Tôi không cáo buộc Thiều Hà Quang Nghĩa đã nhận chỉ thị để thi hành nghệ thuật minh hoạ cho chính trị của nhà nước. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Viễn Đông,[6] nhà văn Kinh Dương Vương có nhắc đến đạo diễn là “thằng con nít,” chắc không có ý đồ chính trị gì. Ông Thiều Hà Quang Nghĩa là một người đã trưởng thành và hoàn toàn có thể rất thành tâm nghĩ mình đang nói lên lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa nhân văn. Vấn đề ở đây là tác phẩm của Thiều Hà Quang Nghĩa đã theo sát chính trị của nhà nước, và đã được tưởng thưởng. Tác phẩm của ông Nghĩa đã phải qua hệ thống kiểm duyệt của trường thầy, sự lựa chọn của ban giám khảo khi chọn tặng giải thưởng quốc gia Cánh Diều Bạc, và sự ngợi khen của báo chí nhà nuớc.

Nếu chúng ta đồng ý với ông Nghĩa và báo VNExpress rằng ý nghĩa của phim nằm ở giá trị phản chiến mang tính nhân văn phổ quát, thì tại sao tính phổ quát này không thể chấp nhận cho nằm ở nhân vật chủ thể người trong nguyên tác là một người lính Cộng Hoà? Mà cũng không phải là người lính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà co mình thành ‘dấu hỏi’ về ‘cuộc chiến phi nghĩa’ đó? Tại sao cái con người phải phục hồi nhân tính của mình trong chiến tranh phi nhân lại phải biến thành một anh lính Mỹ?
Ông Kinh Dương Vương, cũng trong cuộc phỏng vấn của Viễn Đông, đã đoán rằng ông Thiều Hà Quang Nghĩa bắt buộc phải hoán chuyển nhân vật vì nếu không phim sẽ không được duyệt. Tôi chẳng quan tâm lắm có phải vì thế mà ông Nghĩa không tìm được cách gì liên lạc với Kinh Dương Vương để xin phép “mượn” cốt truyện khi mà Kinh Dương Vương đăng tải rất nhiều truyện ngắn kể cả truyện Đường Kiến vào tháng 10 năm 2010 trên trang mạng Văn Chương Việt thực hiện tại Việt Nam. Điều tôi quan tâm là tại sao ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay, chủ thể người mang tính nhân văn phổ quát lại không thể là một người lính Việt Nam Cộng Hoà như trong nguyên tác, mà trong trường hợp này lại phải biến thành người Mỹ.

Nếu trước đó luận điệu chính thức của Hà Nội chỉ cho rằng đây là một cuộc chiến xâm lược từ phía Mỹ, thì từ ngày Đổi Mới đến nay giọng điệu đó tuy không thay đổi nhưng được phủ lên bởi chính sách cải thiện bang giao với cựu thù đế quốc Mỹ. Dĩ nhiên quyền lợi kinh tế là lý do dễ thấy nhất cho cả hai. Từ ngày Việt Nam được Mỹ ủng hộ vào World Trade Organization năm 2006 để bước vào ‘Thời Hội Nhập’ thì điều này càng thấy rõ hơn nữa. Gần đây, áp lực quân sự từ phía Trung Quốc với bản đồ ‘lưỡi bò’ liếm xuống Biển Nam Hải đã dẫn đến các phe phái chính trị ở cả hai nước muốn nâng cấp hợp tác quân sự. Chưa có gì nhiều—Mỹ nới lỏng khả năng bán vũ khí và bật đèn xanh cho một số nước khác bán hay phục trang cho Việt Nam một số chiến đấu cơ, tàu ngầm, tàu tuần tiễu, v.v.[7] Quá khứ thua trận là lực cản không nhỏ về phía Mỹ trong việc đẩy mạnh hợp tác quân sự và buôn bán vũ khí với Việt Nam.

Làm gì để đẩy mạnh tiến trình hoà giải thoát khỏi cái bóng của lịch sử? Nhà nước Việt Nam đã và đang ủng hộ cho các sinh hoạt cũng như tác phẩm nghệ thuật giúp ích cho chánh sách hoà giải với người Mỹ. Trước đó thì chúng ta có phim Tiếng Vĩ Cầm ở Mỹ Lai (đạo diễn Trần Văn Thủy, 1998). Gần đây hơn có Đừng Đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh, ra mắt vào dịp 30-4-2009). Song song với việc xuất bản Nhật Ký Đặng Thùy Trâm (2008) là những cuộc hội ngộ mừng mừng tủi tủi nước mắt chan hoà được truyền hình giữa Fred Whitehurst, người lính Mỹ tại Việt Nam đã giữ nhật ký Đặng Thùy Trâm (vì người lính Cộng Hoà yêu cầu đừng đốt) và gia đình Đặng Thùy Trâm. Không chịu thua quí vị trong thể loại phim và ký, các nhà thơ cựu chiến binh Bruce Weigl và Kevin Bowen (qua trung gian hay thông ngôn của nhà thơ Nguyễn Bá Chung) cũng tham gia vào cuộc hoà giải này giữa hai phe trong số các phe trong cuộc chiến. Không biết các nhà nhân văn cũng có thưởng (Kevin Bowen với giải Phan Chu Trinh của nhà văn Nguyên Ngọc) trong những ngày hội đại đồng này có tự hỏi về sự vắng mặt của những người khác trong cuộc chiến từ các phía Việt Nam Cộng Hoà, Mặt Trận giải Phóng Miền Nam, hay những ai đó không muốn đứng dưới lá cờ Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Miền Bắc?

Thì ra cuộc hoà giải tung hê các giá trị nhân văn không được phổ quát lắm khi nó chỉ áp dụng cho người chiến-thắng-đang-cai-trị và kẻ tuy-thua-trận-nhưng-vẫn-là-đế-quốc-sừng-sỏ hạng nhất đương thời (Trung Quốc còn lâu). Như thế không biết các nhà trí thức, nghệ thuật mang tính nhân văn phổ quát có ngờ ngợ rằng cái điều kiện cho cuộc hoà giải của họ với một loại cựu thù chỉ có thể xảy ra trên điều kiện là sự vắng mặt của các cá nhân và phe phái còn lại trong cuộc chiến đó?

Như thế thì đâu có gì ngạc nhiên khi Thiều Hà Quang Nghĩa mượn câu chuyện nhân văn phản chiến của Kinh Dương Vương để xoá đi nhân vật lính Cộng Hoà thay vào ‘anh lính Mỹ trắng.’[8] Và càng không có gì ngạc nhiên khi một tác phẩm vừa ‘mượn’ vừa tráo lại đoạt giải thưởng quốc gia. Có người gọi đó là hành vi ‘thôn tính’ (Nguyễn Quốc Chánh), thay vì ‘mượn’ (trưởng Ban giám khảo giải thưởng phim ngắn Nguyễn thị Hồng Ngát). Mượn, nhưng người chủ thì lại phải ‘bao dung’ xí xoá cho sự vắng mặt của mình, chỉ đành thốt lên: “Nó làm như vậy là nó trái với tinh thần của câu chuyện của tôi rồi. Vì cái chuyện của tôi viết về chiến tranh Việt Nam, viết về giữa người Việt Nam với nhau, còn đằng này, nó đem nó thay đổi người lính Cộng Hoà bằng người lính Mỹ, thì cái chuyện đó là sai trái rồi. . . . Mình đâu có sẵn sàng để cho nó hoán đổi đâu. Nếu mà nó hỏi tôi trước và nó đưa kịch bản cho tôi coi, thì chắc chắn là tôi phải từ chối rồi, vì không có cái chuyện đó được. Nhưng mà bây giờ nó đã làm càn rồi, thì bây giờ mình biết làm sao bây giờ?”[9]

Đã đành tác giả có thể chết cho tác phẩm sống với những ý nghĩa ngoải kiểm soát của tác giả, nhưng hình như nhân vật của tác giả Kinh Dương Vương lại phải chết lần nữa, trong một văn bản đã bị thôn tính.

Hình như ông Kinh Dương Vương lầm, không còn vấn đề gì “giữa những người Việt Nam với nhau.” Chỉ còn một thứ người Việt Nam. Chỉ còn vấn đề giữa một thứ người Việt Nam này và một thứ người Mỹ. Phải là thứ người Việt Nam nằm trong tập thể chiến thắng, mang tính tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam trong quốc gia Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tự cho mình là đàn ông thì phải bảo vệ hoặc ít ra là hợp tác trong ‘chủ nghĩa thực dụng mới’[10] bằng quân sự, kinh tế, hay văn hoá để được có mặt trong chủ thể dân tộc do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Tự cho mình là đàn bà thì phải đóng vai mẹ hay vợ anh hùng và những vai phụ diễn khác khi giặc cụ thể hay trừu tượng tới nhà. Và Mỹ thì phải là thứ ‘Mỹ trắng’ hoặc cựu tự do (white liberal) hoặc tân tự do trong kinh tế (neo-liberal), không phải thứ Mỹ đen không tiêu biểu cho Mỹ tính, không mang trong người tính phổ quát vì chỗ đứng màu da bị đặc thù hoá của họ. Và càng không phải thứ Mỹ vàng vướng quá khứ lỡ sinh ra hay dính líu đến cái Miền Nam của Cộng Hoà hay cái Miền Nam của Giải Phóng, hay chỉ là cái vùng đất địa lý nằm phía Nam hay vùng núi vùng ‘dân tộc’ trong một quốc gia đã được/bị thống nhất.

Tất cả những người khác mang vết thương lịch sử cuộc chiến đó đều vắng mặt, vì họ bị viết ra khỏi lịch sử. Như anh lính Lê Văn Lâm mang thẻ quân Cộng Hoà bị viết ra khỏi lịch sử, trước bởi các nhà báo vô tâm trong nước Việt Nam Cộng Hoà, sau bởi ông đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa, bởi bà trưởng Ban giám khảo Nguyễn thị Hồng Ngát, bởi báo VNExpress và các báo khác của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Tất cả những người khác đừng mong hai loại người Việt và Mỹ kể trên hoà giải với mình. Chắc chắn không ai hoà giải với kẻ không còn. Không ai hoà giải với người đã bị thay thế, thay mặt (bằng lãnh đạo của phe chiến thắng), thay thân (bằng Mỹ trắng). Những người khác—từ anh du kích quân được dựng dậy sau cái chết trong các diễn văn tuyên dương tử sĩ và bà mẹ anh hùng cho đến anh lính Cộng Hoà bị xoá trắng vĩnh viễn không được đầu thai—đều tan xác, mất thây.

Đường kiến đang dẫn đến “lỗ huyệt to dường ấy.”


Chú thích:
[1]Tạp chí Văn, số 125, ra ngày 1 tháng 3 năm 1969, trang 25-37. Truyện “Đường kiến” đã được đăng lại vào 24 tháng 10, 2010, trên báo Văn chương Việt.
[4]Như trên.
[6]“Nhà làm phim không chỉ lấy nội dung, còn đánh tráo nhân vật ‘Đường Kiến’...”, phỏng vấn nhà văn Kinh Dương Vương, Viễn Đông, số ra ngày 25 tháng 3, 2011. Đăng lại trên mục Đối thoại của Tiền Vệ (27.03.2011).
[7]Chẳng hạn, xin xem Richard Weitz, “Balancing China Through Vietnam” (trên trang Second Line of Defense).
[8]“Anh lính Mỹ trắng” là từ của nhà văn Kinh Dương Vương, trong “Nhà làm phim không chỉ lấy nội dung, còn đánh tráo nhân vật ‘Đường Kiến’...”, phỏng vấn nhà văn Kinh Dương Vương, Viễn Đông, số ra ngày 25 tháng 3, 2011.
[9]Như trên.
[10]“Chủ nghĩa thực dụng mới” là từ của Nguyễn Hữu Liêm. Xin xem “Nguyễn Hữu Liêm trả lời phỏng vấn Talawas: Con Đường Thực Dụng Mới” (Talawas); bản chuyển ngữ sang tiếng Anh: “Interview with Nguyễn Hữu Liêm: The Path of Neopragmatism,” Journal of Vietnamese Studies, volume 5 (2010), issue 3, trang 219-233.

--------------------------







.
.
.

No comments: