Thursday, March 31, 2011

VÌ SAO NGƯỜI HỌC QUAY LƯNG VỚI NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI ?

Như Thuần
Ngày 31.03.2011, 11:35 (GMT+7)

SGTT.VN - Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) đang trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, bị người học quay lưng. Đó là vấn đề chính tại hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội?” diễn ra ngày 31.3 do trường đại học Văn Hiến tổ chức.
Hơn 60 nhà giáo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực thuộc các nhóm ngành KHXH & NV của các trường đại học phía Nam đã ngồi lại với nhau nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo để tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề này.

Trường hạng hai, sinh viên hạng hai
Một sự thực đáng lo ngại là ngày càng ít thí sinh đăng ký vào học các ngành khoa học xã hội. Quy mô đào tạo các ngành văn, sử, địa, triết... ngày càng hẹp dần, ở nhiều trường đại học địa phương, khoa xã hội hầu như không tuyển sinh được. Kể cả trường có uy tín chuyên đào tạo các ngành xã hội là trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cũng giảm dần theo từng năm.
Cụ thể, năm 2008 có tới 17.466 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường này nhưng đến năm 2010 chỉ còn 12.752 hồ sơ. Tỷ lệ chọi giảm từ 6,26 (2008) xuống còn 4,55 (năm 2010). Điểm đầu vào của trường cũng giảm dần tới mức cận với điểm sàn. Năm 2010, trường có tới 16 ngành và chuyên ngành lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 ở mức 14.
Đối với các trường ngoài công lập tình trạng còn bi đát hơn. TS Trần Tuấn Lộ, trưởng khoa tâm lý trường đại học Văn Hiến nêu, trong 12 năm (1999 – 2010), ngành tâm lý của trường chưa bao giờ tuyển đủ sinh viên, mặc dù chỉ tiêu hàng năm chỉ có 70 sinh viên.
Các số liệu thống kê cho thấy số lượng thí sinh thi vào khối C những năm gần đây chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hồ sơ đăng ký. Nhưng trong đó, chỉ có khoảng 30% là thí sinh ở các thành phố, còn lại hầu hết đều từ khu vực nông thôn. Do vậy, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, “đây là khối thi chủ yếu dành cho học sinh khu vực nông thôn với kết quả học tập tương đối thấp, nên kết quả thi của khối C khá thấp”.
TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa văn học và Ngôn ngữ, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cảm thán: “Những trường đào tạo KHXH & NV đang bị coi như đại học hạng hai. Điều ấy dẫn đến hậu quả là rất ít sinh viên giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả những trường lớn. Một khi đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra không thể có chất lượng”.

Do tâm lý thực dụng?
“Để người học đến với các ngành này, cần xác định rõ vai trò của khoa học xã hội đối với đất nước. Cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và phải sử dụng họ hiệu quả nhất”, thạc sĩ Ngô Thị Kim Dung, trường đại học Tôn Đức Thắng phát biểu.
Bên cạnh tâm lý thực dụng của đa số học sinh và gia đình - học ngành nào để ra trường để kiếm được việc làm ngay và có thu nhập cao, thì bản thân chính sách của Nhà nước từ trung ương đến địa phương đều coi nhẹ vai trò của khoa học xã hội. Thạc sĩ Đỗ Văn Bình, khoa Xã hội học, trường đại học Văn Hiến, dẫn chứng: kinh phí cấp cho các đề tài KHXH & NV của Đại học Quốc gia TP.HCM hàng năm chỉ chiếm khoản 1/6 tổng kinh phí nghiên cứu khoa học; đối với những đề tài trọng điểm cấp bộ còn ít hơn, chỉ chiếm 1/7 tổng kinh phí.
Theo TS Trần Chút, phó hiệu trưởng trường đại học Văn Hiến, tính thực dụng còn thể hiện rất đậm nét ở những phát ngôn, thông tin tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh, thậm chí ở “tiêu chí đầu ra” theo hướng dẫn của bộ Giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, những người có trách nhiệm trong lĩnh vực khoa học xã hội chưa đảm đương tốt chức năng tư vấn và phản biện xã hội. Nếu công tác tư vấn và phản biện được thực hiện chủ động và bài bản thì chắc chắn đã không xảy ra sự thiên lệch trong việc hoạch định và điều hành chính sách, hạn chế được tính thực dụng về chọn ngành, chọn nghề.
“Hơn nữa, cũng nghiêm túc thừa nhận rằng, chính việc coi khoa học xã hội là một lĩnh vực thuộc công tác tuyên huấn làm biến dạng giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn của nhóm ngành này”, ông Trần Chút nhận xét.

Tinh thần khoa học xã hội
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, trường đại học Cửu Long đặt vấn đề, nhóm ngành xã hội vắng thí sinh chưa hẳn do nhu cầu xã hội. Theo ông, việc đào tạo ồ ạt của nhóm ngành kinh tế đã báo trước tình trạng cử nhân kinh tế ra trường thất nghiệp là hiển nhiên. Những người theo học ngành KHXH & NV không hẳn chỉ cần một tấm bằng để kiếm việc làm. Nhiều người có nhu cầu học để biết, để trang bị kiến thức, đôi khi chỉ cần vài học phần hay một tín chỉ; một số có nhu cầu được đào tạo lại, số khác trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng có nhu cầu học các ngành xã hội và nhân văn… đáp ứng ra sao?
“Đã đến lúc cần xem lại cách thức đào tạo và tính liên thông giữa các ngành học, giữa các nhà trường”, TS Tống đề nghị.
Theo TS Lê Hữu Phước, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, để thu hút người học đối với nhóm ngành này, chương trình đào tạo phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng; phải thường xuyên cập nhật và làm mới, sát yêu cầu xã hội thì mới giải quyết được đầu ra. Ông nêu giải pháp: “Trải lòng ra với người học bằng phương án tuyển sinh linh động: ngành nào cần thi tuyển thì tổ chức thi tuyển, ngành nào hiếm người học (như triết, khảo cổ…) chỉ ghi danh vì người học có khi phải học suốt đời, đồng thời phải tích hợp nhiều khối ngành lại vì khoa học hiện đại không có ngành nào tách rời”.
Th.s Đỗ Văn Bình đề xuất: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã hội trong 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành”.
Đa số đại biểu dự hội thảo đều thống nhất với ý kiến rằng việc đào tạo kiến thức về khoa học xã hội phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành. Do đó, điều quan trọng cần làm là minh định lại tinh thần của KHXH & NV bao gồm tinh thần khoa học, tinh thần phản biện và tinh thần tự do trong nghiên cứu khoa học, bên cạnh tinh thần hàn lâm và tinh thần thực tiễn, phục vụ cộng đồng.
Như Thuần
.

.
.
31/03/2011 - 12:30 AM

Nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn đang bế tắc trước thực trạng người học quay lưng.

Hội thảo khoa học Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn tổ chức ngày 30-3 tại TP.HCM nhằm tìm giải pháp cho vấn nạn này.
Ông Trần Chút, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Ngành đào tạo về khoa học xã hội ở các trường ĐH công lẫn tư đang đối diện với một thực trạng đáng quan tâm, đó là số thí sinh dự thi, đăng ký xét tuyển vào những ngành này mỗi năm một giảm, một số ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, có ngành không tuyển sinh được buộc phải ngừng đào tạo”.

Nhóm ngành “hạng hai”
Ông Chút cho hay trở ngại lớn nhất hiện nay là xu hướng thực dụng trong việc chọn ngành, chọn nghề. Thí sinh khi chọn ngành thường bị sức ép đầy tính thực dụng của cha mẹ… nên không chọn nhóm ngành khoa học xã hội. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cũng đồng tình: “Tâm lý thực dụng đã khiến thí sinh chê ngành khoa học xã hội và nhân văn mà chỉ tìm đến các ngành kinh tế, kỹ thuật”.
Ông Trần Chút cho rằng hoạch định chính sách và cách điều hành chính sách khoa học vô tình đã làm nhóm ngành này chịu nhiều thiệt thòi. Đơn cử là Chính phủ có hẳn cơ quan quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ mà hầu như bỏ rơi khoa học xã hội và nhân văn. ThS Đỗ Văn Bình, khoa Xã hội học Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Hằng năm, khoa đều tổ chức hướng nghiệp nhằm kêu gọi, thu hút thí sinh vào học ngành xã hội học nhưng thất bại. Trường ĐH đào tạo nhóm ngành này như trường ĐH hạng hai, rất ít thí sinh giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả những trường lớn”.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”
Ở góc nhìn khác, TS Hồ Quốc Hùng - Trưởng ngành Việt Nam học, khoa Ngữ văn Trường ĐH Văn Hiến chia sẻ: “Người học quay lưng, nhiều ngành khoa học xã hội đang dần chết, tất cả tội lỗi là do người thầy mà ra. Chính cách dạy một cách hàn lâm vớ vẩn và cực kỳ ngớ ngẩn đã triệt tiêu tình yêu của các em đối ngành khoa học xã hội. Cách dạy ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay toàn truy bài, ép buộc khiến các em có ác cảm với nhóm ngành này. Theo tôi, dạy khoa học xã hội phải liên ngành, liên thông, từ những kiến thức đó chỉ cho người học cách ứng dụng làm gì, vào việc gì”.

PGS-TS Đoàn Lê Giang, chia sẻ: “Các trường ĐH và địa phương chưa đánh giá đúng mức vị trí và khả năng phát triển của các nhóm ngành này cũng là nguyên nhân khiến người học không mặn mà đeo đuổi”.

Phải tự cứu lấy mình
TS Lê Hữu Phước Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chương trình đào tạo ngành khoa học xã hội phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng, sát yêu cầu xã hội. Phải trang bị cho sinh viên kiến thức hiện đại, phải có những chuyên ngành đào tạo theo sát cung cầu xã hội, có như thế mới giải quyết được bài toán đầu ra cho nhóm ngành này.
Để cứu nhóm ngành này, cần phải cải tổ lại chương trình đào tạo, tạo cơ hội nghề nghiệp rộng rãi hơn cho sinh viên và cuối cùng là các trường ĐH phải “trải lòng” hơn với người học, cụ thể là năng động hơn nữa trong tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển, kể cả hình thức ghi danh học.
ThS Đỗ Văn Bình kiến nghị: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã hội trong 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành. Đặc biệt đề xuất nhiều hình thức truyền thông giáo dục rộng rãi toàn dân về vai trò, vị trí, sự cần thiết và những đóng góp quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong sự phát triển của xã hội”.

------------------
Phải tăng cường tư vấn, phản biện
Những người có trách nhiệm trong lĩnh vực khoa học xã hội cần nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng chúng ta chưa đảm đương chức năng tư vấn và phản biện xã hội về nhóm ngành này. Nếu công tác tư vấn và phản biện được thực hiện chủ động và bài bản thì chắc chắn đã không xảy ra sự thiên lệch trong việc hoạch định và điều hành chính sách, hạn chế được tính thực dụng về chọn ngành, chọn nghề. Hơn nữa, cũng nghiêm túc thừa nhận rằng chính việc coi khoa học xã hội là một lĩnh vực thuộc công tác tuyên huấn làm biến dạng giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn của nhóm ngành này.
Ông TRẦN CHÚT, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

*
Cần xác định rõ vai trò khoa học xã hội
Vẫn còn quan niệm cho rằng chỉ khi không có năng lực học tập thì thí sinh mới thi vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Chính vì vậy, ngành này có vị trí rất thấp trong sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp của thí sinh và phụ huynh, trong đó có cả các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục. Để người học đến với các ngành này, cần xác định rõ vai trò của khoa học xã hội đối với đất nước. Cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và phải sử dụng họ hiệu quả nhất.
Thạc sĩ NGÔ THỊ KIM DUNG, Trường ĐH Tôn Đức Thắng
*
QUỐC DŨNG
.
.
.

No comments: