[VĂN HOÁ & ĐẠO TẶC]
Phim “Đường kiến” đoạt giải Cánh Diều Bạc là một món hàng ăn cắp
Nguyễn Tôn Hiệt
Phim “Đường kiến” đoạt giải Cánh Diều Bạc là một món hàng ăn cắp
Nguyễn Tôn Hiệt
22.03.2011
Mấy hôm nay, hàng loạt báo chí Việt Nam ầm ĩ loan tin cuốn phim “Đường kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đoạt giải Cánh Diều Bạc năm 2011.
Trong bài “‘Đường kiến’ - phim ngắn phản chiến đoạt Cánh Diều Bạc” báo VnExpress đã mô tả nội dung cuốn phim như sau:
Đường kiến lấy bối cảnh chiến trường miền Nam Việt Nam mùa khô năm 1967. Sau một trận đánh ác liệt, chỉ còn một lính Mỹ sống sót. Bị thương và đói, anh bò đi xa dần khỏi bãi chiến trường. Trên đường, người lính Mỹ nhìn thấy một đàn kiến bò thành hàng và mang trên lưng chúng những mẩu cơm. Anh nhặt những mẩu cơm đó và lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh, bên cạnh là một nắm cơm...
Tên phim Đường kiến được đặt theo ý tưởng then chốt trong câu chuyện: đường đi của đàn kiến mang theo thức ăn và hy vọng sống của người lính Mỹ đang cận kề cái chết. Việc dõi theo đường đi của đàn kiến là một hành động rất trẻ thơ, được lồng vào bối cảnh chiến tranh và câu chuyện đi tìm sự sống của người lớn, tạo nên sức gợi mới....
Thế nhưng, những ai sống tại Miền Nam Việt Nam trước 1975 và thường xuyên đọc tạp chí VĂN đều có thể phác giác ra rằng, với nội dung như thế, phim “Đường kiến” đã ăn cắp ý tưởng và, trắng trợn hơn nữa, ăn cắp ngay cả nhan đề của truyện ngắn “Đường kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của hoạ sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh). Từ truyện đến phim, chỉ có một chi tiết được thay đổi: nhân vật chính trong truyện “Đường kiến” của Kinh Dương Vương là một người lính Việt Nam Cộng Hoà, khi nhân vật này bị ăn cắp đem vào kịch bản phim thì biến thành một người lính Mỹ. Thật là một trò cải trang quá sức khéo léo!
Trên tất cả báo chí Việt Nam trong những ngày qua, không hề có một thông tin nào ghi nhận rằng cuốn phim "Đường kiến" đã mượn ý tưởng của truyện ngắn "Đường kiến" của nhà văn Kinh Dương Vương. Phát biểu trước báo chí, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa cũng không hề nhắc đến truyện ngắn ấy. Theo VnExpress:
Thiều Hà Quang Nghĩa cho biết: “Khi làm bộ phim tôi không định kể câu chuyện về ‘ta’ hay ‘địch’, tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh. Bộ phim có ý nghĩa phản chiến, nói lên tội ác của chiến tranh”.
“Bố tôi cũng là một người lính trong chiến tranh, bản thân tôi hiểu sự mất mát đó”, Quang Nghĩa nói. “Chiến tranh đã qua đi rất lâu rồi, nhờ có một độ lùi về thời gian, những người trẻ thời hiện đại sẽ nhìn cuộc chiến từ những góc độ mới. Họ sẽ thấy chiến tranh gây nên mất mát cho cả hai phía”. Đó là lý do đạo diễn đưa vào phim hình ảnh người lính Mỹ nhớ về gia đình ở bên kia bờ đại dương qua những bức ảnh anh mang theo, tạo nên một trường đoạn xúc động. Hình ảnh cuối cùng của phim là anh lính này nằm theo hình dấu chấm hỏi, như đặt câu hỏi “Tại sao cuộc chiến phi nghĩa này lại xảy ra?”
Nghe như câu chuyện này đến từ kinh nghiệm cá nhân của Thiều Hà Quang Nghĩa, do chính anh ta hư cấu và kể ra, chứ chẳng hề có liên quan gì đến truyện ngắn "Đường kiến" của nhà văn Kinh Dương Vương. Thú vị thật!
Sự thật là truyện ngắn “Đường kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương đã đăng trên tạp chí VĂN, số 125, ra ngày 1 tháng 3 năm 1969, ở trang 25-37.
Hôm nay chúng tôi có nhận được từ nhà văn Trần Hoài Thư một bản chụp chính xác từng trang tạp chí VĂN số 125. Đây là trang 25 của số báo ấy, tức là trang đầu tiên của truyện “Đường kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương.
Trong truyện ngắn “Đường kiến” dài 12 trang này, những đoạn văn từ cuối trang 32 đến hết trang 34 kể câu chuyện giống hệt như những gì mà báo VnExpress đã thuật lại về nội dung của phim “Đường kiến”.
Dưới đây là bản chụp những đoạn văn bị Thiều Hà Quang Nghĩa ăn cắp để làm ý tưởng chính cho bộ phim “Đường kiến”:
Theo VnExpress, “đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa sinh năm 1984, hiện là sinh viên khoa Đạo diễn Điện ảnh khóa 27 của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.”
Một sinh viên chưa tốt nghiệp mà đã đoạt giải như thế thì hay quá, nhưng đoạt giải bằng một món hàng ăn cắp thì... hết thuốc chữa! Hết thuốc chữa cho bản thân anh ta cũng như cho cả cái gọi là “uy tín” của giải thưởng này.
Sau hàng loạt sản phẩm đạo văn, đạo nhạc bị phát hiện và tố giác liên tục trong suốt cả chục năm qua, tình hình trộm cắp trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam vẫn càng lúc càng tệ hại hơn.
Người ta thường nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Đó là nói đến sự bần cùng về miếng cơm manh áo. Đằng này lại không phải là chuyện đói ăn, thiếu mặc, mà là sự bần cùng về văn hoá. Bần cùng văn hoá thì sinh ra đạo tặc văn hoá.
Cái gì đã làm cho văn hoá Việt Nam trở nên bần cùng đến mức sinh ra đạo tặc triền miên như thế này? Đây là một câu hỏi chung mà mỗi người Việt Nam đều cần phải suy gẫm.
.
.
.
No comments:
Post a Comment