NHÓM PV
31/03/2011 - 12:41 AM
Ngư dân nói: “Không đi biển nữa, ở nhà cho khỏe chứ đi không đủ bù lỗ”; còn nông dân thì nói: “Vụ cà phê này chắc từ hòa đến lỗ”.
Từ 22 giờ ngày 29-3, giá xăng, dầu bán lẻ các loại được điều chỉnh tăng thêm 2.000-2.800 đồng/lít. Chỉ trong hơn một tháng, xăng, dầu đã hai lần tăng giá (lần tăng trước là ngày 24-2). Theo lý giải, đây là biện pháp chẳng đặng đừng của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc tăng giá này thực sự là cú sốc với ngư dân và nông dân trong thời điểm được xem là nhạy cảm với họ: sản lượng đánh bắt hải sản không cao, còn nông dân đang vào cao điểm tưới tiêu, thu hoạch…
“Quá sức chịu đựng”; “giá nông sản, hải sản nếu có tăng cũng không đủ bù đắp cho chi phí giá xăng, dầu đang tăng chóng mặt”; “giá dầu tăng như thế, chúng tôi chắc phải bán tàu”… - các ngư dân, nông dân đều than trước việc xăng, dầu tăng giá.
Cà Mau: “Chúng tôi sẽ lỗ”
Ngày 30-3, làng cá Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), nơi có trên 10.000 tàu cá đang hoạt động, chỗ nào cũng bàn tán xôn xao việc xăng, dầu tăng giá.
Ngư dân Phạm Đăng Giới nhẩm tính: Từ 24-2, ngư dân chi thêm hơn 6.300 đồng/lít dầu. Đoàn ghe ba chiếc của tôi mỗi con nước tiêu tốn hơn 10.000 lít dầu nên chúng tôi phải mất thêm hơn 60 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Trong khi đó, giá cả của hải sản chưa tăng, hiệu quả đánh bắt cũng không cao. Vào các tháng nghịch mùa, chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỗ.
Ngư dân Nguyễn Văn Tý (ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc) cho biết: “Giá cả tăng là quy luật của thị trường nhưng sau những đợt tăng giá xăng, dầu, ngư dân chúng tôi lúc nào cũng chịu thiệt. Giá cá chắc cũng sẽ tăng nhưng phải sau vài tháng nữa và chỉ tăng chừng 500-1.000 đồng/kg cá là cùng”.
Các chủ ghe cào, lưới đèn phải tốn thêm chi phí nhiên liệu trên 30 triệu đồng/chiếc/chuyến biển. Với các loại tàu câu mực phải mất thêm 10-15 triệu đồng/tháng.
Ông Ngô Minh Chiến, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, Cà Mau - địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu tăng vọt trong tháng qua”.
Quảng Ngãi: Sử dụng thúng chèo chờ xăng dầu... hạ nhiệt
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 6.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt khai thác hải sản và các ngư dân cũng đang “chao đảo” với giá xăng, dầu.
Ngư dân Hồ Văn Cảnh, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn nói: “Xăng, dầu tăng quá sức chịu đựng của chúng tôi. Với tàu 45CV đánh bắt gần bờ, mỗi đêm tôi tốn 60 lít dầu cả đi lẫn về. Một tháng nếu đi 10 phiên biển tôi mất hơn 12 triệu đồng nhiên liệu, hết tiền để chia cho anh em bạn biển đi trên tàu. Hải sản thì ngày càng khan hiếm, với giá dầu như hiện nay, có lẽ chúng tôi phải bán tàu để tránh lỗ vốn”.
Ngư dân Nguyễn Văn Quang (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) nhẩm tính: “Tàu tôi đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi chuyến đi, về tốn khoảng 1.500 lít dầu nên chúng tôi phải mất thêm hơn 4 triệu đồng, chi phí cho nhiên liệu trên 25 triệu đồng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của anh em bạn biển.
“Bây giờ mình phải tính toán địa điểm đi biển, thời điểm cẩn thận mới quyết định nhổ neo để tránh chuyện cõng nợ trên lưng. Mà đâu chỉ xăng, dầu tăng, công cụ đánh bắt, thực phẩm mua để đi biển dài ngày cũng tăng chóng mặt” - ngư dân Phạm Văn Đài, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu cho biết.
Nhiều ngư dân từ chỗ thường xuyên dùng tàu công suất lớn ra khơi nay phải quay sang sử dụng thúng chèo tay, thúng máy để đánh bắt ven bờ với hy vọng “chờ” giá xăng, dầu... hạ nhiệt để tiếp tục bám biển.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, xác nhận: Giá xăng, dầu tăng cao đang gây khó khăn cho việc bám ngư trường của ngư dân Quảng Ngãi nhưng tỉnh không có cơ chế nào để hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển trước áp lực xăng, dầu.
Đà Nẵng: Hàng ngàn tàu cá nằm bờ
“Sau lễ cầu ngư hôm 18-2, 44 tàu cá của phường Xuân Hà đồng loạt xuất bến. Sau chuyến đi biển hơn 20 ngày, có 39 tàu trở về thì có hai tàu lỗ trắng 70-80 triệu đồng, số còn lại chỉ hòa vốn. Gặp đợt tăng giá xăng, dầu hôm 24-2 nên 39 tàu đó đã nằm bờ luôn!” - ông Nguyễn Văn Còn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), đồng thời là chủ tàu ĐNa 90039, nói.
Theo ông Còn, hiện thời tiết không thuận lợi, các loại vật tư liên quan đến hoạt động của tàu cá, nhất là nhiên liệu, tăng giá mạnh nên ngư dân hết sức khó khăn. Sau đợt tăng giá xăng, dầu hồi tháng 2, trung bình mỗi chuyến biển ngư dân phải chi phí thêm khoảng 30 triệu đồng. Thêm đợt tăng giá này nữa, nhiều tàu không lo đủ chi phí để ra khơi.
Ông Lê Phương Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng), xác nhận nhiều tàu cá phải nằm bờ do thời tiết xấu và giá nhiên liệu tăng cao. “Một số tàu đã ra khơi thì thường xuyên neo đậu chứ không dám lùng sục tìm nguồn cá như trước nên sản lượng đánh bắt mỗi tàu giảm khoảng 20%. Các quận nghề cá khác như Liên Chiểu, Sơn Trà… cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.
Sản lượng cá giảm, nhiều nhà máy chế biến hải sản trên địa bàn Đà Nẵng cũng không có nguyên liệu để sản xuất. Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty Cổ phần Procimex VN, nói: Từ sau tết Nguyên đán, mỗi ngày đơn vị chỉ thu mua được dưới 10 tấn nguyên liệu, khoảng một tháng gần đây càng giảm mạnh, thậm chí có hôm không mua được ký hải sản nào!
Ông Còn kể: “Vừa rồi giao ban quý I trên quận, tôi đề xuất Nhà nước có biện pháp hỗ trợ ngư dân chứ tình hình hiện nay quá căng thẳng. Họ cũng nhận lời nhưng chưa nghe phản hồi gì!”.
Anh Lê Hùng (ở Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nói: “Sáng ni định đi một mẻ nhưng thấy xăng, dầu tăng như thế, ai chịu cho nổi. Không đi nữa, ở nhà cho khỏe chứ đi không đủ bù lỗ”.
Tại âu thuyền Thọ Quang, hàng trăm con tàu công suất lớn nhỏ vẫn phải nằm bờ.
Đầu vụ, nông dân vùng ĐBSCL gặp khó
Hiện bà con nông dân ở An Giang và Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ trà lúa đông xuân muộn mà đa phần lúa đều bị ngã đổ nên người dân phải bơm thoát nước. Máy gặt đập liên hợp cũng bắt đầu tăng giá tiền công vì giá dầu tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Ở Cần Thơ, nông dân một số quận, huyện bắt đầu làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu nên chi phí cho việc bơm nước vệ sinh ruộng, trục đất… cũng tăng.
Anh Nguyễn Văn Nết (ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ) nói: “Vụ hè thu này chưa biết “thắng, thua” ra sao nhưng chi phí đầu tư đã đội lên rồi. Tiền công thuê trục đất tăng thêm 20.000-30.000 đồng/công. Xăng dầu tăng giá nhưng mua về bơm nước cũng chưa chắc có. Với tình hình này, sắp tới phân bón cũng tăng, mà vụ hè thu năng suất không cao lắm, nông dân tụi tui chắc chẳng lời lóm gì”.
Ông Trần Hoàng Minh canh tác 4,1 ha lúa ở huyện Thoại Sơn, An Giang cũng cho rằng mới đầu vụ mà chi phí cho sản xuất đã tăng. Chưa biết thời tiết, sâu bệnh sắp tới thế nào nhưng chắc trồng lúa sẽ không có lời.
Dăk Lăk: Người trồng cà phê lo lỗ
Sau khi phải lao đao vì thiếu dầu chạy máy bơm do các đại lý xăng, dầu găm hàng trong đợt tưới cà phê cách đây gần một tháng, nông dân ở Dăk Lăk lại tiếp tục lo với giá dầu tiếp tục tăng.
Hiện đang là thời điểm đầu của đợt tưới cà phê thứ ba và anh Lê Nho Chung (ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) lo lắng: Tôi trồng gần 5 ha cà phê, mỗi ngày cần 60 lít dầu để chạy máy bơm nước. Đợt tưới sắp tới tôi phải chi gần 6,5 triệu đồng mua dầu tưới cà phê. Nếu mưa không đến sớm, vụ cà phê sắp tới coi như bị lỗ.
Còn anh Trần Trọng Khánh (xã Cư Êbua, TP Buôn Ma Thuột) lại đoán: Giá dầu tăng sẽ kéo giá phân bón, nhân công… cũng tăng, chi phí đầu tư cho cà phê sẽ đội lên, chưa nói đến mất mùa, chỉ việc tăng chi phí, thu nhập của gia đình đã giảm mạnh.
Hàng ngàn nông dân ở Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Buk và thị xã Buôn Hồ đang lo giá xăng, dầu, chi phí tăng cao nhưng giá cà phê không tăng, bà con lỗ nặng.
--------------------------
Đối mặt với đợt tăng giá mới (Lao động)
Ngư dân “chết lặng”! (Nông nghiệp VN)
Mừng vì xăng dầu… tăng giá (Lao động).
.
.
.
No comments:
Post a Comment