Thursday, March 24, 2011

ĐƯỜNG KIẾN CÓ "ĐẠO" ĐƯỜNG KIẾN ?


CÁT KHUÊ
Thứ Năm, 24/03/2011, 06:10 (GMT+7)

TT - Không đoạt giải ở Liên hoan phim ngắn Ong vàng nhưng tại giải Cánh diều, Ðường kiến lại bất ngờ được xướng tên ở hạng mục Cánh diều bạc dành cho phim ngắn, và ngay sau đó là nghi vấn...

Phim ngắn (30 phút) Ðường kiến là câu chuyện về một người lính Mỹ bị thương, lần theo đường đi của đàn kiến đang chuyển những hạt cơm mà tìm được nắm cơm bên cạnh người lính Việt cộng đã hi sinh. Sự thuyết phục của Ðường kiến với ban giám khảo phim ngắn giải Cánh diều có lẽ bởi cái nhìn chiến tranh từ phía bên kia; và Ðường kiến mang tính phản chiến khi cho thấy người lính Mỹ tiếc nhớ gia đình lúc xem những hình chụp vợ con cùng hình ảnh cuối phim anh ta nằm co như hình dấu hỏi về sự phi lý của chiến tranh...

Trên vnexpress ngày 21-3, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa cho biết: "Khi làm bộ phim, tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh. Bộ phim có ý nghĩa phản chiến, nói lên tội ác của chiến tranh. Bố tôi cũng là một người lính trong chiến tranh, bản thân tôi hiểu sự mất mát đó". Chính vì câu trả lời này mà ngay lập tức trên một trang báo mạng khác ở hải ngoại đã có phản ứng. Trang này chỉ ra rằng phim ngắn Ðường kiến đã "đạo" gần như nguyên văn ý tưởng của truyện Ðường kiến (được viết từ năm 1969 bởi nhà văn Kinh Dương Vương (họa sĩ Rừng - tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh).

Về sự việc trên, Thiều Hà Quang Nghĩa cho biết anh có ý tưởng về phim này khi học năm 3 tại Trường ÐH Sân khấu & điện ảnh Hà Nội. Anh cho biết thật sự thấy cuốn hút khi nghe một người bạn kể câu chuyện về người lính lần theo đàn kiến để tìm thức ăn. Ðó là ý tưởng về phim chiến tranh, kinh phí rất lớn đối với một sinh viên, nhưng vì quá thích nên anh đã dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình cộng với tiền gia đình cho để thực hiện phim này.

Tác giả kịch bản phim Ðỗ Văn Hoàng có nói với Nghĩa là đã tham khảo một phần ý tưởng từ truyện ngắn Ðường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương, nhưng cả hai đều không liên lạc được với nhà văn này vì ông không sống ở VN (ông hiện định cư tại Mỹ). Khi thực hiện, phần mở đầu giới thiệu phim Nghĩa đã đề một lời tựa là "Phim ngắn Ðường kiến dựa theo ý tưởng truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương". Phim được chiếu trong các buổi thảo luận hay chiếu ở liên hoan phim đều có lời đề tựa đó.

Trả lời PV Tuổi Trẻ, nhà văn Kinh Dương Vương cũng nêu ý kiến của mình: "Khi được biết có một đạo diễn trẻ thế hệ hậu chiến cảm được tác phẩm của mình viết trong thời chiến, truyện viết cách đây đã 42 năm mà chuyển thể thành phim và được giải thưởng tôi cũng vui. Nhưng niềm vui không được trọn vẹn. Giá như đạo diễn Quang Nghĩa hỏi qua tôi một tiếng thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn".

------------------

* Nhà biên kịch Nguyễn Hồ (thành viên ban giám khảo phim ngắn giải Cánh diều vàng): Bộ phim Ðường kiến trung thành với câu chuyện trong văn học từ tên phim đến mạch truyện, nhưng có sửa đổi về nhân vật cho thích hợp hơn, ý tưởng trong phim được triển khai mạnh hơn ở sự mất mát của chiến tranh, bi kịch của chiến tranh, tạo nên điểm nhấn dữ dội và sáng tạo khi kết thúc bằng tiếng nổ của quả lựu đạn thay vì là hình ảnh nắm cơm cứu sống một người lính. Ban giám khảo đánh giá đây là phim vượt trội trong loạt phim ngắn dự giải nhưng chưa phải là xuất sắc vì còn nhiều chi tiết lê thê.
V.VIỆT ghi
.
.
Dân trí
Thứ Năm, 24/03/2011 - 13:20
Giải Cánh Diều Bạc dành cho phim ngắn Đường kiến của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đã gây tranh cãi không lâu sau khi đêm trao giải của hội Điện ảnh khép màn. Có thông tin cho rằng, Đường kiến ăn cắp ý tưởng từ một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Dương Vương.

Phim ngắn (thời lượng 18 phút) Đường kiến của đạo diễn trẻ Thiều Hà Quang Nghĩa tham dự lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2010 của hội Điện ảnh và đã đoạt Cánh Diều Bạc (không có Cánh Diều Vàng). Thiều Hà Quang Nghĩa sinh năm 1984, hiện là sinh viên năm cuối khoa đạo diễn Điện ảnh K27, đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Ngay sau khi Đường kiến đoạt Cánh Diều Bạc đã có nhiều nguồn tin cho rằng, bộ phim đã ăn cắp ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương. Với thời lượng 18 phút, Đường kiến kể câu chuyện về một lính Mỹ sống sót sau một cuộc chiến tàn khốc tại chiến trường miền Nam (Việt Nam). Bị thương, đói khát, người lính Mỹ đi tìm thức ăn. Anh nhìn thấy một đàn kiến đi thành hàng, trên lưng chúng cõng những mẩu cơm. Lần theo dấu vết của đàn kiến, người lính Mỹ đã trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh nằm đó, bên cạnh là một nắm cơm…
Nội dung của 18 phút phim Đường kiến có sự trùng lặp với đoạn cuối truyện ngắn Đường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của hoạ sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đạo diễn trẻ Thiều Hà Quang Nghĩa có nói “Bộ phim xuất phát từ câu chuyện người bạn đã kể cho tôi nghe. Tôi đã rất thích câu chuyện này. Trên tất cả các đĩa phim của tôi đều có dòng chữ: phim lấy ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương”.

Theo Thiều Hà Quang Nghĩa, do nhà văn Kinh Dương Vương không ở Việt Nam nên rất khó khăn cho anh trong việc liên lạc với tác giả. Khi thông tin bộ phim Đường kiến “đạo” ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên xuất hiện trên một tờ báo, Thiều Hà Quang Nghĩa đã liên lạc được với nhà văn Kinh Dương Vương, anh đã có những lời tâm sự và xin lỗi tới tác giả truyện ngắn.

Thiều Hà Quang Nghĩa có nói “Tôi còn rất trẻ. Con đường làm phim còn rất dài. Đây sẽ là một bài học về vấn đề tác quyền đối với tôi trên con đường làm phim sau này”.

H.H
.
.
Wednesday, March 23, 2011 6:42:12 PM

* Họa sĩ Rừng: “Cậu ta xin lỗi rồi thì thôi.”
* Ðạo diễn phim: “Không tìm ra cách liên lạc được với tác giả.”

WESTMINSTER (NV) - Chỉ ít ngày sau khi bộ phim mang tên “Ðường kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa, 27 tuổi, được trao giải trong liên hoan phim Cánh Diều Vàng ở Việt Nam, đã xuất hiện dư luận cho rằng phim ngắn này là “một món hàng ăn cắp.”
Nội dung của cuốn phim có dùng ý tưởng trích từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương (bút hiệu viết văn của họa sĩ Rừng) từng đăng trên tạp chí Văn, số 125, ra ngày 1 tháng 3 năm 1969, thời Việt Nam Cộng Hòa.
“Ðường kiến” - một phim ngắn có độ dài 30 phút - là “một bài tập trong trường điện ảnh” của Thiều Hà Quang Nghĩa, sinh năm 1984, đang là sinh viên khoa Ðạo Diễn Ðiện Ảnh khóa 27 của Ðại Học Sân Khấu Ðiện Ảnh Hà Nội.
Trong liên hoan phim Cánh Diều Vàng 2010 ở Việt Nam, phim này được chọn trao giải “Cánh Diều Bạc” trong số 41 phim ngắn tham dự giải.

* Từ những bài báo
Theo bài viết “'Ðường kiến'- phim ngắn phản chiến đoạt Cánh Diều Bạc” đăng trên báo VNExpress ngày 22 tháng 3, 2011, thì “Ðường kiến” lấy bối cảnh chiến trường miền Nam Việt Nam mùa khô năm 1967. Sau một trận đánh ác liệt, chỉ còn một lính Mỹ sống sót. Bị thương và đói, anh bò đi xa dần khỏi bãi chiến trường. Trên đường, người lính Mỹ nhìn thấy một đàn kiến bò thành hàng và mang trên lưng chúng những mẩu cơm. Anh nhặt những mẩu cơm đó và lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh, bên cạnh là một nắm cơm.”
Phát biểu trong bài báo của VNExpress, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa nói: “Khi làm bộ phim tôi không định kể câu chuyện về 'ta' hay 'địch', tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh. Bộ phim có ý nghĩa phản chiến, nói lên tội ác của chiến tranh. Bố tôi cũng là một người lính trong chiến tranh, bản thân tôi hiểu sự mất mát đó.”
Theo cách viết của bài báo này, thì câu chuyện phim trên được rút tỉa từ kinh nghiệm của chính bản thân Quang Nghĩa.

Họa sĩ Rừng, tức nhà văn Kinh Dương Vương. (Hình: Thể Thao Văn Hóa)

Tuy nhiên, một bài báo trên Tạp chí Tiền Vệ ở Úc ngày 22 tháng 3, 2011, lại nhận định “Ðường kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đã “ăn cắp ý tưởng và, trắng trợn hơn nữa, ăn cắp ngay cả nhan đề của truyện ngắn 'Ðường kiến' của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút hiệu của họa sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh). Từ truyện đến phim, chỉ có một chi tiết được thay đổi: nhân vật chính trong truyện 'Ðường kiến' của Kinh Dương Vương là một người lính VNCH, khi nhân vật này bị ăn cắp đem vào kịch bản phim thì biến thành một người lính Mỹ.”

* Ðến ý kiến người trong cuộc
Trước sự việc này, phóng viên Người Việt đã nói chuyện với nhà văn Kinh Dương Vương, tức họa sĩ Rừng, tác giả truyện ngắn “Ðường kiến,” hiện đang sống tại Orange County, Nam California.
Bằng giọng vui vẻ, nhà văn Kinh Dương Vương cho biết: “Tôi biết đến chuyện này do một người quen gửi tôi bài báo của VNExpress viết về bộ phim 'Ðường kiến.' Tôi đã có làm việc sơ sơ với tác giả đó rồi. Ðạo diễn đó chỉ là sinh viên của trường điện ảnh. Cậu ta đọc truyện của tôi, thấy thích nên lấy ra làm phim đặt tên 'Ðường kiến' luôn. Cậu ta chỉ đổi nhân vật người lính Cộng Hòa thành ra là lính Mỹ.”
Tuy vậy, tác giả truyện “Ðường kiến” cũng cho rằng: “Cậu ta nói là chỉ lấy ý tưởng nhưng kỳ thực theo những gì tôi đọc trên báo thì cậu ta chuyển thể chứ không phải là lấy ý tưởng gì hết, tức là bộ phim dựa vào truyện đến 90%.”
Nhà văn Kinh Dương Vương nói ông đã viết thư “complain” gửi đến tác giả bài báo cũng như đạo diễn phim “Ðường kiến,” và “cậu ta đã viết thư xin lỗi tôi, nói rằng vì không biết tôi ở đâu để mà xin phép.”

Ðiều này cũng được chính đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa, từ Hà Nội, nói với phóng viên Người Việt qua điện thoại, “Bộ phim này là một bài tập của sinh viên trong trường. Khi nghe một người bạn cùng trường nói về ý tưởng của bộ phim này, em cảm thấy rất thích. Tụi em đã tìm kiếm, search trên mạng Internet nhưng không tìm ra cách liên lạc được với tác giả Kinh Dương Vương.”

Theo lời Quang Nghĩa, thì chính vì “quá thích ý tưởng này,” và “không thể không làm gì với nó được” nên chàng sinh viên đã “gom góp hết tất cả tiền bạc có được cùng với sự đam mê của mình để cố gắng làm bộ phim.”
“Vì không liên lạc được với bác ấy nên bao giờ trong mỗi buổi chiếu phim cho các bạn sinh viên xem, hay trong những buổi hội thảo, liên hoan phim, trước khi phim bắt đầu, tụi em luôn có dòng đề từ là ‘Phim ngắn 'Ðường kiến' dựa theo ý tưởng của truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương’ như một cách tri ân người đã có ý tưởng đó.” Ðạo diễn này giải thích.
Cũng vì “là người rất tôn trọng những chuyện liên quan đến ý tưởng và bản quyền,” nên khi “vừa nghe tác giả bài báo trên VNExpress nói có địa chỉ email của bác Kinh Dương Vương, em đã ngay lập tức viết thư bày tỏ sự ngưỡng mộ cũng như gửi lời xin lỗi đến bác ấy.” Quang Nghĩa nói thêm.

Khi được hỏi: “Ông nghĩ thế nào trước lời xin lỗi của người đạo diễn đó?” nhà văn Kinh Dương Vương cười một cách hiền lành, “Ờ thì cậu ta xin lỗi rồi thì thôi, chứ giờ mình làm gì bây giờ.”

Ông cũng nhận xét rằng đạo diễn phim “Ðường kiến” là “người biết chuyện chứ không phải không. Cậu ta còn nhỏ mà, nên có lẽ cũng không khéo léo lắm. Thì thôi, đối với tôi chuyện đó cũng tha thứ được, chứ cũng không sao.”

Nói chuyện với Người Việt, Thiều Hà Quang Nghĩa, người đang học ngành đạo diễn thổ lộ, “Thực sự ở vai trò của một đạo diễn thì em chỉ làm việc với diễn viên, dàn dựng từng cảnh phim, chứ không phải em là người viết kịch bản. Với một phim ngắn làm bài tập như thế này mà khiến bác ấy không vui thì em cảm thấy có lỗi và cứ áy náy suốt. Em chỉ mong là bác ấy hiểu cho tụi em, tụi em làm bộ phim với mục đích rất tốt đẹp và bằng tất cả khát khao với điện ảnh.”

Trong email xin lỗi của đạo diễn “Ðường kiến” gửi đến tác giả “Ðường kiến,” Thiều Hà Quang Nghĩa viết: “Phim đã đoạt giải Cánh Diều Bạc, số tiền thưởng cho giải này là 7 triệu đồng VN, khoảng hơn 300 USD,” và “cháu xin sẵn lòng chia sẻ một phần tiền thưởng trong giải này với bác.”

“Vấn đề không phải là tiền mà cậu ta cần biết đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Vì vấn đề này đã được báo chí đưa tin, nên tôi chỉ yêu cầu cậu ta nói cho độc giả, khán giả hiểu rằng là cậu ta đã lấy kịch bản của tôi mà không xin phép, đồng thời tác giả của bài báo trên VNExpress cũng cần có bài viết làm sáng tỏ chuyện này.” Nhà văn Kinh Dương Vương nói.

Phóng viên Người Việt hỏi Quang Nghĩa: “Anh có chấp nhận yêu cầu của nhà văn Kinh Dương Vương không?”
Ðạo diễn này trả lời: “Ngay lúc đầu tiên em đã muốn liên lạc với tác giả, để nói mình sẽ lấy một phần ý tưởng của tác giả nhưng em đã không liên lạc được, thì bây giờ không có lý do gì khi tác giả yêu cầu một lời xin lỗi như vậy mà mình lại không làm được. Em nghĩ đấy là điều rất bình thường và giản dị trong cuộc sống, không lý gì mình không làm được.”
.
.
.

No comments: