RFI ĐIỂM BÁO 31-3-2011
Thanh Hà - RFI
Thứ năm 31 Tháng Ba 2011
Về tai nạn Fukushima, vào lúc bản thân tập đoàn Tepco nhìn nhận "tình trạng tại chỗ vẫn còn bế tắc", hai tờ báo Le Monde và Libération xoáy vào lo ngại trước khả năng chất phóng xạ đã nhiễm vào lòng đất. Le Monde giải thích : mức độ nhiễm xạ tùy thuộc vào kết cấu của đá dưới lòng đất.
Căn cứ vào những tài liệu chính thức, thì lớp đá dưới lòng đất tại khu nhà máy điện Fukushima gồm nhiều tầng: sa thạch, nham thạch và đá granit còn được gọi là đá hoa cương. Kết cấu càng chắc chừng nào, rủi ro ngấm phóng xạ càng thấp chừng nấy.
Vấn đề đặt ra là cho tới nay, các chuyên gia cũng chỉ biết một cách mơ hồ về tính chất của đất và đá tại khu nhà máy Fukushima. Đá dưới lòng đất chỉ cần bị nứt là cũng đủ để những phân tử phóng xạ ngấm vào, do nước bị nhiễm. Điều đáng lo ngại hơn nữa khi biết rằng những chất như plutonium hay những hóa chất nặng có tác động ô nhiễm rất dài lâu.
Le Monde trích lời một chuyên gia địa chất của Pháp đã quy trách nhiệm cho tập đoàn Tepco thiếu trách nhiệm trong việc đề phòng thảm họa sóng thần đồng thời không tính tới khả năng động đất có thể lên tới mức 9 trên bậc thang Richter như vừa qua.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Pierre Henry thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp trả lời báo Libération cho biết giới khoa học Nhật Bản và quốc tế đã dự báo trước mức độ nghiêm trọng của các đợt động đất có thể xảy tới. Chỉ tiếc là các đồng nghiệp Nhật Bản của ông đã không thống nhất để có được một tiếng nói chung và mạnh dạn đòi chính phủ cũng như các tập đoàn khai thác điện hạt nhân phải chú ý tới rủi ro xảy ra một đợt động đất lớn như –hoặc có thể còn tai hại hơn – các trận động đất ngày 11/3 vừa qua.
Báo La Croix chú trọng nhiều hơn vào tình hình tại chỗ chung quanh nhà máy Fukushima : Tepco đang nghiên cứu mọi giải pháp để tháo nước bị nhiễm phóng xạ. Tác giả bài viết giải thích : Fukushima đang trong tình trạng dư thừa nước. Trong những ngày đầu tai nạn, khi các lò phản ứng bốc khói, nhân viên Tepco đã phải phun nước để làm hạ nhiệt các lò phản ứng và làm nguội các thanh nhiên liệu. Khối nước này đã bị nhiễm phóng xạ. Giờ đây khối nước này phải được thải đi nơi khác. Câu hỏi đặt ra là xả đi đâu khi biết rằng lượng iode 131 trong nước cao hơn so với tiêu chuẩn quy định đến hơn 3 000 lần ?
Công cuộc tái thiết các vùng bị thiên tai
Họa vô đơn chí. Bên cạnh việc đối phó với đe dọa phóng xạ Nhật Bản còn phải tập trung vào công cuộc tái thiết các vùng bị thiên tai. Le Monde cho biết chính phủ bắt đầu thảo luận về khả năng bơm thêm hơn 2000 tỷ yen -tương đương 17 tỷ euro- vào ngân sách năm nay. Thiệt hại vật chất và cơ sở hạ tầng ước tính lên tới từ 16 000 đến 20 000 tỷ yen. Nhiều hoạt động kinh tế bị chựng lại do tác động của động đất và sóng thần gây thiệt hại dây chuyền cho khu vực sản xuất. Thuế thu vào qua đó cũng bị giảm theo.
Trong tình trạng nợ công của Nhật Bản đã cao gấp hai lần so với tổng sản phẩm nội địa, vậy thì chính quyền của thủ tướng Naoto Kan sẽ phải xoay sở ra sao để nới rộng thêm tới 2000 tỷ yen trong ngân sách của nhà nước ? Le Monde chờ đợi Tokyo cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, tăng thuế đánh vào các hộ gia đình, tăng thuế TVA chính quyền sẽ phải thất hứa với giới chủ trong kế hoạch giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp.
Hai gương mặt của Nhật : Naoto Kan và Yukio Edano
Vào lúc mà các tin xấu dồn dập ập tới Nhật Bản thì báo chí Pháp nhận thấy là từ ba tuần qua, hai nhân vật lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là thủ tướng Naoto Kan và phát ngôn viên chính phủ ông Yukio Edano.
La Croix nhận thấy thủ tướng Kan liên tục đặt mình trong « tình thế báo động tối đa » : thủ tướng Nhật không ngần ngại xuất hiện trước công chsng để trình bày trực tiếp với người dân về tình hình và mức độ nghiêm trọng của tai nạn nhà máy Fukushima. Thủ tướng Nhật không kềm chế được cơn thịnh nộ trước việc Tepco đã đợi đến 1 giờ sau khi lò phản ứng đầu tiên phát nổ mới thông báo cho chính quyền về tai nạn này. La Croix nhận thấy là khác với những người tiền nhiệm ông Naoto Kan không chơi trò ú tim với báo chí, mà ngược lại ông chứng tỏ với dư luận là một nguời theo dõi diễn biến Fukushima 24 giờ trên 24.
Le Figaro không hoàn toàn đồng ý với phân tích này. Trong phần trang dành để phác họa chân dung phát ngôn viên chính phủ ông Yukio Edano. Tác giả bài báo cho rằng thủ tướng Kan đã chậm trễ trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân. Ngược lại Le Figaro hết lời ca ngợi ông Edano, người mà tờ báo cho rằng đã đóng vai trò của một vị « phó » tướng hay nói đúng hơn là người có thể ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản trong tương lai. Thái độ bình tĩnh và chuyên nghiệp của ông đã chinh phục được dư luận không chỉ trong nước mà còn ở hải ngoại.
Yukio Edano, 46 tuổi, phải chăng còn quá trẻ và chưa đủ vững tay lái để tính đến khả năng lên thay thế ông Naoto Kan ? Trước mắt rõ ràng, với khủng hoảng hiện nay ông Edano đang trở thành nhân vật số hai trong chính quyền. Le Figaro nhắc lại : nguyên là một luật sư tốt nghiệp trường đại học Sendai, nơi bị nạn nặng nhất trong trật động đất cách nay ba tuần. Năm 1993 lần đầu tiên ông bước chân vào Quốc hội và đã được tái đắc cử 5 lần lên tiếp. Giới chính khách Nhật Bản phải nhìn nhận Edano là một người cực kỳ thông minh và có lẽ cũng là nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế nhất trên sân khấu chính trị Tokyo hiện nay.
Pháp và an toàn hạt nhân
« Trông người lại nghĩ đến ta » : Báo chí Pháp bình luận rộng rãi về vấn đề an toàn hạt nhân của Pháp. Trả lời báo Le Monde André Claude Lacoste người đứng đầu cơ quan an toàn nguyên tử Pháp ASN tuyên bố : « không ai có thể bảo đảm là một tai nạn nghiêm trọng không bao giờ xảy ra tại Pháp ». Le Figaro chạy tựa : « 5 bài học đối với nước Pháp từ tai nạn Fukushima ». Theo chủ tịch ASN để bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, chính phủ Pháp sẽ : xét lại mức rủi ro trước đe dọa động đất, trước đe dọa và cường độ sóng thần.
Cơ quan ASN cũng sẽ xét lại khả năng triển hạn giấy phép khai thác các trung tâm sau 30 năm hoạt động, tăng cường các biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân và cuối cùng là rà soát lại các vòm bảo vệ hạt nhân cũng như các bồn chứa nước để làm nguôi thanh nhiên liệu. Le Figaro nhắc lại : trên đất Pháp hiện có 19 nhà máy điện hạt nhân với 58 lò phản ứng đang hoạt động. Trong số này có 34 lò đã hoạt động từ 27 năm nay, 20 lò mới đi vào hoạt động hơn 20 năm và 4 lò được coi là thuộc thế hệ mới (11 năm)
Cuộc họp Nam Kinh
Trên phần trang kinh tế Le Monde và Le Figaro chú ý đến cuộc họp cấp cao của nhóm G20 tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc để các bên tiếp tục bàn thảo về dự án cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Theo quan điểm của Le Monde : Paris muốn xem cuộc họp hôm nay là một trong những đỉnh cao trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên nhóm G20 của Pháp nhưng Bắc Kinh đã tìm cách giảm nhẹ tầm mức quan trọng của sự kiện này.
Bằng chứng rõ rệt nhất là đích thân ông Sarkozy đến Nam Kinh khai mạc cuộc họp và Paris cảm thấy hài lòng đã huy động được các chuyên gia uy tín vào bậc nhất trong lĩnh vực tiền tệ như giải Nobel Kinh tế 1999 Robert Mundell, nhà tài phiệt George Soros ….
Trong lúc nước chủ nhà Trung Quốc luôn nhấn mạnh đây chỉ là một cuộc họp không chính thức ở cấp chuyên gia. Cuộc họp này không được tổ chức tại Bắc Kinh mà phải dời tới Nam Kinh, cách thủ đô Trung Quốc tới cả ngàn cây số và bị thu gọn trong vỏn vẹn đúng một ngày. Le Figaro cho biết thậm chí bốn hội thảo diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp Nam Kinh hôm nay còn không cho báo giới tham dự.
Các bên không dự trù đưa ra một bản tuyên bố chúng kết thúc cuộc họp. Thông tín viên của tờ báo giải thích về thái độ thận trọng của chính quyền Trung Quốc như sau : Bắc Kinh không muốn các bên đả động đến vấn đề đồng nhân dân tệ cũng như tỷ giá hối đoái của đơn vị tiền tệ Trung Quốc bị coi là quá thấp so với tiềm lực kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu.
.
.
.
No comments:
Post a Comment