Trọng Thành - RFI
Thứ tư 30 Tháng Ba 2011
Tân tổng thống Thein Sein, 65 tuổi, từng trải qua 47 năm trong quân ngũ, là một người trung thành với nhà độc tài Than Shwe, và cũng hết sức tận tụy với giới quân sự. Bên cạnh đó, một biến cố bất ngờ hơn xảy ra là việc tướng Than Shwe, nhân vật số 1 của tập đoàn quân sự vừa từ chức.
Tại Miến Điện, tập đoàn quân sự lãnh đạo nước này từ năm 1988, vừa chính thức giải thể. Đây là một sự kiện đã được trông đợi, sau các cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 vừa qua và Quốc hội mới đắc cử bầu lên tổng thống mới. Tân tổng thống Thein Sein lên nhậm chức, trong khi tướng Than Shwe lại từ chức.
Thông tín viên Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok.
"Ngay sau khi tân tổng thống Thein Sein tuyên bố nhậm chức, chính quyền quân sự đã giải thể. Việc giải thể này là bước đi cuối cùng trong quá trình chuyển đổi chế độ quân sự thành một chính phủ dân sự, mà thành phần chủ yếu bao gồm các tướng lĩnh về hưu.
Cũng vào dịp này, một nguồn tin quân sự cho biết tướng Than Shwe, người đứng đầu quân đội, có thể đã rời bỏ chức vụ này, để nhường chỗ cho tướng Min Aung Hlaing.
Nếu thông tin này được chính thức xác nhận, thì điều đó cũng không chứng tỏ rằng sự kiểm soát của tướng Than Shwe đối với quân đội đã bị suy yếu. Tướng Than Shwe năm nay 78 tuổi, đang lo ngại bị trả thù. Trong trường hợp Miến Điện thật sự được dân chủ hóa, các tài sản của ông Than Shwe có nguy cơ sẽ bị trưng thu.
Trong vòng 20 năm nắm quyền, tướng Than Shwe đã bố trí những người trung thành với ông vào các vị trí chủ chốt trong quân đội. Hơn nữa, viên tướng này còn đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, vừa mới được thành lập. Tổ chức này cho phép ông, từ trong hậu trường, tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong quân đội.
.
.
BBC
Cập nhật: 14:41 GMT - thứ tư, 30 tháng 3, 2011
Chính quyền quân nhân Miến Điện đã chính thức giải thể sau khi tổng thống mới của một quốc hội dân sự tuyên thệ nhậm chức, truyền hình quốc gia nước này cho biết.
Tướng Than Shwe, người vốn cầm quyền tại Miến Điện trong hai thập niên qua, đã từ bỏ vai trò chính thức cuối cùng của mình, vị trí người đứng đầu lực lượng vũ trang Miến Điện.
Nhưng các nhà chỉ trích nói hệ thống mới chỉ là sự tiếp nối của hệ thống cũ trong một vỏ bọc mới mà thôi.
Hệ thống mới được hình thành sau kỳ bầu cử hồi tháng Mười Một, sự kiện vốn đã bị phương Tây và các nhà vận động dân chủ Miến Điện chỉ trích rộng khắp.
Phóng viên BBC ở Đông Nam Á, Rachel Harvey nói rằng câu hỏi chính là những gì xảy ra đối với người nắm quyền lực tuyệt đối nay đang ra đi, tướng Than Shwe.
Không ai thực sự tin rằng ông ta sẽ tự nguyện từ bỏ tất cả, phóng viên của chúng tôi nói.
Lời đố?
Truyền hình nhà nước Miến Điện cho biết Tướng Than Shwe đã "chính thức giải thể" Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia của chính quyền quân nhân.
"Tất cả 58 thành viên nội các mới, bao gồm tổng thống, hai phó tổng thống, các quan chức và các bộ trưởng, đã tuyên thệ nhậm chức sáng nay tại Quốc hội" ở Naypyidaw, một quan chức được hãng tin AFP trích lời.
Tướng Min Aung Hlaing được nêu danh là người đứng đầu lực lượng vũ trang mới của Miến Điện.
Ông đã tham dự lễ nhậm chức của cựu thủ tướng Thein Sein - một đồng minh quan trọng của tướng Than Shwe - lên làm tổng thống, một dân biểu có mặt tại buổi lễ nói với Ban Tiếng Miến Điện của BBC.
Lễ tuyên thệ tại tân quốc hội đánh dấu sự hoàn tất việc chuyển giao quyền lực từ chế độ quân sự sang chính quyền mới.
Sau cuộc bầu cử đầu tiên của Miến Điện kể từ 20 năm qua, đây là giai đoạn cuối cùng trên con đường dài để đến với cái mà giới lãnh đạo quân sự nước này gọi là "dân chủ trong kỷ cương".
Tuy nhiên, những người chỉ trích gọi cái gọi là chính quyền dân sự mới là giả tạo, vì nó được tạo thành từ các cựu tướng lĩnh, một số sĩ quan quân đội đang tại ngũ, và một số kỹ nghệ gia.
Tổng thống mới, ông Thein Sein, từng giữ chức thủ tướng trong chính quyền quân nhân trước đây, nhưng từ bỏ các chức vụ trong quân đội để ra tranh cử, đại diện cho đảng USDP được quân đội hậu thuẫn.
Đảng USDP giành 80% phiếu bầu. Theo hiến pháp mới, một phần tư số ghế cũng đã được dành riêng cho quân đội.
Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi - vốn đã thắng trong cuộc bầu cử lần trước, được tổ chức hồi năm 1990 nhưng đã không bao giờ được phép nắm quyền - đã không có đại diện nào trong quốc hội.
Đảng này đã bị giải tán trước kỳ bầu cử, bởi luật đòi đảng phải khai trừ các lãnh tụ của mình.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment