Thursday, March 31, 2011

ỔN ĐỊNH KHÔNG ĐẾN TỪ ĐIỀU HÀNH THEO CÁCH XỬ LÝ TÌNH HUỐNG

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Năm, 31/3/2011, 08:59 (GMT+7)

(TBKTSG) - Tốc độ tăng dư nợ tín dụng giảm mạnh, tính đến ngày 10-3 chỉ còn tăng 3,68%, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xem như dấu hiệu chính sách chống lạm phát của Chính phủ bắt đầu có tác dụng. Nhưng nó cũng là dấu hiệu khác cho thấy, sự đình đốn trong lĩnh vực sản xuất đã nhen nhóm, khi nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm kế hoạch về sản lượng.

Không ít công ty hiện đang dở sống, dở chết với những công trình đầu tư mở rộng sản xuất vì sức mua của thị trường sụt giảm, sức cạnh tranh suy yếu do chi phí sản xuất tăng và gánh nặng nợ nần do tỷ giá thay đổi và lãi suất tín dụng quá cao. Tất cả những gì họ có thể làm hiện nay là trông chờ nền kinh tế sớm ổn định trở lại, một sự ổn định lâu dài. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy kết quả đó khi mà sự điều hành kinh tế ở cấp vĩ mô được thực hiện một cách bài bản, căn cơ và theo một chiến lược lâu dài. Còn cách điều hành theo kiểu xử lý tình huống, thì kết quả thu được cũng chỉ là tạm thời mà thôi.

Phát biểu tại Quốc hội về vấn đề cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: “Không nên dừng lại ở việc cắt giảm chi thường xuyên 10%, mà nên tính toán đến những vấn đề căn cơ hơn, đó là thay đổi toàn bộ phương thức phân bổ và quản lý ngân sách sao cho hiệu quả”. Các đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy cách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam thiếu “trầm lắng, suy tư và trăn trở”.

Hơn ba năm qua, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần như thay đổi liên tục và theo các chiều hướng trái ngược. Từ chính sách thắt chặt tín dụng, chi tiêu công để chống lạm phát, ngay sau đó nhanh chóng được thay thế bằng chủ trương kích cầu, tăng cường tín dụng để kích thích đầu tư để rồi đến nay lại phải siết lại. Điều đáng lo ngại là ở chỗ, như nhận xét của đại biểu Nguyễn Bá Truyền: “Chúng ta cứ tạo ra khuyết điểm, xong khắc phục khuyết điểm lại báo cáo thành tích”.

Hiện nay, các địa phương bắt đầu công bố thông tin về kết quả cắt giảm đầu tư, chi tiêu công. Không biết có địa phương nào xem việc cắt giảm này như thành tích thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ hay không. Nhưng với việc có đến hàng trăm, hàng ngàn dự án bị loại ra khỏi kế hoạch đầu tư chỉ trong chưa đầy một tháng rà soát, cho thấy vấn đề rất đáng lo đối với nền kinh tế. Đó là căn bệnh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả đã trở nên trầm kha, đồng thời Chính phủ cũng chưa thật kiên quyết để trị tận gốc.

Điều đáng nói là hàng năm Bộ KH&ĐT đều có báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư, nhưng hình như nó chưa được sử dụng để phục vụ cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Trong một báo cáo như thế về tình hình đầu tư công 2009, thời điểm Chính phủ đang áp dụng thắt chặt đầu tư, chi tiêu công, Bộ KH&ĐT đã phát hiện “tình hình đầu tư vẫn còn phân tán, tình trạng chậm tiến độ làm cho hiệu quả đầu tư suy giảm vẫn còn khá phổ biến”. Đáng tiếc là kết luận này đã không được xem xét để từ đó kịp thời ra những quyết sách.

Điều chỉnh chính sách, để giải quyết những vấn đề cấp bách của nền kinh tế là điều rất cần thiết. Nhưng tốt hơn hết vẫn là đừng gây ra khuyết điểm để khỏi phải đi sửa chữa. Chúng ta đã xác định được, đầu tư, chi tiêu công lãng phí, kém hiệu quả là nguyên nhân chính gây ra bất ổn, thì phải kiên quyết và kiên trì loại trừ. Đây là con đường mang lại sự ổn định cho cả nền kinh tế và là điều mọi doanh nghiệp đang mong đợi.
.
.
.

No comments: