Wednesday, March 30, 2011

TRẬN SUỐI TRE - VIỆT NAM (ký ức chiến tranh của Mario Salazar)


The battle of Soui Tre (Vietnam)
The Washington Times  -  Monday, March 28, 2011


Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 30/03/2011

MONTGOMERY VILLAGE, tiểu bang Maryland – ngày 21 tháng 3 năm 2011 – đúng ngày này cách đây 44 năm, vào ngày 21 tháng 3 năm 1967 tại khu vực làng Suối Tre thuộc Chiến khu C ở tây bắc Sài Sòn có trận giao tranh. Đó là trận đánh diễn ra trong một ngày tại Việt Nam đã gây cho phía địch số người chết nhiều nhất. Vào giữa trưa ngày 21, chúng tôi đã gom được 647 xác chết của phía địch rồi đặt trong hai hố chôn tập thể rất to được đào bằng xe tăng lắp thêm lưỡi máy xúc. Tôi nhớ lúc ấy đang ăn bữa trưa là hộp khẩu phần C nguội tanh, hai chân tôi buông thõng xuống một trong hai chiếc hố đó. Chưa kịp ăn xong tôi đã phải bỏ đi chỗ khác vì mùi bốc lên từ dưới hố không thể chịu nổi và có người đã vứt mẩu thuốc lá đang hút xuống dưới hố làm cho quần áo của một xác chết bắt lửa bốc mùi khói rất khói chịu. Nghe có vẻ như tôi đã không còn cảm xúc gì cả? Không phải vậy; đó là một trong những điều thực tế xảy ra trong chiến đấu mà ta phải thích nghi hoặc buộc phải chấp nhận.

Trước hết tôi xin giới thiệu Tiểu đoàn bộ binh cơ giới của tôi. Tiểu đoàn gồm khoảng 30 xe thiết giáp chở bộ binh (Armored Personnel Carriers (gọi tắt là APC hoặc thiết giáp). Loại xe này cũng chạy bằng bánh răng xích giống như xe tăng và mặc dù vỏ của nó không bằng vỏ của xe tăng nhưng đây là một loại xe tuyệt vời. Nó có thể chạy với tốc độ 45 dặm một giờ và có thể lội nước. Vũ khí của xe gồm ba súng máy, một khẩu đại liên cỡ 50 li còn hai khẩu kia là loại súng máy M60 cỡ 7,62 li . Ngoài ra mỗi người của tiểu đội ngồi trên xe đều được trang bị vũ khí cá nhân. Vỏ xe được làm bằng hợp kim nhôm và chịu được hỏa lực của vũ khí hạng nhẹ và mảnh lựu đạn. Hiện nay quân đội của nhiều nước vẫn sử dụng các loại xe như thế này.

Điểm đáng chú ý của cuộc hành quân nói trên là ngay từ đầu nhiều nhiệm vụ đã không hoàn thành và đã xảy ra tình trạng hỗn loạn. Mặc dù pháo binh đã nã đạn dồn dập để phát quang khu vực làm bãi đáp trực thăng đầu tiên song trực thăng vẫn không thể đáp xuống khu vực đó. Đợt không vận đầu tiên đưa lính tới để lập một căn cứ hỏa lực yểm trợ được đặt tên là Fire Support Base Gold lẽ ra phải được hoàn thành vào ngày 18 tháng 3. Đơn vị của tôi, tiểu đoàn bộ binh thiết giáp 2/22 cùng một đơn vị thiết giáp phối thuộc là Tiểu đoàn thiết giáp 2 thuộc Trung đoàn thiết giáp 34 đã không thể hoàn thành nhiệm vụ phát quang một khu vực trong rừng rậm nên cuộc hành quân phải hoãn vào ngày hôm sau. Sang ngày 19 tháng 3 chúng tôi vẫn không thể tới được địa điểm để thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cuộc đổ bộ của đơn vị pháo binh là Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn pháo binh 77 và một tiểu đoàn bộ binh yểm trợ là Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Bộ binh 22 (thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn bộ binh số 4) vì thế viên đại tá chỉ huy chiến dịch đã chọn một bãi đáp trực thăng khác và bắt đầu chiến dịch mà không cần chuẩn bị trước bãi đáp.
Khi đợt trực thăng thứ hai chuẩn bị đáp xuống một địa điểm gần làng Suối Tre thì khối thuốc nổ tự tạo to như đạn pháo 155 li do quân địch điều khiển từ xa đã phát nổ phá hủy 2 trực trăng và làm hỏng 5 chiếc khác. Giao tranh bắt đầu nổ ra ở các khu vực quanh bãi đáp khiến một vài trực thăng bị phá hủy mặc dù máy bay cường kích đã được gọi tới để tăng viện.

Trong lúc các tốp trực thăng vừa bắn vừa tìm cách đáp xuống khoảng đất trống gần làng Suối Tre bỏ hoang thì các đơn vị của Lữ đoàn 3 Sư đoàn bộ binh số 4, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn bộ binh 22 (chính là chúng tôi) và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn bộ binh 12 và Tiểu đoàn thiết giáp 2/34 vẫn không thể di chuyển được nhiều. Tuy địa hình ở khu vực này khô ráo, nhưng chúng tôi chỉ có thể tiến rất chậm vì bị quân địch liên tục quấy rối và mặt đất thì gồ ghề.
Sang ngày 20 tháng 3 trong lúc đơn vị thiết giáp của chúng tôi chọc thủng được một đường để tiến vào bãi đất trống nằm trên một vị trí đất cao thì các đơn vị tiền tiêu rơi vào ổ phục kích và chúng tôi quan sát thấy một quả lựu pháo được phóng trúng một chiếc thiết giáp, đạn xuyên qua chiếc xe và một người bạn của tôi ở trong xe, rồi phát nổ gây thương vong một vài người ở bên trong. Bạn tôi là Frances Smith, một người Anh, đã chết ngay tức khắc.
Đêm hôm đó chúng tôi hạ trại trên đỉnh đồi. Khu vực đó trơ trụi hầu như không còn cây cối, chỉ có một vài cây con và những ụ đất do mối làm tổ. Tất cả chúng tôi đều biết Việt Cộng đã đặt chúng tôi trong tầm ngắm và đêm hôm đó họ sẽ pháo kích chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên khi đã trải qua một đêm yên ổn trừ một điều khá kỳ cục đã xảy ra với tôi. Trong lúc tôi đang ngồi ăn tối dưới một cái cây thì một quả lựu đạn do sơ xuất đã phát nổ làm một mảnh đạn văng vào thân cây rồi xuyên vào miếng lót của chiếc mũ sắt tôi đang đội (miếng lót được làm bằng nhựa cứng đút vừa vặn bên trong chiếc mũ sắt chúng tôi đội ngày ấy).

Sau một đêm ngủ ngon, chúng tôi bị đánh thức bằng mệnh lệnh bất thường “nhặt quân trang rồi lên xe!”. Khi “đã lên xe” chúng tôi được thông báo tiếp rằng “đây mới là nhiệm vụ thực sự”. Chúng tôi còn được cảnh báo trước là nếu xe bị loại khỏi vòng chiến đấu thì hãy nhanh chóng rời khỏi xe và nhảy lên chiếc xe đi ở phía sau. Trong lúc đang chạy qua khu rừng thì chúng tôi được biết các tiểu đoàn khác, tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 22/77 Pháo binh bị lực lượng rất đông quân địch đang tấn công dữ dội. Giao tranh nổ ra vào lúc sáng sớm, quân địch đã tràn vào một số vị trí, một “tháp pháo” đã bị bắt sống. Tháp pháo là một vũ khí phòng thủ của các đơn vị pháo binh. Nó gồm có bốn súng máy cỡ 50 ly đặt trên một tháp quay. Đó là một thứ vũ khí tuyệt vời. Thông báo được đưa ra là nếu chúng tôi không tới được chỗ các đơn vị đang bị tấn công thì hơn 300 đồng đội của chúng tôi sẽ bị giết hoặc điều tồi tệ hơn nữa có thể xảy ra.

Quân địch tham gia tấn công gồm tổng cộng hơn 2.500 lính. Trong đó có Trung đoàn quân chủ lực 272 của Việt Cộng. Họ đã đặt cược rằng với số lượng áp đảo như vậy họ sẽ dễ dàng xoay chuyển trận đánh theo chiều có lợi cho họ. Lính của chúng tôi chỉ đông bằng một phần tám họ.

Cuộc di chuyển tới căn cứ Fire Support Base Gold ở khu vực làng Suối Tre dường như không biết khi nào mới chấm dứt và mặc dù rất sợ chết song chúng tôi muốn tới trảng đất trống đó trước khi tình hình trở nên quá muộn. Sau này khi chúng tôi nhắc lại chuyện cũ tôi cũng thực sự không nhớ nổi lần di chuyển đó đã diễn ra trong bao lâu; mỗi người đều giải thích một cách về thời gian di chuyển và phải vất vả thế nào chúng tôi mới tới được chỗ đó.

Khi tới nơi chúng tôi chứng kiến một quang cảnh xứng đáng được gọi là một bối cảnh cường điệu hóa trong các bộ phim của Hollywood. Hỏa lực bộ binh và pháo binh ở khắp nơi. Vị trí chính giữa của chu vi bảo vệ vòng ngoài của căn cứ bị tấn công nằm ở rìa bãi đất trống đó và nom giống như một cuộc trình diễn ánh sáng. Đạn pháo kích chớp lóe sáng trắng và pháo sáng, lựu đạn, khói lựu đạn báo hiệu và cả bia lon nữa nổ vung vãi khắp nơi. Họ gan góc thực đúng như là đặc tính khỏe mạnh gan góc của người Mỹ, họ xếp bia ở vị trí an toàn nhất trong khu vực bảo vệ vòng ngoài của căn cứ: ở chỗ để đạn dược.

Quang cảnh khiến tôi nhớ tới một bộ phim cao bồi cũ nói về những người Da đỏ bao vây một đoàn tàu chở hàng và kỵ binh đã tới để giải cứu. Đến giờ tôi vẫn có thể hình dung ra cảnh gần 20 chiếc xe thiết giáp nã súng máy lao vào khu vực đất trống đó.

Lính của tiểu đoàn 2 và 12 ngay lập tức chạy tới chỗ chúng tôi để xin đạn và nước. Khi chúng tôi đi tiếp vào bên trong khu vực bảo vệ vòng ngoài của căn cứ thì lính của tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 22 đã đến sát xe chỗ của chúng tôi và nói là chúng tôi đã cứu mạng họ.

Xác chết và người bị thương nặng nằm ở khắp nơi. Những chiếc tăng và xe thiết giáp đi đầu đã bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay và nhiều tên đã bị giết dưới bánh xích của chúng tôi. Chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều tên đang cố chạy trốn vào rừng nhưng không kịp. Những người mà chúng tôi không đuổi kịp đều bị chúng tôi bắn chết bằng súng đại liên 50 li và tiểu liên M-16.

Tôi nhớ là đến vị trí được phân công là chúng tôi liền bắt tay vào chôn cọc tại địa điểm đặt đại bác. Lúc tôi đang bước từ trên xe xuống tôi thấy mấy tên địch đang trút hơi thở cuối cùng. Một số lính của chúng tôi đi vòng xung quanh họ để biết chắc họ đã chết hẳn. Tôi nhớ hình như trận đánh kết thúc vào quãng 10 giờ sáng. Tôi ở trong trạng thái tinh thần bị sốc. Vũ khí của địch thu được tại chiến địa gồm mấy trăm súng phóng lựu mà họ định sử dụng cho xe của đơn vị chúng tôi. Họ đã không có cơ hội đó, không một xe nào của chúng tôi bị bắn trúng và tiểu đoàn của tôi không có ai bị thương vong. Có thể coi đó là một chiến thắng gần như tuyệt đối. Rất tiếc các đơn vị đóng tại khu vực bảo vệ vòng ngoài căn cứ đã có 33 lính tử trận và một lính mất tích. Một số hố phòng thủ cá nhân ở khu vực bảo vệ vòng ngoài căn cứ có những xác chết nằm đè lên nhau – một xác lính của chúng tôi nằm ở bên dưới, xác một Việt Cộng nằm đè lên trên còn một lính Mỹ còn sống thì nằm vừa vặn một chỗ còn lại bé tí ở trên cùng.

Vào thời điểm tấn công ác liệt nhất, các đơn vị pháo binh đã hạ nòng xuống để bắn thẳng (nòng pháo ở vị trí nằm ngang), họ sử dụng loại đạn được gọi là đạn sát thương không có thuốc nổ. Loại đạn này là một bó hàng ngàn những mũi tên nhỏ và có sức công phá tương đương với một quả đạn pháo cỡ lớn.

Sau khi xe tăng đào các hố chôn tập thể lớn, các hố đó đã được lấp đất kín thì trực thăng của Tướng Westmoreland hạ cánh. Mấy tháng sau đơn vị của chúng tôi được nhận huy chương tập thể “Presidential Unit Citation”, huy chương cao quý nhất được trao cho một đơn vị trong thời chiến.

Ở đoạn cuối của bộ phim “Trung Đội” người ta đã ghép một cảnh của trận đánh tại căn cứ FSB Gold (ở khu vực làng Suối Tre) và trận đánh tại căn cứ FSB Burt diễn ra hồi năm 1968. Oliver Stone khi đó cũng là lính của Lữ đoàn 3. Ngoài ra một người hiện đang là ông bầu của một đội bóng rổ nhà nghề và một người nữa là một diễn viên điện ảnh rất tuyệt cũng nguyên là lính của tiểu đoàn bộ binh cơ giới 2/22 trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi dùng cái tên dễ nhớ là Vietnam Triple Deuce [Triple Deuce có nghĩa là ba số 2 – phiên hiệu của Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 2/22]. Tôi là chủ của trang web có địa chỉ là http://www.VietnamTripleDeuce.org. Chúng tôi lập trang web này để dùng làm nơi lưu trữ lịch sử những gì chúng tôi đã trải qua tại Việt Nam và cuộc sống của chúng tôi kể từ dạo đó. Xin mời ghé thăm và để lại mấy dòng cho chúng tôi.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: