Tuesday, March 29, 2011

VĂN NGHỆ KHÁCH THÍNH CỦA NHÀ VĂN HUY TRÂM (Nguyên Huy/Người Việt)

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Monday, March 28, 2011 1:59:37 PM

GARDEN GROVE (NV) - Nhà văn Huy Trâm và nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu lại vừa tổ chức một buổi sinh hoạt “văn nghệ khách thính” tại Garden Grove vào chiều hôm Thứ Bảy, nhân dịp này hai nhà văn cũng cho ra mắt tác phẩm mới của mình là Giọt Lệ Cho Từ Bi, tập truyện của Mắt Nâu và Bụi Phấn Hoàng Hôn, tập thơ Huy Trâm.

Nhà thơ Huy Trâm và nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu chào đón thân hữu trong buổi văn nghệ Khách Thính.

Văn nghệ khách thính là hình thức vui chơi thanh tao trong ca hát, ngâm thơ, đánh đàn của giới văn nghệ sĩ Pháp trong thế kỷ 19 và đã ảnh hưởng đến giới trí thức Việt Nam vào thời gian tiền chiến thường được mô tả trong những tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh thập niên 40. Ở hải ngoại có một thời gian phong trào Karaoke cũng đã mang nặng tính văn nghệ khách thính này trong giới trí thức phong lưu như bác sĩ, luật sư. Nhưng nay thì đã không còn nữa.

Nhà văn Huy Trâm cùng các nhà văn Trần Sĩ Lâm, Nguyễn Thị Mắt Nâu và “nhóm thân hữu” trong tổ hợp xuất bản Hương Văn vẫn còn giữ được sinh hoạt này. Nhưng nội dung không là hát karaoke mà là hát trên tiếng dương cầm của Huy Trâm và tiếng đàn keyboard của Trần Sĩ Lâm. Trong chương trình ca hát cho nhau nghe, có thể có những tiết mục văn nghệ khác kèm vào như giới thiệu một tiếng hát mới, một khuôn mặt từ xa về hay một tác phẩm của anh chị em trong nhóm.

Vào buổi văn nghệ khách thính vừa qua, Nguyễn Thị Mắt Nâu đã giới thiệu tập thơ “Bụi Phấn Hoàng Hôn” của Huy Trâm do Hương Văn xuất bản.
Bốn mươi ba bài thơ mà theo Nguyễn Thị Mắt Nâu là “những nỗi buồn, ưu tư của Huy Trâm trước thời cuộc và con người. Tác giả hay mượn một hình bóng để gửi gấm tâm sự của mình”.
Nhiều người đọc thơ Huy Trâm đều có chung một nhận định là sự cuốn hút của mạch thơ của ông. Dù dưới dạng thơ mới 8 chữ hay thất ngôn cổ phong hay thơ 5 chữ và nhất là Lục Bát, Huy Trâm đã để hồn thơ của mình lai láng tuôn tràn những điệu buồn, những nỗi truân chuyên, những mảnh tình hắt hiu xế bóng “Ðời sắp hết mà sao sầu chưa hết? Bao lo toan-không một chuyện ra hồn. Ngước mắt trông lên-bụi phấn hoàng hôn. Trong mờ nhạt-chứa lẽ gì sâu thẳm”.

Ba tiếng hát trẻ Thanh Thảo, Thu Hà và Kim Phụng rất điêu luyện trong buổi văn nghệ khách thính do Huy Trâm và nhóm Hương Văn tổ chức

Ðặc biệt trong thơ lục bát của Huy Trâm, người đọc thấy phảng phất có Nguyễn Bính nhưng không phải Nguyễn Bính của những “dậu mùng tơi” êm ái nơi quê nhà mà là những nẻo đường mưa gió, những hè phố gian lao, những bến xe đợi chờ vô vọng của cảnh đổi đời sau 30 tháng 4 năm 1975. Bài thơ “Chia nhau” in trong tập thơ này đọc lên là thấy được hết khổ đau của người ở lại cho đến người ra đi từ sau 30 tháng 4 ấy.
“Mấy năm phường phố gánh rong, Xương vai muốn vỡ theo dòng nắng mưa. Chiều hôm, vui đến bất ngờ, Thư anh từ Mỹ trông chờ bấy lâu. Mở mau thư, đọc câu đầu ‘ngót năm bệnh hoạn-ốm đau lại nghèo, làm ăn sa sút, tiêu điều, sống nhờ trợ cấp, ăn theo xứ người. Bài đăng báo-bị trả lui. Văn chương còn sượng-không ai giúp mình’. Ðọc thư-giọt lệ rơi nhanh, Ngồi ngay xuống đất-lặng thinh ngó Trời. Chớp giông-mưa sắp đổ rồi, Sớm mai- con ngõ rác trôi lềnh bềnh. Thôi em chia khó cùng anh!”

Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu cũng điểm ngay tác phẩm “Giọt Lệ Cho Từ Bi” của mình trong buổi sinh hoạt này mà bà thổ lộ cùng thân hữu là “xin để cho tác giả tâm sự đôi điều”.
Tập truyện “Giọt Lệ Cho Từ Bi” của Nguyễn Thị Mắt Nâu gồm 10 truyện ngắn và 37 bài thơ. Tác giả cho biết truyện Giọt Lệ cho Từ Bi được lấy làm đề cho tập truyện là một câu chuyện có thật, một sự hy sinh thân xác của một phụ nữ, qua điệu múa Tabu gợi dục, để cho cướp biển Thái Lan hành xác mà cứu được 14 phụ nữ đi cùng chuyến, để khi lên bờ, mỗi người một phương tị nạn, người phụ nữ cao cả ấy chỉ xin rằng mai này có gặp lại nhau trên xứ người thì coi như người không quen biết và không bao giờ nhắc lại câu chuyện này.

Ðến phần ca hát, nhà văn Trần Sĩ Lâm sau khi chào hỏi thân hữu, bạn bè có mặt trong cuộc vui khách thính này, đã nói: “Hôm nay chúng ta có buổi ra mắt sách. Nhưng chỉ là phụ mà cái chính là chương trình văn nghệ chúng ta hát cho nhau nghe.”
Và trong không khí của một buổi chiều Xuân ấm áp, an bình tại Nam California, những tiếng hát của Thanh Thảo, Thu Hà, Ðan Minh, Ngọc Ðàn, Huệ Linh, Kim Phụng, Xuân Trang và cả Linh Mục Tâm Duy từ xa về... đã “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” để mọi người cùng được có một “Giấc Mơ Hồi Hương” mà “Nắng Chiều” Lê Trọng Nguyễn đang làm hiu hắt lòng người.
Trong không khí đó, Mắt Nâu đã bùi ngùi: “Hôm nay, chúng ta có được một chiều thật là hạnh phúc, khi quanh chúng ta, trên thế giới có biết bao nhiêu khổ nạn đang diễn ra, nào chiến tranh, sóng thần, động đất, phóng xạ, v.v. Xin hãy trân trọng những giây phút sống này cùng nhau và cũng xin một phút cùng nhau chia sẻ những khổ nạn.”

.
.
.

No comments: