Nguyễn Mạnh Trinh
PSN - 21.3.2011
Thảm trạng thuyền nhân không những là biến cố bi thảm nhất của riêng dân tộc Việt Nam mà còn cả của nhân loại nữa. Trong suốt hơn hai thập niên, cả triệu người liều mình đi tìm tự do bất chấp hiểm nguy chờ đón. Và phân nửa tổng số những người đi tìm tự do ấy đã nằm xuống đại dương, nghĩa là gần một triệu người vùi thân trong biển thẳm. Trong văn học, đã có rất nhiều tác phẩm viết về chủ đề thuyền nhân. Mỗi tác phẩm, từ cái nhìn chủ quan của tác giả, có khi đóng vai trò nhân chứng, có khi là người kể chuyện, viết những trang sách phóng chiếu được sự thực. Một trong những tác phẩm ấy là “Tiếng kêu trên biển vắng” của nhà văn Phùng Nhân, một tác giả rất quen thuộc với độc gia không những ở Úc Châu mà còn của cả văn học Việt Nam hải ngoại nữa. Được biết đây là tác phẩm thứ 11 của ông.
Phùng Nhân có văn phong rất đặc biệt của người miền Nam Bộ. Ông là người kể chuyện rất chân phương mộc mạc. Không một chút son phấn điểm tô, sự thực đã có sức hấp dẫn để người đọc bị lôi vào những cảnh huống sinh động sống thực. Những nhân vật của ông bình dị. Sống và suy nghĩ của những người dân bình thường. Trong 24 chương sách, tác giả đã kể về cuộc vượt biển của một chiếc tàu mang số hiệu MT 065 rời bến tại Mỹ Tho. Từ nguồn tư liệu của những nhân chứng còn sống sót, tác gỉa đã dựng lại một biến cố mà sự đau thương bi thảm là yếu tố chính. Dĩ nhiên, vượt biển với một chiếc tàu nhỏ nhoi trên đại dương bao la là thách đố với thiên nhiên với nguy hiểm từ những nhân họa đến thiên họa. Những chi tiết xác thực gần cận đời sống đã làm cho tác phẩm ”Tiếng kêu trên biển vắng” thành một chứng liệu xác thực của một biến cố thương tâm không những cho dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại nữa. Qua những trang sách tôi đã hiểu được mục đích của tác giả khi nhận định rằng đây là một tư liệu tiểu thuyết. Hai danh từ xem ra hơi ngược nhau nhưng ở trong trường hợp này lại làm rõ hơn ý nghĩa của tác phẩm.
Thời gian mà chiếc tàu vượt biển là một thời điểm tệ hại nhất của dân tộc Việt Nam. Hà chính ư mãnh hổ, dân chúng sống trong một xã hội đang trên bờ vực tan rã, kinh tế đói kém, chính trị áp bức, chế độ bạo ngược, rồi với những chính sách như ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, đổi tiền, đuổi dân thành phố ra các vùng kinh tế mới hoang vu rồi bỏ mặc khiến thành phố Sài Gòn đầy những người không nhà sống lê lết bên hè đường vỉa phố. Trong khi đó, hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức của chế độ VNCH cũ bị giam tập trung trong trại tù cải tạo. Thời kỳ này phong trào vượt biển lên cao đến nỗi có sự ví von là nếu cột đèn đường mà biết đi thì cũng sẽ vượt biên.
Kể chuyện về vượt biển, có lẽ có rất nhiều điểm tương tự từ những chuyến vượt Đông Hải ra khơi. Về đại thể thì như thế, nhưng mỗi chuyến đi lại có những tình tiết riêng. Ở tác phẩm này, tác giả Phùng Nhân đã trong phong thái riêng biệt để tạo thành một câu chuyện vừa xác thực vừa có những nét nhân bản. Trong truyện, những thuyền nhân vì hoàn cảnh khốn cùng mới phải ra đi. Họ cũng yêu quê hương đất nước, cũng yêu gia đình thân tộc nhưng phải đành đánh cuộc với nguy hiểm để tìm tự do cho bản thân và gia đình mình. Tài công Phạm văn Hoàng một nhân vật chính trong truyện không chỉ là một nhân chứng với câu chuyện của anh mà còn cho độc giả thấy được một thời thế mà con người bị đẩy đi tìm đất sống với những định mệnh khắt khe đã ngầm chứa nhiều bi thảm. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, cả đất nước đã bị dìm vào một địa ngục và những người dân lương thiện đã phải chọn một cách thế để sống còn.
Đọc truyện Phùng Nhân, tôi thấy được những chồi yêu thương mọc lên từ bi thảm. Chính trong những hoàn cảnh ngặt nghèo con người mới biết đùm bọc nhau. Chính trong những hoàn cảnh thập tử nhất sinh mới thấy quyền năng của Thượng đế. Và định mệnh cũng đã dành sẵn cho mỗi người giữa hai bên bờ sống chết.
Từ tiểu thuyết của Phùng Nhân, tôi lại có chút liên tưởng chạnh lòng từ nỗi riêng mình. Tôi cũng là thuyền nhân, và cũng đã trải qua những ngày trên biển. Đọc “Tiếng kêu trên biển vắng” tôi không làm sao mà có thể quên được những hồi ức đã ăn sâu trong tiềm thức mình, mỗi lần nhắc đến hoặc đụng chạm đến lại vô vàn cảm khái.
Có những nơi chốn, thành một phần đời sống của mình. Một bữa, lục chồng ảnh cũ, thấy bộ hình nhiều tấm chụp cả toàn cảnh đảo Galang, tự nhiên, tôi thấy mình như nao nao một nỗi niềm nào khó tả… Thời gian qua quá nhanh. Mới đây, tôi còn là một chàng tuổi trẻ, mà bây giờ đã ở tuổi quá sáu mươi, với tất cả những chuỗi ngày lúc trầm lóc bổng của cuộc sống. Có người cho rằng việc ngoái lại quá khứ là phản ứng của những người không vừa lòng với hiện tại và ít có tin tưởng ở tương lai. Nhai lại những kỷ niệm cũ, để trở về với cái hào quang của đời mình.
Nhưng với tôi, tôi không có hào quang để nhớ vì đời sống của tôi cũng bình thường như những người cùng tuổi khác và có lẽ trong cái vui cũng ngầm chứa cái buồn và ngược lại. Nhắc lại kỷ niệm, nhìn ngoái lại thời gian qua, có lẽ chỉ là sự trân trọng một phần đời sống mình. Ở thời hiện tại, sống trong cuộc sống hàng ngày, những mơ mộng cũ, những hồi ức xưa có lúc đã làm cho nhịp sống bây giờ bớt phần gay go ác liệt của những cuộc tranh sống tối mặt. Nhìn về xưa cũ, có khi là một cuộc du ngoạn để trong lịch trình cuộc sống có những giây phút coi như là những cuộc nghỉ hè rong chơi để con người bớt căng thẳng …
Nếu có thể, trong đời tôi sẽ ghé về chốn ấy. Có thể, là Sài Gòn, thành phố của tuổi hoa niên mơ mộng của biết bao nhiêu kỷ niệm không quên. Có thể, là Pleiku, thành phố của bụi đỏ, nắng mù mưa quánh, của những ngày bắt đầu vào lính, của lúc mà hào khí tuổi trẻ bừng bừng, khi mà ngây thơ của một chú gà trống nhỏ nhoi mà tưởng mình vô địch… Chuyện ấy dễ dàng quá, vì bây giờ chính quyền trong nước đã mở rộng tầm tay để chiêu dụ người Việt di tản và vượt biển ngày xưa trở về để làm giàu cho kỹ nghệ du lịch. Nhưng sao, với tôi vẫn có một cái gì nghi ngại và thú thực tôi đã mơ trở về thăm lại chốn xưa mà có người đã cho rằng cái giấc mơ ấy quá thường và không đáng gọi là giấc mơ nữa. Người ta chỉ mơ mộng những cái gì khó đạt được. Chứ còn trở về Việt Nam thăm quê, chuyện qúa nhỏ và dễ dàng. Thế mà, tôi vẫn cứ dị ứng mãi với những bộ mặt dưới nón cối sùm sụp và những người mà chúng tôi gọi là bò vàng trong trại tù …
Nhưng, cũng có lúc tôi mơ sẽ ghé về thăm nơi tạm trú đầu tiên bắt đầu những ngày lưu lạc xứ người. Ở nơi đảo xa ấy, chắc bây giờ đã hoang phế, làm nhớ lại bao nhiêu cuộc đời đúng nghĩa với ngôn từ trôi dạt. Ở đó, có những hăm hở của ngày tháng bắt đầu. Nhưng cũng có đau xót của những mất mát. Ở đó, tôi đã thấy những con mắt rượi buồn nhìn ra biển khơi, để tưởng nhớ lại hình bóng những người thân đã biệt thẳm, của những người khốn khổ. Ở đó, tôi đã thấy những người nửa sống nửa chết trong sự ly biệt, quanh quẩn mãi với nỗi mất mát tràn ứa tiếc thương. Ở nơi chốn ấy, dường có một bài thơ, như lời vọng của người vợ hiền nào vọng lên từ lòng biển thẳm, của khói sóng dạt về.
“Anh, rẽ thẳng ngôi em làn tóc xõa
không quanh co khuất khúc mối tình em
dù biển gió sẽ rối tung trăm ngả
anh vuốt ve cho giấc ngủ em mềm
Anh, hãy ru em ca dao mật ngọt
Cho em quên cơn khát biển nhọc nhằn
Có phải em vẫn tràn đầy hy vọng
ghé bãi bờ nào lưu lạc dừng chân
Anh, vuốt khẽ cho em tà áo mộng
Khép sau lưng tia nắng đẹp phố phường
Ô kìa anh tung tăng đôi bướm đẹp
Đôi ta đùa trên cỏ biếc thân thương
Anh, đọc nhỏ thơ anh lời dưới mộ
Có phải em đang dần rã xác thân
Hồn trôi dạt bập bềnh trên khói sóng
Đi về đâu trăm ngã chốn phân vân
Anh, hãy hôn em bờ môi vời vợi
Giữ cho nhau manh áo ấm em đan
Còn hơi ủ của mặt trời mong đợi
Sao mắt anh đau xót mãi vô vàn
Anh, em đã vùi sâu lòng biển thẳm
Vèo cánh chim qua nhịp sóng đoạn trường
Rêu xanh có đủ lấp thành nấm mộ?
Bao giờ đây, em về được quê hương?”
Bài thơ ấy, có phải là vé lên tàu để tôi đi lên con tàu của sân ga đời sống. Không phải là nỗi niềm của một người ở Tần nhớ Tấn mà, chính là kỷ niệm đã sống lại trong vô thức khôn nguôi.
Mấy tháng ở đảo, gặp gỡ biết bao nhiêu người, nghe kể bao nhiêu là cảnh ngộ, thấy đoạn đường đi tị nạn gai góc biết bao. Biển, có lúc hiền hòa thơ mộng, nhưng cũng có lúc hung hãn bạo cuồng. Người, có khi là ngư dân lương thiện, giúp đỡ những lúc đói khát khốn cùng nhưng cũng có lúc là những hải tặc Thái Lan man rợ dữ dằn, là nguyên nhân của những cái chết tức tưởi, những trò dâm ô thú vật hành hạ trên thân xác con người. Đâu có ai muốn phiêu lưu, mang tính mạng của mình, gia đình mình đánh cuộc cùng rủi may. Nếu không có một chế độ hà khắc phi nhân, nếu không có những trại giam mở ra cả nước, không có những chính sách phân biệt đầy ải những người bị thua trận. Ở một đất nước mà thậm chí đến cả cái cột đèn cũng muốn vượt biển ra đi, thì, xá gì hậu quả, những chuyến tàu vẫn liên tiếp ra khơi, mang theo những hy vọng, và, đôi khi cả những thất vọng. Đã có nhiều người vùi sâu đáy biển, đã có những con tàu tan nát dưới giông bão …
Như thói quen mỗi buổi sáng ở freeway trên con đường đến sở, tôi lơ đãng bật đài phát thanh để nghe cho đỡ đường dài. Có một lần bỗng nhiên, nghe đoạn phóng sự những người tị nạn về Galang thăm lại cảnh cũ xưa, tôi tưởng như mình lạc vào một thế giới khác. Trước mặt, không thấy cảnh kẹt xe nữa. Suy nghĩ miên man, đi quá mấy exit mà không biết. Trong tâm, bùi ngùi cảm xúc. Hai mươi năm, qua thật mau. Một thời đã qua. Một đời tiếp nối. Tự nhiên, những người trăm năm cũ hiện về. Từ ký ức chẳng thể nào quên. Những ngày tháng ấy…
Tôi vượt biển vào tháng tám năm 1980. Cũng đã đi nhiều lần, cũng lên “cá lớn, cá nhỏ“ nhiều bận, bị lừa gạt, chạy xất bất xang bang nhiều phen, rốt cuộc đến được xứ sở tạm dung vào một ngày trăng tròn. Đến đảo Kuku, khi nơi đây dân tị nạn vừa chuyển tiếp từng đợt qua đảo lớn Galang nên chỗ này hoang vu lắm. Những dãy nhà dài bỏ không, cây cỏ xanh um. Ngôi chùa ở lưng đồi, trơ những hàng cột và những tấm bạt ni-lông rách bươm phần phật trong gió. Và nghĩa địa, nơi những người tị nạn sớm bỏ dương trần, những bia gỗ sắp hàng trong cái lạnh lùng hoang dã không sinh khí.
Nhưng, phong cảnh đảo thì tuyệt đẹp. Đi sâu vào trong, có dòng suối, có những mỏm đá hữu tình. Bờ biển cát trắng, nước trong. Những ngày đầu, trăng sáng lồng lộng. Qua một hành trình mệt nhọc trên biển, bây giờ mới biết chắc mình còn sống. Lúc đầu, chân lơ lửng bềnh bồng như trên sóng. Mấy ngày sau, mới bình thường đi lại vững vàng trên mặt đất.
Thời khắc mà nhìn biển với màu xanh mù mịt thăm thẳm đã qua. Nhớ lại cảm giác, trên hành trình, nhìn đại dương xanh biền biệt một màu, nhất là vào những buổi chiều tắt nắng sao cô đơn và phập phồng chi lạ. Biển với những tay sóng thịnh nộ như lúc nào cũng muốn ra oai vùi dập với con người và con thuyền gỗ nhỏ bé. Biết bao nhiêu người vùi mình dưới đáy đại dương. Biết bao nhiêu con thuyền vỡ tan trong dông bão. Đến lúc nhìn thấy những cánh chim sao ấm áp quá. Đất đã hiện ra, và cái sống đã như trở lại.
Bây giờ, biển lại hiền hòa vỗ về bờ cát. Bây giờ, biển lại âm vang những khúc tình ca. Ngay cả khi trong những cơn mưa nhiệt đới, dù mù mịt ngoài khơi nhưng trong bờ nước ấm áp dễ chịu. Ngọn núi ở phía trong, với những dường mòn khuất khúc, với những khoảng rừng thưa, như hứa hẹn những không gian nào, nơi chốn nào cho tìm tòi khám phá…Hết rồi những ngày bị dòm ngó, bị đe dọa ở quê hương. Saigòn, có những lúc rưng rưng nhớ. Thành phố của những ngày mới lớn, của những mơ ước, của những nỗi niềm….
Ở Kuku nửa tháng rồi có tàu lớn chở qua Galang, một cuộc sống khác bắt đầu, như ở một phố nhỏ nào lạ lẫm. Một con đường trải nhựa từ bến tàu đi vào trung tâm đảo. Những dãy nhà tôn hai bên, khu Galang I. Con đường đi qua tới cuối đảo là khu Galng II đang xây cất. Lúc ấy cả đảo có chừng gần hai chục ngàn thuyền nhân, có người di chuyển từ Mã Lai, Thái Lan hoặc Hồng Kông tới. Thuyền nhân Hồng Kông thì có bề ngoài bảnh bao hơn những nơi khác đến. Nhiều lần tôi ở trong những người đại diện trại đón tiếp những người nhập đảo và cũng nhiều lần được nghe những mẫu chuyện về đời thuyền nhân. Có những nghẹn ngào cố nén xúc động khi nhắc về những người đã khuất và những chuyện thương tâm. Biển đưa người đi nhưng biển cũng vô tình giết người….
Ở đó, một cuộc sống tạm bợ lạ lùng bắt đầu. Cũng có các nơi phải đến : nơi cấp lương thực hai tuần một lần, nơi phát thư để mong có những liên hệ vói thế giới bên ngoài, có văn phòng cao ủy để làm thủ tục định cư, có ban đại diện trại để lo những công tác công cộng.
Nhìn bề ngoài thì như vậy, nhưng trong thâm tâm mỗi người tị nạn chất chứa đầy ắp những nỗi niềm. Cá nhân tôi, may mắn mọi chuyện chót lọt, không phải lo lắng đến chuyện đi Mỹ nên tâm tư thoải mái hơn. Dù rằng, vẫn nghĩ về quê hương với nỗi ngậm ngùi. Còn phần đông, với mọi người là cảnh huống nóng lòng chờ đợi ngày đi định cư. Những ngày ở đảo, dài theo chuỗi đợi chờ. Có nhiều người bị ở đây cả năm nên tinh thần khá sa sút. Những cái loa, báo tin mừng, tin buồn. Người đi, vui vẻ. Người ở lại, lo lắng đợi chờ…
Nhưng, có những nỗi đau đớn lớn hơn. Có những người mất mát thân nhân ngoài biển cả. ”Nghĩ đắt vô cùng giá tự do”, câu thơ Thanh Nam thật là đúng. Ở barrack tôi ở có ông già người Hoa cả đại gia đình cả mấy chục người chỉ còn sót lại có hai ông cháu. Buổi tối ông cõng đứa cháu nội trên vai lủi thủi đi xem truyền hình rồi nặng nề trở về trong đêm tối trông đau đớn làm sao. Có lần ông kể trong nước mắt, cái đêm mà cả đại gia đình của ông bị lính Mã Lai áp tải lên thuyền tống ra khơi rồi tất cả bị sóng cuốn đi. Tiếng khóc nén trong lồng ngực nghe tội nghiệp. Xoa đầu đứa bé ba bốn tuổi, ông nói nếu không có nó chắc ông cũng chẳng sống làm gì. Những người như vậy, chắc đến lúc họ xuôi tay về với đất mới có thể quên lãng được nỗi đau đớn ấy.
Nếu có dịp trở lại, tôi sẽ ghé về để nhìn lại barrack mà mình đã sống gần sáu tháng. Cũng như, sẽ bồi hồi biết bao khi đứng ở cầu tầu để đón những người đến và tiễn những người đi. Con đường xuyên qua đảo, biết bao nhiêu kỷ niệm. Những hình bóng thoáng qua. Những cuộc tình vời vợi…Cũng có những nuối tiếc bâng khuâng, ngày ấy tuy đã hơn ba mươi tuổi mà sao nghe già cỗi cuộc đời. Mới đây hai mươi lăm năm. Và, những người muôn năm cũ. …
Có bài thơ, viết trong thời kỳ ấy, như một dấu tích của tiễn đưa ly biệt. Có những cuộc tình, gặp gỡ nhau rồi lìa xa nhau, như một tình cờ của cuộc sống. Tình khúc, có nỗi niềm riêng và những người năm xưa ấy, không biết bây giờ còn chút tưởng vọng nào không :
“Bởi đảo nhỏ thành sân ga thoảng chợt
người vẫy nhau chào mưa nắng bàng hoàng
em chăn đơn ấm không đêm bão rớt
giọt chờ mong rơi rụng giữa mênh mang
Em trưa chiều vẫn đi về lộ nhỏ
Dù tay che một chút mộng vừa nghiêng
Mây trầm xuống từ nao nao ngực thở
cơn mê dài lặng lẽ mấy nỗi niềm.
Loài sẻ nhỏ vẫn reo vui tường nắng
Phải hồn anh khẽ động bước em qua
Cứ tiếc hoài sao tóc em còn ngắn
Chưa đủ dài tay đo buổi chia xa
Em sốt ruột làm sao lòng đủ rộng
Để cho nhau kỷ niệm đến vô bờ
Mây bay qua, tháng năm như bọt sóng
Đôi đũa nào gắng gượng một tay so
Em có biết đời không toàn mơ mộng.
Gặp rồi tan, ôi lưu lạc kiếp đời
Gọi tên nhau giữa bão dông khan giọng
Âm rưng hoài trong tiềm thức nào nguôi
Bài thơ viết sao mãi loang mầu mực
Câu thơ tình sao ngại đọc cho nhau
Đêm nhiệt đới những tinh cầu đang thức
Soi sáng cho ngã rẽ đến phương nào
Bao nhiêu năm vẫn hoài hoài cơn mộng
Da thịt kề đêm cuối để giã từ
Trong thủ thỉ của chập chờn con sóng
Bỗng nghe em lệ rớt thật tình cờ…”
Tôi chợt nhớ đến một bài hát làm tôi xúc động. Bài “Trên Đảo Galang Nghe Người Hát“ của anh Trần Đình Quân, bây giờ đã khuất núi. Bài hát mà tôi đã nghe chính tác giả hát trong một cuộc họp mặt có rất đông những người viết văn làm thơ viết nhạc ở nhà tôi với tiếng đàn đệm dương cầm của chị Quỳnh Giao. Bài nhạc đã làm cho tôi rưng rưng và mắt đỏ đến nỗi phải ra sau vườn để trấn tĩnh lại. Nốt nhạc buồn, ngôn ngữ bình dị nhưng truyền cảm, diễn tả một tâm trạng mà bất cứ ai đã ở trại đảo đều cảm thấy. Hình như tôi đã thấy đôi mắt buồn vời vợi của người hát:
“Chiều qua trên đảo Galang, nghe người hát bài Kembali Ké Jakarta (trở về Jakarta). Người có Jakarta, người có quê hương để trở về thăm nhà.
Chiều nay trên đảo Galang quê người xa lạ một mình nghe lòng đau. Trở về đâu. Về đâu?
Quê ta! Về đâu! Về đâu! Trở về đâu! Về đâu!?
Quê ta đó ta không được ở. Nhà ta đó ta phải bỏ đi. Cha mẹ ta tủi buồn thương nhớ. Người yêu ta đau đớn lìa xa. Anh em ta âm thầm từ biệt . Bạn bè ta câm nín ngậm ngùi … “
Điệp khúc về đâu, về đâu cứ xoáy mạnh trong tim người nghe. Về đâu bây giờ, những người đã bỏ mình trong biển cả? Về đâu bây giờ những người lưu lạc bỏ lại quê hương? Không phải một mình anh Trần Đình Quân có câu hỏi ấy, lúc đó. Mà, bây giờ, cũng có nhiều người ngậm ngùi hát điệp khúc ấy trong hồi ức như tôi, lúc này. Sao tôi muốn gửi theo những người thuyền nhân trở về thăm lại Galang, Bidong một chút tâm tình chia sẻ. Hãy thắp giùm tôi một nén nhang nơi nghĩa trang của những người nằm lại. Hãy đi giùm tôi lên nhà thờ trên dốc cao hay bước những bậc thang gỗ lên chùa để cầu nguyện và đa tạ đất trời. Tôi muốn cám ơn đất nước Indonesia đã dung chứa và bảo bọc chúng tôi. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ mình là một người may mắn dù trong bất cứ hoàn cảnh ngặt nghèo nào. Làm lại cuộc đời ở tuổi trên ba mươi dù chậm nhưng vẫn còn chưa trễ. Định cư xứ người, đi học, đi làm, tôi đã hiểu được cái giá mà khi mình vượt biển đã định. Cố gắng sao sống cho đúng con người, chu toàn bổn phận với chính bản thân mình, gia đình mình, đất nước mình. Có phải, đó là điều tôi thực hiện ? Xin ơn trên dìu dắt tôi đi trên con đường ấy !
Nguyễn Mạnh Trinh
--------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment