Monday, March 28, 2011

THẾ HỆ 1970 và NHẠC NGUYỄN ĐỨC QUANG (Bùi Văn Phú)

28.03.2011

Những năm trước 1968, hồi còn học trung học đệ nhất cấp tức cấp 2 ngày nay, ở trường Thánh Tâm, Ngã ba Ông Tạ có thày Nguyễn Xuân Sinh dạy Việt văn kèm dạy nhạc. Tôi nhớ bài nhạc đầu tiên học từ thày có lời:

Vầng trăng mờ
một trời thơ
xa xa tiếng ca êm đềm đưa
chân mây thưa
ánh sao úa
sương buông mờ đường về làng xưa

Đó là một bài hát có nhịp điệu chậm rãi. Rồi thày dạy chúng tôi đánh nhịp 4/4, ¾ rồi 2/4, từ chậm lên nhanh. Bài hát nhanh được thày dạy là:

Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới
hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau
nghi ngờ nhau khích bác nhau cho cay cho sâu cho thật đau
Không phải là lúc cứ ngồi mà cãi suông
không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dắt đầu
thế giới ngày nay không còn ma quái thần tượng tàn rồi
còn anh với tôi chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.

Khi đó tôi không biết ai sáng tác bài hát trên, nhưng vừa hát vừa vỗ tay để giữ nhịp và thày dạy cho hát từ vừa đến thật nhanh, rồi hát đuổi nên đã cho chúng tôi những giờ vừa học vừa sinh hoạt vui trong lớp.

Bài hát được học thời đó, đến nay tôi vẫn còn thuộc. Khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua đời, tôi ngồi viết ra những dòng này là ghi lại từ trí nhớ mình, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng lời nhạc trong lớp học xưa còn như văng vẳng đâu đây. Bài hát ở lại với tôi từ đó và ít nhiều trở thành một lời hướng dẫn cho tôi về tinh thần dấn thân và cách làm việc tập thể, khác với những thế hệ trước.

Lên trung học rồi đại học, tôi học thêm được nhiều bài hát cộng đồng nữa. Thường tham gia sinh hoạt, ca hát nên những bài như “Gia tài của mẹ”, “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, như “Việt Nam Việt Nam” của Phạm Duy; “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Hy vọng đã vươn lên”, “Đường Việt Nam” của Nguyễn Đức Quang là những bài hát rất được phổ biến nơi trường, trong những cuộc họp mặt thanh niên sinh viên, tại những trại hè. Những ca khúc đã là niềm mơ ước, đã đem đến cho chúng tôi sự phấn đấu của tuổi trẻ cùng suy nghĩ về quê hương đất nước trong giai đoạn có quá nhiều đau khổ, nhiễu nhương.

Nhưng trong đám sinh viên, thỉnh thoảng lại được nghe lén một vài bài hát không được loan truyền rộng rãi, từ một băng cát-sét chỉ có giọng ca và tiếng đàn ghi-ta thùng. Loại âm nhạc mang tính phản chiến, có thể bị xếp vào loại thân cộng nữa:

Xương sống ta đã oằn xuống
cuộc bon chen cứ đè lên
người vay nợ áo cơm nào
thành nợ máu trăm năm còn thiếu
một ngày một kiếp là bao
một trăm năm mấy lúc ngọt ngào
ôi đến bao giờ được nói tiếng an vui thực thà
Người bị treo hết hai tay và đóng đinh vào óc
miệng hô lớn kiên cường hoài mà trái tim bật khóc
cuộc sống đó rồi đi đâu?
nhìn nước dâng chân cầu
trời còn mù mịt lắm
hỡi đồng bào khắp chốn thương đau

Hay những câu ca dưới đây, nếu là thanh niên sinh viên thời đó nghe mà không cảm thấy thấm thiá, xót xa cho thân phận con người Việt Nam sao được.

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu
vú mẹ gầy cơm chẳng nuôi thân
vắt tình này thôi máu mẹ nuôi con
Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu
nghe xung quanh nghiêng ngả cợt cười
cạnh chén cơm chan máu dân tôi…
Sao giống nòi vẫn vương buồn
sao giống nòi mãi nguy nàn
bao giờ cho người không còn nghe
lại tên Việt Nam nhược tiểu
Anh nghĩ gì núi sông này?
em nghĩ gì nước non này?
buồn hay vui, tình quê hương
có nấu nung lửa hờn?

Những lời ca như thế, nghe lén lút vì sợ có ai biết được báo cảnh sát, nên lại dễ nhập tâm. Rồi chúng theo tôi rời quê hương.
Đến Hoa Kỳ, tôi cùng một số bạn tổ chức sinh hoạt sinh viên tại Đại học Berkeley và với các sinh viên bạn ở Bắc và Nam California trong nhiều sinh hoạt văn nghệ, đấu tranh. Qua giao tiếp với những đàn anh tôi mới biết những lời ca trên cũng chính là những sáng tác của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang và hai bài là “Xương sống ta đã oằn xuống” và “Nỗi buồn nhược tiểu”.

Tôi có nhiều dịp nghe Nguyễn Đức Quang hát ở Mỹ. Những năm đầu thập niên 1980 anh hát với sinh viên Việt Nam ở U.C. Los Angeles, với người Việt San Jose trên sân khấu Center for the Performing Arts. Những điệu nhạc, lời ca của Nguyễn Đức Quang lúc nào cũng sùng sục sôi. Nói như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là như “thổi đến trái tim người nghe hơi nóng hừng hực của một trái tim bốc lửa”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bên phải, cùng Trần Anh Kiệt, Trương Xuân Mẫn, Đồng Thảo và Nguyên Nhu
trong một buổi hát ở San Jose tháng 3.2008. (Ảnh Bùi Văn Phú)


Ba mươi năm qua Nguyễn Đức Quang vẫn với trái tim bốc lửa ôm đàn du ca. Lần sau cùng tôi nghe anh hát là ở San Jose cách đây đúng ba năm về trước. Hôm đó, cùng với những du ca một thời như Trương Xuân Mẫn, Nguyên Nhu, Trần Anh Kiệt, Đồng Thảo đã lại thổi vào hồn tôi và khán giả những lời ca hào hùng của người anh trưởng du ca Việt Nam, làm tim tôi rộn ràng:

Nhưng càng mưa giông càng vươn tới
bước chân hùng còn đi rất hăng
đi dựng lấy huy hoàng
giống da vàng này là vua đấu tranh
Đường của ta đưa ta về thanh bình
đường an lành đường thảnh thơi những ngày vui
đường Việt Nam mời những bước chân rời
sát nhau lại vì đường vẫn còn dài

Tôi thuộc thế hệ sinh viên của những năm đầu 1970 ở quê nhà. Không như đàn anh đã dấn thân, tôi chỉ bắt đầu nhập cuộc, thừa hưởng lời ca, tiếng hát của các anh các chị truyền lại. Những ca từ về tuổi trẻ, đất nước trong một thời kì cực khốn của quê hương.

Các bạn của thế hệ 1970 ơi. Tiễn Nguyễn Đức Quang chúng ta cùng nhau cất cao tiếng hát nhé:

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên

Sáng sớm 27.03.2011 trái tim trong người Nguyễn Đức Quang ngừng đập sau 68 năm sôi sục theo dòng đời. Nhưng những âm điệu của anh còn đập mãi trong tim con người và đất nước Việt Nam.

“Việt Nam quê hương ngạo nghễ” là bài hát cộng đồng trong sinh hoạt của sinh viên Đại học Berkeley năm 1980. (Ảnh Bùi Văn Phú)

Berkeley 27.03.2011

-------------
.
.
.


No comments: