Thursday, February 17, 2011

THUYỀN NHÂN - NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN (RFA)

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2011-02-16

Chiều 11 tháng 2 năm 2011, quyển sách “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” đã chính thức được giới thiệu đến với độc giả vùng Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn.
Buổi ra mắt sách được tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt ở California. Thông tín viên Ngọc Lan tường trình về sự kiện này. 

Tác giả Carina Oanh Hoàng (đeo kính) đang ký sách cho độc giả tại buổi ra mắt tác phẩm “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” chiều 11/2/2011.  Photo by Ngọc Lan


Ý tưởng ban đầu

“Boat People: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996” dày 250 trang bằng Anh ngữ. Trong đó, có 38 mẩu chuyện ngắn do chính thuyền nhân Việt Nam kể lại, hoặc do những người nước ngoài từng đi cứu thuyền nhân, hoặc làm cho trại tị nạn ngày xưa, chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm mà họ đã từng trải qua đối với thảm trạng thuyền nhân Việt Nam từ năm 1975.
“Boat People” là tác phẩm được nung nấu trong nhiều năm của tác giả Carina Oanh Hoàng, một thuyền nhân vượt biển từ năm 1979, khi cô được 16 tuổi, hiện đang định cư tại Úc.
Carina Oanh Hoàng cũng chính là người đã thực hiện nhiều cuộc trở về các trại tị nạn xưa để tìm mộ của những người còn nằm lại nơi những nghĩa trang hoang vắng trên các trại tị nạn ở Indonesia như Kuku, Letung, Air Raya… Trong những chuyến đi đó, mỗi khi tìm thấy bia mộ nào còn có thể đọc được tên, Carina Oanh Hoàng cùng các đồng sự của mình dùng sơn đỏ sơn lên và chụp hình lại, rồi để lên website cá nhân mình.
Bằng cách này, nhiều người đã tình cờ tìm lại được tông tích thân nhân họ, dù chỉ qua hình ảnh một nấm mộ.
Chia sẻ lý do về sự ra đời của quyển sách “Thuyền Nhân”, tác giả Carina Oanh Hoàng nói, “Từ năm chín mươi mấy, tôi đã có ý định ghi chép điều gì đó về phần lịch sử này nhưng chưa biết là sẽ làm dưới hình thức nào. Cách đây hai năm, thực sự từ những chuyến đi về Indonesia, nhìn thấy những mồ mả của người Việt Nam mình như vậy, cũng thấy được tâm tư của những người đi tìm người thân đã thôi thúc tôi muốn làm cuốn sách này và làm càng sớm càng tốt. Hơn nữa là tôi muốn làm để lại cho con của mình mà không làm bây giờ thì sợ mai mốt sẽ bị mai một không còn khả năng làm nữa.”
“Thuyền nhân”, với gần 200 bức hình, đa số là hình màu, ghi nhận hình ảnh những gương mặt thảng thốt, những đôi mắt tuyệt vọng, những thân người bất động, cùng những trang nhật ký, những lá thư riêng,.. tất cả đều gợi nhắc lại một giai đọan đau thương nhất của lịch sử dân tộc, lịch sử thuyền nhân.

Cái giá của tự do

Những người có mặt tại buổi ra mắt quyển “Thuyền nhân” đã cùng rơi nước mắt với anh Mai Phước Lộc, một thuyền nhân đang định cư tại Úc, cũng là tác giả câu chuyện “Sống để kể lại câu chuyện của chúng ta” (Live to tell our tale).
Anh Mai Phước Lộc thổ lộ, “Dịp may là gặp chị Carina Hoàng cách đây mấy năm, chị có nhã ý muốn làm một quyển sách về thuyền nhân. Quyển sách này đích thực muốn nói lên một giá trị là để lại cho  những thế hệ sau này biết giá trị lịch sử thế hệ ông cha chúng ta ngày trước đã trả giá cho sự tự do như thế nào bằng cả mạng sống.
Bản thân Lộc là người đi vượt biên năm 1985, số tàu là MB433. 15 ngày lênh đênh trên biển, tàu tôi bị hải tặc hai lần. Trên tàu có 21 người, chỉ có vài người đàn ông, còn lại đa số là đàn bà và trẻ con. Mỗi lần gặp hải tặc họ đều lùa hết đàn bà qua bên nó để mà hãm hiếp liên tục 4, 5 ngày. Khi họ trở về, chính tôi cảm thấy những cô gái nằm vật vưỡng đó, máu họ vẫn chảy, họ vẫn sưng, họ vẫn khóc. Mình cảm thấy rất đau xót nhưng mình không thể làm gì khác hơn được nữa.”

Cũng cùng chung tâm trạng của một thuyền nhân, anh Phan Việt Dũng, hiện đang định cư tại Santa Ana, miền Nam California, cho biết anh đi vượt biên từ 33 năm trước, cũng trải qua nhiều gian khổ, cũng đã nhìn thấy nhiều thảm cảnh như nhìn thấy những xác chết, những xác tàu trôi giữa biển do bị bão đánh chìm, và ba mẹ cùng một người anh, người chị của anh cũng đã mất tích trong những lần vượt biển từ hơn 30 năm qua.
Nói về “Boat People,” thuyền nhân Phan Việt Dũng, chia sẻ,“Tôi cầm cuốn sách trong tay rất là xúc động, chưa đọc nhưng biết là cuốn sách rất là hay, có một giá trị rất sâu sắc đối với những người đã trải qua những thảm cảnh khi đi vượt biên trong ba thập niên về trước.”

Không phải là người vượt biển đi tìm tự do, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Hải Vân, cư dân thành phố Westminster, ở ngay Little Saigon, cũng tìm đến mua ba quyển sách “Thuyền Nhân” để mang về tặng cho con cháu.
Bà nói “Nó cứ hỏi tại sao đi sang đây làm chi, mà nói tiếng Việt thì nó không hiểu lắm nên cứ tìm mua mãi mà không có, hôm nay tôi nghe trên radio, tivi, thành ra tôi đến để mua cho mỗi gia đình một quyển, nội ngoại, mỗi gia đình một quyển  để cho các cháu nó hiểu, không nó tưởng sang bên này sung sướng lắm hay sao chứ thực sự đi khổ lắm chứ, mà bỏ nước mình đâu có muốn đâu, nhưng tại vì chế độ mình chịu không nổi thì mình phải đi thôi”

Xúc động nhất có lẽ là hình ảnh của bà Đặng Thị Thu với mái đầu trắng xóa tìm đến mua sách chỉ với ước mơ “lật tìm thử xem có hình ảnh các con tôi không.” Bà Thu có ba người con đi vượt biên ở những năm 81, 82, và bị mất tích. Ba mươi năm rồi, nhưng nỗi khắc khoải tìm thấy được tông tích con mình vẫn không thôi day dứt trong trái tim người mẹ.

Quyển “Boat People” không được in một cách thông thường như người ta vẫn thấy. “Thuyền Nhân” được trình bày công phu như một tác phẩm nghệ thuật để chứa đựng những câu chuyện không thể nào quên, như Tôi đã 16 và tôi đã đánh mất, Để được nhìn thấy mẹ một lần nữa, Bữa ăn kế tiếp của chúng tôi, Vĩnh biệt bà ngoại, Cha tôi đã không trở về, Sống để kể lại câu chuyện của chúng ta, Kỷ niệm với Mộng Hà,…
Những câu chuyện của thuyền nhân sẽ mãi là những câu chuyện của ngàn sau, những câu chuyện không bao giờ bị lãng quên với tất cả những người dân Việt có gắn với hai chữ “Boat People.”

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-----------------------------------


.
.
.

No comments: