Saturday, February 12, 2011

LỊCH SỬ TỊ NẠN ĐẦY ĐAU THƯƠNG - BOAT PEOPLE của CARINA HOÀNG

Hà Giang/Người Việt
Friday, February 11, 2011

Sách 'Boat People,' từ một người đi đắp mộ thuyền nhân

WESTMINSTER (NV) - Cô đọng, thân tình, gần gũi, và trĩu nặng cảm xúc.

“Tôi rất vui khi thấy cuốn sách được xuất bản, vì như vậy thì sự hy sinh của 13 người bạn tôi không bị trở nên vô nghĩa.” Tiến Sĩ Keith Collins (trái) chia sẻ với Người Việt trong buổi ra mắt cuốn sách Boat People tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.” (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Ðó là không khí của buổi ra mắt cuốn sách “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” (“Thuyền Nhân: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996”), tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, vào khoảng 4 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 11 tháng 2 vừa qua.

Hơn 250 trang, viết bằng Anh ngữ, “Thuyền Nhân” vừa là một cuốn sách ghi nhận sự kiện, mà cũng là một tài liệu lịch sử, ở một khía cạnh khác, lại là một tác phẩm nghệ thuật. “Thuyền Nhân” chứa đựng hơn 200 hình ảnh, đa số hình màu, chưa bao giờ được phổ biến. “Thuyền Nhân” còn là một pho tài liệu, thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 38 người trực tiếp tham dự vào cuộc di tản khổng lồ diễn ra cách đây gần 30 năm.

Cuốn sách là tích lũy trí tuệ sau nhiều năm tác giả Carina Hoàng, làm việc bằng tay chân, đi tìm và xây lại những ngôi mộ thuyền nhân bỏ hoang trên các hòn đảo hoang vu vùng Ðông Nam Á.

Chưa đến giờ khai mạc, bà Carina Hoàng đã tíu tít vừa đón chào khách vừa bận rộn ký tên.

Mỗi người một tâm trạng, người tham dự đến đó không để chỉ mua sách, mà còn để ủng hộ người chủ biên, để sống lại biến cố lịch sử của Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, một biến cố đã tạo nên hai chữ “Boat People,” để tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, hay cũng có thể để tìm tung tích người thân đã từ lâu thất lạc.

Như cụ bà Ðặng Thị Thu Ba, năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn còn khắc khoải đi tìm ba người con ở tuổi từ 18 đến 20, vượt biên từ năm 81, 82 và cho đến giờ vẫn bặt tin.

Với những giọt nước mắt cố nén lại cho khỏi trào ra và hai bàn tay lần giở từng trang sách, bà tâm sự “giờ thì tôi chỉ mong là qua cuốn sách này tìm được tăm hơi về mộ phần của các con.”

Sở dĩ cụ Thu Ba nói như vậy, là vì cụ biết là ngoài việc soạn cuốn sách Thuyền Nhân, bà Carina Hoàng còn từng tổ chức bao chuyến đi về những hoang đảo ở Malaysia và Indonesia để giúp mọi người tìm mộ người thân là những thuyền nhân đã bỏ mình trên đường tị nạn.

Cũng có mặt trong buổi ra mắt sách là thân phụ của bà Carina Hoàng, một cựu chiến binh trong quân đội VNCH, đã bị tù 14 năm sau biến cố 30 tháng 4, và ông SàiGòn Hoàng, người em trai đã cùng Carina Hoàng vượt biên vào năm 1979.

Ông Phan Nhật Dũng, một người nhờ website của bà Carina Hoàng mà tìm ra được ngôi mộ của mẹ đã bỏ mình trên một hòn đảo ở Indonesia cách đây hơn 31 năm, đến để “vừa mua sách, vừa ủng hộ và cám ơn chị Carina.”

“Giờ thì tôi chỉ mong là qua cuốn sách này tìm được tăm hơi về mộ phần của các con.” Cụ bà Ðặng Thị Thu Ba chia sẻ tâm sự trong buổi ra mắt cuốn sách Boat People tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.” (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Còn Tiến Sĩ Keith Collins, một giảng sư về môn cuộc chiến Việt Nam tại trường đại học Cal State Long Beach thì cho phóng viên Người Việt biết ông đến để “ủng hộ cuốn sách,” vì “tôi có 13 người bạn đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam,” và tâm sự rằng ông rất vui khi thấy cuốn sách được xuất bản, vì như vậy thì sự “hy sinh của 13 người bạn tôi không trở nên vô nghĩa.”

Không khí trong phòng trở nên trĩu nặng và nhiều người nước mắt đỏ hoe khi bà Carina Hoàng chiếu một slide show, trong đó có nhiều hình ảnh thương tâm của cuộc di cư vĩ đại bằng thuyền, đã đưa hơn 1 triệu người ra khỏi Việt Nam, và khiến hơn 500 ngàn người tử nạn trước khi đến được bến tự do.

Nhưng người ta thực sự rơi nước mắt khi ông Mai Lộc, một nhân chứng đã kể lại hành trình vượt biển của mình trong cuốn sách.

Lời phát biểu nghẹn ngào của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà báo nổi tiếng với những bài phân tích kinh tế khô khan, đã làm những người quen biết ông ngạc nhiên và xúc động theo.

Cảm xúc về một biến cố bi ai chung là những gì rất dễ lây lan.
Có lúc cả phòng chợt rơi vào một khoảnh khác yên lặng của hoài niệm.

Lúc khác hầu như tất cả mọi cử tọa đều nhìn bà Carina Hoàng bằng ánh mắt quý mến như thầm cảm ơn bà đã bỏ công soạn một cuốn sách, mà họ cho là có giá trị trong việc đóng góp cho pho tài liệu lịch sử cho mai hậu.

Thế nhưng trong phần trao đổi giữa độc giả và soạn giả, câu hỏi của một người đàn bà trong cử tọa đã thay đổi không khí của cuộc gặp gỡ.
Bằng một giọng nói to, vị nữ độc giả cho biết là theo một bài báo của tờ báo điện tử Vietnamnet, thì bà Carina Hoàng đã về Việt Nam và làm việc ở đó 8 năm, cũng như đã mở một công ty riêng, và cổ xúy việc các công ty có vốn 100% của ngoại kiều tại Việt Nam.

“Nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu cảm tưởng trong buổi ra mắt cuốn sách Boat People tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.” (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Vị nữ  độc giả đặt vấn đề: “Với một người đã về Việt Nam làm ăn thì việc bỏ tiền ra làm cuốn sách Boat People có mâu thuẫn không?”
Bà cũng tỏ ra nghi ngờ là mục đích của bà Carina Hoàng khi soạn cuốn sách Boat People là “để làm tiền” chứ không phải để ghi lại lịch sử cho những thế hệ sau, như bà Carina Hoàng chia sẻ.

Ðáp lời vị nữ độc giả, bà Carina Hoàng cho biết bà có theo một công ty Hoa Kỳ về Việt Nam làm việc, sau đó bà lập một công ty để huấn luyện về an toàn cho trẻ em.
Bà Carina Hoàng xác định là việc bà mở công ty tại Việt Nam không mâu thuẫn gì với nhau.
“Tôi không ủng hộ gì chính quyền CSVN, nhưng tôi thương người dân Việt Nam. Tôi là một thuyền nhân và suốt đời sẽ là một thuyền nhân.” Bà Carina Hoàng nói.

Cử tọa có người vỗ tay trước câu trả lời của bà.

Một vị nữ độc giả khác đặt câu hỏi là “tại sao một cuốn sách viết về thuyền nhân lại nhắc đến chuyện Mỹ Lai?”
Không những chỉ đặt câu hỏi, vị nữ độc giả này còn cho rằng mình đã “bị lừa” và lúc mới cầm cuốn sách thì rất “hân hoan” nhưng khi biết sự kiện Mỹ Lai được liệt kê trong cuốn thì bà cảm thấy “vô cùng thất vọng.”
Biến cố Mỹ Lai (một số binh sĩ Hoa Kỳ giết trẻ em ở làng Mỹ Lai vào năm 1968) được liệt kê trong phần “thứ tự thời gian” về cuộc chiến Việt Nam trong phần cuối của cuốn sách.

Trước không khí chợt trở nên căng thẳng, ông Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu ý kiến của ông “là hãy nhìn vào tổng thể của cuốn sách,” và nghĩ đến nỗ lực nhiều năm để thu góp dữ liệu về cuộc di tản khổng lồ của người tị nạn cộng sản và “đánh giá cuốn sách một cách công tâm” thay vì “chú trọng vào những chi tiết nhỏ.”
“Vì như vậy thì người Việt tị nạn chúng ta cho đến giờ này cũng còn đang bị Cộng Sản đuổi theo.” Ông nói.

Lại có những tiếng vỗ tay ủng hộ lời phát biểu.

Ngay sau đó, giờ giải lao đã đến để xoa dịu những phút căng thẳng.

Sau đó mọi người tiếp tục xúm lại để trò chuyện với bà Carina Hoàng để mua sách, hay chờ chữ ký.
Một người đến tham dự chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt: “Thật là một buổi ra mắt sách đầy cảm tính. Những gì xảy ra hôm nay cho thấy vết thương trong lòng người Việt tị nạn đến nay vẫn chưa lành.”

------------------------------

.
.
.

No comments: