Monday, June 7, 2010

VIỆT NAM MUỐN GIẢI QUYẾT NHỮNG TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG

Việt Nam muốn giải quyết những tranh chấp ở biển Nam Hải
DCVOnlineTin tổng hợp

07-06-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7495

Việt Nam đang tiến hành giải quyết một cách ôn hòa, những tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển Nam Hải là nơi có khả năng chứa nhiều dầu và khí trong lòng biển, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Tướng Phùng Quang Thanh nói ở diễn đàn phòng thủ được tổ chức ở Singapore trong tuần qua.

“Hiện tại, chúng tôi tiến hành từng bước một, đối thoại với các nước liên hệ để giải quyết vấn đề tranh chấp này,” tướng Thanh cho hay ở diễn đàn phòng thủ IISS Shangri-la, Singapore.
“Chúng tôi sẽ thương thảo trong tinh thần bốn tốt - láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Trung Quốc đã từng yêu cầu một số công ty quốc tế chuyên khai thác dầu khí ngưng những hoạt động này trong khu vực biển mà Việt Nam cho là của mình, theo báo cáo của một viên chức Hoa Kỳ trước Quốc hội Hoa Kỳ năm rồi. Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Phi Luật Tân và Mã Lai Á đều cho rằng mình có chủ quyền hoặc một phần hoặc toàn phần trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này.

.

Tướng Thanh cũng cho hay là Việt Nam và Trung Quốc gần đây vừa đạt được một “giải pháp tốt đẹp” trong việc phân chia biên giới giữa hai bên. Trung Quốc và Việt Nam đã từng có một cuộc chiến biên giới năm 1979, cũng đã đồng ý tuần tra biển chung ở vùng vịnh Bắc Bộ (Tonkin), theo tướng Thanh.
“Chúng tôi hiện vẫn đang có những tranh chấp nhưng chúng tôi phải giải quyết vấn đề hoàn toàn dựa theo luật quốc tế.”

Vùng biển Nam Hải, trải dài từ Singapore cho đến eo biển Đài Loan, là một “khu vực có mối quan tâm ngày càng tăng, có khả năng vi phạm quyền tự do đi lại và phát triển kinh tế,” Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates nói hôm qua ở diễn đàn này. Hãng Exxon Mobil Corp và BP Plc là hai trong những hãng dầu đã phải ngưng hoạt động trong vùng biển này vì Trung Quốc phản đối, theo chính phủ Hoa Kỳ cho hay.

“Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các công ty Hoa Kỳ hay của bất cứ nước nào đang có những làm ăn kinh tế hợp pháp,” ông Gates nói.
“Chính sách chúng tôi rất rõ ràng: cần thiết phải duy trì sự ổn định, tự do giao thương trên mặt biển và một sự phát triển kinh tế tự do, không bị ngăn cản, hăm dọa.”

Về những tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Nam Hải, ông Gates cho hay Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài, không bênh ai bỏ ai trong chuyện này. Ông chỉ yêu cầu các nước hãy giải quyết những tranh chấp này một cách ôn hòa.

© DCVOnline

Nguồn:
(1) US urges free access to South China Sea: Gates. AFP, 5 June 2010
(2)
Vietnam Moves to Resolve South China Sea Disputes (Update1). Bloomberg, 6 June 2010

.

.

.

'Từ dễ đến khó'

Hồng Nga

viết từ Singapore

Cập nhật: 14:28 GMT - chủ nhật, 6 tháng 6, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100606_genthanh_viet_security.shtml

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nói tình hình Biển Đông chưa "xảy ra vấn đề gì quá căng thẳng" và các bên cần đối thoại để giải quyết các vấn đề từ dễ đến khó.

Trưa Chủ nhật 06/06, ông Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu về 'Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực' tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La và trả lời một số câu hỏi của cử tọa.

Không giống như năm ngoái, khi trong bài phát biểu về đối ngoại quốc phòng, ông Thanh từng nhắc tới tranh chấp tại Biển Đông và nói Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử (COC); năm nay diễn văn của ông hoàn toàn không đề cập tới chủ đề gây tranh cãi này.

Tuy nhiên cử tọa, gồm các chuyên gia, quan chức và giới quan sát an ninh khu vực, đã ngay lập tức đặt câu hỏi cho ông Phùng Quang Thanh về chủ đề này, điều chứng tỏ căng thẳng tại Biển Đông vẫn là một trong các mối quan tâm hàng đầu ở khu vực.

Khi trả lời, Tướng Thanh thừa nhận: "Vấn đề an ninh hàng hải các quốc gia đều hết sức quan tâm".

"Chúng ta đều có một nhu cầu khách quan là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để cùng hợp tác phát triển trong khu vực."

Ông bộ trưởng nói rằng Việt Nam "đang đối thoại với các nước có liên quan dựa trên tinh thần bản Tuyên bố cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) là giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình, đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp, không đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực; đàm phán trên cơ sở tinh thần láng giềng, hữu nghị, anh em".

Ông nói thêm: "Chúng tôi và Trung Quốc ngoài ra còn có thêm tinh thần đồng chí nữa."

Tiếp xúc Trung-Việt

Chỉ vài tiếng trước khi phát biểu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có tiếp xúc với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên.

Đây là cuộc gặp song phương duy nhất trong ngày và cuối cùng trong hơn mười cuộc gặp của ông bộ trưởng tại Singapore.

Tướng Mã, trong bài phát biểu quan trọng của mình một hôm trước đó, cũng không đả động gì tới chủ đề Biển Đông.

Điều này không làm giới phân tích ngạc nhiên vì Bắc Kinh xưa nay vẫn duy trì quan điểm dàn xếp tranh chấp Biển Đông qua ngoại giao song phương, cực lực phản đối quốc tế hóa và sự tham gia của nước ngoài vào quá trình giải quyết xung đột.

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông liên quan nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam là nước có nhiều điểm bất đồng với Trung Quốc nhất.

Việt Nam là quốc gia Asean duy nhất tuyên bố chủ quyền với Trường Sa và cả Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn từ năm 1974.

Ông Phùng Quang Thanh nói Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết thành công các vấn đề về biên giới trên bộ và "Vịnh Bắc bộ nay cũng được phân giới rất rõ ràng".

"Trên biển (Đông) thì đúng là có tranh chấp".

Tuy nhiên ông nói, trên cơ sở Công ước quốc tế về luật Biển năm 1982, các nước liên quan có thể "ngồi với nhau, trao đổi đối thoại rồi trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đề ra những phương hướng cụ thể để triển khai, không để xảy ra việc mất ổn định".

Tướng Thanh nhận định: "Vừa qua giữ được ổn định trên biển như vậy là rất tốt, chưa có vấn đề gì căng thẳng lắm".

Ông nói kinh nghiệm đàm phán các vấn đề khó khăn cho thấy cần "cái gì dễ làm trước, cái gì khó làm sau".

Giới quan sát gần như đồng thuận khi cho rằng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang là chủ đề khó, nhiều người còn thiên về ý kiến vấn đề này sẽ không thể giải quyết nổi.

Tiếng nói của Mỹ

Trái với thái độ của Việt Nam và Trung Quốc, Hoa Kỳ lại là quốc gia 'lớn tiếng' nhất về chuyện Biển Đông.

Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị an ninh khu vực hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thậm chí đã đề cập chủ đề này trước khi nói về điểm nóng bán đảo Triều Tiên.

Ông Gates nói:"Mỹ không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, thế nhưng phản đối việc sử dụng vũ lực và các hành động nhằm ngăn cản quyền tự do lưu thông hàng hải".

Ông cũng nói Hoa Kỳ hy vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục việc thực hiện một cách chặt chẽ thỏa thuận DOC đạt được năm 2002.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong khi đó tập trung vào cơ chế hội nghị bộ trưởng quốc phòng Asean mở rộng cộng thêm 8 đối tác đối thoại, gọi là hội nghị ADMM+.

Hội nghị này sẽ khai mạc ngày 12/10/2010 tại Hà Nội, và là lần đầu tiên tám quốc gia ngoài Asean là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ sẽ cùng thảo luận các vấn đề an ninh cấp bách.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates xác nhận ông đã nhận lời mời tham dự ADMM+.

.

.

.

No comments: