Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-06-05
Trong thời gian gần đây, công luận ngày càng bày tỏ quan ngại về những bản án tù áp đặt phi lý, bất công và thái quá dành cho bị can trong nước, nhất là những nhà dân chủ.
Điều đáng ngại hơn nữa là xem chừng như những bản án ấy đã được định đoạt sẵn rồi, cho dù luật sư và cả bị cáo có biện hộ và tự biện hộ - nếu có - vững lý như thế nào đi nữa.
.
Cho có hình thức
Hôm 11 tây tháng 5 vừa rồi, ngay sau khi tham dự phiên tòa phúc thẩm tại Saigòn xét xử những nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, ông Trần Huỳnh Duy Tân – em ruột bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức - nhận xét:
“Bản án cuối cùng thì Hội đồng Xét xử không xem xét tới phần bào chữa của anh Thức cũng như LS. Mặc dù anh Thức có yêu cầu đưa ra bằng chứng để buộc tội anh ấy, nhưng Tòa án không đáp ứng, nên cuối cùng vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm (là 16 năm tù và 5 năm quản chế). Tôi cho rằng như vậy là bản án nầy không công bằng, quá nặng.”
Trước đó, hầu hết các phiên tòa phúc thẩm tại VN, như Tòa Phúc thẩm Thái Bình xét xử cựu trung tá Trần Anh Kim, Tòa án Tối cao Hà Nội xử các nhà dân chủ Phạm văn Trội, Trần Đức Thạch, thầy giáo Vũ Hùng ... đều giữ nguyên những án tù sơ thẩm nặng nề kèm theo nhiều năm quản chế đối với những nhà tâm huyết với vận nước ấy.
Câu hỏi được nêu lên là có phải những phiên tòa phúc thẩm – và cả những phiên tòa trong nước nói chung - diễn ra một cách hình thức, trong khi các bản án thực ra đã được định đoạt từ trước rồi, bất chấp mọi lời biện hộ hay tự biện hộ - nếu được phép – có thấu tình, đạt lý như thế nào đi nữa?
Một luật sư kỳ cựu trong nước, LS Trần Đình Triển, nhận xét về tình trạng nầy:
“Trong luật pháp VN cũng nói là hội đồng xét xử và thẩm phán độc lập xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và mọi chứng cứ chỉ đánh giá tại phiên tòa. Tôi cho là tất cả những điều đó tại VN chỉ đang là lý luận, chứ trong thực tiễn chưa bảo đảm được tính độc lập của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi LS đưa ra những lập luận, những tài liệu luật pháp thích hợp thì thẩm phán họ mặc, bởi vì hình như họ đã quyết định bản án ở đâu đó rồi. Thực tiễn nó như vậy.
Thứ hai nữa là có tình trạng họp liên ngành và cơ quan pháp luật, rồi để tránh tình trạng bị hủy án sau nầy hay không được tái bổ nhiệm thì thẩm phán không dại gì tự họ quyết định bản án, mà họ xin lãnh đạo của Tòa: Chánh, Phó Tòa, chánh, phó án v.v... cho cái gọi là duyệt án. Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi. Chính tình trạng nầy dẫn đến trường hợp oan sai. Mà oan sai rồi thì không ai chịu xử. Vì từ thẩm phán sai đến chánh, phó tòa, chánh, phó án sai, thậm chí họ đã hỏi ý kiến cấp trên trước khi xử một vụ nào đó rồi, thì ai lại xem xét lại vụ án đó?”
.
Chính quyền là luật pháp
Một luật sư khác nhiều kinh nghiệm, trụ sở tại Hà Nội, LS Trần Vũ Hải, phân tích về tình trạng gọi là “án bỏ túi” nầy:
“Với kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng những vụ án như thế nầy thì có lẽ phiên tòa, họ chỉ xem 2 vấn đề: Một là bị cáo có nhận tội không, có thành khẩn không. Hai là nếu ông không nhận, thì ông có tình tiết gì mới so với án sơ thẩm không. Đấy, họ chỉ xem xét như vậy thôi. Rất là đáng tiếc ! Đó là quá trình phúc thẩm mà gần đây các vụ án đều như vậy thôi. Rất là đáng tiếc. Cho nên chúng tôi cũng đã nói nhiều lần rằng có lẽ là họ xét xử theo thái độ chăng ? Chứ không phải xét xử theo chân lý.”
Vẫn theo LS Trần Vũ Hải thì giới cầm cân nẩy mực ở VN có một nguyên tắc là nếu bị can nhận tội, thì họ sẽ xem xét có thể giảm tội, nhưng điều đó cũng không chắc chắn 100%, và phần lớn khó có chuyện giảm tội. LS Trần Vũ Hải nhận thấy có một yếu tố đáng chú ý có thể ít nhiều chi phối được bản án tại VN:
“Tất nhiên có những vụ án mà tôi nghĩ là từ 13 năm xuống còn 5 năm, nếu có áp lực mạnh mẽ từ dư luận quốc tế. Tòa án sự thật không bao giờ cho là bị cáo lãnh án oan, mà, theo kinh nghiệm của tôi, họ chỉ xem xét hoặc là qua thái độ của bị can, bị cáo, hoặc là có sức ép của công luận, hoặc là có tình tiết đặc biệt nào đó - mà thông thường thì không có đâu.”
LS lão thành Trần Lâm, nguyên Chủ tịch đoàn Luật sư VN, lưu ý rằng trong xã hội toàn trị như VN hiện nay, thì “sự thật đau buồn” là “ý của người cầm quyền (chính) là luật pháp”, chứ “không cần biết” – theo ví dụ ví von của ông – “người con làm phải, trái, đúng, sai”.
“Việc nầy ở trong nước người ta thấy được ngay vì cái nếp ấy bao nhiêu năm đã trở thành một sự bình thường; đúng ra là sự bất bình thường mà trở thành bình thường. Còn ở nước ngoài thì người ta thấy vấn đề nầy là không được, nhất là họ lại có công chúng, công luận làm ầm ĩ lên là không có thể được. Hơn nữa người ta lại có đảng phái, có đối lập. Cho nên họ phải giữ gìn. Còn toàn trị thì không cần phải giữ gìn gì cả.
Thí dụ như bây giờ ta có xô xát với người hàng xóm thì cả làng, cả khu phố sẽ biết. Nhưng mà đóng cửa, hai vợ chồng đánh nhau thì người ta không thể biết được. Xin báo là tôi đã nói rất nhiều lần rằng toàn trị thì nó không có luật pháp, mà ý của người cầm quyền tức là luật pháp. Cũng giống như người bố, bảo với con rằng tao là bố mầy, tao bảo mầy phải nghe, chứ không cần biết người con làm phải, trái, đúng, sai. v.v...”
Do đó, theo nguyên văn của LS Trần Lâm, “xin bạn vui lòng – hoặc là “rầu lòng” – để nhận một sự thật đau buồn như thế”.
.
Theo dòng thời sự:
Những bản án thách đố dân chủ và công lý
Nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị đưa ra toà xét xử
Tòa phúc thẩm Hà Nội y án nhà văn Trần Khải Thanh Thủy
Tòa phúc thẩm y án 3 nhà bất đồng chính kiến
Kết quả phiên tòa phúc thẩm các nhà tranh đấu ở TPHCM
Dư luận trước phiên xử phúc thẩm các nhà dân chủ ở Sài Gòn
Copyright © 1998-2010 Radio Free
.
.
.
No comments:
Post a Comment