Wednesday, June 23, 2010

THƯ NGỎ GỬI ÔNG TBT BÁO NHÂN DÂN

Thư ngỏ gửi ông TBT báo Nhân Dân

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

Thứ ba ngày 22/6/2010

http://trannhuong.com/news_detail/5204/TH%C6%AF-NG%E1%BB%8E-G%E1%BB%ACI-%C3%94NG-TBT-B%C3%81O-NH%C3%82N-D%C3%82N

Kính gửi: Ông ĐINH THẾ HUYNH
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Trụ sở Bộ Biên tập: 71 Hàng Trống - Hà Nội
Tel: (84 4) 38254231/38254232 Fax: (84 4) 38255593/38289432
Emai:toasoan@nhandan.org.vn

.

Tôi viết suy nghĩ của tôi như bức thư ngỏ gửi tới Ông. Mong Ông dành chút thời gian để đọc - Xin vô cùng cảm ơn Ông,

Ngày 19-06-2010, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XII, điếm nổi bật nhất, mới nhất, hân hoan nhất mà thông tin đại chúng cả nước đồng loạt đưa tin về việc Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Quyết định sáng suốt của Quốc hội là đúng đắn hợp với lòng dân. Tôi mở Báo Nhân Dân điện tử để xem tin này thì thật bất ngờ về bài báo đưa tin tổng thể về phiên bế mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Bài báo viết rất chi tiết giới thiệu các vị đại biểu đến dự phiên bế mạc. Buổi sáng, ai điều khiển, ai phát biểu, nội dung phát biểu của từng đại biểu Quốc hội về Luật Viên chức. ¾ bài báo trình bày đầy đủ ngọn ngành về Luật Viên chức mà Luật này dân chẳng mấy quan tâm. Buổi chiều, quan tâm nhất của quảng đại dân chúng là việc Quốc Hội đã không thông qua quyết định về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Một việc rất hi hữu, chưa từng có tiền lệ ở Quốc hội ta. Có thể nói, đây là tin nóng đối giới với báo chí; Thế mà bài viêt của Báo Nhân Dân chỉ vỏn vẹn có vài dòng tin mờ nhạt, khó hiểu, vô cảm và rất láu lỉnh: “Các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết đối với Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết. Tuy nhiên, do tỷ lệ tán thành không quá bán, nên hai điều này đã không được thông qua”(ND). Nếu không đọc các báo khác mà chỉ đọc riêng Báo Nhân Dân thì chắc mù tịt tin tức này!

Chúng tôi tự hỏi: Một tờ báo lớn của Đảng, không phản ánh đầy đủ nội dung sự kiện, cốt lõi của sự kiện đang nóng bỏng trong lòng dân, trước hết đến với tất cả Đảng viên trong Đảng, sau nữa là “bạn đọc” báo Nhân Dân. Họ phải được quyền biết rõ và đầy đủ thông tin. Hơn nữa, tờ báo mang tên Nhân Dân – mà Dân không có báo để đọc, có đọc cũng như không thì Dân đóng thuế để nuôi 1 tờ báo như vậy phỏng có ích lợi gì không? Vai trò “chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng” của tờ báo ở đâu? Một tờ báo lớn nhất nước, đầu tư và chi phí để ra được 1 tờ báo Nhân Dân hàng ngày cũng tốn kém nhất nước. (ngoài tờ Báo ngày còn có Báo Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân cuối tuần và Báo Nhân Dân hằng tháng)

Xót tiền dân vô cùng!

Lâu nay dư luận nói Báo Nhân Dân không bán, chỉ “phân bổ”, mà dẫu có bán cũng không có người mua, người đọc. Việc này cũng có lý của nó. Tin tức, sự kiện mà cứ gọt đẽo tròn vo, vô thưởng vô phạt như lâu nay thì hậu quả như vậy là không tránh khỏi.

Đáng lẽ, Báo Nhân Dân phải phát huy truyền thống “ngày xưa”: Có những bài viết biểu lộ chính kiến, có tính thuyết phục cao, chính đáng, chính nghĩa của những cây bút chính luận sắc sảo, uy tín và uy lực để tờ báo xứng đáng là người anh cả của nền báo chí nước nhà, xứng đáng với vai trò định hướng dư luận của báo Đảng. Đằng này, mọi tin tức Dân biết từ “Đời Tám Hoánh” mà Báo Nhân Dân vẫn không dám đưa tin. Nhiều năm nay, những sự kiện tiêu cực lớn của đất nước cũng chưa từng thấy báo Nhân Dân “ra nhời”…

Buồn lắm thay!

Có điều này chắc ít người biết: Duy nhất ở Việt Nam ta chỉ riêng báo Nhân Dân có bộ máy lãnh đạo và điều hành tờ báo được gọi là BỘ BIÊN TẬP BÁO NHÂN DÂN. Ông TBT báo Nhân Dân đương nhiên hưởng tiêu chuẩn ngang hàm Bộ trưởng!

Phải làm gì để tờ báo xứng đáng với truyền thống, với tầm cỡ mà lịch sử trao cho Báo Nhân Dân – Câu trả lời thuộc về Ông – vị Tổng biên tập và toàn thể những người ăn lương Báo Nhân Dân từ những đồng tiền thuế của Dân.

Tôi và nhiều người vẫn kỳ vọng vào sự đổi mới của Báo Nhân Dân.

.

Tôi xin gửi nguyên văn bài báo đã dẫn ở trên để ông TBT và quý vị rộng đường dư luận:

Cập nhật 02:45 ngày 20-06-2010.

Hôm qua, 19-6, tại Hà Nội Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII thành công và bế mạc

ND - * Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự (ảnh Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc)

Sau 25 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, chiều hôm qua, 19-6, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII đã thành công và bế mạc. Tới dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, nhiều vị đại biểu QH các khóa trước và đông đủ các vị đại biểu Quốc hội khóa XII.

Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viên chức. Hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật này và các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật. Các đại biểu: Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Quynh (Quảng Ninh), Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Nguyễn Minh Hà (Hà Nội), Võ Thị Dễ (Long An), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) và nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án luật. Các đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công. Vì viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Do đó, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điểm khác so với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo các loại hình doanh nghiệp. Việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Về việc cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ, các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo và cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp họ sử dụng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Một số đại biểu đề nghị không nên quy định những người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể trở thành viên chức Việt Nam, vì mâu thuẫn với Luật Quốc tịch, Luật Nhà ở... Nhưng theo đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh), nên quy định trong luật vấn đề này, vì nhiều nhân sĩ, trí thức... người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo lời kêu gọi của các cấp chính quyền, đoàn thể, đã tự nguyện về Việt Nam làm việc, không chỉ vì tiền lương, thu nhập, mà vì muốn phục vụ đất nước. Nên cần quy định trong luật để có điều kiện thu hút nguồn nhân lực, chất xám. Một số đại biểu đề nghị có quy định về cơ chế chính sách liên thông để có thể luân chuyển cán bộ, công chức sang viên chức và ngược lại.

Theo các đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) và một số đại biểu, hiện nay hơn 60% viên chức là nữ, do đó đề nghị vận dụng một số điều khoản trong Luật Bình đẳng giới vào luật này, như không điều chuyển, biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Một số đại biểu đề nghị có quy định về ưu đãi đối với viên chức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Một số ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức trong luật. Vì khi đến tuổi nghỉ hưu và đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì mọi viên chức đều có quyền nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và viên chức có sức khỏe, có nguyện vọng, thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng vụ, việc với đối tượng này. Như vậy, vừa bảo đảm quyền lợi của viên chức, vừa bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, sử dụng viên chức và phù hợp quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Một số đại biểu đề nghị quy định trong Luật, việc cho phép kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm như các tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư...

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên thảo luận, cho biết: Luật Viên chức là một dự án luật quan trọng, các quy định của dự án luật này sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức nhà nước đang làm việc trong hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho cộng đồng như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao... Đây cũng là một dự án luật khó gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý và cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tập hợp và chỉ đạo các cơ quan tổ chức hữu quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh dự án Luật trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám tới.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp. Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH và Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Văn Phúc đọc dự thảo Nghị quyết nêu trên, đa số đại biểu QH biểu quyết tán thành, QH đã thông qua toàn bộ Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.
Tiếp đó, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Nghiêm Vũ Khải đọc Dự thảo Nghị quyết nói trên.
Các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết đối với Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết. Tuy nhiên, do tỷ lệ tán thành không quá bán, nên hai điều này đã không được thông qua. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, do QH không thông qua Điều 1 và Điều 2, hai điều cốt lõi của Nghị quyết, vì vậy, QH quyết định chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII.

Từ 15 giờ 15 phút, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH họp phiên bế mạc. Theo đó, QH đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII. QH cũng thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc kỳ họp nêu rõ: Sau 25 ngày làm việc khẩn trương trong không khí dân chủ, thẳng thắn với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, thành công và bế mạc. (PV)

.

Cảm ơn Ông ĐINH THẾ HUYNH - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân . Chúc Ông mạnh khỏe, thành tựu trên cương vị công tác của mình.

Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm,

Họa sỹ: Đinh Quang Tỉnh

.

.

.

GÓP Ý VỚI BÁO NHÂN DÂN, NHÂN ĐỌC BÀI THƯ NGỎ GỬI ÔNG TBT BÁO NHÂN DÂN

.

.

.

No comments: