Thursday, June 17, 2010

THÁI LAN và TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM

Thái Lan và Tiến Trình Dân Chủ Hóa tại Việt Nam

Luật Sư Ðào Tăng Dực

15 Tháng 6 Năm 2010

http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0610/baimoi0610_242.html

Những biến động chính trị tại Thái Lan trong suốt năm tuần, chấm dứt vào hạ tuần tháng năm, 2010, chỉ là một trong nhiều biến chuyển có thể dự tính được trong tiến trình dân chủ hóa của một quốc gia đang phát triển.

Thái Lan lại là quốc gia duy nhất trong vùng chưa từng bị Thực Dân đô hộ.

Tiến trình này, đối với người dân Việt sinh sống tại miền Nam Việt Nam từ các năm 1954 đến 1975, tương đối quen thuộc. Lý do là vì vào thời điểm đó của lịch sử, Miền Nam Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cùng với các quốc gia Ðông Á và Ðông Nam Á khác như Nam Hàn, Ðài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Miến Ðiện, Mã Lai và Tân Gia Ba đều là những quốc gia đang phát triển trên phương diện kinh tế, và trên đà dân chủ hóa trên phương diện chính trị.

Hoàn cảnh mỗi quốc gia mỗi khác và mức độ thành công hay thất bại cũng không đồng nhất.

Ðành rằng, khi chúng ta duyệt lại lịch sử, các chế độ đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa tại Nam Việt Nam có rất nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên, đất nước chúng ta nằm trong hoàn cảnh vừa thoát khỏi chế độ thực dân Pháp, ảnh hưởng ngoại lai của các siêu cường và cuộc chiến tranh quốc cộng quyết liệt. Ðối diện với những trở lực đó, tiến trình dân chủ hóa tại miền nam Việt Nam đã có những thành quả khả quan, và có thể thua kém Nam Hàn hoặc Ðài Loan, nhưng chắc chắn không thua kém Thái Lan, Nam Dương và Phi Luật Tân, nếu không có biến cố 30 tháng 4 năm 1975.

Trên bình diện chính trị, các quốc gia may mắn hơn như Ðài Loan, Nam Hàn và Mã Lai đã thành công vượt bực. Nam Dương, Thái Lan và Phi Luật Tân có những tiến bộ quan trọng. Tân gia Ba, tuy thành công vượt bưc về kinh tế, nhưng vẫn là một chế độ độc tài gia đình trị. Chỉ có hai nước Việt Nam và Miến Ðiện là bất hạnh nhất. Miến Ðiện thì rơi vào tay một nhóm quân phiệt bảo thủ và tham quyền cố vị. Việt Nam thì miền Bắc lại chiến thắng, áp đặc chế độ độc tài cộng sản trên toàn lãnh thổ quốc gia, và tiêu diệt mọi thành quả của tiến trình dân chủ hóa trong suốt hơn 20 năm tại miềm nam.

.

Câu hỏi chúng ta đặt ra là:

1. Thế nào là tiến trình dân chủ hóa trong lịch sử nhân loại?

2. Khi áp dụng vào một quốc gia đang rên xiết dưới chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam thì tiến trình này có những nét đặc thù nào?

.

Khi chúng ta duyệt xét lịch sử nhân loại thì chế độ dân chủ (democracy) đầu tiên phát xuất từ các thành phố Hy Lạp, đặc biệt là thành phố Nhã Ðiển cổ xưa. Hiện tượng này xảy ra nhiều thế kỷ trước Công Nguyên (621-399 BCE). Dĩ nhiên nền dân chủ lúc ấy không hoàn hảo, nhất là chỉ áp dụng cho giai cấp công dân. Giai cấp nô lệ đông đảo thì hoàn toàn không có quyền tham dự vào chế độ dân chủ đó.

Cũng như những đền đài tôn thờ các thần thánh của Hy Lạp cổ xưa bị tàn phá bỡi thời gian và bước đi vô tình của lịch sử, nền dân chủ Hy Lạp cũng tàn lụn theo thời gian và rơi vào quên lãng.

Ðế quốc La Mã vươn lên (800 BCE- 500 AD), xâm chiến toàn bộ các vùng Ðịa Trung Hải, Bắc Phi, và đến tận các đảo Anh Quốc. Vào thời cực thịnh của nó, Ðế Quốc này áp dụng giới hạn những tập tục dân chủ của Hy Lạp. Tuy nhiên, với thời gian, quan điểm đế quyền chuyên chế thắng thế. Khởi đầu với Julius Caesar (100 BCE- 44 BCE) và Hoàng Ðế Augustus (63 BCE- 14 AD).

Sau đó, Ðế Quốc La Mã cũng bị tàn lụn với thời gian. Từ những đổ nát hoang tàn của đế quốc này, các quốc gia Âu Châu phôi thai và tượng hình. Vượt qua những tối tăm và thối nát của thời Trung Cổ (Thế Kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15), một số học giả tây phương đã tìm tòi và học hỏi từ những tư tưởng triết học, khoa học và chính trị của các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ. Từ đó, nền khoa học, triết học và chính trị học Tây Phương hiện đại phát sinh. Nhất là quan điểm dân chủ của Hy Lạp cổ được tái sinh và, với thời gian, áp dụng rộng rãi hơn cho mọi người, không phân biệt giai cấp nô lệ hay công dân, nông thôn hay thành thị và không còn phân biệt giới tính.

Tuy yếu tố dân chủ chính yếu phát xuất từ Hy Lạp cổ xưa, nhưng có hai yếu tố quan trọng khác phát xuất từ Anh quốc và Tây Âu. Yếu tố thứ nhất là sự sinh động vượt bực của chế độ phong kiến Âu Châu(feudalism) và yếu tố thứ nhì là cuộc các mạng kỹ nghệ phát xuất và nở rộ tại Tây Âu.

.

Thông thường tiến trình dân chủ hóa của xã hội loài người năm châu bốn bể đi theo các giai đoạn sau đây:

a. Chế độ bộ lạc thô sơ (Tribalism)

b. Chế độ phong kiến (feudalism)gồm những lãnh chúa có quyền sinh sát trong lãnh địa của mình và chỉ phục tùng giới hạn một vị quân vương tại trung ương

c. Chế độ quân chủ chuyên chế (absolute monarchy)khi một vị quân vương củng cố quyền hành tuyệt đối và trở thành vị vua trị vì tuyệt đối. Cũng có trườnh hợp một trong những vị lãnh chúa vươn lên, thanh toán các vị lãnh chúa khác và nắm quyền tuyệt đối.

d. Chế độ dân chủ (democracy)

Tuy nhiên, sự thật cho thấy rằng, từ chế độ phong kiến, một quốc gia dễ dàng tiến đến chế độ dân chủ hơn là từ chế độ quân chủ chuyên chế. Chúng ta cần lưu ý rằng vương triều tại các quốc gia Tây Phương không thể định nghĩa là những chế độ quân chủ chuyên chế, mà thực chất là những chế độ phong kiến trong đó các lãnh chúa quý tộc và giáo hội có rất nhiều quyền lực.

Bằng cớ là vào thế kỷ 13, tại Anh Quốc, nhân dịp vương quyền (trong một chế độ phong kiến) bị suy yếu, các lãnh chúa Anh Quốc (barons) lại vươn lên, liên kết với dân các thành thị, và ép vua ký một bản tuyên ngôn thừa nhận quyền lực của giai cấp lãnh chúa cũng như giới hạn vương quyền tổng quát trong xã hội. Magna Carta (1215) được khai sinh và đánh dấu cho nền dân chủ phôi thai tại Anh Quốc.

Magna Carta tự nó chưa chắc đủ để kềm chế vương quyền. Nếu không có cuộc cách mạng kỹ nghệ manh nha vào thế kỷ 16 và bùng nổ vào thế kỷ 18 tại Âu Châu, khai phóng sức lao động của người dân thành thị, và sau đó giới phụ nữ và toàn dân, thì vương quyền đã có nhiều cơ hội để củng cố sự tuyệt đối của nó, và quan điểm dân chủ đã bị bóp chết tại Tây Âu.

Chính vì thế, nền dân chủ chúng ta thụ hưởng ngày hôm nay, là kết quả của những tư tưởng dân chủ Hy Lạp cổ xưa, được gieo trồng trên mảnh đất Tây Âu, nhất là Anh Quốc, nơi có một sự kết hợp định mệnh giữa giới quý tộc và giai cấp những thường dân được cuộc cách mạng kỹ nghệ khai phóng.

Nếu không có Magna Carta tại Anh Quốc và nếu không có cuộc cách mạng kỹ nghệ lan tràn khắp Tây Âu thì có thể chúng ta đã không có nền dân chủ tại đây.

Tại Ðông Á, có hai yếu tố làm trì trệ sự phát triển của quan điểm dân chủ:

a. Trước hết là chế độ phong kiến bị Tần thủy Hoàng bức tử khi thống nhất Trung Hoa (221BC-210BC) gồm thâu lục quốc và thiết lập nền quân chủ chuyên chế. Chế độ quân chủ chuyên chế sau đó được Hán Triều duy trì và trở thành mẫu mực tại các quốc gia Ðộng Á.

b. Tính bảo thủ của Tống Nho, lấy từ chương làm trọng điểm của giáo dục, thay vì khuyến khích tính độc lập sáng tạo cá nhân, là nguyên nhân chính đưa đến sự vắng bóng của một cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Ðông Á, khai phóng sức lao động của cá nhân, bất phân giai cấp và khai phóng sức lao động của giới phụ nữ.

.

Tại Việt Nam thì chế độ phong kiến đã có từ thời Hùng Vương (2897-258 BCE) dựng nước với các giai cấp lạc hầu lạc tướng giúp vua cai trị. Tuy nhiên khi đất nước chúng ta rơi vào vòng bắc thuộc thì quan điểm quân chủ chuyên chính của Trung Hoa đã tiêu diệt mọi yếu tính phong kiến bản địa.

Những người cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Ông Mao Trạch Ðông, trong cơn lốc ý thức hệ giáo điều, đã đồng hóa chế độ quân chủ chuyên chế (absolute monarchy) của Ðông Á với chế độ phong kiến (feudalism) của Tây Phương. Tuy họ đã thành công trong việc biện minh cho những cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu, nhưng hậu quả tai hại là lạm sát dân lành và tiêu hủy nguyên khí của các dân tộc Trung Hoa và Việt Nam.

Những sự kiện lịch sử khách quan cho thấy rõ là vương quyền truyền thống Tây Âu, đúng như Marx nhận định, trên bản chất là những chế độ phong kiến với nhiều giai cấp quý tộc và giáo hội chi phối trật tự xã hội. Trong khi đó, vương quyền Ðông Á là những chế độ quân chủ chuyên chế với trật tự xã hội hoàn toàn chi phối bỡi trung ương.

Giai đoạn phong kiến tại Ðông Á đã chấm dứt từ thời tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc. Tại Việt Nam và Trung Hoa chế độ phong kiến đã cáo chung cách đây hơn 20 thế kỷ, và không còn hiện hữu để biện minh cho các cuộc đấu tố giai cấp đó.

.

Ngày hôm nay, dân chủ là trào lưu bất khả vãn hồi và dưới áp lực của trào lưu này, mọi quốc gia “phi dân chủ” đều phải chuyển mình để tiếp nhận tiến trình dân chủ hóa.

Vì hoàn cảnh khác nhau, các bài học lịch sử cho ta thấy giai đoạn chuyển mình đến dân chủ không dễ dàng hoặc đồng nhất với mọi quốc gia.

Trước khi chuyển mình biến thành dân chủ thật sự, các quốc gia, tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mình, phải trải qua các hình thức độc tài sau đây:

a. Ðộc tài cá nhân trị

b. Ðộc tài quân phiệt

c. Ðộc tài giáo phiệt

d. Ðộc tài cộng sản

Các quốc gia trải qua độc tài cá nhân trị gồm Ðức Quốc dưới thời Hitler, Ai cập bắt đầu từ Nasser, Nam Dương dưới thời Sukarno, Libya dưới Gadafi.

Các quốc gia trải qua độc tài quân phiệt gồm có Miến Ðiện hiện nay, Miền Nam Việt Nam trong giai đoạn bất ổn chính trị với các tướng lãnh đảo chánh liên miên, các nước Thái Lan, Ðài Loan và Nam Hàn trước giai đoạn bầu cử tự do và đa đảng.

Các quốc gia trải qua độc tài giáo phiệt gồm Iran, A Phú Hãn dưới thời nhóm Taliban lãnh đạo.

Các quốc gia trải qua độc tài cộng sản gồm Nga Sô và các quốc gia trong Liên Bang Xô Viết cũ, các quốc gia Ðông Âu, Trung Hoa Lục Ðịa, Bắc Hàn, Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Cuba.

Nếu hỏi rằng trong bốn hiểm họa độc tài nêu trên thì hình thức nào dễ hóa giải để nhanh chóng dân chủ hóa hơn cả, thì câu trả lời là:

Tuy câu trả lời tùy thuộc phần lớn vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia, nhưng hai hình thức độc tài tương đối dễ hóa giải là cá nhân trị và quân phiệt. Hai hình thức khó khăn để hóa giải nhất là giáo phiệt và cộng sản.

Giáo phiệt khó hóa giải vì ba lý do:

Trước hết, vì phần thưởng cho những tín đồ cán bộ của chế độ giáo phiệt, phần lớn, nằm nơi một thiên đường không có vị trí xác định trên trái đất. Khó khăn của đối thủ các chế độ giáo phiệt là họ không thể chứng minh rằng phần thưởng đó không hiện hữu vì chỉ có người chết mới biết đúng hay sai. Không chứng minh là chế độ sai lầm thì rất khó lật đổ chế độ.

Sau đó, biên giới chính trị và tâm linh giữa những tín đồ cán bộ và kẻ ngoại đạo được phân chia rõ rệt. Tín đồ cán bộ vì thế khắn khít với nhau và bảo vệ chế độ triệt để, không ngần ngại xử dụng bạo lực để thanh toán mọi đối lập. Các lực lượng đối lập đều bị nghiền nát không thương tiếc.

Giáo phiệt học rất nhiều bài học về phương pháp cướp chính quyền, cũng như giữ chính quyền từ Ðức Quốc Xã và cộng sản. Ðó là xử dụng công an cũng như các lực lượng bán quân sự tôn giáo để kiểm soát quân đội, và sau đó xử dụng quân đội để kiểm soát dân chúng.

Cộng sản khó hóa giải vì hai lý do:

Trước hết, theo điều 4 hiến pháp Việt Nam và những phương thức tương tự, tại các quốc gia cộng sản khác, các đảng CS độc quyền lãnh đạo không những nhà nước (tức guồng máy chính quyền) mà còn độc quyền lãnh đạo xã hội (tức xã hội dân sự). Sự vắng bóng một xã hội dân sự (civil society) chân chính sẽ trì hoãn mầm móng dân chủ thật sự một thời gian rất dài tại các quôc gia CS.

Sau đó, mọi đảng CS trên thế giới, từ Âu sang Á, đều chủ trương kiểm soát khắc khe quân đội. Ðó là chủ trương then chốt của Lenin. Ngay cả tại Trung Hoa, nơi mà Mao Trạch Ðông vươn lên trong nội bộ đảng CS Trung Quốc bằng tài thao lược trên trận địa của mình, thì chính Mao cũng là người minh thị công bố rằng: đảng lãnh đạo nòng súng và nòng súng sẽ không bao giờ lãnh đạo đảng.

Chính vì thế, xác xuất của một “anh hùng quân đội” đứng lên lật đổ đảng không cao tại các quốc gia độc tài CS. Dĩ nhiên xác xuất không cao không có nghĩa là hoàn toàn không có, hoặc quân đội sẽ không đóng một vai trò chiến lược trong tiến trình dân chủ hóa.

Bằng chứng là tại một nước cộng sản khác là Ba Lan, chúng ta cũng nhìn thấy vai trò của quân đội và tướng lãnh Ba Lan vô cùng quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhất là vai trò của tướng Jaruzelski (1989). Theo tôi, vị tướng này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài cộng sản đến một chế độ dân chủ chân chính, bằng cách thương thuyết với Công Ðoàn Ðoàn Kết và chấp nhận một sự nới rộng quốc hội qua nhiều giai đoạn ngắn hạn để đạt đến mục tiêu dân chủ, trong thời gian ngắn nhất mà không gây xáo trộn lớn, hoặc đổ máu, trong xã hội.

Chúng ta có thể kết luận rằng, các tướng lãnh dưới các chế độ cộng sản, khi chuyển mình sang một thể chế dân chủ, đã cảm thấy dễ dàng chấp nhận mệnh lệnh từ một chính phủ do dân chúng bầu lên trong một cuộc tổng tuyển cử tự do và công khai, thay vì nhận mệnh lệnh từ các đảng Cộng Sản trong quá khứ. Bằng cớ là tại Nga Sô và các quốc gia trong hệ thống Xô Viết cũ, tệ nạn quân phiệt tương đối ít khi xảy ra. Các tướng lãnh và quân nhân tại các quốc gia này chuyển mình nhanh chóng trở thành những lực lượng võ trang chuyên nghiệp, trung thành với tổ quốc và không xen lấn vào chính trường để gây biến động trong quốc gia.

Việt Nam cũng có xác xuất diễn biến tương tự trong tiến trình dân chủ hóa.

.

Thông thường, khi tiến trình dân chủ hóa khởi đầu, thì một dân tộc bị hai vấn nạn lớn lao sau đây:

a. Làm sao một mặt, kiểm soát các lực lượng võ trang và các tướng lãnh thiếu ý thức tự chế, và

b. Làm sao, mặt kia, kiểm soát các đảng phái chính trị và các lãnh tụ chưa trưởng thành trong ý thức chính trị dân chủ

Chính vì thế, như một quy luật, Việt Nam cũng như các quốc gia đang chuyển mình trong tiến trình dân chủ hóa như Thái Lan, Pakistan, Phi Luật Tân (cách đây một thập niên), Nam Dương, một số quốc gia Phi Châu phải ý thức nhu cầu đối phó cả hai vấn nạn: khuynh hướng quân phiệt và các chính đảng thiếu ý thức.

.

Câu hỏi quan trọng cho Việt Nam là, tại sao trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, các lực lượng vũ trang CSVN có xác xuất không xen lấn vào chính trường mà thậm chí còn tích cực đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa như tại Ba Lan?

Có hai lý do chính đáng để trả lời.

Lý do thứ nhất là mọi chế độ độc tài, từ cộng sản đến Ðức Quốc Xã, đều chủ trương khống chế quân đội bằng bàn tay sắt. Hitler khống chế các tướng lãnh qua các lực lượng bán quân sự SS, và mật vụ Gestapo. Stalin và các nước cộng sản khác khống chế các tướng lãnh qua các đội ngũ chính ủy theo dõi sát các cấp chỉ huy quân đội và lực lượng công an mật vụ KGB. Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ và Anh Quốc thì các tướng lãnh và quân nhân tự trong nội tâm, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình là bảo vệ hiến pháp,tổ quốc và tuân hành mệnh lệnh của bất cứ chính quyền dân cử nào, miễn là mệnh lệnh đó hợp pháp và hợp hiến.

Lý do thứ nhì là vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, qua cuộc cách mạng tin học, ý thức về dân chủ và một lực lượng vũ trang chuyên nhiệp (professional armed forces) trung thành với tổ quốc, vượt lên trên khuynh hướng và phe phái chính trị, chấp nhận mệnh lệnh từ một chính quyền dân cử hợp hiến, đã thâm nhập vào ý thức của quân nhân các cấp, ngay trong các quốc gia CS. Ý thức này sẽ là một động cơ quan trọng quyết định tương quan giữa quân đội và chính quyền tại các quốc gia trong tiến trình dân chủ hóa tương lai.

Ðiều đáng tiếc cho Việt Nam là phải trải qua độc tài cộng sản trước khi hội nhập vào tiến trình dân chủ hóa toàn diện. Các khuyết điểm của giai đoạn cộng sản, trong một quốc gia trên tiến trình dân chủ hóa, gây nhiều rất thiệt hại cho đất nước vì công cuộc canh tân của các quốc gia nhược tiểu là một cuộc chạy đua nước rút. Mỗi giai đoạn trì trệ có ảnh hưởng nặng nề cho nhiều thế hệ mai sau. Có hai điều hại lớn lao nhất từ chế độ CS.

Ðiều hại bao gồm:

1. Sự băng hoại tận gốc rễ văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc, vì tính dối trá và lừa lọc của một chế độ mà bản chất độc tài được trơ trẽn tô son điểm phấn bằng những danh từ dân chủ không thực chất mà toàn dân đều nhận diện dễ dàng. Từ đó giới trẻ cho rằng lường gạt và dối trá để sống còn là lẽ tự nhiên.

2. Sự trì trệ tụt hậu trong tiến trình dân chủ hóa vì tính bảo thủ và tham quyền cố vị của các đảng cộng sản khác nhau. Từ đó khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ngày càng xa vời hằng nhiều thập niên trong tiến trình canh tân xứ sở.

Ðiển hình nhất là mặc dầu phải đối diện với cả hai trở lực, nhưng những nước không cộng sản Á Châu như Nam Hàn, Ðài Loan, Thái Lan đã khởi đầu tiến trình dân chủ hóa với những mức độ thành tựu khác nhau, trong khi các quốc gia dưới ách thống trị của cộng sản như Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc vẫn còn chưa chính thức nhập cuộc đua dân chủ.

Cái nguy hiểm vô cùng của độc tài CS là họ cố tình sử dụng tất cả mọi ngôn ngữ, hình thức và định chế dân chủ như nào là hiến pháp, hành pháp, lập pháp, các cuộc bầu cử thường xuyên xảy ra trong mọi cấp chính quyền. Tuy nhiên bằng những thủ thuật chính trị (như Mặt Trận Tổ Quốc, điều 4 hiến pháp) họ lột bỏ tất cả nội dung dân chủ của các ngôn ngữ, hình thức và định chế trên, biến các định chế này thành những công cụ trơ trẽn, và các lãnh tụ CS thành những con vẹt khôi hài, phục vụ cho độc tài. Dĩ nhiên trong thiên niên kỷ mới, những thủ thuật này không lừa gạt được người dân. Nhưng hậu quả tai hại, trên phương diện đạo đức và sự giáo dục những thế hệ trẻ tương lai của đất nước, thật không thể đo lường.

Có thể nhận định ngay rằng, tuy tiến trình dân chủ hóa của Thái Lan đầy chông gai, nhưng Thái Lan sẽ trưởng thành và toàn dân sẽ sống trong một chế đệ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đúng nghĩa, trong thời gian trước mắt, trong khi toàn dân Việt vẫn còn đang đấu tranh dưới ách độc tài.

Người cộng sản Việt Nam bám víu vào lập luận cố hữu rằng có một sự kiện khác biệt chiến lược giữa các đảng cộng sản Ðông Âu và đảng CSVN. Ðó là các đảng công Sản Ðông Âu bị dân chúng khinh thường như là những công cụ của đảng cộng sản Liên Xô, và làm tay sai cho Hồng Quân Xô Viết, không hơn không kém. Do đó toàn dân các nước Ðông Âu luôn trong tư thế sẵn sàng lật đổ các đảng CS liên hệ. Trong khi đó, đảng CSVN phát xuất từ công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập và đại diện chân thật của toàn dân Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ ngày CSVN nhượng lãnh địa và lãnh hải cho Trung Quốc qua nhiều hình thức, cung cung kính kính tuân hành các chỉ thị từ Bắc Kinh, thì sự khác biệt với các đảng CS Ðông Âu không còn nữa. Ngày nay, trong mắt dân tộc VN, đảng CSVN, tương tự như các đảng CS Ðông Âu, đang làm tay sai cho CSTQ với tất cả nhiệt thành.

Trong thời đại cách mạng tin học, tiến trình dân chủ hóa không những bất khả vãn hồi, mà còn đa diện đa năng. Dù CSVN có ba đầu sáu tay, cũng không thể che cả mặt trời. Sự phẫn nộ của toàn dân chưa bùng nổ vì còn e ngại đảng có khả năng đàn áp bằng quân đội và công an mà thôi. Một khi đảng đã mất đi niềm tin và sự kính trọng trong tự tâm của dân tộc Việt Nam, thì ngày tàn của nó đã không còn xa xôi nữa.

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Sydney 15 Tháng 6 Năm 2010

.

.

.

No comments: