Monday, June 7, 2010

SANG TRUNG QUỐC LÀM PHIM LỊCH SỬ RẤT DỄ BỊ "TRUNG HOA HÓA"

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Sang Trung Quốc làm phim lịch sử, rất dễ bị “Trung Hoa hóa”…

Đăng bởi: Nguyễn Quang Lập

07.06.2010

http://quechoablog.wordpress.com/2010/06/07/h%E1%BB%8Da-si-phan-c%E1%BA%A9m-th%C6%B0%E1%BB%A3ng%E2%80%9Csang-trung-qu%E1%BB%91c-lam-phim-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-r%E1%BA%A5t-d%E1%BB%85-b%E1%BB%8B-%E2%80%9Ctrung-hoa-hoa%E2%80%9D%E2%80%A6/

Bối cảnh và trang phục được coi là những yếu tố quan trọng nhất góp phần tái tạo không khí lịch sử cho bộ phim. Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh chụp các cảnh quay tại phim trường Trung Quốc của một số bộ phim Việt Nam (VN) hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, người xem càng lo âu và nghi ngại…Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng – cố vấn văn hóa của bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long (Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành và Đài SCTV – Trung Quốc hợp tác sản xuất), người sát cánh cùng đoàn làm phim khi thực hiện các cảnh quay tại phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc).

.

Ảnh Lý Công Uẩn và bối cảnh cung điện trong phim với lời chú: “Khó có thể nhận ra chất Việt qua bối cảnh cung điện và trang phục vua Lý Thái Tổ trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”

http://haydanhthoigian.files.wordpress.com/2010/06/img_51182.jpg?w=270&h=203

.

- PV: Thưa ông, bối cảnh bộ phim, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long có được phép thay đổi hay phải sử dụng nguyên các bối cảnh khi thuê trường quay của Trung Quốc?

- Họa sỹ Phan Cẩm Thượng: Để làm phim lịch sử đòi hỏi phải có trường quay cùng với các phương tiện, đạo cụ cần thiết và nghiên cứu chuyên sâu về phong tục xã hội từng thời kỳ. Tuy nhiên, ta hầu như không có những yếu tố này. Các đoàn làm phim về vua Lý Công Uẩn đều có xu hướng sang Trung Quốc thuê mướn bối cảnh. Phim trường của bạn ngoài việc phục vụ các đoàn phim, trường quay còn hướng tới đối tượng khách du lịch nên việc thay đổi bối cảnh ở mức rất hạn chế. Chẳng hạn, ta có thể che một bức tượng hay bao chân cột để hình ảnh vào khuôn hình theo ý mình chứ không thể phá cây cột và các kiến trúc mái nhà thì càng không được đụng tới. Nói chung là chọn những gì giản dị và gần gũi với mình chứ gần như không thay đổi được bối cảnh có sẵn.

- Có người ở đoàn phim kể rằng, các chuyên gia may phục trang cho Trung Quốc có quyền năng rất lớn, vì thế, ngoài những trang phục có sẵn hay trang phục họ may theo cách của họ, ta muốn thay đổi họ cũng không đồng ý. Vậy nên đa phần trang phục và đạo cụ sử dụng từ kho trang phục của họ…

– Có hai loại trang phục: quan phục và dân phục. Y phục cổ truyền của ta mới chỉ được xem qua hình ảnh của vua chúa thế kỷ 17 trở lại chứ trước đây hầu như chúng ta không được biết nhiều. Có tài liệu chép trang phục của vua chúa VN từ thời này sử dụng y phục Trung Quốc và các họa sỹ thiết kế dựa theo tài liệu đó để thiết kế. Nhưng thợ may Trung Quốc xem thiết kế là biết ngay y phục theo “gốc” Trung Quốc nên họ chữa lại theo nguyên bản mà không chấp nhận sáng tác của mình. Ví dụ, trang phục của vua Đinh và vua Lê, họa sỹ Đoàn Thị Tình không vẽ hình rồng nhưng thợ may bảo thiết kế vương phục không thể không có rồng, nếu ta không đồng ý như vậy thì họ không may. Các nhà làm phim nói, họ có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ (trường hợp sáng tạo các mẫu mới không theo truyền thống nữa là chuyện khác). Kết quả, ta thiết kế một đằng nhưng thợ may Trung Quốc vẫn may theo ý họ…

- Việc sử dụng sẵn các bối cảnh và trang phục của nước bạn như thế khiến hình ảnh phim giống Trung Quốc là điều dễ hiểu. Nhưng sự giống này dẫn tới những sai lệch lịch sử. Chẳng hạn, thời Lý thì Nho giáo chưa có vị trí trong xã hội VN như từ thời Trần về sau, vậy nên việc trang phục Việt giống y chang của Trung Quốc là không thể chấp nhận được…

– Theo cuốn sách An Nam chí lược của Lê Tắc thì trang phục VN thời Trần đại khái giống thời Tống của Trung Quốc. Các họa sỹ thiết kế có thể đã dựa vào đó để sáng tác. Ngay từ đầu, tôi phản đối những trang phục đó nhưng tôi chỉ là cố vấn. Người mình thời đó cởi trần đóng khố và chèo thuyền quỳ với 20 tay chèo nhưng bây giờ bắt diễn viên cởi trần đóng khố thì không ai chịu làm thế, kể cả người dân tộc. Trang phục VN đơn sơ hơn trang phục Trung Quốc nên nếu mặc thế thì diễn viên chết rét và và ngay cả khi mặc theo kiểu Trung Quốc vẫn phải mặc áo len bên trong vì thời tiết lúc quay phim rất lạnh.

Thời Lý – Trần, Phật giáo thịnh hành nên thời này có nhiểu tập tục khác với Nho giáo. Nhưng người VN bị ảnh hưởng Nho giáo quá lâu, từ thời Lê thế kỷ 15 lại đây, nên nhiều quan niệm Nho giáo chi phối cuộc sống người VN từ lâu rồi…Ví dụ, thời Lý Trần là hỏa táng chứ có phải cải táng đâu. Có những thói quen đã hình thành và ăn sâu vào tiềm thức nên ngay cả khi trung thực với lịch sử thì thuyết phục được khán giả nước mình cũng không dễ.

.

(Ảnh Lý Công Uẩn (?) với lời chú “Xem phim Việt nhưng rất dễ lầm với một phim lịch sử nào đó của Trung Quốc

http://haydanhthoigian.files.wordpress.com/2010/06/img_5090.jpg?w=300&h=225

.

Các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim thì trang phục, bối cảnh, ánh sáng…đều phải đẹp, câu chuyện có tình duyên và diễn xuất diễn viên tốt…Các phim của họ thường là phim lịch sử cổ trang chứ không phải phim lịch sử hiện thực. Họ nói thẳng, những phim lịch sử Trung Quốc phải nâng lên rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong lịch sử. Trên thực tế, cách đây hàng ngàn năm thì phong cảnh và vật dụng đều thô sơ chứ làm gì được như trong phim. Đã là phim lịch sử thì phải có hư cấu, nên chi tiết lịch sử chỉ chiếm 60 – 70%.

- Ông từng kể:“Trong suốt quá trình làm phim Lý Công Uẩn, họa sỹ phục trang Đoàn Thị Tình kiên trì thuyết phục phía bạn không dùng màu đỏ cho một đám cưới truyền thống VN, vì phía Trung Quốc nhất định quan niệm đám cưới phải có màu đỏ, không chấp nhận có người mặc áo đen. Giải pháp trung gian của họa sỹ là cho nhân vật người yêu của Lý Công Uẩn ngày cưới mặc áo hồng, rồi khoác ra ngoài áo cánh bằng sa thẫm. Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hóa nên hai bên không có cách gì hiểu nhau…”. Hình như đoàn phim phần lớn sử dụng trang phục có sẵn để tiết kiệm thời gian và tiền bạc?

- Bộ phim do hãng tư nhân đầu tư nên nếu trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều may mới thì kinh phí rất lớn. Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng), mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp nên tiền đầu tư sẽ lớn. Phương án chính là thuê trang phục và khi thuê thì tất nhiên y phục giống Trung Quốc. Họa sỹ thiết kế của ta dùng rất nhiều tài liệu từ sách Trung Quốc, nhưng trong các sách đó, người Trung Quốc không bao giờ vẽ rõ cấu trúc từng lớp, và mặt nghiêng, mặt sau y phục, nên các bản thiết kế Việt cũng chung chung như vậy. Hoa văn và trang sức là một vấn đề lớn, nếu anh sáng tác theo ý anh thì phải đưa nhiều tiền, họ sẽ làm được tất, chỗ nào không làm được thì họ cứ đưa hoa văn Trung Quốc vào. Riêng thiết kế trang sức và tóc đều có một họa sỹ riêng, anh ta hỏi tôi đủ thứ, và mỗi thứ khó khăn, anh ta lại gửi bản vẽ về Bắc Kinh chế tạo với giá rất đắt, ví dụ hơn 1.000 tệ một cái vòng bạc, trong khi giá ở Hàng Bạc, có lẽ chỉ chừng vài trăm ngàn. Các phim lịch sử của ta bày biện một cách tùy tiện về phục trang, hàng trăm bộ khác nhau, đương nhiên là thời gian cho phục trang, tiền may mặc không nhỏ, mà rất dễ bị “Trung Hoa hóa”…

- Ông có lo ngại khi phim công chiếu, khán giả phản ứng trướng việc các nhân vật ăn mặc y chang phim Trung Quốc và bối cảnh cũng quen thuộc như trong các phim của nước bạn?

– Khi được mời tham gia đoàn phim, tôi cũng ngại…Tôi hỏi anh Lương Xuân Đoàn (đồng nghiệp và bạn thân của họa sỹ Phan Cẩm Thượng – PV) xem có nên đi hay không. Anh nói tôi nên giúp họ để có xu hướng văn hóa VN trong phim. Nhưng sang đó thực tế rất phức tạp. Tôi chỉ là cố vấn nên ý kiến của tôi không có ý nghĩa quyết định. Có nhiều tình huống là bất khả kháng, chẳng hạn bối cảnh, trang phục, con người và đạo cụ như thế rồi. Ví dụ, để tái hiện cảnh lễ tịch điền, tôi vẽ cái cày rất cẩn thận nhưng cả 3 lần thợ Trung Quốc không làm được, dù họ rất khéo tay. Sau, ông họa sỹ người Trung Quốc cùng làm việc với tôi tự tay đẽo cày mới được. Có những việc họ không có thói quen như mình nên không thể làm theo ý mình.

- Làm phim kỷ niệm Thăng Long ngàn năm tuổi nhưng bối cảnh, diễn viên quần chúng và đạo diễn là người nước bạn, có người cho rằng việc này là phản ý nghĩa?

– Chúng ta thường làm phim kỷ niệm hay công trình kỷ niệm. Kỷ niệm xong là thôi. Nhưng với phim tư nhân thì họ xác định phim cần có thị trường và kỷ niệm chỉ là một dịp đưa phim ra thị trường. Các nhà làm phim quan niệm, phim mà không kinh doanh là không được. Phim này làm trên góc độ thị trường chứ không phải chỉ là phim kỷ niệm.

- Là cố vẫn mỹ thuật cho phim, ông đánh giá “chất Việt” trong bộ phim này sẽ ra sao?

– Việc này phải đợi duyệt xong mới biết. Với tôi, đây là quá trình học hỏi và tìm hiểu văn hóa Trung Quốc và các vấn đề khác nữa giúp ích cho công việc hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Đăng

(Thực hiện)

(Nguồn: Tạp chí Hồn Việt số 36)

.

.

.

No comments: