Friday, June 11, 2010

NỖI ĐAU THƯƠNG CỦA DÂN TỘC SAU CHIẾN TRANH: NGÀN GIỌT LỆ RƠI

Nỗi đau thương của dân tộc sau chiến tranh: Ngàn Giọt Lệ Rơi

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 11/06/2010 lúc 03:09:45 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4864

Chiều ngày 16 tháng Năm vừa qua, tại Little Saigon, nam California (HK) có buổi ra mắt sách. Trong phần một quyển sách Tâm Tư TT Nguyễn Văn Thiệu của T/s Nguyễn Tiến Hưng có trình bày những dữ kiện dẫn tới việc TT Thiệu từ chức. Đó là việc quân dân ở Cao nguyên và Vùng 1 di tản trong hỗn loạn vì hoảng sợ CS, sau khi TT Thiệu ra lệnh rút các Sư đoàn Bộ Binh, Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến về phía Nam.

Cũng chiều ngày 16/5, tại San José, bắc California có buổi ra mắt sách Ngàn Giọt Lệ Rơi của bà Đặng Mỹ Dung (ĐMD). Sự hoảng hốt của đồng bào miền Trung hồi giữa tháng Ba 1975 đã lan tới Hawaii, nơi ĐMD và đứa con trai 5 tuổi đang sống êm đềm với chồng là John Krall -Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ. Một ngày nọ, ĐMD nhận được điện thoại từ Paris của một người xưng tên Jean Sagan, tự nhận là bạn thân của cha cô tức ông Đặng Quang Minh (ĐQM), Đại sứ Mặt trận Giải Phóng Miền Nam tại Moscow. Ông bảo ĐMD phải tìm cách đưa mẹ và gia đình rời khỏi Việt Nam. Ông cho biết, những người bạn của ba cô sắp tiến vào Sài Gòn. ĐMD hỏi tại sao những người bạn của cha cô vào Sài Gòn mà lại phải đưa mẹ mình xuất ngoại. Ông Sagan trả lời: đừng thắc mắc dài dòng, hãy đưa mẹ cô rời Sài Gòn ngay. ĐMD hỏi ông ta làm cách nào vì không người Việt nào được phép rời đất nước trong lúc này. “Cô hãy nói với chồng đến gặp Đô đốc Gaylor Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, ông ta là người tốt sẽ giúp đỡ”.

John không thể nhờ Đô đốc Gayler can thiệp vì anh đã không báo thượng cấp sự việc cha vợ là cán bộ cao cấp của Cộng sản. Nay vì sự an nguy của mẹ vợ, John đã liều lĩnh đến Sài Gòn mà không có phép của cấp chỉ huy. Sứ mạng được vợ giao gặp nhiều khó khăn, vì lẽ John không còn làm việc ở Nam Việt Nam. Một ngày nọ, từ bao lơn nhà mẹ vợ nhìn xuống đường, John phát hiện có kẻ lạ mặt, rõ ràng là cán bộ Việt Cộng lảng vảng trước nhà. Có lần họ gõ cửa, mời bà đến chỗ hẹn để nhận tin tức chồng bà - ông ĐQM, nhưng bà từ chối. Những chỉ dấu đó cho thấy cá nhân bà đã bị theo dõi và nguy hiểm như ông Sagan đã nói. John phải làm liều, đến Toà Đại sứ Mỹ báo cáo cha vợ là Đại sứ CSVN tại Moscow. Chi tiết trên được trình thượng cấp, nhưng họ không tìm thấy danh tánh ông đại sứ trong hồ sơ lưu trữ, có lẽ phần lớn đã bị huỷ bỏ, phải chuyển về Tổng Hành Dinh CIA ở Langley, Virginia để kiểm chứng.

Trong lúc John nóng ruột về việc ra đi của mẹ vợ, thì bà lại lo sợ về sự rủi ro của con rể, John có thể bị VC bắt cóc. Bà điện thoại báo cho con gái: “Chồng con đã làm tốt mọi việc, sự có mặt của nó ở Sài Gòn không còn an toàn nữa, con phải khuyên chồng con trở về Hawaii ngay”. MD liền gọi cho chồng, John bảo vợ phải trình bày ngay sự việc với Đô đốc Gaylor. Cô điện thoại đến tư thất viên tướng chỉ huy cao cấp nhất của Quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương. Tùy viên cho biết ông đang ngủ vì mệt mỏi sau gần 18 giờ làm việc liên tục. MD xin được nói chuyện với phu nhân đô đốc. Sau khi lắng nghe, bà nói: “Tôi phải đánh thức, ổng không thể ngủ trước một sự việc như thế này!”. Đặng Mỹ Dung tường thuật cho ông nội dung cuộc điện đàm giữa cô với ông Sagan ở Paris. Hôm sau, một viên chức dân sự mà ĐMD tin là người của CIA đến tiếp xúc với cô. Cuộc giao tiếp giữa cô và CIA bắt đầu từ khởi điểm này. Hai tuần sau, mẹ và hai em ĐMD, là những người VN di tản đầu tiên đến đảo Guam.

Cuối tháng 7/1975, Đại sứ ĐQM hướng dẫn phái đoàn MTGPMN từ Moscow đến Nhật tham dự hội nghị của tổ chức các lực lượng chống bom nguyên tử. Được tin này, ĐMD cùng con đến Tokyo để gặp lại thân phụ sau 21 năm xa cách. Cuộc tái ngộ diễn ra trong nước mắt lẫn đắng cay. Ông Minh ôm con vào lòng, nước mắt dàn dụa: “Con gái yêu của ba. Ba không có lời nào để nói hết nỗi thương nhớ dành cho má con và các con”. Sau đó, nói đến cái chết của đứa con trai út Hải Vân, ông không dằn được sự tức tối: “Người ta nói với ba, nó bị Mỹ giết và chính những người đó đã lừa má con rời Sài Gòn trước khi ba trở về. Ba không muốn nhắc đến Hải Vân nữa”. Song ĐMD tìm cách giải toả định kiến của ông: “Liệu ba có tin vào sự thật hay chỉ muốn nghe những lời bịa đặt dối trá? Em con không bị ai giết cả, nó là phi công trong không lực VNCH, chết vì tai nạn trong khi huấn luyện. Ba nên tìm hiểu cái chết của em con từ chúng con, chớ không phải từ sự nói dối của chính quyền cộng sản của ba”.

ĐMD vuốt ve tự ái của ông: “Con rất hãnh diện vì ba là một người Việt Minh, bị tù đày cũng vì lý tưởng Việt Minh, nhưng con không chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Hà Nội ở Miền Nam”. Ông tiếp lời: “Rồi con sẽ còn tự hào về ba, tin tưởng ba sẽ làm hết sức mình vì đồng bào Miền Nam. Chúng ta không phải là người chiến thắng duy nhất. Người Mỹ cũng thắng cuộc chiến này”. ĐMD không hiểu thân phụ mình hàm ý gì nên cãi lại: “Chỉ một ít những tên hoạt động phản chiến, chớ không phải tất cả người Mỹ. Chúng con không vui vì đã mất Miền Nam”. ĐMD phân trần: “Không ai dám nói thẳng như thế với một đại sứ của MTGP nhưng con may mắn là con của ba, con lợi dụng lợi thế đó để tâm tình với ba”. Ông đồng ý vì mẹ con nó đã đồng lao cộng khổ với ông trong 9 năm kháng chiến, họ đã hấp thụ được ở ông lòng yêu nước. Nhưng giờ đây lòng yêu nước không còn giống nhau, song họ vẫn thương yêu và tôn trọng chí hướng của nhau.

Vì tình máu mủ, ĐMD hỏi: “Anh con giờ đây ra sao?” Ông đáp: “Nó không còn ở trong quân đội, nó làm việc ở đài truyền hình. Sau khi về Hà Nội, ba và anh con sẽ trở về quê hương”. Nghe nói “trở về quê hương” ĐMD xót xa, cảm thấy có sự phân cách lớn trong tình cảm gia đình. Giờ đây lá cờ đỏ của Cộng sản đang tung bay tại Sài Gòn. Đó là quê hương của ba cô, chớ nơi đó không còn là quê hương của mình nữa. Ông Minh nói tiếp: “Khôi nhớ thương con. Con phải về thăm gia đình”. ĐMD dứt khoát: “Không, thưa ba. Con không thể tìm nguồn vui riêng khi đồng bào Miền Nam bị chính quyền Hà Nội đối xử tàn tệ”. Ông đè nén tự ái để bày tỏ ước vọng với con: “Ba muốn má con về sống với ba”. ĐMD trả lời: “Má con cũng không mong gì hơn là được sống bên ba”. “Vậy con rán đưa má con sang Paris để gặp ba”.

Trở về Hà Nội, ông ĐQM xin Tổng Bí thư Lê Duẩn cho phép ông được sang Paris công tác để thuyết phục vợ con trở về VN. Lê Duẩn lớn hơn ông Minh một tuổi, cả hai đều ở tù Côn Đảo từ 1940 đến 1945, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp đến 1954. Năm 1960 ông Duẩn trở thành Bí thư Thứ nhất Đảng Lao Động Việt Nam, còn ông Minh được cử làm Đại sứ MTGPMN ở Moscow. Về phần Mỹ Dung, theo hướng dẫn của cha, cô liên lạc với Phan Thanh Nam (PTN) -quyền Đại sứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà MNVN ở Paris can thiệp với Bộ Ngoại giao Pháp cấp visa cho mẹ cô. Bà đã đến Paris kịp lúc với chồng vào tháng Chín 1976. Sau 22 năm xa cách, ông bà được hội ngộ ở tuổi cuối đời, ĐMD mong muốn ba má được thoải mái trong không khí gia đình. Nhưng ông luôn bị nhân viên Sứ quán Cộng sản ở Paris bám sát. ĐMD khéo léo gợi ý ông về hưu, ba mẹ hủ hỉ bên nhau trong tuổi về già tại một nước nào đó không phải Việt Nam cũng không phải Hoa Kỳ, con cháu cũng tiện tới lui chăm sóc khi ông bà già yếu.

Ông phản đối ý kiến của con, cho đó là thái độ vô cùng ích kỷ. Ông phải trở về nước, hoàn thành nhiệm vụ giúp Miền Nam tái thiết, để phát triển vững mạnh trong một thời gian năm bảy năm, trước khi thống nhất với Miền Bắc. Trong khi ông lạc quan ở Paris, thì số cán bộ MTGPMN sau chiến thắng 30/4/1975 đã thấy rõ thân phận của mình, như câu nói của người xưa, “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” (Thỏ chết thì chó săn bị làm thịt), nên họ âm thầm tổ chức một bữa tiệc đơn sơ để tuyên bố giải tán MTGPMN, rồi ngậm ngùi chia tay. Đảng và chính quyền Cộng sản không thèm cử đại diện đến tham dự. Giờ đây họ chỉ sử dụng những phần tử nào tiếp tục con đường “chống Mỹ cứu nước” như PTN ở Paris.

Vụ án gián điệp Dragon Magic (Con Rồng kỳ diệu)


ĐMD được Cộng sản đón tiếp niềm nở. Nhờ đó cô có dịp đặt chân vào trụ sở MTGPMN và văn phòng bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán Paris. ĐMD đã tiếp xúc với Đại sứ Hà Nội Võ Văn Sung và phát hiện một số cán bộ Cộng sản nằm vùng ở Paris. Những ghi nhận về nhân sự và hoạt động của CSVN tại Paris đều được ĐMD báo cáo cho CIA. Trong khi đó, PTN và các đồng chí ra sức “động viên” ĐMD thuyết phục bà mẹ trở về nước. Y tuyên dương hành động trở về của bà là một chiến thắng lớn của CSVN, là cái tát vào mặt TT Gerald Ford và Chính phủ Mỹ đã cho CIA bắt cóc bà đem về Mỹ.

Sau lần cha mẹ gặp nhau ở Paris, Đặng Mỹ Dung vẫn trì chí tìm mọi cách để ông bà và anh em đoàn tụ. Cô giữ mối liên lạc với những người CS bạn của ba cô ở Paris, ông có uy tín lớn đối với họ. CS tin tưởng ĐMD với tình thương cha sâu đậm, cô sẽ giúp họ thu thập những tin tức kỹ thuật và tình báo từ chồng cô. Lần hồi qua sự giao tiếp, cô được Đại sứ Võ Văn Sung giới thiệu với Chủ tịch hội Việt Kiều yêu nước ở Mỹ và Đinh Bá Thi, đại sứ CSVN ở LHQ. Qua PTN cô gặp Trương Đình Hùng và một số cơ sở Cộng sản hoạt động ở Hoa Thạnh Đốn. Trương Đình Hùng nhờ cô chuyển một số tài liệu mật do Ronald Humphrey (một viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được phép đọc tài liệu mật) lấy trộm từ bộ Ngoại giao. ĐMD trao những tài liệu mật này cho CIA để tráo thành tài liệu giả chuyển đến Toà Đại sứ Hà Nội ở Paris. Humphrey có vợ là cháu của một nữ cán bộ CSVN, ông liều lĩnh hành động để Hà Nội sớm cấp giấy xuất cảnh cho vợ con.

Để lấy lòng ĐMD, PTN giúp cô gởi quà về cha và anh cô ở Sài Gòn. Cô nhét giấu đô la trong quà để giúp anh cô có tiền để vượt biên. Việc này được sự tán đồng của CIA, họ cũng muốn đón tiếp Khôi vào Hoa Kỳ, vả lại cô còn giúp họ thu thập những tin tức về các hoạt động của Hà Nội ở Pháp và Mỹ. Tuy nhiên việc chuyển những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Cộng sản liên quan đến gián điệp là công tác quá nguy hiểm. Các viên chức FBI luôn cảm thấy bứt rứt khi thấy ĐMD đi xa vào một điệp vụ rất nguy hiểm mà cô phải thường xuyên đối đầu. Còn Bộ Tư pháp nhận thấy việc làm của Ronald Humphrey gây tác hại lớn cho nước Mỹ, ông ta đã thâm nhập rộng rãi vào các thông tin đầy nguy cơ đối với nền an ninh quốc gia.

Đối với FBI và Bộ Tư Pháp, điệp vụ của ĐMD lớn đến mức phải chấm dứt ngay một cách tuyệt đối. CIA phản đối mãnh liệt, họ không muốn việc làm của họ bị tiết lộ và ĐMD sẽ không còn cơ hội cung cấp cho họ những tin tức quý giá của Cộng sản. Cuối cùng thẩm phán Bill phải đích thân giải quyết, ông nhận thấy tầm quan trọng của vụ án này và tìm mọi cách để truy tố kẻ phạm pháp ra toà. Đó là vụ án gián điệp Dragon Magic. Giờ đây, ĐMD phải đối đầu với một tình thế vô cùng nguy hiểm cho bản thân và gia đình, nếu cô ra toà làm nhân chứng. Tuy nhiên, cô sẵn sàng với điều kiện là chính phủ Mỹ phải bảo đảm cho cha và anh cô được vào nước Mỹ, sau đó mới xúc tiến việc bắt giữ và truy tố Humphrey và Trương Đình Hùng. Yêu cầu của cô được Bộ Tư Pháp chấp thuận. Sau đó, ĐMD nhờ Đại sứ Đinh Bá Thi chuyển thư của cô đến Lê Duẩn cho biết mẹ cô không còn sống bao lâu nữa vì chứng bệnh nan y. Ước nguyện của bà là được gặp chồng lần cuối và đứa con trai thân yêu đã xa lìa bà trong suốt 23 năm dài.

Mười ngày trước lễ Giáng sinh 1977, ông ĐQM được phép đến Luân Đôn gặp vợ. Trong hai tuần ở Anh, ban ngày ông sống với vợ con, ban đêm ông phải về trụ sở đảng của ông. ĐMD và em gái lợi dụng mọi cơ hội, trong thâm tình phụ tử, mong muốn ông về hưu, đoàn tụ với gia đình với lý lẽ: Ba đã cống hiến gần hết cuộc đời cho dân tộc. Nay đất nước đã hoà bình, ba 68 tuổi rồi, chúng con muốn ba về sống với má và chúng con. Ông thoái thác: ba đã chiến đấu 46 năm cho đất nước, giờ đây đất nước vẫn còn cần ba góp sức xây dựng, tái thiết Miền Nam trong một thời gian dài, để còn thống nhất đất nước. Ba không thể bỏ cuộc, đào thoát sống ở nước ngoài. ĐMD trả lời: Con đâu có muốn ba đào thoát, chúng con chỉ muốn ba về hưu, chọn một nước trung lập nào ba thích, dành quãng đời ngắn ngủi còn lại để má và chúng con được cận kề bên ba. Đó là lẽ công bằng. Ông dứt khoát: ba là người Việt Nam, sanh ra ở Việt Nam và sẽ chết ở Việt Nam. Ba được đến đây gặp má và chúng con là vì đảng và nhà nước tin tưởng ba. Nay ba ở lại, ba sẽ mất hết uy tín, các con thương ba, chắc các con không để ba mất danh dự. Ý định bắt cóc ông ĐQM, đưa ông bà về Mỹ của ĐMD không thực hiện được. Việc này chỉ làm ông đau khổ thêm ở tuổi già, ông sẽ tự tử.

Theo dõi cuộc đối thoại, mẹ ĐMD thấy ai cũng có lý. Bà khuyên con đừng lên án Cộng sản để hành hạ ba con, vì ông là người Cộng sản. Ba đã nói với má, dù sống xa các con, song lúc nào ông cũng vẽ ra trong đầu hình ảnh đẹp về các con. Nay ông đã thấy các con hạnh phúc. Hãy để ba con được vui trọn vẹn trong những ngày đoàn tụ này. Đừng nói đến chính trị nữa. Má con mình đã thương yêu, thì phải thương yêu cho trót, để ông làm hết bổn phận đối với đồng bào. Nghe lời mẹ, ĐMD xin cha tha lỗi vì những ý nghĩ nông cạn của mình. Ông trả lời: “Ba luôn tha thứ, nhưng các con đừng bao giờ nhắc đến những ý nghĩ đó trước mặt má con, chỉ làm má con buồn”.

Ngày về nước, ông ôm bà từ giã, rồi lầm lũi bước thẳng ra xe, không can đảm quay lại nhìn người vợ thân yêu lần cuối. Sau đó Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tiến hành thủ tục bắt giữ và truy tố Ronald Humphrey và Trương Đình Hùng về tội gián điệp. Vụ án được toà xét xử từ đầu tháng Năm 1978, ĐMD tuyên thệ làm nhân chứng chính của chính phủ Hoa Kỳ. Quyển A Thousand Tears Falling kết thúc tại đây.

Câu chuyện trong sách của bà Krall tức ĐMD là sự thật, nhưng bản thảo không được CIA thông qua để được ấn hành trọn vẹn. Họ chỉ cho phổ biến những thông tin nào giúp làm sáng tỏ vụ án, song không phương hại đến nền an ninh quốc gia. Nỗ lực đấu tranh để bản thảo được thông qua kéo dài quá lâu, người ta phải viện dẫn cả Tu Chính Án số 1 trong Hiến pháp Hoa Kỳ về tự do ngôn luận. Vì thế 15 năm sau, sách A Thousand Tears Falling mới được xuất bản (1995). Còn ấn bản Việt ngữ Ngàn Giọt Lệ Rơi mãi đến 2010, nhân kỷ niệm lần thứ 35 ngày 30/4, mới chính thức ra mắt đồng hương. Đoạn cuối cuộc đời thân sinh của tác giả không được đề cập đến, kể từ buổi chia tay lần cuối với người cha mà cô hết mực kính yêu. Những tin tức sau này cho biết anh tác giả đã vượt biên tìm tự do năm 1986 và đã chết ở Mỹ năm 2006. Mẹ của tác giả cũng đã qua đời. Thân phụ ĐMD chết vì chứng đột quỵ năm 1986. Ông Lê Duẩn cũng chết năm này. Đây là thời điểm CSVN chủ trương đổi mới để sống còn.

Đoạn kết cuộc đời song thân của ĐMD cũng đau thương như thảm cảnh chung của dân tộc. Tác giả Ngàn Giọt Lệ Rơi không muốn khơi lại nỗi đau của gia đình. Nhưng câu chuyện trong Ngàn Giọt Lệ Rơi là một phần của số phận cả dân tộc.

Những trăn trở của người Cộng sản chiến thắng


Sau 45 năm đi làm cách mạng, ông ĐQM đã chiến thắng, giải phóng đồng bào Miền Nam khỏi trại trập trung khổng lồ của Mỹ Ngụy. Nhưng những người thân yêu nhất đã rời bỏ quê hương, di tản sang Mỹ. Ngày trở về Miền Nam ông đã thấy xót xa, vợ con mình đã không còn tin ở mình thì làm sao đồng bào có thể đặt tin tưởng ở mình nữa!

Vì lòng yêu nước ông đã chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ, đồng bào Miền Nam lại được Mỹ bảo vệ để có cuộc sống phồn vinh, điển hình là ngôi nhà khang trang của vợ ông ở Sài Gòn. Con gái ông có chồng Mỹ, chồng ĐMD hết lòng thương yêu vợ nên đã liều lĩnh về Sài Gòn cứu mẹ vợ, và đã sắp xếp để ông có dịp gặp lại vợ con. Nhờ đó họ có dịp nói với ông một sự thực: Miền Nam đang sống trong tự do thanh bình, Cộng sản lại gây ra cuộc chiến đẫm máu. Ngày Cộng sản Bắc Việt tiến vào Miền Nam , đồng bào từ Bến Hải trở vào lũ lượt bỏ nhà, tìm mọi cách chạy trốn Cộng sản trong hỗn loạn. Sau 30/4/1975 đồng bào phải mạo hiểm vượt biển bằng thuyền con để lánh nạn Cộng sản.

Ông Minh bắt đầu ngờ vực về đảng Cộng sản của ông. Từ giã vợ con, ông về nước với ý nguyện tái thiết và phát triển Miền Nam vững mạnh trong một thời gian dài trước khi tái thống nhất đất nước. Đó chỉ là ước vọng mà thôi. Cộng sản xâm lược Miền Nam, bần cùng hoá nhân dân và trả thù mà thôi. Hậu quả là Miền Nam lâm vào cảnh cùng khổ, lần đầu tiên trong lịch sử, đồng bào trong Nam bị đói, phải ăn độn bằng khoai bắp, bo bo. Mọi nhu yếu phẩm đều khan hiếm trầm trọng. Người dân Miền Nam bị áp đặt một chế độ độc tài chuyên chính còn tàn bạo hơn thời thực dân Pháp. Cả triệu người bị đưa vào các trại tù cải tạo chỉ vì tội bảo vệ tự do, kinh doanh làm giàu cho đất nước. Vợ ông Minh đã ra đi trước và cương quyết không nghe lời ông về nước. Nếu bà ở lại chờ ông về hoặc nghe lời ông hồi hương, thì giờ đây ông càng khổ tâm nhiều, làm sao có thể cứu được bà, một người đã phản bội cách mạng, phản bội chồng, cho các con lấy chồng Mỹ.

Đối với Miền Nam, ông bất lực không thực hiện được ước mơ cuối đời của mình. Đối với người vợ tào khang tấm mẳn, đã sát cánh bên ông trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, rồi tần tảo nuôi con để ông đi làm cách mạng suốt cả đời. Bà chỉ xin ông một việc nhỏ: “Giúp con, thằng Khôi gặp lại tôi”. Ông cũng không làm được. Đứa con trai lớn đã sống bên ông từ lúc sơ sanh đến tuổi 50, từng du học ở Trung Cộng và Liên Xô, cuối cùng cũng đến chào từ biệt ông, lên đường vượt biên tìm tự do, để gặp lại mẹ và các em. Tại quê hương chỉ còn nấm mộ của đứa con trai út mà ông thường lui tới thăm viếng tại nghĩa trang Biên Hoà. Đồng bào Miền Nam còn tri ơn nó đã hy sinh vì tổ quốc, vì dân chủ tự do cho đồng bào; chớ có mấy ai nhớ đến một người Cộng sản như ông!

Nhớ lại ngày Lễ Giáng sinh 1977 ở Luân Đôn, ông kể cho các con nghe về quãng đời thanh xuân: Năm 16 tuổi, ba coi việc bảo vệ tổ quốc là một vinh dự lớn của thanh niên, nên đã tham gia cách mạng. Năm 26 tuổi ba gặp người con gái tâm đầu ý hợp là má con. Ông bà nội ngoại đều tán đồng, cho phép ba cưới má con. Từ đó đến nay, má con suốt đời chung thuỷ, hết lòng chăm lo cho các con, đúng như ý ba mong muốn.

Có thể nói, trong việc lập gia đình ông ĐQM có sự lựa chọn đúng. Nhưng trong việc phục vụ dân tộc, ông đã chọn lý tưởng sai. Cha mẹ vợ của ông là những người yêu nước không có khuynh hướng Cộng sản. Vì thương con rể, ông bà không tán đồng cũng không phản đối chí hướng của con. Sự mâu thuẫn này kéo dài qua ba thế hệ. Con gái và các cháu ngoại của ông bà không ưa Cộng sản nhưng lại hết lòng thương yêu chồng và cha của họ là Cộng sản. Hậu quả đắng cay là gia đình ly tán.

Ông ĐQM là người yêu nước tham gia đảng Cộng sản. Và khi Cộng sản chiến thắng, ông đem sự đau thương về cho vợ con nói riêng và đồng bào đất nước nói chung. Ông trở về trong trăn trở, lỡ khóc lỡ cười, “Mình là Cộng sản hay là nạn nhân của Cộng sản?” làm sao đồng bào hiểu được! Ông chỉ còn trông cậy vào con, có thể giúp ông giãi bày nỗi lòng. ĐMD nói với Chủ nhiệm báo Việt Luận Úc Châu: “Lần cuối cùng gặp ba tôi ở Luân Đôn, tôi có cho ba tôi biết là mấy chục năm nay tôi viết nhật ký. Ba tôi có vẻ ưu tư rồi khuyên tôi nên viết thành sách cho con cháu trong gia đình biết về tổ tiên ông bà của chúng nó. Tôi nhớ hoài câu nói ngắn ngủi nhưng thành thật vô cùng của một đảng viên Cộng sản: “Con viết dùm cho ba, hoàn cảnh chưa cho phép những người như ba viết hồi ký, chỉ có chính phủ mới được viết hồi ký thôi con à!”.

Quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi đã ra mắt độc giả, ĐMD đã “viết dùm” cho thân phụ, để bên kia thế giới ông nhẹ đi phần nào mặc cảm, và giúp những người Cộng sản còn sống thức tỉnh, hầu góp phần không muộn vào công cuộc phục vụ quê hương. Cuộc đời của những thành phần yêu nước bị Cộng sản lợi dụng, lừa dối là một bài học hữu ích, phải được truyền giảng sâu rộng.

Ngàn Giọt Lệ Rơi chuyên chở những ý nghĩa gì?

Tại sao những người như ông ĐQM không được viết hồi ký mà chỉ có chính phủ mới được viết? Điều này chứng tỏ ở Việt Nam không có tự do ngôn luận. Những người Cộng sản yêu nước mà không được viết, thì những người không Cộng sản làm sao có thể bày tỏ nguyện vọng của mình để xây dựng đất nước! Những người yêu nước viết hồi ký, họ sẽ nói sự thật, vì mục tiêu đấu tranh của họ trong sáng: vì quyền lợi tối thượng của dân tộc Việt Nam. Trong khi các lãnh tụ CSVN phục vụ Nga Tàu thì làm sao họ dám nói sự thật phủ phàng đó, nên phải gian dối và lừa gạt để khỏi mang tiếng phản bội dân tộc.

ĐMD phát hành quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi đúng vào ngày Mother Day, có lẽ để tưởng nhớ người mẹ. Bà là mẫu người phụ nữ Việt Nam điển hình với các đức tính truyền thống “tam Tòng tứ Đức”. Lúc trẻ bà sống với song thân được giáo dục tốt, nên bà đã dạy các con biết cách cư xử ở đời sao cho phải đạo làm người. Khi “xuất giá tòng phu”, từ 18 tuổi đến gần 40 tuổi, bà luôn ở bên chồng đang chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 1954, chồng tập kết ra Bắc, bà thay chồng nuôi dạy các con. Đến khi Cộng sản chiến thắng trong đó chồng bà, bà quyết định theo con.

Chồng bà yêu nước nên chống thực dân đế quốc, để nước nhà được độc lập tự chủ, chớ không phải chống Pháp Mỹ để mang vào đất nước chế độ độc tài tàn bạo phi nhân của Cộng sản Nga Tàu. Vì vậy, bà coi như chồng đã chết từ thời điểm này. Sau đó hai lần gặp lại chồng, bà đối xử với ông cho trọn đạo nghĩa phu thê… Nhưng dứt khoát không trở về với chồng mà trong tâm tư bà coi như đã chết. Dù ông có quyền cao chức trọng, bà cũng coi mình đã trở thành goá phụ từ khi Miền Nam lọt vào tay Cộng sản. Bà là biểu tượng của người Việt tự do ở hải ngoại, không bao giờ chấp nhận hoà giải với những người Cộng sản phản bội dân tộc.

Còn tác giả quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi? Trong lời nói đầu quyển A Thousand Tears Falling, cựu Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ - ông Griffin Boyette Bell đề cao “Yung Krall đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tình yêu nước Mỹ đã dẫn dắt cô trở thành nhân chứng then chốt trong vụ án gián điệp mang tên Con Rồng Kỳ Diệu (Magic Dragon) mà cô biết chắc chắn sẽ đặt cô và đứa con trai nhỏ của cô trước vô cùng hiểm nguy”.

Ngoài sự can đảm chấp nhận hiểm nguy, ĐMD còn chấp nhận sự đau lòng của đứa con chí hiếu. Việc đứng ra làm nhân chứng của cô sẽ làm tiêu tan hy vọng của bà mẹ ngày đêm mong được gặp lại trưởng nam của bà. Hành động của ĐMD còn tác hại đến địa vị của người cha ở VN. Ngoài ra cô còn phụ lòng CIA, cơ quan đã đáp lại yêu cầu của cô đưa mẹ và các em rời VN và sau đó tạo điều kiện giúp ba má cô gặp nhau hai lần. CIA sẵn sàng ủng hộ và mong muốn cô khước từ việc làm nhân chứng trước toà án.

Vậy động lực nào khiến cô được đề cao là công dân Mỹ vĩ đại, có phải chồng cô là người Mỹ, cô có bổn phận phục vụ nhà chồng? Điều đó chỉ đúng một phần, theo suy nghĩ của người viết, vì cô là một người Mỹ gốc Việt - một người VN ngay thẳng. Sở dĩ cô hành xử như vậy, vì cô là một “người Việt Nam biết điều”. Chấp nhận hiểm nguy, hy sinh tình cảm cá nhân, chỉ với tấm lòng thành muốn được “đền ơn trong muôn một” đất nước Hoa Kỳ vì những hy sinh của họ đối với dân tộc Việt Nam.

Bài học cho người lãnh đạo Cộng sản

Tác giả Ngàn Giọt Lệ Rơi không đề cập nhiều đến nhân vật có thể nói là “ly kỳ bí mật” Jean Sagan. Ông đã góp phần đưa câu chuyện riêng tư của một gia đình Việt Nam gắn liền với vận mạng dân tộc. Phải nhắc lại bối cảnh thời cuộc lúc bấy giờ để ôn lại lịch sử và vì đất nước ngày mai. Người viết liên tưởng đến buổi điều trần của Đại sứ Martin trước Tiểu ban Điều tra Đặc biệt của Uỷ ban Liên hệ Ngoại giao Quốc tế Hạ viện Hoa Kỳ ngày 22/1/1976. Một dân biểu đã nhắc lại lời tuyên bố của Ngoại trưởng Kissinger ngày 5/5/1975: “cho đến ngày 27/4/1975 Hoa Kỳ vẫn còn nhiều hy vọng Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) sẽ không có ý chiến thắng về quân sự mà họ sẽ thương lượng một giải pháp chính trị với Dương Văn Minh”. Vị dân biểu đã hỏi Đại sứ Martin: “Sự kiện nào đã khiến Hoa Kỳ nghĩ chuyện đó có thể xảy ra?”.

Đại sứ Martin trả lời: Sở dĩ Ngoại trưởng Kissinger tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo ngày 29/4/1975 ngay sau khi Hoa Kỳ di tản khỏi Sài Gòn là vì “Hoa Kỳ đã liên lạc với nhiều người trung gian đại diện cho MTGPMN - Bắc Việt và có được một vị trí để trao đổi quan điểm qua lại”. Đại sứ Martin còn tiết lộ ngày 5/5/1975 Ngoại trưởng Kissinger “có nói là người Nga đã giúp đỡ chúng ta di tản người Mỹ và Việt, đồng thời họ cũng cho biết có một khả thể nào đó cho sự thay đổi về thương lượng chính trị cho hai bên”. Ông trình bày tiếp, hồi cuối tháng Tư 1975, VNCH đã nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi của CSBV như là điều kiện thương thuyết: TT Thiệu từ chức, TT Hương người kế vị cũng từ chức. Họ chỉ nói chuyện với Dương Văn Minh (DVM), đòi hỏi này cũng được thoả mãn, DVM lên làm tổng thống. Sài Gòn thoả mãn tất cả những đòi hỏi của phía CSBV. Tuy nhiên như Ngoại trưởng Kissinger đã tuyên bố “vì những lý do gì không rõ, CSVN thay đổi ý kiến vào đêm 27/4 và thi hành kế hoạch quân sự của họ”. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hoà (Nguyên tác The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong) Viet Nam Bibliography xuất bản, 2003, tr. 278-279).

Qua dẫn chứng trên, có thể suy đoán Sagan là một giới chức ngoại giao Pháp có cảm tình với MTGPMN, với nhân dân Việt Nam hoặc đó chính là cán bộ cao cấp của MTGPMN. Họ tạo ra mối ân tình giữa Đại sứ MTGPMN tại Moscow với Hoa Kỳ, có thể sẽ giúp giải pháp kết thúc chiến tranh của Hoa Kỳ thành tựu, qua sự hoà giải giữa hai bên Miền Nam theo tinh thần Hiệp định Paris 1973. Kế hoạch trên đã bất thành trong đêm 27/4/1975 vì chủ trương của Hà Nội là dùng bạo lực quân sự thôn tính Miền Nam. Mâu thuẫn cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam vào hồi kết thúc cuối tháng Tư 1975 không phải giữa VNCH và MTGP mà là giữa MTGP với Hà Nội. Vì thế MTGP không thể tiếp xúc riêng với Hoa Kỳ để kết thúc chiến tranh bằng giải pháp DVM. Để MTGP từ bỏ ý định này, Hà Nội sẽ không ngần ngại cầm giữ bà Đại sứ MTGP và cả con rể, để áp lực ông ĐQM. Đó là lý do tại sao ông Sagan yêu cầu ĐMD phải đưa mẹ và em gái rời khỏi VN. Và đó cũng để trả lời thắc mắc trên của Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Kế hoạch hoà bình cho Việt Nam không tiến hành được, Miền Nam lọt vào tay CSBV. Song Hoa Kỳ đặc biệt là Đô đốc Gayler tin tưởng qua tình cảm giữa ĐMD và người cha, ông Đại sứ MTGP có thể giúp hồi hương những tù binh chưa được Cộng sản phóng thích năm 1973 và số phận hơn 2000 quân nhân Mỹ còn mất tích ở Việt Nam. Đô đốc Gayler là giới chức cao cấp nhất của Mỹ đã tiếp xúc sơ khởi với số tù binh vừa hồi hương, có thể ông được báo cáo còn nhiều tù binh chưa được phóng thích. Cuối 1975, dân biểu Sonny Montgomery tiểu bang Mississippi đến thăm Việt Nam. Qua vị dân biểu này Hà Nội cho biết họ không còn giam giữ người Mỹ nào cả. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn hy vọng qua trung gian của ĐMD, giới lãnh đạo Hà Nội có thể thương thảo với Hoa Kỳ về việc thiết lập bang giao.

Năm 1977 khi TT Carter lên cầm quyền, Hoa Kỳ tiếp tục phán với Hà Nội việc bình thường hoá bang giao, từ tháng 5/1977 tại Paris. Hà Nội vẫn khăng khăng đòi Hoa Kỳ số tiền 3250 triệu đôla mà họ gọi là tiền bồi thường chiến tranh, coi đó là điều kiện tiên quyết trước khi đặt vấn đề thiết lập bang giao. Họ còn tổ chức gián điệp lấy cắp tài liệu mật của Mỹ và khuyến dụ bà ĐQM hồi hương để hạ nhục Mỹ. Trong khi Bắc Kinh sẵn sàng thiết lập bang giao với Hoa Kỳ vì lợi ích chung của hai nước. Việc này được tiến hành ngay sau khi Hà Nội phát động chiến dịch đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người Việt gốc Hoa. Hoa Kỳ coi hành động trên như cái tát đập vào mặt họ khi CSVN bày tỏ thái độ thù nghịch với Trung Cộng, thành lập nước Cộng hoà XHCNVN theo đúng khuôn mẫu Liên Xô. Tháng Chín 1978, Hà Nội ký Hiệp ước Hợp tác hữu nghị với Liên Xô. Đầu năm 1979, Trung Cộng chính thức thiết lập bang giao với Hoa Kỳ, và hơn một tháng sau họ đưa quân vượt biên giới tấn công CSVN.

Ba thập niên sau, tháng 4/2010, ông Nguyễn Dy Niên cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hà Nội (2000-2006) bày tỏ sự luyến tiếc về việc đảng CSVN đã “thực hiện những chính sách mà đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, thì bây giờ Việt Nam đã mạnh lắm và cường thịnh lắm”. Ông nhận xét: “Thời gian sau 30/4/1975 là cơ hội cực kỳ tốt mà chúng ta chậm khai thác. Mỹ muốn bình thường hoá quan hệ với ta. Nhưng rất tiếc là chúng ta còn dè dặt – cũng một phần do ràng buộc của lý luận – nên đã bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội ấy. Từ 1976 ta bắt đầu đàm phán với Mỹ, mình đưa ra cả một cục xương thì làm sao họ nuốt nổi, đó là bồi thường chiến tranh”. Đó là việc đối ngoại, ông Niên còn nêu lỗi lầm khác nữa là “thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở Miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà vẫn tiếp tục thực hiện ở Miền Nam”. (www.nguyendynien/thoisu-dcpt)

Nghe cựu bộ trưởng Ngoại giao CSVN nói đến sự “ràng buộc của lý luận” và sự “tỉnh táo” khiến người viết nhớ buổi phỏng vấn của cô Ánh Nguyệt, đài RFI với một nhân chứng lịch sử lão thành là Giáo sư Vũ Quốc Thúc về quyển sách của ông vừa được xuất bản Thời Đại Của Tôi. Giáo sư Thúc nói rằng, những ai giữ mãi một ý kiến, không biết thích nghi trong việc ứng xử trước những hoàn cảnh đã thay đổi, thì chỉ có người điên mà thôi, nhẹ nhất là cố chấp, nặng hơn là cuồng tín.

Lý luận của những người Cộng sản, trước cũng như nay, không bao giờ thay đổi, thì làm sao họ có thể tỉnh táo được, dù Milovan Djilas - lãnh tụ Cộng sản nổi tiếng của Nam Tư đã thức tỉnh, từng cảnh cáo
Cộng sản là một thế lực suy tàn. Có người còn nói đó là một xác chết, nhưng là một xác chết có thể lôi ta cùng xuống mồ với nó”.

Lê Quế Lâm

© Thông Luận 2010

--------------------------------------

Việt Luận Phỏng Vấn Chị Đặng Mỹ Dung, tác giả :Ngàn Giọt Lệ Rơi”

Vietluanonline

http://vietluanonline.com/phongvandangmydung.htm

.

Ngàn Giọt Lệ Rơi - Câu Chuyện Của Một Nữ Điệp Viên CIA Người Việt

Một câu chuyện thật nhưng ly kỳ như trinh thám về cuộc đời của nữ điệp viên CIA Đặng Mỹ Dung được bà kể lại trong 412 trang sách của cuốn tự truyện A Thousand Tears Falling (Ngàn giọt lệ rơi)

http://www.vietcyber.net/forums/showthread.php?t=100224

.

Câu chuyện của một điệp viên CIA người Việt

Đinh Nam

5.1.2006

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6193&rb=0307

.

Viết Về " Nghìn Giọt Lệ Rơi "
Vân Hải, Pháp 24/11/2005

http://www.congdongnguoiviet.fr/CDNVQGTDTP/0511VanHaiVietVeNGLRh.htm

.

NGÀN GIỌT LỆ RƠI

30 tháng Tư – 31 năm sau, Chuyện đời thành tiểu thuyết – Tiểu thuyết thành chuyện phim

Giao ChỉSan Jose 2006
Thursday, April 20, 2006

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=42657

.

YUNG KRALL (tức ĐẶNG MỸ DUNG) CHỌN LỰA GIỮA HAI CHIẾN TUYẾN QUA TÁC PHẨM "NGHÌN GIỌT LỆ RƠI"

Vũ Uyên Giang

http://anhduong.net/LinhTinh/June06/YUNG_KRALL.htm

.

.

.

No comments: