Tuesday, June 22, 2010

NGƯỜI VIỆT TRỒNG CẦN SA Ở BA LAN

Newsweek: “Ba Lan, một trong những đồn điền cần sa lớn nhất tại châu Âu, nhờ… người Việt!”

Violetta Krasnowska – Sałustowicz

Lê Diễn Đức dịch

Tháng Sáu 22, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/06/22/newsweek-ba-lan-m%e1%bb%99t-trong-nh%e1%bb%afng-d%e1%bb%93n-di%e1%bb%81n-c%e1%ba%a7n-sa-l%e1%bb%9bn-nh%e1%ba%a5t-t%e1%ba%a1i-chau-au-%e2%80%93-nh%e1%bb%9d-ng%c6%b0%e1%bb%9di-vi%e1%bb%87t/


- “Chúng tôi biết người Việt muốn dùng Ba Lan làm nơi ẩn náu cho tội phạm này” – Sebastian Michalkiewicz, Trưởng đại diện của Cục điều tra Trung ương tại thủ đô Warszawa xác nhận. – “Người Việt từ Hà Lan và Đức qua đây đều là những tay trồng cần sa chuyên nghiệp. Các thiết bị sử dụng trên đồn điền tại Ba Lan xuất phát từ những nước này”.

.

Một biệt thự mới hai tầng nằm trên đường phố yên tĩnh trong khu Strare Babice gần thủ đô Warszawa. Cửa sổ lớn, ban công và lối lên cầu thang có kính bao quanh. Ai đó bất kỳ đi qua đường cũng không thể nghĩ rằng đây chẳng phải là nơi ở thực sự. Phía trong các cửa sổ được che đóng bằng những tấm ván và gắn những bóng đèn nhỏ, loại tiết kiệm năng lượng. Người ta làm như vậy để vào buổi tối trông như thể trong nhà đang có một cuộc sống gia đình bình thường. Nhưng thực tế là bên trong là ngôi nhà thứ hai, hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới, với mạng lưới đèn chiếu sáng cực lớn, ống dẫn nước tưới tiêu, và hệ thống quạt… Như rừng Amazone: 80% độ ẩm và nhiệt độ 45 độ C. Gần một trăm bóng đèn natri 600 W. Trong tất cả các phòng của ngôi nhà là một rừng cần sa, được chăm sóc bởi những người làm vườn Việt Nam: 500 bụi cần sa có thể sản xuất ra thành phẩm ma tuý trị giá 300 ngàn Zloty Ba Lan (khoảng 100 ngàn đôla Mỹ).

.

Ở đây, không phải là thứ cỏ phổ biến thông thường. – “Đó là loại cần sa lai giống do người Việt Nam tạo ra. Hầu hết các loại cần sa có khoảng 0,2% THC [hàm lượng chất ma tuý]. Còn chúng tôi đang đối diện với các loại chứa tới 20-30% THC! Loại cần sa với 18% THC đã được thị trường coi là một sản phẩm tuyệt vời rồi. Đối với dân Việt Nam, loại họ trồng vượt quá cả mong muốn” – Một sĩ quan cao cấp của biên phòng Ba Lan cho biết. Ông là người mà hôm 24 tháng Tư đã cùng với cảnh sát phát hiện ra nơi cần sa ở Stare Babice. Người ta đã bắt tại chỗ ba người Việt Nam, có độ tuổi từ 24 đến 32. Hai trong số họ đã sự dụng căn cước Bulgaria giả mạo.

.

Các đồn điền cần sa kiểu này đã được phát hiện gần đây tại Ba Lan ngày mỗi nhiều hơn. Một vài ngày sau chiến dịch ở Stare Babice cảnh sát phát hiện ra một điểm canh tác tương tự tại Raszyn: 625 cây cần sa và 13 kg khô thành phẩm trị giá khoảng 420.000 ZL (tương đương 140 ngàn USD). Biên phòng Ba Lan trong ba tháng qua đã huỷ bỏ năm đồn điền ở ngoài Warszawa. 5 nơi tiếp theo được phát hiện bởi Cục điều tra Trung ương CBS, 5 điểm khác bởi cảnh sát thủ đô. Đôi khi phát hiện ra một cách tình cờ. Cũng như trong trường hợp ở Rembertów cũng thuộc Warszawa, cảnh sát tìm thấy 756 bụi, nhờ vụ ống dẫn nước bị hỏng, chủ nhà phải đến xem xét và báo cho cảnh sát.

.

Các sĩ quan thừa nhận rằng, phát hiện ra loại hình canh tác này không dễ dàng. Cần có nhiều may mắn. – “Tôi nghi ngờ rằng, chúng tôi chỉ bắt được một tỷ lệ nhỏ những người sản xuất” – Một viên chức của biên phòng nói.

.

Ý tưởng cho việc kinh doanh khá đơn giản: tạo ra nơi trồng trong một căn nhà thuê, thu nhập, chế biến, đưa ra nước ngoài và sau đó chuyển đổi sang địa chỉ thuê nhà khác. Toàn bộ sản phẩm được đưa ra nước ngoài là điều gây khó cho công việc của cảnh sát. Cần sa không được phân phối tại Ba Lan, do đó, không có các mối đại lý, là điểm dẫn cảnh sát đến nguồn bán buôn hoặc người sản xuất.

.

Hơn nữa, toàn bộ việc sản xuất là ví dụ của một công trình ngầm tuyệt vời. Trong căn nhà thuê thường ngự trị sự im lặng hoàn hảo, chỉ có đèn sáng bên trong các cửa sổ. Nhưng khi chủ nhà muốn vào bên trong để xem thì gặp phải khó khăn. Người Việt đang sống trong nhà giải thích rằng, họ sập cửa lại mà bỏ quên chìa khóa. Sau đó, thậm chí rất khó nói chuyện được với họ. Chủ nhà cuối cùng phẩy tay cho xong chuyện. Họ trả tiền tử tế mà. Chỉ có điều, dù được trả tiền thuê đàng hoàng, quyết toán cuối cùng chủ nhà hầu như luôn luôn bị thiệt hại, vì họ đi và để lại tiền điện sử dụng chưa thanh toán. Số tiền điện trên hoá đơn là khủng khiếp.

.

Nếu những người trồng cần sa trả tiền điện sòng phẳng thì lợi nhuận sẽ chẳng còn bao nhiêu. – “Công việc sản xuất chỉ có lãi khi xài điện chùa. Vì thế họ thường câu vào mạng để lấy cắp điện” – Sĩ quan xử lý các vụ án giải thích. Ba tháng tiêu thụ điện cho trồng cần sa khoảng 100 ngàn Zloty (khoảng 30 ngàn USD). Tất nhiên, sau đó số tiền này rơi vào chủ nhà. – “Có người đã phải cả bán nhà để giải quyết tiền nợ” – Sĩ quan biên phòng cảnh báo.

- “Không còn nghi ngờ gì rằng, chúng tôi đang đối phó với hoạt động tội phạm quốc tế có tổ chức với những chân rết được phân công vai trò và nhiệm vụ. Ai là người được chọn làm việc, ai thuê nhà và cung cấp và lắp ráp thiết bị, ai tiếp nhận hàng hóa, và xuất nó ra nước ngoài. Và trên tất cả, ai là người cấp nguồn tài chính cho việc thành lập các đồn điền” – Các viên chức biên phòng nói.

.

Việc tạo lập một đồn điền rất tốn kém. Trước tiên, tiền thuê nhà, thường được thanh toán trước cho toàn bộ thời gian thuê. Chi phí thiết bị cho việc gieo trồng khoảng 500 bụi cần là khoảng 15 ngàn USD. Sau đó là chi phí cho việc chuyển lậu người Việt qua Ba Lan. – Những kẻ đầu nậu cần lao động là người Việt. Vì vậy, trả tiền cho việc chuyển lậu người từ Việt Nam là những người Việt mơ được ra khỏi nước để kiếm tiền. Nhưng không phải là món quà từ trên trời rơi xuống. Thay vào đó, họ phải làm việc nhiều năm tại các đồn điền cần sa – biên phòng giải thích. – “Đây là những người lao động tuyệt vời. Họ không biết ngoại ngữ, nên khó có thể chạy trốn, vì đi đâu? Cũng không có nhu cầu ra ngoài vì thực phẩm được cung cấp, họ chỉ lo việc chăm sóc trồng trọt”.

Chính những người lao động này đã làm việc trên các đồn điền ở Ba Lan, trong đó có đồn điền ở gần Żagań Iłowa. Họ trồng cần sa trong các nhà xưởng của nhà máy đã ngưng hoạt động. Trên hai tầng của nhà xưởng có gần bốn nghìn bụi cần sa có thể sản xuất 300 ngàn phần ma tuý trị giá 6,6 triệu Zloty (2,3 triệu USD). Khu nhà được trang bị giây chuyền sản xuất chuyên nghiệp với hệ thống ánh sáng, tưới tiêu và thông gió. Khi cảnh sát vào bên trong thì phát hiện thêm một số nhà xưởng khác trong tình trạng chuẩn bị. Trên hiện trường có hai người Việt bị tách hẳn với thế giới bên ngoài, được mang tới đây từ biên giới với Trung Quốc. Họ cũng được cung cấp phương tiện sống rất tốt, có TV bắt được chương trình Việt Nam, và thỉnh thoảng còn có cả báo chí từ trong nước.

.

Với cơ quan cảnh sát Ba Lan, việc người Việt Nam trồng cần sa không có gì đáng ngạc nhiên. Hiện tượng này đã được biết đến từ nhiều năm nay, nhưng ở các nước khác: Anh, Đức và Hà Lan. Vài năm trước ở Đức, người ta đã phá vỡ một băng 16 người Việt buôn bán ma tuý, chủ yếu là cần sa. Báo chí Anh đã viết nhiều về các băng nhóm Việt Nam sản xuất ma tuý trong các nhà kho cũ. Nhưng vấn đề sản xuất của họ ở phương Tây đã trở nên ngày mỗi nguy hiểm hơn. Đó là lý do tại sao các băng nhóm đã quyết định di chuyển trồng cần sa về phía Đông, còn phương Tây là thị trường tiêu thụ.

- “Chúng tôi biết họ muốn dùng Ba Lan làm nơi ẩn náu cho tội phạm này” – Sebastian Michalkiewicz, Trưởng đại diện của Cục điều tra Trung ương tại thủ đô xác nhận. – “Người Việt từ Hà Lan và Đức qua đây đều là những tay trồng cần sa chuyên nghiệp. Các thiết bị sử dụng trên đồn điền tại Ba Lan xuất phát từ những nước này.

Cảnh sát của chúng tôi hiện nay mới chỉ nắm bắt được phần ngoài của hàng rào: Người Việt Nam bị bắt là những người làm việc trên các điểm trồng, đôi khi là người đứng tên thuê nhà. Nhưng kẻ đứng ra tổ chức vẫn chưa được biết. Công tố viên của Warszawa không kết hợp tất cả các trường hợp trồng cần sa vào một cuộc điều tra. Các thủ tục tố tụng đưa ra toà ngày mỗi tăng, bởi vì nhà để cho thuê không thiếu”.

.

Người Việt đến từ các nước Hà Lan, Đức, CH Czech và đưa hàng sang các nước đó tiêu thụ (Bản đồ trái) http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/06/222.jpg?w=446&h=267

Những điểm trồng cần sa lớn ở thủ đô Warszawa (Bản đồ phải): http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/06/11111.jpg?w=443&h=370

.

Nguồn: Newsweek ngày 16/06/2010

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức Weblog 2010

.

Chú thích : Mới đây, ngày 18/06/2010 cảnh sát Ba Lan lại phá tiếp một đường giây trồng cần sa và bắt 12 người Việt. Tin tức xem tại đây: http://vietinfo.eu/201/109444/pha-mot-duong-day-trong-va-buon-ban-can-sa-cua-nguoi-viet-nam-12-nguoi-bi-bat.htm

.

.

.

No comments: