Tuesday, June 1, 2010

NỀN ĐỊA DƯ CỦA SỨC MẠNH TRUNG QUỐC (3)

Nền đa dư ca sc mnh Trung Quc (3)

Robert D. Kaplan

Nguồn: Foreign Affairs

Lê Quốc Tuấn & Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ

http://www.x-cafevn.org/node/429

Lân Đằng Biển

Nhờ vào tình trạng thuận lợi trên đất liền, Trung Quốc hiện nay tha hồ xây dựng một hải quân hùng mạnh. Đối với những quốc gia có thành phố lớn ở miền duyên hải hay những hải quốc, việc theo đuổi sức mạnh trên biển cả là điều đương nhiên, nhưng đối với những cường quốc lục địa biệt lập từ xưa như Trung Quốc, điều làm này là một sự xa xỉ. Trong trường hợp Trung Quốc, đó có thể là sự xa xỉ dễ dàng có được vì họ may mắn có đường biển cũng như đường bộ. Trung Quốc thống trị miền duyên hải Đông Á ở những vùng ôn đới và nhiệt đới của Thái Bình Dương, và biên giới về phía nam của họ đủ gần Ấn Độ Dương để một ngày nào đó họ có thể nối tới qua đường bộ và ống dẫn nhiên liệu. Trong thế kỷ thứ 21, Trung Quốc sẽ phô trương sức mạnh ở ngoại quốc hầu hết qua hải quân của họ.

Như vậy, Trung Quốc đối diện với một tình huống thù địch trên biển cả lớn lao hơn trên đất liền rất nhiều. Hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn ở những khu vực mà họ gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” gồm có Bán đảo Triều Tiên, Quần đảo Kuril, Nhật Bản (bao gồm Quần đảo Ryukyu), Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, và Úc. Trừ Úc, tất cả đều có nguy cơ trở thành điểm nóng. Trung Quốc đã gặp khó khăn về tranh chấp chủ quyền ở một vài nơi có nhiều mỏ dầu dưới đáy biển trong vùng biển về phía Đông và phía Nam của Trung Quốc [người Việt gọi là Biển Đông, chú thích của người dịch] như: Quần đảo Diaoyu/Senkaku với Nhật Bản và Quần đảo Hoàng Sa với Phi Luật Tân và Việt Nam. Bắc Kinh lợi dụng những tranh chấp này để đổ dầu thêm vào lòng ái quốc trong nội địa, nhưng đối với các chiến lược gia Trung Quốc, vùng biển này không dễ dàng gì. Theo James Holmes và Toshi Yoshihara của Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ, chuỗi đảo thứ nhất này là một thứ “Vạn Lý Trường Thành đảo ngược”, nghĩa là một tiền tuyến được tổ chức chặt chẽ bởi các đồng minh của Hoa Kỳ giống như là một tháp canh để thăm dò và có thể dùng để ngăn chặn cửa tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc với cảm tưởng bị bao vây đôi khi cũng mạnh bạo. Lực lượng hải quân thường ôn hòa hơn lực lượng trên đất liền vì hải quân chính nó không thể chiếm đóng các vùng biển quá bao la và nhất là phải bảo vệ thương mại nhiều hơn là đánh. Vì thế, ai cũng có thể mong rằng Trung Quốc phải là một quốc gia hiền hòa như những quốc gia đi trước họ như Ý, Anh Quốc, Hoa Kỳ – và cũng như các quốc gia này, chỉ nên để ý vào chính họ với mục đích bảo tồn một hệ thống hải hành hoà bình bao gồm tự do di chuyển hàng hóa. Nhưng Trung Quốc không được tự tin đến độ đó. Vì vẫn còn là một quốc gia có vùng biển bấp bênh, họ đang nghĩ về biển riêng của họ. Chính những chữ “chuỗi đảo thứ nhất” và “chuỗi đảo thứ nhì” (bao gồm vùng đảo Guam của Hoa Kỳ và Quần đảo Bắc Mariana) cho thấy người Trung Quốc cho những quần đảo này là những quần đảo tiếp nối của lục địa Trung Quốc. Lối suy nghĩ ăn thua đủ đối với những vùng biển ráp ranh, các nhà lãnh đạo của hải quân Trung Quốc đang phô trương một triết lý hung hăng của Alfred Thayer Mahan, một chiến lược gia hải quân Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ hai mươi, người tin tưởng vào bá chủ đại dương và tranh dành quyết liệt. Nhưng các nhà lãnh đạo này chưa có một lực lượng hải quân hùng hậu để áp dụng triết lý đó, và sự khác biệt giữa mong ước và phương tiện đã đưa đến một số sự kiện khó sử trong vài năm qua.

Vào tháng 10 năm 2006, một tàu ngầm Trung Quốc lén đi theo hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Kitty Hawk và sau đó nổi lên trong tầm phóng thủy lôi của nó. Tháng 11 năm 2007, chính phủ Trung Quốc từ chối không cho nhóm tàu tấn công Kitty Hawk ghé Cảng Victoria để trú ẩn trong khi biển động và thời tiết xấu. (Nhưng hàng không mẫu hạm Kitty Hawk có ghé Hong Kong vào năm 2010.) Vào tháng 3 năm 2009, một số tàu của hải quân Trung Quốc quấy nhiễu tàu Impeccable của Hải Quân Hoa Kỳ khi tàu này đang tuần thám công khai ở ngoài hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở Nam Hải, họ chặn đầu và giả dạng đâm vào nó. Đây là những hành động rất trẻ con không xứng đáng với vai trò của một cường quốc.

Hành động cương quyết của Trung Quốc trên biển cả cũng được thể hiện qua những món tiêu dùng lớn. Bắc Kinh đang phát triển những khả năng bất đối xứng có mục đích ngăn cản Hải Quân Hoa Kỳ tiến vào biển phía Đông và những vùng duyên hải khác của Trung Quốc. Họ đã hiện đại hóa hạm đội khu trục hạm và có dự tính sắm một hay hai hàng không mẫu hạm nhưng không có ý định mua hàng loạt các loại tàu chiến. Thay vào đó, Trung Quốc chú trọng vào đóng các loại tàu ngầm tấn công chạy bằng nguyên tử được trang bị hỏa tiễn có tầm bắn xa. Theo Seth Cropsey, cựu phụ tá thứ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ và Ronald O'Rourke của Ban Nghiên Cứu Quốc Hội, trong 15 năm tới, Trung Quốc có thể điều động một lực lượng tàu ngầm lớn hơn số 75 tàu ngầm đang hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ. Hơn nữa, theo Cropsey, hải quân Trung Quốc đang có dự tính dùng radar theo đường vòng trái đất, vệ tinh, hệ thống phát hiện tàu ngầm dưới đáy biển, và dụng cụ chiến tranh ảo dùng cho hỏa tiễn mang đầu đạn chống tàu ngầm. Những thứ này, cùng với hạm đội tàu ngầm đang được bành trướng nhanh tróng, đang được thiết kế để sau này ngăn cản Hải Quân Hoa Kỳ không dễ dàng bén mảng đến phần lớn các vùng biển ở vùng Tây Thái Bình Dương.

Trong phần cố gắng kiểm soát những vùng Eo Biển Đài Loan và biển về phía Đông, Trung Quốc cũng đang cải tiến khả năng thả mìn của họ, mua những chiến đấu cơ đời thứ tư từ Nga Sô, và điều động khoảng 1.500 hỏa tiễn phòng không của Nga dọc theo duyên hải. Hơn nữa, dù họ có chôn hệ thống quang tuyến dưới đất và dời khả năng phòng thủ về sâu phía Tây để tránh nằm trong tầm khả năng hỏa tiễn của hải quân địch, Trung Quốc đang phát triển một chiến lược tấn công để đánh vào cái tiêu biểu của sức mạnh Hoa Kỳ, đó là hàng không mẫu hạm.

Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ không tấn công một hàng không mẫu hạm nào của Hoa Kỳ trong thời gian sắp đến và còn lâu họ mới dám chòng trẹo Hoa Kỳ một cách trực tiếp qua quân sự. Nhưng chủ đích của họ là phát triển những khả năng dọc theo duyên hải để can ngăn Hải Quân Hoa Kỳ đừng đến vùng nằm giữa chuỗi đảo thứ nhất và bờ biển Trung Quốc bất cứ khi nào và chỗ nào họ muốn. Vì bản chất của sức mạnh là khả năng làm thay đổi cách cư xử của đối phương, đây là bằng chứng của một Đại Trung Quốc đang được thành hình trên biển cũng như trên đất liền.

Thẳng Đường Đến Đài Loan

Điều quan trọng nhất cho sự khởi thủy của một Đại Trung Quốc là tương lai của Đài Loan. Vấn đề Đài Loan thường được bàn đến qua ngôn ngữ đạo đức: Bắc Kinh thì nói về nhu cầu tập hợp di sản quốc gia và thống nhất Trung Quốc là một điều tốt cho chủng tộc người Hoa; Washington thì nói về bảo tồn mô hình dân chủ này. Nhưng vấn đề thực sự là một điều khác. Như Đại tướng Hoa Kỳ Douglas MacArthur từng nói Đài Loan là một “hàng không mẫu hạm không thể nào chìm” ở ngay ngoài khơi Trung Quốc. Từ “hàng không mẫu hạm” đó, theo hai chiến lược gia hải quân Holmes and Yoshihara, một thế lực bên ngoài như Hoa Kỳ có thể “tỏa” sức mạnh dọc theo chu vi duyên hải của Trung Quốc. Nếu Đài Loan trở về nguồn cuội Trung Hoa lục địa, hải quân Trung Quốc sẽ không những bất thình lình ở trong một cương vị chiến lược có ưu điểm so với chuỗi đảo thứ nhất mà sẽ còn được tự do phô trương sức mạnh từ Đài Loan đến một mức độ chưa từng thấy. Tĩnh từ “đa cực” được bàn đến một cách rộng rãi để diễn tả ngôi thứ quốc tế sắp tới. Chỉ có sự hòa nhập Đài Loan với Trung Hoa lục địa mới đánh dấu sự trổi lên thực sự của một ngôi thứ quân sự đa cực ở Đông Á.

Theo một nghiên cứu của viện RAND, vào năm 2020, Hoa Kỳ sẽ không còn có thể bảo vệ Đài Loan chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Theo bản phúc trình, Trung Quốc lúc đó sẽ đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Eo Biển Đài Loan ngay cả Hoa Kỳ có phản lực cơ F-22, hai hạm đội hàng không mẫu hạm chiến đấu, và với sự hỗ trợ liên tục từ Căn Cứ Không Quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Bản phúc trình chú trọng về không chiến. Trung Quốc vẫn phải đổ bộ hàng chục ngàn quân bằng đường biển và sẽ gặp tàu ngầm Hoa Kỳ. Tuy thế, với mọi sự dè dặt, bản phúc trình có nêu lên một chiều hướng đáng lo âu. Trung Quốc chỉ cách Đài Loan 160 cây số, trong khi đó Hoa Kỳ phải đem quân đến từ nửa vòng trái đất với ít sự hỗ trợ từ các căn cứ ngoại quốc hơn là trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Nói chung, chiến lược của Trung Quốc để ngăn cản Hải Quân Hoa Kỳ tiến vào trong vài vùng biển được tạo ra không những để giữ xa lực lượng Hoa Kỳ mà còn, nói riêng, để nuôi dưỡng thế thống trị của họ trên Đài Loan.

Bắc Kinh sửa soạn bao phủ Đài Loan không những về phương diện quân sự nhưng cũng về kinh tế và xã hội. Đài Loan xuất cảng khoảng 30 phần trăm sang Trung Quốc. Mỗi tuần có 270 chuyến bay thương mại giữa Đài Loan và lục địa. Hai phần ba các công ty Đài Loan đầu tư ở Trung Quốc trong 5 năm vừa qua. Hằng năm, nửa triệu du khách từ lục địa viếng thăm Đài Loan và 750.000 người Đài Loan cư ngụ ở Trung Quốc khoảng mỗi nửa năm. Sự hội nhập càng tăng gia trông có vẻ có thật nhưng nó xảy ra bằng cách nào thì chưa biết, và điều đó sẽ là điểm then chốt cho tương lai chính trị quyền lực lớn trong vùng. Nếu Hoa Kỳ đơn giản để Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh thì lúc đó Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc, và những đồng minh Hoa Kỳ khác trong Thái Bình Dương, cùng với Ấn Độ và một số quốc gia Phi Châu sẽ bắt đầu nghi ngờ giá trị của các cam kết Hoa Kỳ. Điều đó sẽ khuyến khích các quốc gia này xích lại gần Trung Quốc hơn nữa với kết quả là sẽ để cho sự trổi dậy của một Đại Trung Quốc thật sự có tầm vóc bán cầu.

Đây chính là lý do tại sao Washington và Đài Bắc phải nghiên cứu những phương thức bất đối xứng để chống lại Trung Quốc trên phương diện quân sự. Chủ đích là không nên đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến ở Eo Biển Đài Loan mà nên làm viễn cảnh chiến tranh có vẻ vô cùng tốm kém cho Bắc Kinh. Lúc đó Hoa Kỳ mới có thể duy trì uy tín với đồng minh của họ bằng cách giữ Đài Loan độc lập về phương diện hành chính cho đến khi Trung Quốc trở thành một quốc gia tự do hơn. Vào đầu năm 2010, lời tuyên bố của chính phủ Obama về việc bán vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la cho Đài Loan là điều tối cần cho cương vị của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, và toàn Âu Á Châu (Eurasia) nói chung. Và mục đích làm Trung Quốc thay đổi trong nước không phải là một giấc mơ hão huyền: hằng triệu du khách đến Đài Loan từ Trung Quốc đều thấy những chương trình tranh luận chính trị sôi nổi và những tựa “phản quốc” trong các tiệm sách. Nhưng tuy thế nhiều khi lại phản tác dụng, một Trung Quốc dân chủ hơn có thể sẽ là một thế lực to lớn linh động hơn là một Trung Quốc đàn áp, về ý nghĩa kinh tế và do đó, cũng về ý nghĩa quân sự.

Ngoài việc tập trung lực lượng vào Đài Loan, hải quân Trung Quốc đang dương thêm thế lực ở Ham Hải (Biển Đông) vì nơi đó là cửa của Trung Quốc đến Ấn Độ Dương và đường di chuyển dầu hỏa của thế giới. Dọc theo con đường này còn có những thử thách về hải tặc, người Hồi Giáo quá khích, và sự trổi lên của hải quân Ấn Độ, cùng với gần chỗ tắc nghẽn mà phần lớn những tàu chở dầu và thương thuyền của Trung Quốc phải đi qua. Nói về tầm quan trọng chiến lược toàn diện, nhiều người nói Biển Đông sẽ trở thành một “Vịnh Ba Tư thứ nhì”. Nicholas Spykman, một nhà khảo cứu về địa chính trị của thế kỷ thứ hai mươi ghi nhận là lịch sử cho thấy các quốc gia đã có những cuộc “chinh phục vòng quanh thế giới qua hải hành” để kiểm soát các vùng biển kế cận. Người Hy Lạp kiểm soát Biển Aegean, La Mã với Địa Trung Hải, Hoa Kỳ với Caribbean – và bây giờ Trung Quốc với Biển Đông. Spykman gọi Caribbean là “Địa Trung Hải của Hoa Kỳ” để tăng phần quan trọng của nó đối với Hoa Kỳ. Biển Đông có thể trở thành “Địa Trung Hải Á Châu” và là tâm điểm của địa chính trị trong nhiều thập niên sắp đến.

Bất An Thay Đổi

Tuy nhiên, có một sự mâu thuẫn nằm trong tâm điểm của những cố gắng của Trung Quốc khi họ biểu dương lực lượng trong và ngoài Địa Trung Hải Á Châu. Một mặt, Trung Quốc dường như muốn ngăn chặn các chiến hạm Hoa Kỳ không cho đến gần các vùng biển duyên hải của họ. Mặt khác, họ vẫn chưa thể bảo vệ các tuyến liên lạc của họ ngoài khơi, điều này sẽ làm bất cứ cuộc tấn công nào vào một chiến hạm Hoa Kỳ là vô ích vì Hoa Kỳ chỉ việc cắt đường tiếp liệu đến Trung Quốc bằng cách ngăn cản các tàu Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thế thì cố gắng ngăn chặn làm gì khi không bao giờ có ý định thi hành? Theo chuyên gia quốc phòng Jacqueline Newmyer, Bắc Kinh có chủ ý tạo nên “một hình ảnh thế lực quá hứa hẹn” cho đến độ mà “họ không phải dùng đến sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của họ.” Khoe khoang vũ khí, xây các căn cứ và trạm nghe ngóng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, viện trợ quân sự cho các quốc gia có duyên hải giữa lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ Dương – không một nước cờ nào trong số này là điều bí mật; tất cả đều là những phô trương sức mạnh có chủ ý. Chính xác là, thay vì đụng độ thẳng với Hoa Kỳ, Trung Quốc đang tìm cách ảnh hưởng thái độ của Hoa Kỳ để tránh một cuộc chạm trán.

Tuy thế, cũng có một vài điểm thật nổi bật về những hoạt động của hải quân Trung Quốc. Họ đang xây một căn cứ hải quân lớn ở mỏm phía Nam của Đảo Hải Nam, ngay tại tâm điểm của Biển Đông với cơ sở ngầm dưới đất có thể chứa đến 20 tàu ngầm chạy bằng nguyên tử và điện bởi dầu cặn. Đây là sự thể hiện của vẹn toàn lãnh thổ theo Học Thuyết Monroe đối với những hải phận quốc tế lân cận. Hiện nay hay trong tương lai, có thể Trung Quốc không có ý định khai chiến với Hoa Kỳ, nhưng ý đồ có thể thay đổi. Thay vào đó thà cứ theo dõi khả năng của nhau.

Tình trạng bảo an hiện nay ở mép Âu Á Châu chủ yếu là phức tạp hơn nhiều so với những năm sau khi chấm dứt Thế Chiến Thứ II. Vì vai trò bá chủ của Hoa Kỳ đang giảm và tầm vóc của Hải Quân Hoa Kỳ đang thu nhỏ hay đụng trần, trong khi kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang tăng trưởng, tính cách đa cực sẽ càng ngày càng định nghĩa các mối quan hệ về sức mạnh ở Á Châu. Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan 114 hỏa tiễn phòng không Patriot và hàng chục hệ thống truyền tin quân đội tối tân. Trung Quốc đang xây căn cứ tàu ngầm dưới đất ở Đảo Hải Nam và đang phát triển hỏa tiễn chống tàu. Nhật Bản và Nam Hàn đang tiếp tục hiện đại hóa các hạm đội của họ. Ấn Độ đang thiết lập một hải quân to lớn. Mọi quốc gia trong số này đang tìm cách thay đổi cán quân quyền lực theo ý muốn.

Đó là lý do tại sao sự từ bỏ chính trị quân bằng sức mạnh của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vì bà cho đó là tàn dư của quá khứ là điều không thành thật hoặc lấp liếm. Hiện nay đang có một cuộc thi đua quân sự ở Á Châu và Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với sự thật này khi họ giảm lực lượng ở A Phú Hãn và Iraq. Mặc dù không có một quốc gia Á Châu nào có động cơ gây chiến, cái nguy cơ tính toán sai lầm về cân bằng lực lượng sẽ gia tăng với thời gian cùng với sự bành trướng không và hải lực trong vùng (nếu chỉ nói về Trung Quốc và Ấn Độ). Căng thẳng trên đất liền sẽ làm gia tăng căng thẳng trên biển: Việc Trung Quốc đang trám vào những lỗ hổng quyền lực sẽ có ngày đưa Trung Quốc đến đụng chạm khó chịu, tối thiểu với Ấn Độ và Nga Sô. Những không gian ngày xưa trống vắng đang trở nên chật trội với người, đường xá, ống dẫn dầu, tàu bè – và hỏa tiễn. Paul Bracken, chuyên gia chính trị của Đại Học Yale đã từng cảnh cáo vào năm 1999 là Á Châu đang trở thành một miền đất hẹp và đối diện với cơn khủng hoảng “chỗ.” Quá trình này chỉ vẫn tiếp tục từ đó đến giờ.

Thế thì liệu Hoa Kỳ có thể gìn giữ sự ổn định ở Á Châu, bảo vệ đồng minh của họ, và giới hạn sự trổi dậy của Đại Trung Quốc trong khi tránh xung đột với Bắc Kinh? Quân bình trên biển cả có thể không đủ. Như một viên chức cao cấp Ấn Độ nói với tôi vào đầu năm, các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Á Châu (như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, và Nam Hàn) muốn Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ hành động “theo nhịp” với lực lượng của họ - để Hoa Kỳ sẽ là một phần tử của địa thế và hải thế Á Châu chứ không chỉ là một lực lượng lúc ẩn lúc hiện ở chân trời xa xôi. Có một sự khác biệt rất quan trọng giữa cãi nhau với Hoa Kỳ về giá cả đặt căn cứ, như người Nhật đã làm gần đây, và ý muốn Hoa Kỳ rút toàn diện lực lượng về nước.

Có một chương trình đang được luân chuyển trong Ngũ Giác Đài cho rằng Hoa Kỳ có thể “chống sức mạnh chiến lược Trung Quốc…mà không có sự chạm trán quân sự trực tiếp” với một hạm đội chỉ cần 250 chiếc tàu (xuống từ con số 280 hiện nay) và ngân quỹ quốc phòng giảm 15 phần trăm. Chương trình này, được nghĩ ra bởi Pat Garrett, cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, rất quan trọng vì nó đem vào phương trình Âu Á Châu tầm quan trọng chiến lược của Oceania [các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương]. Đảo Guam và các quần đảo Caroline, Marshall, Bắc Mariana, và Solomon tất cả đều là lãnh thổ của Hoa Kỳ, liên hiệp Anh với thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ, hoặc các quốc gia độc lập có thể muốn có thỏa thuận tương tự. Oceania sẽ trở nên quan trọng vì nó tương đối gần Đông Á và ở ngoài khu vực mà Trung Quốc đang nóng lòng ngăn chặn tàu chiến Hoa Kỳ. Đảo Guam chỉ cách Bắc Hàn 4 tiếng bay và hai ngày hải trình từ Đài Loan. Đối với Hoa Kỳ, giữ căn cứ ở Oceania trong tương lai trông có vẻ ít khiêu khích hơn là đóng quân ở Nhật Bản, Nam Hàn, và Phi Luật Tân.

Căn Cứ Không Quân Andersen ở Guam là một dàn phóng lớn nhất mà từ đó Hoa Kỳ phóng sức mạnh đi bất cứ nơi đâu. Với 100.000 quả bom và hỏa tiễn và kho chứa 238 triệu lít xăng máy bay, đây là một căn cứ “đổ xăng–và-bay” lớn nhất của không quân Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Đảo Guam cũng còn là căn cứ của một đội tàu ngầm Hoa Kỳ và nó đang được bành trướng để trở thành một căn cứ hải quân. Đảo này cùng với Quần đảo Bắc Mariana hầu như nằm giữa Nhật Bản và Eo Biển Malacca. Và mỏm tây nam của Oceania gồm có những Quần đảo Ashmore và Cartier thuộc về Úc cùng với vùng biển phía tây của Úc (từ Darwin cho đến Perth) là nơi canh gác từ ở dưới quần đảo Nam Dương về phía Ấn Độ Dương. Vì thế, dưới chương trình Garrett, Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ có thể lợi dụng địa thế của Oceania để tạo nên một “sự hiện diện trong vùng” ở “ngay bên kia chân trời” với biên giới không chính thức của một Đại Trung Quốc và những hải lộ chính của Âu Á Châu.

Củng cố sự hiện diện của không lực và hải lực Hoa Kỳ ở Oceania có thể là một đường lối dung hòa giữa chống lại một Đại Trung Quốc với bất cứ giá nào và chấp nhận một tương lai mà trong đó hải quân Trung Quốc sẽ canh chừng chuỗi đảo thứ nhất. Phương thức này sẽ bảo đảm là Trung Quốc sẽ phải trả một giá rất đắt cho mọi hành động xâm lấn quân sự với Đài Loan. Điều này cũng cho phép Hoa Kỳ giảm thiểu những căn cứ cũ trên chuỗi đảo thứ nhất nhưng cũng để cho máy bay và tàu chiến Hoa Kỳ tiếp tục tuần tiễu khu vực này.

Chương trình Garrett cũng hình dung sự bành trướng sâu sa của hoạt động Hải Quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chương trình không có nghĩa là nới rộng các căn cứ hiện tại nhưng nó mong được dựa trên những cơ sở sơ sài trên các quần đảo Andaman, Comoros, Maldives, Mauritius, Réunion, và Seychelles, cùng với những thỏa thuận quân sự với Brunei, Mã Lai Á, và Singapore. Điều này sẽ bảo đảm hành hải và đường chuyên trở nhiên liệu không bị cản trở ờ khắp Âu Á Châu. Và vì giảm thiểu sự quan trọng của những căn cứ hiện hữu ở Nhật Bản và Nam Hàn và đa dạng hóa sự có mặt của Hoa Kỳ chung quanh Oceania, chương trình sẽ giải tỏa các căn cứ chính dễ dàng làm mục tiêu tấn công.

Dù sao sự bám chặt của Hoa Kỳ vào chuỗi đảo thứ nhất đang bắt đầu bị bẩy ra. Dân chúng địa phương đã trở nên khó chịu với sự hiện diện của quân đội ngoại quốc sống chung với họ. Và sự vươn lên của Trung Quốc làm cho Bắc Kinh trở nên dọa nạt cùng lúc với lôi cuốn – đó là những cảm nghĩ lẫn lộn mà nó có thể phức tạp hóa mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ với các đồng minh Thái Bình Dương của họ. Thời điểm đã đến. Tình trạng khó khăn trong quan hệ Hoa Kỳ-Nhật Bản hiện nay, xuất phát từ chính phủ Hatoyama thiếu kinh nghiệm muốn viết lại luật lệ về quan hệ song phương có lợi cho họ trong khi đang đàm phán về phát triển quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, đáng lẽ đã xảy ra cách đây vài năm. Cương vị vô cùng tối cao của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là một di sản lỗi thời từ Thế Chiến Thứ II, nó là phương trình của sự tàn phá mà Trung Quốc, Nhật Bản, và Phi Luật Tân đã chịu đựng trong cuộc xung đột. Tương tự, sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Bán Đảo Triều Tiên, một sản phẩm của một cuộc chiến đã chấm dứt trên nửa thế kỷ nay, cũng không thể kéo dài vô tận.

Một Đại Trung Quốc có thể đang trổi lên ở Trung Á, trên Ấn Độ Dương, ở Đông Nam Á, và ở miền tây Thái Bình Dương về phương diện chính trị, kinh tế, hay quân sự. Nhưng ngay ở ngoài vương quốc này là những chiến hạm của Hoa Kỳ, chúng có thể xuất phát từ đại bản doanh ở Oceania và hợp tác với các lực lượng hải quân của Ấn Độ, Nhật Bản, và những nước dân chủ khác. Và theo thời gian, khi sự tự tin của Trung Quốc gia tăng, lực lượng hải quân của họ có thể phát triển một sự tiếp cận bớt hung hăng bảo vệ lãnh thổ để tự nó được đưa đẩy vào liên minh hải quân trong vùng lớn hơn.

Trong khi đó, cần phải nhắc lại điều mà chuyên gia chính trị Robert Ross đã đưa ra vào năm 1999. Nói về quân sự, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ổn định hơn là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô ngày xưa. Đó là nhờ vào địa lý đặc biệt của Đông Á. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Hải Quân Hoa Kỳ một mình không đủ để kiềm chế Liên Xô và cần phải giữ một lực lượng lục quân quan trọng ở Âu Châu. Nhưng sẽ không bao giờ cần phải có một lực lượng lục quân như thế ở chung quanh mép Âu Á Châu, vì ngay cả khi sự hiện diện của lực lượng lục quân Hoa Kỳ chung quanh biên giới với Đại Trung Quốc có giảm thiểu, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mạnh hơn hải quân Trung Quốc.

Nói gì thì nói, sự kiện thực sự về sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc sẽ làm tệ thêm những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Để nhắc lại lời của Mearsheimer: Hoa Kỳ, bá chủ của Tây Bán Cầu, sẽ cố gắng không để Trung Quốc trở thành bá chủ của hầu hết Đông Bán Cầu. Điều này có thể là dấu hiệu của một bi kịch thời nay.

.

.

.

No comments: