Lý Bằng biện minh cho thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Thứ hai 07 Tháng Sáu 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100607-ly-bang-bien-minh-cho-tham-sat-thien-an-mon-nam-1989
Nhật báo Le Figaro hôm nay có bài « Tại Trung Quốc, Lý Bằng biện minh cho cuộc thảm sát Thiên An Môn ». Theo cựu thủ tướng Lý Bằng, chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh thảm sát. Hồi ký của Lý Bằng đã hạ thấp hình ảnh đẹp đẽ của Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của các cuộc cải cách tại Trung Quốc.Nếu như Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho quân đội hạn chế bạo lực khi tấn công các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, thì chính ông ta cũng tuyên bố sẵn sàng « làm đổ một chút máu » để đè bẹp cuộc phản kháng.
Nhật báo Le Figaro hôm nay có bài « Tại Trung Quốc, Lý Bằng biện minh cho cuộc thảm sát Thiên An Môn » với hàng tựa : Theo cựu thủ tướng Lý Bằng, chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh thảm sát. Thông tín viên Le Figaro từ Bắc Kinh cho biết, ngày 22 tháng này, tại Hồng Kông, nhân dịp kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, sẽ ra mắt một cuốn hồi ký của Lý Bằng, thủ tướng Trung Quốc vào thời điểm đó. Trước đó một năm, nhà xuất bản New Century Press đã gây chấn động công chúng, với việc xuất bản các hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, bị phế truất vì chống lại việc đàn áp kể trên.
Dù không làm đảo lộn các hiểu biết vốn có về vụ thảm sát Thiên An Môn, nhưng cuốn sách này đã đưa ra các chi tiết mới rất đáng quan tâm. Hồi ký của Lý Bằng đã hạ thấp hình ảnh đẹp đẽ của Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của các cuộc cải cách tại Trung Quốc trong con mắt của người Trung Quốc. Theo cuốn hồi ký, nếu như Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho quân đội hạn chế bạo lực khi tấn công các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, thì chính ông ta cũng tuyên bố sẵn sàng « làm đổ một chút máu » để đè bẹp cuộc phản kháng. Giám đốc nhà xuất bản, là con trai của ông Bào Đồng, cánh tay phải của Triệu Tử Dương, cho biết tính xác thực của cuốn hồi ký này còn cần phải được kiểm chứng. Trên thực tế, Lý Bằng đã viết hồi ký và có ý định xuất bản năm 2004, nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chưa phù hợp.
Trong cuốn hồi ký, Lý Bằng khẳng định, trong những ngày nóng bỏng tháng 6 năm 1989, Đặng Tiểu Bình chính là người đứng đằng sau hậu trường điều khiển, chứ không phải là một thủ lĩnh mệt mỏi, bị cánh cứng rắn trong ban lãnh đạo chi phối, theo quan niệm vẫn được lưu truyền. Theo Lý Bằng, chính Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố, nếu việc dùng quân đội đàn áp là sai, ông sẽ chịu trách nhiệm.
Mặc dù không phải là người đứng cùng một phía với Lý Bằng, nhưng ông Bào Đồng cũng nhìn nhận sự việc theo cách tương tự. Theo ông, chính Đặng Tiểu Bình mới là kẻ chịu trách nhiệm chính về cuộc đàn áp này, dù Lý Bằng vẫn thường được mệnh danh là « đồ tể Bắc Kinh ».
Đặng Tiểu Bình chết năm 1997, ở tuổi 92, mà không để lại bất cứ một lời kể nào về thực chất những gì đã dẫn đến vụ thảm sát này. Trong phần lời bạt của cuốn hồi ký định xuất bản năm 2004, Lý Bằng khẳng định chủ trương đàn áp sinh viên và việc bắt Tổng bí thư Hồ Diệu Bang là đúng, nhằm « bóp ngay từ trong trứng mọi ý đồ làm loạn ». Cựu Thủ tướng Trung Quốc cũng cho rằng, nếu như không hành động cương quyết như vậy, thì Trung Quốc đã không thể có được ổn định và thịnh vượng như hiện nay.
Trong những ngày vừa qua, từ Tổng thống Đài Loan cho đến các sinh viên Hồng Kông, nhiều tiếng nói đã cất lên yêu cầu ban lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với quá khứ nặng nề này, đặc biệt là đưa ra ánh sáng về con số những người đã bị thiệt mạng trong vụ thảm sát và những người cho đến nay vẫn còn bị giam giữ.
Cũng về Trung Quốc, nhật báo Le Monde hôm nay chạy tựa « Tôi lên án chế độ Trung Quốc ». Đây là nhận định của Guy Sorman, một trong những người sáng lập tổ chức Hành động quốc tế chống nạn đói. Ông Sorman đã từng đến Trung Quốc và tiếp xúc với các nhà dân chủ Trung Quốc ngay tại đây. Chủ trương bảo vệ các quyền con người trên nền tảng tư tưởng chính trị tự do, Guy Sorman rất lo ngại trước thái độ thiếu trách nhiệm của phương Tây trong việc tỏ thái độ dứt khoát đối với Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền. Theo ông, sự phát triển kỳ diệu tại Trung Quốc đã che lấp thực tế là xã hội này, vẫn luôn luôn nằm dưới bàn tay của một đảng độc tài, thủ phạm của các vụ đàn áp những quyền con người cơ bản nhất.
Kể từ khi được chấp nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới (2001), Trung Quốc ngày càng ít tôn trọng các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Kế từ khi được coi là một siêu cường, Trung Quốc không tham gia vào việc đem lại sự hài hòa cho thế giới, mà còn gây bất ổn định tại châu Á, bằng cách điều khiển con rối Bắc Triều Tiên. Tác giả bài tiểu luận đồng ý với Liu Xia, một nhà dân chủ sống tại Trung Quốc. Theo Liu Xia, các nhà dân chủ tại Trung Quốc bị đối xử hệt như người Do Thái dưới chế độ Đức quốc xã. Để nhận dạng chế độ hiện nay tại Trung Quốc, không gì hợp hơn là so sánh nó với chế độ phát xít, nơi mà một đảng duy nhất trị vì, khinh bỉ văn hóa, chủ trương liên minh chặt chẽ nhà nước với tư bản.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Về quốc tế, nhật báo Le Figaro hôm nay tiếp tục quan tâm đến nạn thủy triều đen tại miền Đông Nam nước Mỹ. Le Figaro đăng bức hình một con chim bê bết dầu đang được vớt lên khỏi mặt nước, với hàng tựa : « Thủy triều đen, chiếc bẫy chính trị đối với ông Obama », nhấn mạnh, hiện nay rất nhiều người Mỹ phê phán thái độ của tổng thống trước thảm họa sinh thái dầu tràn có hệ quả tương đương với cuộc khủng bố 11 tháng 9. Còn nhật báo l’Humanité đăng ảnh những người Israel và Palestin cùng biểu tình tại Tel-Aviv để kêu gọi chấm dứt việc chính quyền Israel phong tỏa dải Gaza. Nhật báo Les Echos trên trang nhất đưa tin về thỏa thuận lịch sử của châu Âu nhằm thành lập một quỹ tiền tệ chung châu Âu.
Về nước Pháp, với hàng tựa « Hưu trí : ông Sarkozy mất điểm », nhật báo Libération khẳng định Tổng thống Sarkozy hiện chỉ còn được 34% người ủng hộ, theo điều tra dư luận do Libération tiến hành cùng với Viavoice. Đây là mức ủng hộ thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức tổng thống đến nay. Le Monde giới thiệu kết quả điều tra về môi trường tại Pháp, do Bộ sinh thái tiến hành, và đưa ra năm nhận định về môi trường Pháp hiện nay. Khí gây hiệu ứng nhà kính bị giảm với các xe hơi thế hệ mới, các hình thức năng lượng mới có phát triển nhưng tốc độ không cao, đất và nước ngầm vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đa dạng sinh thái bị giảm đi bất chấp các biện pháp bảo vệ môi trường và các chất thải phóng xạ vẫn là một câu hỏi gây đau đầu. Nhật báo La Croix đưa tin và bài phân tích về hội nghị do Bộ giáo dục Pháp tổ chức bàn về việc tổ chức lại nhịp học tập tại trường học, trong ngày, trong tuần và trong năm trên toàn quốc. Đây là một chủ đề cũng được các báo khác chú ý.
Phải chăng Trung Quốc thất bại trong chính sách chiêu dụ Đông Nam Á ?
Trên đây là tựa bài nhận định đăng trên nhật báo trên mạng Jakarta Post, ngày hôm nay, của chuyên gia Evan Laksmana, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có trụ sở tại thủ đô Indonesia.
Nội dung chính của bài viết đề cập đến chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang có nhiều tranh chấp về chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á tại vùng biển trong khu vực.
Một số động thái gần đây của hải quân Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới quan sát. Theo một báo cáo gần đây của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược thì ngày 18 tháng ba, sáu tàu thuộc hạm đội Biển Bắc đã tiến hành « tập trận ở xa lãnh thổ quốc gia », trong khu vực gần quần đảo Spratley tức Trường Sa, gần eo biển Malacca. Theo lời chỉ huy hạm đội Biển Bắc thì Trung Quốc cần phải bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh hải của mình thông qua các hoạt động tầm xa của hải quân.
Đến giữa tháng tư, báo chí Nhật Bản cho biết là khoảng 10 tàu cũng thuộc hạm đội Biển Bắc đã tiến sát gần eo biển Miyako, thả neo ở phía đông Đài Loan và thực hiện tập trận chống tàu ngầm. Cuộc tập trận nói trên của Hạm đội Biển Bắc Trung Quốc đã bị gián đọan do sự xuất hiện của các tàu đánh cá của ngư dân Việt
Tất cả những sự kiện nói trên cho thấy là sức mạnh hải quân Trung Quốc đang gia tăng cũng như ý định sử dụng sức mạnh này trong các tranh chấp về chủ quyền. Theo các nghiên cứu, trong lúc lãnh đạo Trung Quốc nói đến sức mạnh phòng thủ, thì Bắc Kinh cũng tỏ ra sự sẵn sàng dùng « sức mạnh trên quy mô lớn », giống như trong quá khứ, đặc biệt là khi có tranh chấp về lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo tác giả, cũng cần ghi nhận là Trung Quốc giải quyết hầu hết các bất đồng về biên giới bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là 17 trong số 23 vụ tranh chấp kể từ năm 1949 bởi vì lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cần phải tập trung và phát triển kinh tế và chứng tỏ cho thế giới thấy họ là một cường quốc có trách nhiệm. Chính vì vậy, khó có thể xác định được là trong những điều kiện nào thì Trung Quốc ngày nay có thể dùng vũ lực để bảo vệ cái mà họ gọi là « toàn vẹn lãnh thổ ».
Các cuộc tập trận hồi tháng ba và tháng tư cũng cho thấy khả năng tổ chức và tác chiến của hải quân Trung Quốc ở những vùng biển xa xôi. Lần đầu tiên, hải quân Trung Quốc đã tập trận ở bên ngoài « chuỗi đảo đầu tiên », một từ để chỉ các đảo Aleutians, Kuriles, Nhật Bản, Ryukyus, Đài Loan, Philippines và Kalimantan, qua đó mở rộng sự hiện diện để cần bằng ảnh hưởng trong khu vực trong thời gian tới. Theo chuyên gia khu vực Michael Auslin, được báo Jakarta Post trích dẫn thì đây là một bộ phận trong chiến lược « phòng thủ biển xa » của Trung Quốc.
Sự kiện hải quân Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2008, tham gia hợp tác quốc tế chống cướp biển tại Vịnh Aden, việc mở rộng hoạt động của hải quân, vụ đối đầu với tàu Mỹ USS Impeccable, càng tỏ rõ ý đồ của Bắc Kinh. Do đó, các nước ASEAN rất khó có thể chấp nhận sức mạnh hải quân của Trung Quốc, nhất là vào lúc Vùng tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN đang làm cho một số nước Đông Nam Á lo ngại, bất bình.
Vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ra thông cáo về ứng xử của các bên tại biển Đông – Nam Hải nhưng văn bản này không có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Kỳ thực ra, những vấn đề trong quan hệ giữa hai bên vẫn tồn đọng. Chính vì vậy, theo tác giả, thái độ giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông – Nam Hải là một trắc nghiệm về mức độ trưởng thành trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
.
.
. Tưởng niệm 21 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment