Friday, June 18, 2010

LÚC NÀO CŨNG RẤT NHIỀU NGƯỜI TỐT

Lúc nào cũng rất nhiều người tốt

Ngô Nhân Dụng

Thursday, June 17, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114606&z=7

Tại sao báo chí hay đăng những tin xấu? Mở một tờ báo hàng ngày, ở Việt Nam cũng như ở Ấn Ðộ, ở xứ Mỹ hay xứ Nam Phi, thế nào chúng ta cũng thấy những bản tin về trộm cướp, giết người, đánh ghen (dù có người coi tin này không xấu), tự tử, ăn hối lộ, bầu cử gian lận, vân vân. Nhiều người đọc các tin tức đó cảm thấy bi quan, than rằng thế gian này toàn những chuyện đáng chán đời.

.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một người có ý kiến ngược lại. Ngài cũng biết báo chí đăng toàn những tin xấu, nhưng thấy đó là một dấu hiệu tốt. Bởi vì người ta đọc báo cốt để thỏa mãn óc tò mò, muốn biết những chuyện lạ mà chung quanh mình hàng ngày không thấy. Những tin đăng trên báo là những chuyện hiếm có, lâu lâu mới thấy một lần. Báo đăng tin xấu vì đó là chuyện ít xảy ra; còn những chuyện bình thường, chuyện tốt lành, thì trên đời này rất nhiều, nhiều quá cho nên không ai đem đăng lên báo làm gì! Không phải ngày nào người ta cũng đánh ghen, bình thường nhân loại vẫn yêu nhau rất đúng tiêu chuẩn. Không phải ngày nào kẻ cướp cũng tấn công ngân hàng; ngược lại mỗi ngày bao nhiêu người đến “nhà băng” để gửi tiền và vay tiền! Tóm lại, theo Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thì thế gian này bình thường là một nơi rất tốt, báo chí đăng các tin xấu vì nó hiếm! Chúng ta cứ nên yêu đời, đừng vì phải đọc, phải nghe nhiều tin xấu xí trên báo, trên đài mà chán đời, rất dại dột!

.

Thí dụ như trên Nhật báo Người Việt này, tuần trước đăng bức hình kèm theo bản tin, cho thấy một cậu bé cùng với cha đang ôm một sợi dây cáp treo giữa trời, băng qua con sông Pô Kô ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, Việt Nam. Một bức hình chụp rất đẹp. Hai nhân vật, một già một trẻ, người nào cũng bám chặt hai tay vào sợi dây cáp, nét mặt rất “khẩn trương!” Lửng lơ giữa khung cảnh núi rừng và con sông nước chảy cuồn cuộn, hai bố con đung đưa treo giữa không trung; đúng là một bức hình lạ, đáng đem dự thi nhiếp ảnh thế giới. Nếu đó là một cảnh làm xiếc, thì chúng ta coi xong sẽ vui vẻ cười, được một dịp giải trí, thư giãn tinh thần!

.

Tại sao đồng bào ta ở Ngọc Hồi, Kontum lại không gửi bức hình đó đi dự thi nhiếp ảnh?

Ðọc bản tin thì biết rằng đối với đồng bào huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum này, đây không phải là một vụ biểu diễn tài lạ. Cũng không phải chuyện hiếm hoi. Không đáng làm một bản tin về chiếc “Cầu dây cáp qua sông Pô Kô.” Nó không lạ như câu chuyện Cầu Sông Kwai! Vì hàng ngày, mọi người dân ở đây, già trẻ lớn bé đều qua sông bằng phương pháp đu dây làm xiếc đó. Ai muốn qua sông đều phải tập ôm bám sợi dây! Em bé trong hình mỗi ngày phải đi học, ngày nào em cũng phải biểu diễn trò xiệc “nghiệp dư!” Tội nghiệp em bé! Tội nghiệp các em học sinh ở vùng này! Tội nghiệp cha mẹ các em!

.

Nhà báo trong nước đăng bức hình lên, các báo ở nước ngoài in lại, từ trong ra ngoài một làn sóng phẫn nộ nổi lên. Tại sao “người ta” lại để cho các em học sinh phải đu dây qua sông mỗi ngày như vậy?

Trong thế giới bình thường, trong thế giới mà mọi người tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, tôn trọng quyền sống của mỗi con người, ai cũng phẫn nộ khi thấy một con người bị đẩy vào cảnh sống khó khăn, cực khổ như vậy. Nhất là các trẻ em. Trong thế giới bình thường, một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi không chăm sóc, bị bỏ đói, bị giá rét, thì hàng xóm cũng tố cáo, chính quyền có thể đưa cha mẹ em đó ra tòa. Những người chịu trách nhiệm có thể bị tù, bị phạt, có khi mất quyền nuôi con. Trẻ em là những đóa hoa trong khu vườn nhân loại. Ai cũng thấy mình có bổn phận trông nom, bảo vệ các trẻ em. Chúng ta có thể noi gương Ðức Ðạt Lai Lạt Ma mà nhận xét: Tấm lòng phẫn nộ của mọi người khi trông thấy cảnh các trẻ em phải đu dây qua sông khi đi học, đó là một dấu hiệu tốt. Loài người, ở đâu, vào thời nào, vẫn có sẵn từ tâm, thương yêu các trẻ em.

.

Khi tin này được đưa lên báo chí, chúng ta lại thấy một tin vui nữa. Là ngoài phản ứng phẫn nộ trước cảnh các trẻ em phải đu dây qua sông đi học, người Việt khắp nơi còn một phản ứng thứ hai. Riêng trên báo Người Việt, rất nhiều độc giả đã viết thư xin địa chỉ để có thể giúp đỡ em học sinh trong hình. Không ai đang tâm nhìn một trẻ em chịu cực khổ mà không muốn giúp! Cũng như khi báo này đăng bức hình em học sinh bị tật phải đi bằng hai tay đến trường mỗi ngày, rất nhiều độc giả cũng xin địa chỉ để giúp em mua một cái xe lăn. Ðây là một chuyện xẩy ra rất nhiều lần đối với tòa báo. Mỗi bản tin về một người nghèo khổ, đặc biệt là người Việt nghèo khổ, thế nào cũng có nhiều độc giả viết thư xin địa chỉ để giúp đỡ. Nhiều lần như vậy, đến nỗi có độc giả tỏ ý hoài nghi! Có vị quá thương đã viết thư nói thẳng điều ngờ vực đó! Nhân tiện đây xin nói rõ: Nhật báo Người Việt không bao giờ đóng vai trung gian để nhận và chuyển những số tiền hay tặng vật giúp đỡ người nào hết. Nếu người nào muốn giúp ai, tờ báo sẽ cố tìm địa chỉ để người giúp và người nhận liên lạc trực tiếp với nhau. Một tờ báo không đóng vai một cơ quan từ thiện, mặc dù đất nước chúng ta đang cần rất nhiều cơ sở từ thiện của tư nhân. Nhưng đó là việc của tất cả mọi người, ai muốn làm việc thiện đều có thể lập ra những tổ chức trong xã hội công dân, ở nơi nào xã hội công dân được phép tự do phát triển. Ở đâu không được tự do thì không thiếu gì người “làm việc thiện chui” trong khi những người khác tránh đấu đòi tự do!

.

Chúng tôi thông cảm với những độc giả đa nghi. Chúng ta đã sống qua một thời gian chiến tranh rất dài, đã chứng kiến nhiều điều dối trá quá. Nhiều kẻ biết lợi dụng từ tâm, lợi dụng lòng yêu nước, hàng triệu người đã bị lừa. Có những người bị lừa mà chết, có người bị lừa tự đem thân bước vào vòng tù tội, kể ra không hết. Trong lòng con người ai cũng có sẵn óc nghi ngờ. Kinh nghiệm sống quá lâu trong một xã hội nhiều lừa dối khiến cái tâm sở đó càng phát triển mạnh hơn, thật đáng tiếc!

.

Ngay sau câu chuyện “Cầu đu dây qua sông Pô Kô” này, chúng ta lại phải chứng kiến một cảnh tượng cho thấy bây giờ, ở Việt Nam, vẫn còn những người nói dối một cách trâng tráo, nhơn nhơn, không biết xấu hổ! Khi được nhà báo phỏng vấn về trách nhiệm của chính quyền trong vụ này, bà bí thư tỉnh ủy Kontum, cũng là đại biểu Quốc Hội, đã phân trần rằng một tháng (một tháng!) sau khi bẩy chiếc cầu qua sông Pô Kô bị bão cuốn trôi, bà đã tổng hợp tin tức, “báo cáo trực tiếp” với ông thủ tướng. Bà Y Vêng nói bà được ông thủ tướng đồng ý, “từng bước lập dự án để triển khai, khắc phục hậu quả của cơn bão.” Sau đó, “chúng tôi đã chỉ đạo làm các dự án... làm một số cầu...” Ðây là một nhà nước nói rất hay, những chữ “báo cáo, triển khai, chỉ đạo, khắc phục hậu quả,” vân vân, đều có bài bản như nhau cả.

.

Nhưng cùng lúc đó, trong một phiên họp Quốc Hội, ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng khi bị chất vấn lại “báo cáo” rằng ông “không hề được báo cáo” về câu chuyện “Chiếc cầu đu dây qua sông Pô Kô!” Vừa tỏ ý ngạc nhiên, chối biến không biết gì hết để trốn trách nhiệm, ông Hồ còn tỏ ra có óc hài hước nữa. Trước các đại biểu gật gù, ông lên tiêng khen ngợi hành động đu dây của đồng bào Ngọc Hồi! Ông nói đó là “một sáng tạo không ai ngờ tới!” Tuyệt vời! Chắc khi Ðảng áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê nin thì cũng sáng tạo kiểu đó!

Thiếu một điều là ông Hồ chưa đề nghị hãy giữ nguyên cái cầu dây đó, chụp hình, gửi dự thi sáng kiến của ngành giao thông vận tải nước Việt Nam Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản! Cả thế giới sẽ phải khâm phục! Tỉnh Kontum có thể biến nơi này thành một địa điểm du lịch, tuyển nhiều phụ nữ tới biểu diễn đu dây qua cầu!

Ông Hồ Nghĩa Dũng còn khoe rằng ông đã hỏi Sở Giao Thông tỉnh Kontum. Và họ “báo cáo” rằng họ không hề biết chuyện cây cầu đu dây làm xiệc này! Trời đất quỷ thần ơi! Ở trong tỉnh bị bão sập mất bảy cây cầu; dân túng quá phải đu dây qua sông, nhiều người đã rớt xuống sông, có người đã mất mạng! Vậy mà ông thủ trưởng Sở Giao Thông không hề biết! Câu chuyện này còn lạ lùng, đáng lên báo, lên đài, hơn câu chuyện chiếc cầu đu dây nữa! Chỉ có ở nước Việt Nam Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản mới có những chuyện lạ lùng như vậy!

.

Nhưng nếu ông Hồ Nghĩa Dũng nói đúng sự thật, thì ông cũng tố cáo bà Y Vêng là người nói dối. Bà khoe đã “tổng hợp nhanh” các tin tức về vụ này, rồi đem báo cáo lên ông thủ tướng. Vậy tại sao những người trách nhiệm về giao thông ngay trong tỉnh mà bà làm bí thư họ lại không biết? Tại sao ông bộ trưởng phụ trách ngành giao thông trong chính phủ cũng không biết?

.

Nếu bà Y Vêng nói sự thật, thì ông Hồ Nghĩa Dũng mới là người nói dối. Ông nói gà, bà nói vịt, một trong hai người phạm tội nói dối. Mà lại nói dối trước báo chí, trước Quốc Hội, tức là bày trò dối trá với cả nước!

.

Nhưng cuối cùng thì câu chuyện chiếc “Cầu đu dây qua sông Pô Kô” lại có hậu. Sau khi nhiều người Việt biết cảnh khổ của đồng bào huyện Ngọc Hồi, mối từ tâm khắp nơi được đánh thức dậy. Bao nhiêu người đã góp tiền để giúp đồng bào dựng lại một cây cầu chắc chắn hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng gửi tiền về góp. Cuối cùng, trong lòng dân tộc Việt Nam không lúc nào thiếu những mối từ tâm. Bây giờ chỉ còn lo làm sao khi cây cầu mới được dựng lên, đó là cầu cốt sắt chứ không phải cốt tre! Chỉ có các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo tự do trên mạng mới hy vọng giúp đồng bào Kontum bảo đảm được điều này.

.

Nói vậy chứ báo chí cũng có lúc giúp chúng ta nhìn thấy những cảnh đẹp trong cuộc đời, không phải họ chỉ loan báo toàn tin xấu! Báo chí dưới hình thức mạng lưới còn bén nhạy hơn nữa. Vì số nhà báo tự do trên các mạng rất đông, mà những người tự do luôn luôn động mối từ tâm, dễ cảm động trước các các tin tốt đẹp, hay khi nhìn thấy từ tâm thể hiện. Cho nên trong mấy ngày qua “Dân Mạng” nô nức khen ngợi anh tài xế taxi Ðoàn Thanh Xuân đã đem trả lại hành khách cái túi đựng tiền, nhiều thứ ngoại tệ trị giá trên 26 ngàn Mỹ kim. Hành động này, như một dân mạng viết, “cho thấy trên thế giới vẫn còn rất nhiều người tốt!”

Nếu theo tinh thần của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, thì ta nên nói lại: “Trên thế giới lúc nào cũng rất nhiều người tốt!” Không một chủ nghĩa độc hại hay một chế độ gian trá nào có thể hủy diệt mất thiện tâm của loài người!

.

.

.

No comments: