Thứ Ba, 22/06/2010 07:28
http://thethaovanhoa.vn/133N20100621163718635T133/le-hoi-to-an-tuong-nho.htm
(TT&VH Cuối tuần) - Hai ngày trước khi Festival Huế bế mạc, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh “bị” các đại biểu Quốc hội chất vấn về tổng chi phí cho các lễ hội tràn lan, chủ yếu để phô trương, lập kỷ lục thời gian gần đây, Bộ trưởng “hoãn binh” sẽ có báo cáo, trả lời sau. Hai ngày sau khi Festival Huế bế mạc, một hội nghị “Đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội” được Bộ VH, TT&DL tổ chức, ở đó, TS Lê Thị Minh Lý, Cục phó cục Di sản lên tiếng: “Về cơ bản, các festival là loại sự kiện tốn tiền của Nhà nước, một số festival làm sai lệch di sản của cộng đồng, vi phạm quyền chủ thể của văn hóa, ảnh hưởng không tốt đến giá trị của các lễ hội dân gian”.
.
1. Ai ở vào vị trí Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh sẽ hiểu rằng để có câu “trả lời sau” hoàn toàn không dễ. Theo thống kê mới nhất của Bộ VH, TT&DL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Trong số này, Nhà nước (tức Bộ VH, TT&DL) chỉ quản lý 5 lễ hội (mang tính quốc gia), còn lại 93% lễ hội do cấp xã, cấp huyện quản lý. Mà có điều lạ là, trong khi tất cả các dự án làm phim, các chương trình ca nhạc, thậm chí cả việc làm album của ca sĩ, số tiền đầu tư không những được công khai tuyên bố mà đôi khi còn được dùng làm chiêu để “PR” thì chi phí cho các lễ hội, nhất là những lễ hội lớn, ở qui mô tỉnh, thành phố và quốc gia từ trước tới nay chưa bao giờ được công khai thông báo cho dân biết - bởi dù nhiều lễ hội hiện nay được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, thì tiền từ các nguồn xã hội này cũng đều là tiền của dân cả!
Còn ở vào vị trí của TS Minh Lý, lại thấy rằng, để chỉ ra cụ thể festival, chương trình lễ hội nào làm “sai lệch di sản cộng đồng, vi phạm quyền chủ thể của văn hóa” (tội rất nặng, nhất là khi các festival này phần lớn được gọi là “festival văn hóa”) cũng lại không dễ chút nào. Bởi vì không phải người dân nào cũng có thời gian rảnh rỗi, đủ tiền và đủ sức khỏe, đủ cả sức chịu đựng để tham dự đủ khắp gần 8.000 lễ hội. Phần lớn trong số họ xem lễ hội tivi và lễ hội trên báo, mà dường như tất cả đều có chung một “kịch bản”: “tổ chức là thành công, hoàn thành là xuất sắc!”. Vậy thì, ai chê cứ chê, ai chửi cứ chửi, chắc nó... chừa mình ra!
.
2. Năm nay là năm thứ sáu tổ chức Festival Huế - chẵn 10 năm kể từ Festival Huế lần đầu tiên năm 2000 (2 năm tổ chức một lần). Hỏi thẳng thì khó có câu trả lời, nhưng dò hỏi, được biết, tổng chi phí cho Festival Huế năm nay ngót nghét 50 tỷ đồng, đó là chưa tính chi phí một số đoàn nghệ thuật nước ngoài do các Đại sứ quán, các quỹ văn hóa quốc tế chi trả (Huế chỉ lo chỗ ăn, ở). Một con số rất lớn nếu so sánh với giá một ly cà phê “quán cóc” ở Huế hiện giờ vẫn chỉ từ ba đến năm ngàn đồng và giá phòng khách sạn Huenino trên đường Nguyễn Công Trứ phòng đôi đầy đủ tivi, tủ lạnh, bồn tắm... chỉ 15 USD. Nhưng lại không hề lớn khi biết rằng để phục vụ cho các chương trình biểu diễn tại festival, Huế đã phải dựng tới 15 sân khấu lớn ngoài trời với sức chứa từ vài trăm đến vài ngàn người, với đầy đủ cả hệ thống kỹ thuật âm thanh ánh sáng. Vì Huế hoàn toàn không có một sân khấu nhà hát đủ tiêu chuẩn cho những chương trình như thế này. Dân làm tổ chức biểu diễn tính nhẩm đã biết chi phí cho việc làm sân khấu ngoài trời tốn kém và vất vả thế nào. Tốn kém hơn khi mỗi mùa festival, không, chính xác là chỉ sau vài đêm diễn, thậm chí có sân khấu chỉ dành cho một đêm duy nhất, tất cả lại xóa sạch không còn dấu vết! Nguyên Phó giám đốc Sở VH, TT&DL TP.HCM, giờ là Tổng giám đốc công ty Saigon Media, bà Thế Thanh, phải kêu lên vì tiếc: 10 năm Festival Huế rồi mà Huế vẫn không xây nổi một nhà hát xứng tầm, vẫn không có được một công trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật tiêu chuẩn, để đến nỗi chương trình nào của festival cũng diễn ra trong thấp thỏm sợ mưa, để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế phải trượt ngã trên sân khấu đêm khai mạc, để các nghệ sĩ đoàn múa Anh phải lấy cả khăn tắm ra thấm nước mưa trên sân khấu trước giờ biểu diễn!
.
3. Nhưng dù có thế nào, Festival Huế, nói như Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ VH, TT&DL, hiện vẫn được xem là một hình mẫu festival văn hóa nghệ thuật của cả nước. Vì là hình mẫu, nên năm nay, với sự tài trợ của Hội đồng Anh, Bộ VH, TT&DL đã đưa một đoàn học viên cùng hai chuyên gia tổ chức lễ hội quốc tế đến từ Anh và Indonesia, thâm nhập vào hậu trường tổ chức festival ở Huế. Trả lời cho câu hỏi: Sự kiện hay hoạt động nào ở Festival Huế 2010 bạn thích nhất, ấn tượng nhất? vào ngày cuối khóa học, không có bất cứ câu trả lời nào dành cho 9 sự kiện hoành tráng, được kỳ vọng nhất của Festival Huế năm nay, gồm: Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, Lễ Tế Giao, Lễ hội áo dài, Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn, Hành trình mở cõi, Huyền thoại sông Hương, Đêm hoàng cung và chương trình Hơi thở của nước.
.
Được hầu hết các học viên (vốn đều là dân trong nghề quản lý và tổ chức biểu diễn) chấm điểm cao tại Festival Huế năm nay là chương trình biểu diễn của nhóm nghệ thuật đường phố Siphon Cosmiques (Pháp) tại thị trấn biển Thuận An, cách thành phố Huế 13 km. TS Nhân học Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai, hào hứng nhận xét: “Đã là festival thì phải có sự tham gia của người dân. Người Pháp đã làm được điều ấy, họ đã bản địa hóa chương trình biểu diễn một cách thông minh, đã lôi cuốn được người dân, đã hòa nhập với cộng đồng. Trong khi đấy lại là điểm yếu của các chương trình Việt
.
4. Quan sát Festival Huế, Nick Dodds, giám đốc điều hành nghệ thuật và thương mại của Brighton Festival (Anh), từng là Chủ tịch Hiệp hội Festival Anh và Hiệp hội festival Quốc tế & Sự kiện châu Âu, nhận xét về Hơi thở của nước - một trong những điểm nhấn kỳ công của Festival Huế như sau: “Ý tưởng làm một sân khấu dưới mặt nước cho các diễn viên trình diễn trên đó rất thông minh. Nhưng vấn đề là nhà tổ chức đã mất quá nhiều thời gian, công sức để nạo bùn, cải tạo hồ..., do đó kinh phí còn lại không đủ để thực hiện một sân khấu tiêu chuẩn cần thiết, khiến khán giả ở quá xa sân khấu, hầu như không xem được gì, những ý tưởng kỳ diệu trôi tuột ra sông ra biển cả. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc thiếu cân bằng từ ý tưởng đến thực tế...”.
10 năm Huế làm festival, vẫn còn nhiều ý kiến, tranh luận khác nhau về mục tiêu và mô hình tổ chức hiệu quả Festival Huế khi doanh thu từ bán vé festival chỉ đạt từ 1-2 tỷ đồng mỗi mùa tổ chức. Song có một điều mà ai đến Huế cũng thống nhất với nhau rằng Huế nhỏ nhẹ và dễ thương. Đường phố ở Huế không to, đi loanh quanh vài vòng là hết, nhà vườn Huế thâm thấp ẩn dưới tán cây, Đại Nội không hoành tráng theo kiểu Tử Cấm Thành mà duyên dáng thâm trầm, món ăn Huế tinh tế, chút xíu chút xíu, cô gái Huế mỏng manh với tiếng “dạ” ngọt ngào... Tất cả những điều ấy giờ đang là những giá trị quý hiếm trong nhịp sống hiện đại, xô bồ của các đô thị, siêu đô thị hiện nay, và có lẽ đó chính là sức hút của Huế khiến người ta “bỏ đi không đành”. Nên chăng, phải giữ và làm đẹp hơn những giá trị thực tế ấy một cách cẩn trọng, tỉ mỉ với với một sự hiểu biết văn hóa Huế sâu sắc, thay vì chạy theo những ý tưởng vay mượn hoặc xa vời?
Thủy Phạm
.
.
.
No comments:
Post a Comment