Việt Nam tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo Thế Giới cho ai và vì ai?
Nguyễn Trấn Quốc
PSN - 20.6.2010
http://phusaonline.free.fr/VanMinh-VanHoa/VanMinh/1000_ThangLong/9_Thuong-dinh-PGTG-2010.htm
.
Thời gian và địa điểm tổ chức:
Theo Bản ghi nhớ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI được ký kết giữa hai đại diện Phật giáo Việt Nam và Nhựt Bổn đăng trên trang nhà GHPGVN cho biết Hội nghị sẽ được chính thức khai mạc tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội vào ngày 20.11.2010 và kéo dài trong 4 ngày liên tục. Và sẽ kết thúc bằng một chuyến du lịch văn hóa ở Vịnh Hạ Long hay núi thiền Yên Tử vào ngày 25.11.2010 sau khi tham dự lễ Khánh thành chùa Bái Đính ở Ninh Bình.
.
Chủ đề và Thông điệp:
Chủ đề chính của Hội nghị sẽ là: Phật giáo và mối quan tâm toàn cầu. Ngoài ra, theo điều 2.1 của Bản ghi nhớ thì Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới VI được Việt Nam xem như sự kiện trên toàn quốc nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Thanh Niên Online ngày 26.5.2010 cho biết nhị vị Hòa thượng đồng Chủ tịch Ban tổ chức (BTC) Hội nghị là Thanh Tứ và Trí Quảng đã cùng cho biết thông điệp chính của hội nghị là tuyên ngôn về đạo Phật nhập thế vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân loại...
.
Thành phần tham dự:
Điều 3.2 Bản ghi nhớ chi tiết hóa về khách mời tham dự gồm 30/33 quốc gia thành viên của của Hội nghị Thượng đỉnh, đó là: Australia, Austria, Bangladesh, Bhutan, Brazil, Cambodia, China (inviting H.H. Panchen Lama 11th), Croatia, Finland, Indonesia, Italy, Japan, Korea, Laos, Malaysia, Mexico, Mongolia, Myanmar, Nepal, New Zealand, Russia, Singapore, Spain, Sir Lanka, Switzerland, Thailand, Uganda, U.K., U.S.A., Vietnam.
Thiếu vắng Đài Loan, Pháp, và Ấn Độ trong khi Trung quốc (China) lại được BTC Hội nghị biệt đãi bằng cách dành riêng 1 điều khoản - điều 3.3. Khách mời thêm - : Đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, trong đó đặc biệt mời ngài Panchen lama đời thứ 11. Đây là lần thứ hai nhân vật Panchen Lama đời thứ 11 của Trung quốc (không phải Panchen Lama của Phật giáo Tây Tạng được đức Datlai Lama công nhận) được nhắc tới trong mục thành phần tham dự này.
.
Tài trợ:
Điều 4.1 của Bản ghi nhớ ghi rằng: Tất cả các nước thành viên (lãnh đạo Phật giáo và thị giả của họ), khách VIP: Nguyên thủ các Quốc gia, chức sắc quốc tế, đại diện Liên Hiệp Quốc, sẽ do tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, Nhật Bản tài trợ. Gói tài trợ này bao gồm vé máy bay và khách sạn cho họ trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Được biết Hội nghị thượng đỉnh PGTG do Hòa thượng Kyuse Kenshin Joh, Tông chủ phái Niệm Phật Nhật Bản thành lập năm 1998.
.
Nhận định:
Trong bài viết: Nghĩ về Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo 2010 đăng trên Phù Sa ngày 30.8.2009, Sa môn Thích Gia Điền nhận định rằng:
"Đạo Phật như một nếp sống tâm linh hiện giờ đang được các nước Tây Phương hâm mộ và chú tâm học hỏi. Trung Quốc rất muốn đóng vai trò lãnh đạo Phật Giáo Thế Giới bằng cách thiết lập Truyền Thống Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Forum) mỗi hai năm một lần. Nhật Bản cũng muốn lãnh đạo Phật Giáo Thế Giới với truyền thống Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo (Buddhist Summit Conference) và đã xây dựng Vương Đường tại Nhật Bản như một tòa thánh Vatican của Phật Giáo tại Nhật Bản. Việt Nam có gì để đóng góp cho tương lai Phật Giáo Thế Giới? Câu trả lời duy nhất: Một nền Phật Giáo Nhập Thế. Một nền Phật Học Ứng Dụng vào các lĩnh vực sinh hoạt của một thế giới đang đi về hướng Toàn Cầu Hóa. Tiến trình này đang được diễn ra trên thế giới. Tổ chức Network of Engaged Buddhism (xuất phát từ Thái Lan), tổ chức Buddhist Peace Fellowship (xuất phát từ Hoa Kỳ), tổ chức Communities of Mindful Living (xuất phát từ Làng Mai Pháp Quốc), và nhiều tổ chức khác nữa có mầu sắc dấn thân khác của Đạo Phật đang là chứng tích của phong trào ấy."
.
BTC Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI đã mạnh dạng Tuyên ngôn về đạo Phật nhập thế ... làm thông điệp chính của Hội nghị như là một đóng góp cụ thể của Phật giáo Việt Nam vào nền tảng Phật giáo thế giới hiện đại. Tiếc thay, BTC đã không dám mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh vốn là một trong những vị đạo sư lớn của nền Phật Giáo Nhập Thế hiện đại và hệ thống Communities of Mindful Living do ngài dựng nên gồm có trên một ngàn đoàn thể Tăng thân trên năm mươi quốc gia về tham dự Hội nghị liệu tuyên ngôn hay thông điệp kia có thực tế không?
.
BTC Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI cũng đã không dám mời Đức Dalai Lama tham dự như là một chứng minh sư cho Hội nghị (Đức Dalai Lama và Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện là hai vị thầy tâm linh được tôn trọng nhất thế giới) thay vào đó lại là Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma ) do Trung quốc dựng lên ngồi vào vị trí đạo sư của Hội nghị thì Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới không còn là Hội nghị Thượng đỉnh của Phật giáo Thế giới nữa mà là Hội nghị Chính trị nhằm củng cố chế độ thống trị của Trung quốc lên đất nước và nhân dân Tây Tạng, đồng thời xóa bỏ bản sắc đặc thù của Phật giáo Việt Nam qua hình ảnh của Tăng thân Làng Mai và Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi đã thành công đánh tan Tăng thân tu viện Bát Nhã tu theo pháp môn Hiện pháp lạc trú của Thiền Sư cách đây 6 tháng. Qua đó với tiêu đề: Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới VI sẽ được tổ chức như sự kiện trên toàn quốc nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ghi ở điều 2.1 của Bản ghi nhớ chỉ là tấm bình phong che đậy sự phản bội đối với tinh thần dựng nước và giữ nước của vua Lý Thái Tổ.
Thật vậy, qua Bản ghi nhớ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI, cho thấy rằng Hội nghị được cấu thành bởi da của Việt Nam, thịt của Nhật Bản, mà hồn lại là của Trung quốc.
Thăng Long, 19.6.2010
Nguyễn Trấn Quốc
----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Bản ghi nhớ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI ( nguồn).
- VN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới 2010 (nguồn).
- Thống nhất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI tại Việt
- Họp bàn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh PG thế giới (nguồn).
- Nghĩ về Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo 2010 (nguồn).
.
.
.
No comments:
Post a Comment