Sunday, June 20, 2010

HOA KỲ: CÁI HỌC NGÀY NAY ĐÃ HỎNG RỒI

Cái Học Ngày Nay Đã Hỏng Rồi!

HOÀNG NGỌC NGUYÊN-Việt Tribune

June 18, 2010

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4749

Những người phê phán chủ nghĩa tư bản thường chỉ ra đặc tính “duy vật” trong những khảo hướng của xã hội này, cái gì cũng cần có tiền, và có tiền là xong cả. Như trong cơn suy thoái hiện nay. Và cả hiện tình xã hội và phát triển của nước Mỹ. Để giải quyết nạn suy thoái, chính phủ đã phải tung tiền ra không phải như nước vỡ ống mà như dầu BP tràn ngoài Vịnh Mexico để cứu vãn những công ty “quá khổng lồ không thể chết được”, rồi cho người ta “tiền kích thích” vừa để cho họ tiếp tục sống vừa cho nền kinh tế vực dậy. Để giải quyết tình trạng người nghèo không có bảo hiểm y tế, chính phủ đưa ra luật y tế đại chúng và cũng bỏ tiền ra, cách này hay cách khác, cho người không thể chi trả bảo phí. Hay để thúc đẩy giáo dục, khuyến khích người ta chịu khó đi học trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc làm không có, chính phủ đang có những chương trình nâng đỡ sinh viên về mặt tài chánh… Chính phủ đang chi tiêu làm cho người thì chóng mặt, ngay cả người chuyên môn nghề in tiền là Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang ông Ben Bernanke, và người thì nóng mặt, chính là những người Cộng Hòa đối lập chẳng có quyền tiêu tiền như chính quyền. Thế nhưng trong vấn đề giáo dục chẳng hạn, chẳng có thể nói như người xưa “Có tiền mua tiên cũng được”, hay nói như người nay “Tiền là Tiên là Phật”.

Nhà bình luận nổi tiếng trên tờ New York Times David Leonhardt cho rằng một trong những điều “an ủi” của cuộc suy thoái hiện nay, nếu không phải là “yếu tố tích cực”, là ở khả năng người ta sẽ đổ xô đi học nếu được chính phủ giúp đỡ, và do đó, qua thời kinh tế hồi phục nước Mỹ sẽ có một lực lượng lao động có học thức hơn, được huấn luyện nhiều hơn, tay nghề cao hơn… Ông chỉ ra rằng vào thời kỳ Đại khủng hoảng trong những năm ba mươi thế kỷ trước, chỉ có 30% học sinh tốt nghiệp trung học. Đến năm 1940, sau một thập niên “tuổi trẻ chẳng biết làm gì hơn là cứ đi học để xem tình hình sao đã”, cái tỷ lệ này lên đến 50%, do đó “cuộc Khủng hoảng (kinh tế) không chỉ làm cho người Mỹ dày dạn hơn, mà còn khôn ngoan hơn”. Trong những năm sau đó, chính những con người nhiều kỹ năng này đã làm nên “một nước Mỹ khổng lồ, nước Mỹ của những công ty General Motors, U.S. Steel, RCA, và IBM”.

Chúng ta nay đang lọt thỏm vào một cuộc khủng hoảng mới, một cuộc suy thoái bắt đầu hai năm rưỡi trước với một con đường ra rất chật vật, con đường hồi phục vẫn còn rất gập ghềnh, quanh co, khúc khuỷu. Cho đến nay vẫn còn nỗi lo về một nạn suy thoái “lưỡng hồi”, tức đã đi rồi nhưng trở lại, khi người ta nhìn đến tình hình châu Âu hiện nay cũng như vết dầu loang ngoài vùng Vịnh Mexico như môt điềm xấu. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay vẫn còn cao một cách bướng bỉnh. Hiện nay đứng ở mức 9.7%, diễn tiến của nó phải nói là khôi hài một cách oái oăm: kinh tế càng phục hồi, người ta càng mạnh dạn đi kiếm việc trở lại, cho nên con số người thất nghiệp, tức những người đang kiếm việc lại tăng, đẩy cái tỷ lệ này ở mức cao chứ không đi xuống. Người ta ước tính rằng may lắm thì cuối năm nay tỷ lệ thất nghiệp này xuống ở mức 9.4%.

Điều này có nghĩa là công ăn việc làm sẽ khó kiếm cho những người không có công ăn việc làm và không có hay chưa có mấy kinh nghiệm đã từng đi làm. Một nhà kinh tế lao động phân tích rằng cái khó hiện nay cho người đi kiếm việc là người ta chỉ thích mướn những người đang có việc làm hơn là những người không có việc làm. Giới chủ nhân ngày càng “thực tế”, càng muốn “bóc lột” ngay, “bóc lột” tối đa người đi làm, cho nên họ không có chỗ cho những người ngù ngờ, đi học việc. Nói cụ thể hơn, rõ hơn nữa, học sinh, sinh viên và những người mới tốt nghiệp có rất ít cơ hội nhân dụng trong tình hình hiện nay, cho dù họ sẵn sàng hơn so với trước chấp nhận những việc tạm thời, ngắn hạn và chẳng có phúc lợi gì cả.

Bởi thế, ngưòi ta chỉ còn có một con đường đi học nếu con đường đó được mở ra. Và nếu con đường đó được mở ra, người ta cũng tin rằng nó sẽ dẫn đến một tương lai sáng lạn hơn cho nước Mỹ, một thời kinh tế phục hồi với một lực lượng lao động có tỷ lệ đã học xong trung học cao hơn và tỷ lệ tốt nghiệp đại học cũng cao hơn. Nước Mỹ đang có nhiều vấn đề về giáo dục, một trong những vấn đề đó là tỷ lệ của giới thanh niên trong những năm gần đây tốt nghiệp đại học quá thấp, chỉ vào khoảng 30%. Tỷ lệ này thấp hơn so với những nước công nghiệp phát triển, và còn thấp hơn so với những nước châu Á tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Nam Triều Tiên.. Đáng để ý là tỷ lệ này cách đây 5 năm còn là 39% – điều này có nghĩa là những thế hệ sau này ít đi học hơn lớp trước. Cho nên, tỷ lệ người thanh niên trên 25 tuổi đã tốt nghiệp đại học hiện nay là 35% – càng cho thấy sự sút kém ở những thế hệ sau này đối với vấn đề giáo dục. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chính vì tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học thấp, cho nên khoảng cách tiền lương giữa người làm việc có bằng đại học và người không có bằng cấp gì cả chênh lệch nhau bình thường từ 2-3 lần.

Và nay người ta nói đến cái lợi của suy thoái đối với việc nâng cao dân trí và thị trường lao động. Người ta hoặc sẽ tiếp tục học hoặc sẽ đi học trở lại bởi vì họ thấy kiếm không ra việc, và khi mất việc thì người thiếu kỹ năng, tay nghề dễ bị ảnh hưởng hơn những người có bằng cấp, có kinh nghiệm, có năng lực. Văn phòng Thống kê Lao động gần đây đã cho biết tỷ lệ số học sinh tốt nghiệp mới đây nay đã ghi tên vào đại học đã đến con số kỷ lục 70.1% trong mùa thu qua, so với 67.2% ghi nhận đuợc vào năm 2007. Người ta cũng nói rằng sự gia tăng này là do sức thu hút mạnh mẽ của những trường cao đẳng cộng đồng (community college), là nơi thường dành cho những sinh viên nghèo và thuộc về giới lao động, là thành phần xã hội thường bị tụt hậu. Người ta nói tuổi trẻ ngày nay nô nức đi học đến độ nhiều trường phải đi mượn những khu phố xá để trống hay các tầng hầm ở các nhà thờ để làm chỗ dạy học vì nhà trường không có đủ chỗ đậu xe và lớp trống.
Như vậy, nhờ có suy thoái mà nước Mỹ đã đạt được điều kiện ắt có để phát triễn giáo dục: người ta chịu khó đến trường. Câu hỏi còn lại, tạm xem là điều kiện đủ, là người ta có chịu khó ra trường hay chăng?
Một trong những vấn đề đáng lo mà những người lãnh đạo ngành giáo dục nước Mỹ thường nói là tỷ lệ bỏ ngang cao quá. Học sinh trung học bỏ học. Sinh viên hai năm mới học một năm đã tự ra trường. Sinh viên bốn năm sau hai năm đã nghỉ ngang. Tỷ lệ học sinh bỏ học cũng phải 30-35%. Sinh viên hai năm cũng tương đương. Và sinh viên bốn năm cũng phải đến 40%. Nước Mỹ vẫn được xem là đứng đầu thế giới về tỷ lệ học sinh đi lên đại học, theo giáo sư Lawrence Katz, một tác giả nghiên cứu về lịch sử phát triễn giáo dục ở Mỹ. Nhưng ông nói “chúng ta không còn dẫn đầu trong một chỉ tiêu thực sự đáng quan tâm hơn: thành đạt giáo dục”.

Trong nỗi lo lắng này, chính quyền Obama đã tung ra một luật về giáo dục với ngân khoản 2 tỷ cho các trường đại học cộng đồng, nhưng nó đi kèm với luật cải tổ y tế cho nên cái ý nghĩa của nó không được nhận thức thấu đáo, và nơi nhận sự giúp đỡ này là đại học cộng đồng làm cho người ta hỏi thế những đại học “chính qui” bốn năm thì sao. Tuy nhiên, thực tế của nước Mỹ là như thế. Quỹ Gates (Gates Foundation) của hai vợ chồng ông Bill Gates đã xem chương trình hai năm là mấu chốt của việc cải thiện giáo dục. Quỹ này đang bỏ ra 400 triệu, tức 1/5 khoản tiền chính phủ liên bang chi, để phát triển giáo dục hệ thống cao đẳng hai năm, đi vào những ngành thực tiễn dễ kiếm việc như y tá, sửa xe, dạy trường mẫu giáo…

Hai năm hay bốn năm trong đời của một thanh niên, nhất là trong đời đi học, có thể là ngắn ngủi chứ không dài, như thế tại sao người ta lại bỏ. Người ta bỏ trước hết là vì không có sức đeo đuổi xét về mặt tài chánh. Nhà nước vừa không có đủ tiền cho tất cả các sinh viên thuộc mọi thành phần, và ở nhiều nơi người ta đang muốn tập trung trợ cấp tài chánh, học bổng cho những người muốn chóng vánh ra trường thay vì những sinh viên dật dờ. Từ câu hỏi này, nhiều nhà giáo dục đang đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng hay chuẩn bị của các sinh viên khi đi vào đại học, tức là nhìn lại quá trình giáo dục trước đó của sinh viên. Liệu họ đã đủ khả năng “biết đọc, biết viết, biết làm toán” chưa mà đi lên đại học, hay cứ học đại đại học, cho dù đại học cộng đồng. Một trong những điều mà lãnh đạo giáo dục đang lo sợ là đầu tư sai lầm vào giáo dục.

Một lý do khác của việc bỏ học là người ta nhìn đến những gì có thể mong đợi trong hành trang của mình khi ra trường, để xem có thể vinh hiển lập thân với những vốn liếng đó hay không. Vào thời xưa tuy cách đây không lâu, người ta ra trường với nét mặt rạng rỡ, hầu như chẳng có chút gì nghi ngờ về khả năng kiếm việc cũng như chuyện lương cao, bổng hậu. Cách đây chỉ mười năm, người ta có thể đứng ở tiểu bang này và nhìn qua tiểu bang khác. Ngày nay, khi ra trường, người ta phân vân cầm mảnh bằng trong tay vì hiểu rằng giới chủ nhân thời nay không phải khó hơn nhưng khôn hơn, thực tế hơn. Họ đòi hỏi thấp hơn để có thể trả lương ít hơn, bù lại bắt người ta học việc ngay tại chỗ nếu muốn được tồn tại vì thông thường họ tin rằng đến 60-70% những gì người ta đã học ở đại học, xí nghiệp chẳng cần đến. Có thể ứng dụng câu “khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, chỉ có biết là sống” trong tình hình lao động ngày nay.

Bởi thế, người ta không thể lạc quan nước Mỹ sẽ sớm trở lại thời hoàng kim vừa về giáo dục vừa về xã hội như cách đây 60-70 năm, khi người ta còn coi trọng mảnh bằng, vì giáo dục đáp ứng được những gì xã hội cần.

Cho nên, để cho giáo dục đi lên, không những ta cần khuyến khích người ta đến trường mà còn phải làm sao cho chiến lược giáo dục, tức dạy cái gì, phù hợp với chiến lược phát triễn đất nước, tức nhu cầu phát triễn đặt ra cho giáo dục. Giáo dục chưa phản ảnh được nhu cầu, vì dường như ta chưa tính được đất nước đang cần gì!

Chúng ta đã có điều kiện ắt có, nhưng cái thiếu nhất trong “chiến lược giáo dục” chính là điều kiện đủ. [HNN]

.

.

.

No comments: