Friday, June 11, 2010

HÀ NỘI BẮT ĐẦU CHIẾN DỊCH THEO DÕI GẮT GAO NGƯỜI DÙNG INTERNET

Phóng sự : Bắt đầu chiến dịch theo dõi gắt gao người dùng Internet

Tháng Sáu 12, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/06/12/phong-s%e1%bb%b1-b%e1%ba%aft-d%e1%ba%a7u-chi%e1%ba%bfn-d%e1%bb%8bch-theo-doi-g%e1%ba%aft-gao-ng%c6%b0%e1%bb%9di-dung-internet/

.

(FreeLeCongDinh) Hà Nội bắt đầu mở chiến dịch theo dõi người dân truy cập internet tại các đại lý . Trong Công văn 15/2010/QĐ -UBND do bà Phó chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ký có nêu rõ quy định : hệ thống máy tính phải cài đặt một phần mềm quản lý của nhà nước.

Khác với những chiến dịch trước đây chỉ hô hào bằng miệng, lần này nhà cầm quyền hành động có phần gắt gao hơn. Các biện pháp kỹ thuật mang tính bắt buộc và được đầu tư nhiều tiền của. Công an, Thanh tra sở vào cuộc, nhà mạng cử nhân viên đến từng cơ sở kinh doanh Internet để kiểm tra, thúc ép.

Những người bất đồng chính kiến lo ngại về lối hành sử của nhà cầm quyền. Nhiều tổ chức nhân quyền bắt đầu lên tiếng phản đối. Trên các mạng xã hội, người ta tỏ ra quan tâm. Blogger dongasg viết trên trang cá nhân của mình : “Ngoài việc giám sát trong tiệm Internet, người dùng sẽ bị theo dõi thêm một lần nữa thông qua các máy chủ đặt tại mỗi quận huyện. Từ máy chủ này, họ có thể lọc ra và định vị những ai bị chú ý.”

Thử tìm hiểu, tôi ghé vào một cửa hàng internet chật cứng khách chơi Game, khói thuốc nồng nặc . Không khí vẫn sôi nổi thường thấy, dường như không ai quan tâm đến chuyện này. Lâm, một sinh viên ngồi bên cạnh bật cười khi tôi tỏ ra lo lắng: “Cứ vô tư đi, chủ quán biết cả đấy, cùng lắm là nhắc khéo cậu thôi”. Tuy vậy, anh khuyên không nên vào các trang web chính trị, theo lời anh “Chưa thấy ai xem phim sex mà bị bắt”, nhưng chính mắt anh đã trông thấy có trường hợp bị CA bắt vì vào “trang phản động”

Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh tỏ ra bất hợp tác vì quy định không hợp lý. Bà L., chủ một đại lý Internet ở quận Hoàng Mai cho biết : “Tôi không thể kiểm tra CMND của khách. Làm thế khách bỏ đi ngay”. Sau đó bà than phiền về những khoản chung chi hàng tháng phải lo lót để yên thân làm ăn.

.

Dạo quanh nhiều cửa hàng khác, nhận thấy đa số đều cài đặt đầy đủ phần mềm theo dõi, mặc dù chỉ mang tính “cho có lệ”. Một nhân viên quản lý phòng net hơi bất ngờ khi tôi xuất trình Chứng minh thư, anh cho biết hiếm thấy khách hàng tự giác làm như vậy.

Khi tôi thắc mắc vê quy định mới của TP, anh nói : “Làm nghiêm cách mấy cũng chỉ được 1,2 tháng. Nếu làm nghiêm thì chúng nó (thanh tra) không ăn được tiền của mình, có mà chết đói”. Tuy nhiên, anh cũng phải luôn nhắc nhở khách hàng khi họ vào website chính trị, một phần vì sợ bị rút giấy phép kinh doanh, hơn nữa là do “không an toàn, vì máy tính tự động lưu lại. Thiệt cho mình, mà cũng nguy hiểm cho khách”

.

Tiếp tục câu chuyện, người quen giới thiệu tôi đến gặp một chủ cửa hàng Nhờ đã được giới thiệu trước, cuộc nói chuyện khá cởi mở. Ông chủ quán chỉ vào một máy tính tồi tàn nằm sâu trong góc cụt, mỉm cười khoái chí : “Máy đấy không nối với máy chủ, chúng nó kiểm tra thì tôi bảo máy hỏng, đang định vứt đi”. Quả thật, chiếc máy giống như hàng phế thải so với dàn máy màn hình LCD xung quanh, nhưng cấu hình của nó khá tốt, có đủ những phần mềm bảo mật.

Giao lại cửa hàng cho vợ trông coi, ông rủ tôi ra ngoài tâm sự. Ông nhớ lại, khi xảy ra vụ đòi đất của giáo dân Hà Nội, ông quyết định đầu tư thêm một máy tính riêng, mục đích để “cô cậu nào thích tìm hiểu thì cứ dùng, tôi hoan nghênh”. Những người “dám chơi” như ông không nhiều. Thậm chí có cửa hàng còn ngầm báo thông tin khách hàng cho CA. Đổi lại, họ được miễn khoản tiền chung chi hàng tháng.

.

Sau vài cốc bia, ông gọi thêm một người cháu đến tham gia. Người được mời đến là một nhân viên kỹ thuật, anh kể lại rằng TP Hà Nội vừa đầu tư số tiền lớn để mua rất nhiều máy chủ. Mục tiêu của họ là mỗi quận huyện phải có một hệ thống giám sát, dàn máy tại các cửa hàng Internet phải được kết nối với hệ thống máy chủ tương ứng với từng khu vực . Công việc giám sát theo hướng quản lý từng vùng, với lượng nhân sự khổng lồ sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Tức là khách hàng sẽ bị theo dõi 2 lần, lần đầu trong quán, lần thứ 2 là trên máy chủ khu vực.

.

Anh cho biết hiện tại chưa biết giải pháp nào hữu hiệu, tuy vậy, anh dè dặt gợi lên ý tưởng dùng Psiphon, mặc dù anh không chắc chắn sẽ an toàn 100% . Khi tôi tự giới thiệu là một blogger tự do và đề nghị được hỗ trợ, anh vui vẻ nhận lời và hứa sẽ viết cách hướng dẫn sử dụng Psiphon.

Trời Hà Nội đã về khuya, chúng tôi đứng dậy ra về. Tiếp tục dạo quanh các hàng net vẫn sáng đèn, tôi bâng khuâng ngắm nhìn những gương mặt trẻ trung đang say mê dán mắt vào màn hình, họ không biết rằng tất cả những gì xảy ra trên màn hình đều bị ghi lại và theo dõi lén lút.

Hà Nội, 10/06.

.

.

.

No comments: