Sunday, June 6, 2010

GIỚI THIỆU SÁCH "HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955-1975"

Đôi lời về quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975”

Lê Hùng Bruxelles

5-6-2010

http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&task=view&id=6397&Itemid=37

Tôi được anh Nguyễn Văn Lục gửi cho xem bản thảo tác phẩm « Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975 », sắp xuất bản vào trung tuần tháng 6/2010 tại Cali.

Sách dày 516 trang, do Tiếng Quê Hương VA 22044 (Hoa Kỳ) trình bày và xuất bản. Đẹp hơn tôi nghĩ ! Nội dung là tập trung những tài liệu lịch sử chính trị và văn học nước nhà suốt một thời mà cuộc đời tác giả, trước 1975, đã kinh qua, được chia làm 3 phần :

Phần đầu, từ trang 31 đến trang 211, dưới tên “SINH HOẠT CHÍNH TRỊ MIỀN NAM”, kể từ cuộc di cư 1954.

Phần hai, từ trang 267 đến trang 366, có tên “ SINH HOẠT VĂN HỌC MIỀN NAM” và

Phần ba, từ trang 375 đến cuối nói về “SINH HOẠT DỊCH THUẬT & BÁO CHÍ MIỀN NAM”.

Phần tài liệu lịch sử, thì hẳn đã có người đọc và biết nhiều hơn tác già. Vì những đề tài viết ra là kết quả thu thập từ những tài liệu đã có sẵn. Cái đáng nói là tác giả gốc Bắc kỳ, trong cuộc di cư 1954-55, dù sao cũng rơi lại trong trí óc người thiếu niên nhiều kỷ niệm riêng tư. Vui khi ra thành. Buồn khi đói khát. Làm sao Nguyễn Văn Lục quên được những dư âm từng vang vọng trong tuổi thiếu niên: « Ám sát. Vào tề. Về thành.Viêt gian. Công giáo. Vác gạo. Lĩnh kĩnh. Ra khơi. Nôn mửa. Kiệt sức. Vào bờ. Cuốc đất. Sinh đẻ. Thành nhân“, dù cho tác giả đã đón trước rào sauhiểu biết trước đây của tôi về cuộc di cư ấy chỉ là những mảnh rời lãng đãng, nhớ nhớ quên quên”.

Với tôi, cái cần ghi nhận nơi tác phẩm là lối trình bày dữ kiện, và cách nhận xét của tác giả. Trên khía cạnh văn học thì ít ra, tác giả phải có một chổ ngồi dầu khiêm tốn giữa những nhà mô phạm chuyên ngành văn chương, triết học. Mà cũng chẳng đúng, vì đâu phải nhà giáo hay nhà triết học nào cũng là người có một địa vị chuyên ngành “ để đời”? Đó là nghệ thuật đặc biệt mà tôi muốn giới thiệu. Cùng một đề tài, cùng một đau khổ, cùng một oán hờn, nhưng đọc giả sẽ có một cảm quan khác biệt sau khi đọc xong mỗi mục truyện. Không giận mà đau. Không buồn mà thích. Tác giả đã trang trải tâm trạng của một con người sống vui và sống buồn rất thật trong nhiều khoảnh khắc. Chẳng khác nào như tâm trạng đứa trẻ khi vừa bước chân lên chiếc tàu “ há miệng”, rồi thấy mình bơ vơ để rồi “thích thú” sau khi nga tay đón nhận viên kẹo từ người lính ngoại quốc.

Hơn người miền Trung nơi tôi sinh ra, lời ăn tiếng nói của tác giả không thoát khỏi ảnh hưởng văn hoá đất Bắc, nhẹ nhàng trong đối thoại, tinh vi trong nhận xét. Dù không nói ra, nhưng người đọc cũng cảm nhận ngay buồn vui của cuộc đời cứ thay phiên nhau biến đổi “Trên chiến hạm hải quân Mỹ đã có người kiệt sức mà chết, nhưng bên cạnh lại có nhiều trẻ nhỏ chào đời” hoặc “ trên biển cả có nhiều người bỏ xác, nhưng bên cạnh có lắm gia đình tìm được bến tự do”. Biết chết mà vẫn say sưa hăng hái. Biết chết mà vẫn dấn thân không chút từ nan. Đúng như lời của nhà văn André Malraux đã nói: “cuộc đời chẳng nghĩa lý gì, nhưng không gì có nghĩa lý như cuộc đời (une vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie). Tất cả, tất cả chỉ là lẽ tuần hoàn của một triết lý, một nhân sinh quan phát xuất từ cá tính.

Về phần Sinh Hoạt Chính Trị miền Nam từ ngày ông Ngô Đinh Diệm về nước chấp chánh, Tác giả đã ghi nhận sự việc từ Ngô Đình Diệm khấp khểnh chống cộng đến Ngô Đình Diệm vấn nạn tôn giáo trong vòng chưa đầy 9 năm, tác giả đã khéo đưa người đọc đến cái nhìn chuẩn xác hơn. Không bênh ai. Không đả ai. Công giáo giận nhưng vẫn thương. Phật giáo ghét nhưng không thù. Đó là nhờ tánh lương thiện của con người cầm bút đáng nể Bởi lẽ, nặng lời với người đã khuất thì quá dễ dàng, ngay cả đối với bọn thiếu trí thức hay bầy tôi phản chủ. Lời nói của Nguyễn Văn Lục càng có giá trị trung thực hơn vì tác giả chưa từng có tên có tuổi trong lớp trọng vọng “áo mũ nghênh ngang”của thời vàng son chế độ.

Bối cảnh nhiểu nhương của đất nước suốt 20 năm đã cho Nguyễn Văn Lc nhiều khái niệm để nhìn đời. Độc giả lớn tuổi làm sao quên được trong đời mình đã thấy cảnh cha mất con, vợ mất chồng, vì bị tư thù gây cảnh chết chóc, đôi khi chỉ chút đỉnh chung! Những lứa tuổi sáu mươi làm sao quên được chiếc đầu lâu người hàng xóm trên gộc tre dọc đường hay ngoài chợ? Vâng, lứa tuổi Nguyễn Văn Lục làm sao quên được trong đời mình đã nghe những mẩu chuyện tù đày do “quan trên đè quan dưới” tạo ra? Trên bục giảng, Nguyễn Văn Lc làm sao tránh được nỗi ưu tư trước cái đau của đứa học trò mồ côi cha mẹ? Ngoài xã hội, Nguyễn Văn Lc làm sao không đặt ra những câu hỏi về dư luận của dân gian? Nguyễn Văn Lc ghi sự kiện như người chụp ảnh hành nghề, nhưng Nguyễn Văn Lc không quên đưa ra nhận xét đặt lại vấn đề. Phần này, tôi xin mời đọc giả gắng đọc thêm để tự hiểu, đánh giá tác phẩm và con người. Tuy nhiên, có một điều tôi muốn nhấn mạnh nơi nhà mô phạm chuẩn mực Nguyễn Văn Lc; đó là văn phong không vượt ra ngoài lễ giáo của một thế hệ “tiên vi lễ, hậu vi văn”.

Hai phần còn lại, tác giả đề cập đến ngành văn học và nghệ thuật suốt thời đệ nhất và đệ nhị cộng hoà miền Nam Việt Nam. Phần này tác giả trình bày với kinh nghim chuyên môn, nên lời văn có lý luận cách khẳng định. Uy thế nhà giáo có thừa để tranh cãi. Ngoài phần văn chương và văn học nghệ thuật tác giả đã đề cập đến triết học hiện sinh tại miền Nam. Đây là phần tôi muốn mời bạn đọc đi vào cuộc với nhà mô phạm triết gia. (từ trang 414 đến trang 438).

Tôi muốn nói rõ là tôi không phê bình mà chỉ muốn giới thiệu tác phẩm của một ông giáo sư triết học từ trong nước qua lối nhìn cá nhân. Nói vậy tức là tôi không muốn học đòi bất cứ nhà lý luận nào thường vận dụng sở kiến hay ưu thế của mình đặt để lên việc làm của người khác. Tôi khẳng định, một thời tại miền Nam trong thập niên 60, rất nhiều sách báo đã ứng dụng sở trường này. Những “sách vở sáng giá nhất » đều dành riêng cho một mớ “đại trí thức” với nhiều “phó bản” văn chương từ nước ngoài về nhập cuộc. Làn sóng “tự đắc và tự kiêu” này lại được hổ trợ của những thương gia buôn ngành báo chí và ấn loát. Việc này, vô tình hay hữu ý, hành động của họ đã đánh phá cái tự do của người khác. Chèn ép, đè nén, lấn át tư duy kẻ khác là hành động làm èo ọp tánh chất đa dạng của văn học.

Tôi xác nhận có nhiều vị giáo sư trẻ từ nước ngoài đã đem lối nhìn phảng phất triết học “hiện sinh” vào trong văn chương Việt Nam, nhưng tôi cũng chưa đọc được tác phẩm sáng tạo nào trong lối nhìn mới, đặt để trên nền Văn học hiện thực Việt Nam. Cũng vì điểm này, mà một thời vào thập niên 60 tôi đã “gay gắt” với những cậu thanh niên đầu tóc bù xù, áo quần tơi tã, mắt lờ đờ ngủ gật, hút thuốc, uống rượu và la cà trong các hộp đêm. Có thể, vì người ta đã nghĩ có như thế mới là “hiện sinh”, mới biết đặt câu hỏi cuộc đời là gì ? Một thời, tôi đoán họ chỉ biết mấy chữ “có có, không không”, hoặc « hiện hữu, hư vô », họ bàn với nhau trong quán rượu, trên gác trọ, bên bàn đèn thâu đêm nào những Blaise Pascal, Friedrich Nietzsche, Henri Bergson, Martin Heidegger, Karl Jaspers và nhiều triết gia khác nữa. Ngoài chợ, một số sách xuất bản đầy dẫy những từ ngữ “lạ hoắc” bên Ấn độ, bên La Hy có ẩn ý “chộ” kẻ khác vì kẻ viết chưa chắc hiểu hết chữ nghĩa đưa ra dùng, và tự cho rằng đó là triết lý thời đại !.Tôi dám nói vì cho đến ngày Việt cộng chiếm được miền Nam Saigon, chưa một tác phẩm nào trong văn đàn Việt Nam giải thích rõ ràng về Sartre, cha đẻ của triết lý hiện sinh.

Vâng, người ta có nói tiểu sử của Jean-Paul Sartre, có nhắc bạn bè Albert Camus và Simone de Beauvoir của Sartre, người ta có nói thời đại phát xuất triết lý hiện sinh của Sartre, nghĩa là “qua loa” như lối viết triết lý “ăn thịt gà với lá chanh” của Tản Đà, hay là triết lý “lao đầu xuống sông Tiền đường” của cô Thúy Kiều.

Những hình ảnh “hiện sinh” thời đại thập niên 60 làm tôi khó quên được. Theo tôi, sở dĩ có hiện tượng này, cũng vì cái chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào nước ta không được hướng dẫn đúng đắn. Các giáo sư triết học trẻ từ nước ngoài mới về đã làm cho lớp sinh viên “bội thực”, không tiêu hóa kịp. Vâng, lớp thanh niên thời đại 60 đã học vẹt những “bản vị, tha nhân, vong thân, phản kháng”, nhưng họ có biết rõ xuất xứ cá biệt mỗi loại từ ngữ mà họ đang học hay không? Lắm lúc tôi nghỉ có một thời thế giới trẻ VN ưa làm ra vẻ họ là “Sartre thời đại”, nhờ học được cuốn “l’Être et le Néant”, rồi đưa ra các từ ngữ mới như “tự nội thể” (Être-en-soi), “ tự quy thể” (Être-pour-soi) và “Tha phóng thể” (Être-pour-autrui)“ (*); chứ họ không phân loại ? Mà thật, triết lý hiện sinh của Sartre có bao nhiêu loại thì cho đến by giờ trong những lớp này cũng ít người trả lời đúng đắn.

Tôi xác nhận trong các giáo sư trẻ thì Nguyễn Văn Trung là người có ảnh hưởng nhiều cho lối sống mới của lớp thanh niên nam nữ sinh viên thời 1960, nhất là những năm đầu ông dạy ban Triết tại trường Quốc Học Huế. Ông là giáo sư có công cho một lối lý luận và suy tư theo quan điểm Tây Phương. Ngoài ra, văn hoá chốn Thần Kinh cũng là một nhân tố của người Huế rất dễ ăn khớp với cái “mốt mới”, cái mốt “lý lúận kênh kiệu”, cái mốt “ta-là-các-mệ-thời-nay”. Chính cái mốt mới này đã nhập cảnh vào Saigon không cấn có “visa” và đã được chấp nhận dễ dàng của lớp thanh niên nam nữ trong tình trạng chiến tranh của đất nước. “Hãy sống, hãy thụ hưởng, vì đâu biết ngày mai chúng mình sẽ ra sao?

Triết theo Kim Định là Triệt. Phải hiểu đến chỗ “rốt ráo” của sự vật. Không những bằng lý thuyết, mà phải bằng tỷ dụ khúc chiết rõ ràng. Khi nhà điêu khắc làm cho bạn một bức tượng, dù cho đặt để ở đâu cũng là bức tượng của bạn. Sự hiện diện bức tượng cả nguyên “một cục đặc sệt” , triết học gọi là “hữu thể tự nội” (être-en-soi). Bạn theo một tôn giáo vì cái tôn giáo đó giúp bạn Ý Thức (conscience) về luân lý chẳng hạn. Ý niệm về luân lý thoạt trông có vẻ không phải là sẵn có trong bản vị (tự thân) của bạn, tức ở đâu đâu, ngoài bạn (le non-être). Tuy nhiên vì nó ám hợp với tâm tính, « Hữu Thể Tự Quy » (être-pour-soi) có Ý Thức là bạn, nên làm như bạn đợi nó và nó đã đến với bạn ! Đến đây, bạn đã có hai cái « thực thể » riêng rẽ. Cái tự thân (l’être) và cái ngoại thân (le non-être). Nếu lối sống và cảm nghĩ của bạn lệ thuộc vào « cái nhìn » của người khác, dẫu đó là người yêu của bạn (le non-être), thì chính bạn đã đánh mất cả tự do, vì bạn trở thành sở hữu của tha nhân (l’être-pour-autrui). Khi không cắt nghĩa với tỷ dụ rõ ràng, các từ ngữ của triết lý trở thành cái đầu tóc bù xù.

Hơn nữa, hình như thời đại 60 cũng vì cái mốt « vô chữ nghĩa bất thành phu phụ », cái mốt “trí thức”, cái mốt giai cấp” đôi khi đã tạo ra một cái mốt « không biết gì» trong xã hội miền Nam và đâu đó. Những râu ria bồm xồm, những áo quần lếch thếch, những mùi thuốc cần sa, những hippy... thỏa mãn với cái tên gọi là “triết học hiện sinh” thời bấy giờ đã trở thành một hiện tượng rất phồ quát và cao ngạo. Nếu bảo rằng những hiện tượng « đếch cần đời » tại miền Nam là phản ảnh của triết học hiện sinh Sartre, thì chỉ đúng một phần tuỳ theo giai đoạn mà Sartre đang sống. Thực ra, Sartre chỉ là con người tự do chọn lựa thật sự cho chính mình. Con người mà xã hội kỷ cương cho là « ương ngạnh ». Nghịch ý Hegel, thần phục Marx, chối bỏ Thượng đế, rồi trở lại chống đối cộng sản, từ chối giải thưởng Nobel, tất cả đều do ông tự do quyết định, bởi vì đối với Sartre thì « kẻ khác là hoả ngục » (l’enfer c’est les Autres). Chính ý thức này đã tạo ra xã hội con người hôm nay rất nhiều đố kỵ và thù nghịch.

Triết lý thì muôn vàn chiều hướng . Cũng như hôm nay, khi xã hội đang tôn thờ Sigmund Freud như tôn thờ chúa Jésus, thì đã có người muốn tháo gở « bù long » nhà tâm thần Freud. Đó là giáo sư Michel Onfray, đại học Caen, đã viết trong một tiểu luận 600 trang dưới nhan đề « Le crépuscule d’une idole » (hoàng hôn một thần tượng). Onfray cho rằng Freud chỉ là một cá nhân đã « cô đọng một số quan điểm của kẻ khác rồi đem lồng vào cho mình » (cristalliser un certain nombre de positions, les passer sous son bonnet)…Và đặc biệt cá nhân đó đã thành công trước một số « trí thức thời đại » từng xem như vị Giáo Hoàng…Lối trị bệnh tâm thần của Freud là trị bệnh giấy tờ (guérisons de papier). Năm 1918 Freud nói đã trị được bệnh, nhưng mãi đến năm 1974 thì Sergueï Constantinovitch Pankejeff (1887-1979) đã 87 tuổi và đã cho báo chí biết là bệnh ông không lành dù đã đi qua Freud và hơn 7 môn đệ của Freud!. Một số sử gia thì bảo rằng Freud đã sửa đi sửa lại lý thuyết và nhiều trường hợp thay từ nguyên nhân (causes) ra kết quả (effets) hay ngược lại từ hiệu quả (effets) ra nguyên nhân (causes)…tất cả chỉ là một loạt lý thuyết hư cấu (fiction littéraire) do ông tạo ra và sau đó được in ấn, được truyền tụng từ năm này sang năm khác của các giáo sư đại học và trung học. Rồi mọi người cứ tin Freud qua sự truyền tụng đó cho đến khi một số sử gia điều nghiên kỹ mới thấy lối trị bệnh tinh thấn của Freud là hoang tưởng. Điều đáng sợ cho chúng ta là dưới bản kinh thánh Freud, con người hôm nay đang bị trị bởi chế độ độc tài tâm thần (régime dictatorial du psy).

Tôi nghĩ, triết lý hiện sinh của Sartre cũng không đi ra ngoài lời phê phán đó. Sartre là Sartre và Tôi là Tôi. Sartre được mang danh « triết gia hiện sinh » một phần nhờ cá tính « ương ngạnh », chống đối lại tất cả những sức mạnh của xã hội Pháp do chính quyền đương thời tạo ra, và một phần do các nhà có trọng trách trong phạm vi giáo dục. Cá tánh « ương ngạnh » của Sartre du nhập vào Việt Nam và được phát triển cách xô bồ nhanh chóng trong một thời buổi tao loạn giữa « ý thức hệ » là điều dễ thấy. Nhưng đó là chuyện quá dong dài, ngoài mục đích bài viết này.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là tôi thích thú để giới thiệu với đọc giả, một quyển sách sắp « trình làng » của một nhà mô phạm, một nhà văn lương thiện, yêu nghề và thích học hỏi. Cái công lớn của tác giả là đã « toát yếu hoá » nhiều tài liệu lịch sử nước nhà trong một giai đoạn chiến tranh giúp cho người đọc dễ dàng thu nhận và định vị. Tôi cũng có lời cám ơn tác giả cho tôi đọc bản thảo cách đây mấy ngày để có dịp nói lên quan điểm của mình.

Bruxelles ngày 01/06/2010.

Lê Hùng Bruxelles.


Theo học gỉ Lê Việt Thường (Melbourne) thì:

* “l’Être-En-Soi” là “Tự Nội Thể” hay “Hữu Thể Tự Nội”, dùng để chỉ SỰ VẬT mà đối với J.P. Sartre, có tính cách dầy đặc không có chỗ nào hở trồng nên không thể nào khả tri đối với con người, nghĩa là không có đặc tính, không có ý nghĩa nào cả…….Tóm lại có tính cách VẬT CHẤT và TRỪU TƯỢNG.

* “l’Être-Pour-Soi” là “Tự Quy Thể” hay “Hữu Thể Tự Quy” dùng để chỉ các Sinh Vật có Cảm Tính, một cách đặc biệt Con Người với sự hiện diện của Ý THỨC . Cũng như từ khước sự hiện hữu của “Tự Nội Thể” (l’Être-En-Soi) tức Sự Vật vì Sự Vật không có ý nghĩa gì cả!

* “l’Être-Pour-Autrui” là “Tha Phóng Thể” hay “Hữu Thể Tha Phóng” để chỉ tình trạng con người bị LỆ THUỘC vào cái Nhìn của người khác nên bị “Vong Thân”, “Tha Hóa“……

.

.

.

No comments: