Festival Huế: Lịch sử được phục hiện như đồ...giả!
Tác giả: Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế)
Bài đã được xuất bản.: 12/06/2010 06:00 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2010-06-11-trang-page-3
Nếu lịch sử chỉ là “đồ giả” thì chỉ nên gọi đó là vở kịch hóa trang chứ không thể liều lĩnh gọi là “tái hiện” lịch sử. Đó là nguyên tắc. Vi phạm sự trung thực của lịch sử tức là chúng ta đã làm giả lịch sử đến hai lần.
-------------------------
.
Múa kiếm diệt giặc, tay đeo… đồng hồ điện tử
Trong chương trình Festival Huế 2010 có màn trình diễn đặc sắc: Tái hiện thủy chiến oai hùng của thủy binh thời Chúa Nguyễn. Hàng ngàn diễn viên với cả một rừng màu sắc được dàn dựng một cách công phu, hoành tráng chứng tỏ những nhà thiết kế, đạo diễn đã nỗ lực rất nhiều! Tuy nhiên, cảm giác chung của khán giả thì cái gọi là phục hiện lịch sử ấy nó giông giống với một vở tuồng chứ không phải là hiện thực lịch sử của cha ông.
Trước hết, phải thống nhất rằng lịch sử sẽ không còn là lịch sử nữa nếu chúng ta tùy tiện sắp đặt và dàn dựng một cách phi lý. Vi phạm nguyên tắc này thì mọi chương trình sẽ trở thành “đồ giả” tẻ nhạt và nhàm chán. Chẳng hạn, người xem phim “Thăng Long đệ nhất kiếm” đã phải cười vỡ bụng khi thấy các “kiếm sĩ” múa kiếm diệt giặc Thanh mà tay lại đeo đồng hồ điện tử!
Nói một cách khác, tính chân xác của lịch sử càng cao bao nhiêu thì chương trình càng lôi cuốn và hấp dẫn bấy nhiêu. Ngược lại, nếu lịch sử chỉ được sự phục dựng một cách sơ sài, hời hợt kiểu tùy hứng, phi lý của đạo diễn thì làm sao Festival trở nên đặc sắc, riêng biệt?
Các thủy binh thời Chúa Nguyễn đã từng làm cho “hải quân nhiều nước phương Tây phải khiếp nhược” (lời dẫn của MC Trần Thu Hương) có lẽ đã buộc người xem phải giật mình về tính quá lời của nó. Minh chứng rõ nhất là chưa thấy cuốn sử sách nào khẳng định rõ rệt điều này.
Sự hồ nghi tăng thêm khi thấy rằng tại sao thời các Chúa Nguyễn – cụ thể ở đây là bắt đầu từ năm 1635, khi Chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định chọn Huế làm kinh đô, lại có thể ăn mặc lòe loẹt với đủ kiểu trang phục xanh lam, xanh lục, đỏ, tím, vàng, nâu, tía, hồng, chàm… như thế? Làm gì có chuyện thủy quân Việt Nam nghèo lại có thể “giàu có” quá mức và quá “lố” về trang phục?
Rất nhiều diễn viên nữ nhưng không ít cô đeo kính cận làm cho người thưởng lãm có cảm giác lịch sử đang bị đánh lừa. Ít nhất, thời đó chưa có (nếu không muốn nói là không có) các cặp kính cận sang trọng đến mức ấy. Nó làm chúng ta nhớ đến nền văn minh thời cao tốc: Giàu có quá mức so với thực tế của đất nước, cha ông.
Ngoài sông, khá nhiều thuyền “chiến” đậu và tất cả đều giương cao những lá buồm lớn hình vuông. Có đời thuở nào thuyền cặp bến rồi mà buồm không hạ lại hay không? Nếu biện minh rằng đó là cảnh đoàn thuyền đang tiến đến thì lý giải ra sao cái vụ đại bác (tức pháo hoa) bắn, nhưng nền nhạc lại cứ đều đều, dật dờ chẳng giống với chiến trận một chút nào?
.
Tái hiện hay coi thường lịch sử?
Đạo diễn chương trình đã bất chấp lịch sử khi “mặc” cho “Chúa” trang phục là hoàng bào (!) Đó là màu áo của riêng nhà vua và chỉ có vua Lê mới có quyền mặc nó chứ Chúa Nguyễn chẳng “dại gì” (và không dám) ngạo ngược đến như vậy. Không một vị chúa nào lại dám ngang nhiên phạm tội khi quân trừ phi tự mình xưng vương.
Đó là chưa nói chuyện chính các sắc màu phản cảm, phô trương đã làm giảm hẳn tính chiến đấu, sự hào hùng của lực lượng thủy binh. Lẽ tất nhiên, chẳng có thủy binh nào lại mặc áo quần màu vàng hay màu hồng! Đó là màu của khuê phòng (và chỉ có hoàng tộc) trong chốn thâm cung, bí sử.
Thủy binh hay bất kỳ đội quân nào thời phong kiến đều có quy định nghiêm ngặt về trang phục. Các nhà tổ chức có biết điều đó hay không? Huế có rất nhiều nhà sử học nghiên cứu về thời trung đại của Việt
Tái hiện lại lịch sử theo cách như trên thực chất là coi thường lịch sử. Thời các Chúa Nguyễn lam lũ, nhọc nhằn lắm; chẳng có ai đủ tiền, đủ của để ăn mặc như vậy đâu. Chương trình không “nói” rõ đây là trích đoạn hay trường đoạn nào trong hàng trăm năm của Chúa Nguyễn.
Bởi người xem thấy là phần thao diễn trên bộ có rất nhiều người lính vác súng trường nhưng đến khi xung trận thì lại chỉ có giáo, kiếm mà thôi? Lẽ ra nếu các khẩu súng tây phương đó có xuất hiện thì cũng phải để chúng vào những cảnh sau cùng.
Thao diễn (gần giống với tập trận như cách gọi thời nay) phải càng thực càng tốt chứ chỉ có hàng đoàn thuyền độc mộc đi qua đi lại thì buồn tẻ lắm. Nếu suy rộng ra thì những con thuyền độc mộc có mạn thuyền thấp như thế (chúng là những “diễn viên” chính), làm sao đủ sức để khiến hải quân phương Tây bạt vía, kinh hồn?
Về sáng tạo nghệ thuật trên nền lịch sử, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng thời của các Chúa Nguyễn phải khác so với thời các Vua Nguyễn. Đây là điều đạo diễn chương trình đã “quên”. Ăn mặc, phong cách, nghi lễ – cái gì cũng giống y chang nhau thì còn gọi để phân biệt hai thời vua – chúa làm gì?
Rất mong những ý nghĩ chủ quan của người viết bài này được các nhà tổ chức Festival rút kinh nghiệm để cho những lần sau, lịch sử sẽ được tái hiện giống như là nó đã xảy ra. Có như thế thì Huế mới là Huế.
Hàng vạn du khách muốn nhìn thấy Huế của ngày xưa nó ra làm sao chứ không phải là cái ngày xưa ấy được ngày nay chế biến theo khuôn mẫu Game online! Nếu lịch sử chỉ là “đồ giả” thì chỉ nên gọi đó là vở kịch hóa trang chứ không thể liều lĩnh gọi là “tái hiện” lịch sử. Đó là nguyên tắc. Vi phạm sự trung thực của lịch sử tức là chúng ta đã làm giả lịch sử đến hai lần.
.
.
.
No comments:
Post a Comment